Tấm bằng đại học Pháp trị giá bao nhiêu?

Trong số các nước phát triển, Pháp là một trong số hiếm những nước có nền giáo dục đại học (hầu như) không phải trả tiền, một việc làm đắt giá đối với chính phủ nước này. Tờ báo kinh tế Challenges (Pháp) ngày 7/9 mới đây có bài viết nhan đề Le vrai prix des études en France – tạm dịch “Giá thành thực sự của việc đào tạo đại học ở Pháp”. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc (bài viết giới hạn trong khối các trường công lập).

Ngân sách đào tạo đại học – bài toán hóc búa

Mùa xuân vừa qua, ở Anh, Mexico, Ý, Québec (Canada)… đã diễn ra những cuộc biểu tình của sinh viên các trường đại học phản đối tình trạng học phí ngày càng tăng trong khi chất lượng giảng dạy lại giảm sút. Tại Pháp, nếu sự thể này chưa xảy đến thì đó là do chính phủ chưa hề có ý định tăng học phí các trường đại học, một đề tài hết sức nhạy cảm.

Vậy mà các trường đại học của Pháp cũng phải đương đầu với nạn thiếu hụt kinh phí như các trường đại học khác trên thế giới. 90% kinh phí hoạt động của các trường đại học (và cao đẳng nói chung) do nhà nước rót (ở Anh hay Nhật Bản, con số này vào khoảng 40%). Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi cơn khủng hoảng kinh tế, nhà nước cũng không cắt giảm khoản ngân sách này.

Trung bình hàng năm, Pháp chi 14.100 USD cho mỗi “đầu” sinh viên (so với 15.300 USD ở Anh, Đức, hay 30.000 USD ở Mỹ…). Có điều, con số trung bình này che khuất sự bất quân bình, với khoảng cách khá lớn, giữa sinh viên các ngành khác nhau, giữa các trường khác nhau. Ví dụ: một sinh viên ngành khoa học nhân văn “tiêu tốn” của quốc gia khoảng 3.600 euro một năm, trong khi học viên một ngôi trường cấp cao (tạm dịch từ chữ grande école) có thể “được chi” tới 10.000 euro.

pic

Trường đại học bách khoa Paris

“Nước Pháp có điểm đặc biệt là dồn tài lực cho giới tinh hoa của mình – bà Marie Duru-Bellat, nhà xã hội học đồng thời là giảng viên trường khoa học chính trị Sciences-Po – nhận xét. Trên thực tế, đào tạo một sinh viên đại học bách khoa Polytechnique “tốn” gấp 15 lần so với một sinh viên văn chương”. Hơn thế nữa, hàng tháng, mỗi sinh viên trường sư phạm École normale được nhận 1.500 euro, sinh viên trường Polytechnique 800 euro. “Tại sao lại tập trung nhiều cố gắng như vậy vào những sinh viên vốn đã rất được ưu ái, những người sẽ không gặp mấy khó khăn khi gia nhập thị trường lao động?”.

Ở Pháp, nhà nước chịu trách nhiệm gần như toàn bộ kinh phí dành cho đào tạo đại học trong hệ thống các trường công lập. Mức học phí được ấn định như nhau đối với tất cả các trường trên toàn quốc. Năm học 2012 – 2013, học phí đối với sinh viên đại học là 181 euro; sinh viên cao học là 250 euro; sinh viên làm luận án tiến sĩ là 380 euro, sinh viên các trường đào tạo kỹ sư là 596 euro.

(Nguồn: campusfrance.org)

Giáo sư kinh tế Philippe Aghion của trường Harvard (Mỹ) thì nói: “Hai năm học đầu tiên ở các trường đại học (université) là một sự lãng phí lớn về người và của. Nhiều bạn trẻ ghi danh vào những ngành khó có khả năng tìm được việc làm sau này”. Theo ông, đó là lỗi của hệ thống hướng nghiệp, thiếu sự liên thông giữa các ngành đào tạo với nhau…

Hệ thống đào tạo đại học của Pháp ngày càng trở nên bất bình đẳng. Từ năm 2006 tới 2010, tỷ lệ con em các gia đình thuộc tầng lớp bình dân theo học ở các trường đại học (và cao đẳng) giảm từ 35% xuống chỉ còn chiếm 31%, trong khi tỷ lệ con em tầng lớp khá giả tăng từ 32% lên 36%. Tại các trường grande école, con em công nhân chỉ còn chiếm 10%. 26% sinh viên Pháp được nhận học bổng, mức cao nhất lên tới 4.700 euro/năm, đây là con số thấp trong số các nước phương Tây.

Hàng năm nhà nước dành khoảng 1,8 tỉ euro cho việc này. Nhưng cách thức phân phối học bổng khiến cho sinh viên khá giả lại thường là người được hưởng lợi nhiều hơn. Cơ quan thống kê quốc gia chỉ ra rằng nếu người được hưởng học bổng đa số là sinh viên nghèo, thì sinh viên khá giả lại được hưởng những ưu đãi về tài chính và thuế đáng kể hơn. Theo quy định về thuế thu nhập, các gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái tới năm 21 tuổi, thậm chí tới 25 tuổi nếu chúng theo học đại học. Các gia đình khá giả hưởng lợi nhiều hơn nhờ khoản khấu trừ này, trong khi ngân sách nhà nước thì bị “lõm” đi 800 triệu euro…

Chính sách hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên cũng là đề tài gây tranh cãi. Theo đó, chính phủ trợ giúp chỗ ở cho mọi sinh viên khi họ phải thuê nhà của tư nhân mà không đòi hỏi điều kiện gì đi kèm, không tính đến mức thu nhập cụ thể của từng gia đình… Chính sách “bình quân” này hàng năm tiêu tốn 1,5 tỉ euro ngân sách công. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần phải tập trung giúp đỡ những gia đình có thu nhập thấp. Chính phủ cũng đã vài lần có ý định sửa đổi chính sách này nhưng không thành…

Việc khẩn cấp cần làm trước mắt đối với các trường đại học Pháp hiện nay là… tìm ra tiền. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục, có tới 20 trường có nguy cơ bị “phá sản”. Điều luật về giáo dục đại học năm 2007 đã giao cho các trường nhiều quyền tự chủ hơn về quản lý và ngân sách, nhưng đồng thời cũng “đóng khung” định mức cấp phát kinh phí, khiến nhiều trường lâm vào tình cảnh “khủng hoảng ngân sách”.

Tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới giờ đây đều đang phải đương đầu với bài toán hóc búa ngân sách dành cho đào tạo đại học. Nhiều nước đòi hỏi các gia đình gia tăng phần đóng góp. Ở Anh, chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã tăng mức học phí lên gấp 3 dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của sinh viên. Ở Pháp, tăng học phí là chuyện “kiêng kỵ”, người dân quan niệm việc đi học “gần như không tốn tiền” như là một “quyền công dân”. Khoản học phí mà các sinh viên đóng cho nhà trường mang tính “tượng trưng”, từ 180 tới 250 euro/năm tùy bậc học hay bằng cấp. Một tổ chức nghiên cứu đã khuyến nghị chính phủ tăng học phí lên gấp 3 – 4 lần, đồng thời miễn học phí đối với những gia đình nghèo nhất.

Đa dạng hóa nguồn kinh phí cho các trường đại học

Trên thực tế, một số trường không chờ nhà nước đồng ý mà đã chủ động nâng mức đóng góp học phí của sinh viên. Trường Paris-Dauphine tăng mức học phí cao học lên tới 4.000 euro mà vẫn không làm giảm số lượng sinh viên ghi danh. Trường Sciences-Po lập biểu đóng học phí từ 0 tới 9.000 euro dựa theo mức thu nhập của cha mẹ sinh viên, giúp tăng ngân sách của trường lên gấp 5…

Một giải pháp khác cũng được xem xét là việc cho sinh viên mượn tiền đi học với lãi suất bằng 0. Khoản mượn này được sinh viên hoàn trả khi thu nhập của họ đạt tới một ngưỡng nào đó. Nhưng thực hiện như thế nào thì cần suy nghĩ kỹ để sinh viên không bị “đè bẹp” bởi các khoản nợ ngân hàng tư nhân như ở Mỹ…

pic

Trong khuôn viên trường đại học Paris XI

Một số trường tăng cường bộ phận đào tạo thường xuyên (tại chức) để tăng thu. Các trường cũng tìm cách kêu gọi sự hào phóng của cựu sinh viên. Từ năm 2008 tới nay, các sinh viên cũ của trường Polytechnique đã đóng góp cho trường 35 triệu euro. Có trường liên kết đào tạo với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp chính là những “khách hàng” đầu tiên được hưởng lợi từ những “sản phẩm” mà trường đại học cho “ra lò”. Một chuyên gia thậm chí còn đề nghị, doanh nghiệp nào tuyển dụng người do các trường công lập đào tạo thì phải “trả” cho nhà nước một khoản phí nào đó. Nói một cách khác, trong tương lai, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế… cần đóng góp nhiều hơn cho nền giáo dục đại học nước nhà…

Ninh - Hà Nguyễn - Quốc(Canada)