Nhu cầu được thư giãn, vui chơi, du lịch là rất chính đáng và cần thiết sau những ngày làm việc mệt nhọc. Điều đó giúp người ta cân bằng được cuộc sống, tâm sinh lý, nạp lại năng lượng để sống và làm việc có chất lượng hơn… Nhưng liệu tất cả những điều quý giá đó chỉ tìm được ở bên ngoài cánh cửa gia đình?
ĐI TÌM NIỀM VUI…
Có lẽ chưa bao giờ các khu ăn uống, vui chơi, giải trí lại nở rộ khắp các địa phương như thời gian gần đây… Nhiều nơi đông nghẹt, chen chúc nhau, nhất là sau giờ làm việc. Chuyện đó không chỉ ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, dù cơn “bão giá” đang “càn quét” không chừa một chốn nào. Nhất là vào những ngày nghỉ lễ kéo dài đến 3, 4 ngày là lập tức báo chí đưa tin “các bến phải tăng cường xe” hay “cháy vé”. Các khu vui chơi quá tải, cụ thể như khu du lịch Suối Tiên, Đầm Sen ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cảnh giao thông tắc nghẽn, người đi đường phải nhích từng ly, mệt mỏi, con trẻ mệt nhoài, rũ rượi…
Đi chơi để cho vui nhưng không ít người ngao ngán, thấy mất quá nhiều thời gian, sức lực, bị “móc túi” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bị các dịch vụ “chặt chém” đau điếng, bị hét giá trên trời… Nhiều người kêu ca nhưng rồi lần sau, nếu được nghỉ nhiều ngày như thế họ lại rủ rê nhau đi ra ngoài chơi, như lần trước…
Thật ra chuyện thư giãn, vui chơi, du lịch là nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết sau những ngày làm việc mệt nhọc. Điều đó cũng giúp người ta cân bằng được cuộc sống, tâm sinh lý, nạp lại năng lượng để sống và làm việc có chất lượng hơn…
Với những gia đình có thu nhập khá, ở Việt Nam hay ở nước ngoài, họ đều có kế hoạch đi nghỉ cuối tuần (nhiều người có nhà nghỉ riêng ở ngoại thành chẳng hạn) hoặc có kỳ nghỉ hàng năm hay những chuyến du lịch được chuẩn bị một cách chu đáo. Đơn giản hơn, cuối tuần họ cùng bạn bè hay gia đình tổ chức một buổi cắm trại hay picnic để thay đổi không khí, để gần gũi với bạn bè và thiên nhiên hơn…
Tóm lại đó là cách vui chơi, nghỉ ngơi một cách chủ động. Nhưng ở nước ta thì hầu hết là thụ động. Ào một cái là tất cả cùng ra đường, tìm đến những nơi vui chơi vì thế mà sinh ra lắm cảnh dở khóc dở cười, mục đích là thư giãn không đạt được mà còn khiến người ta căng thẳng hơn vì những nơi cung cấp dịch vụ, tàu xe kém chất lượng hơn, những cơ quan bảo vệ an ninh trật tự làm cũng không xuể. Chưa kể những kẻ xấu lợi dụng dịp này để chặt đẹp, lừa đảo, gây rối, cướp bóc để rồi xảy ra bao nhiêu tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông lúc nào cũng tăng cao vào những dịp lễ tết và bệnh viện cũng quá tải với con số những ca cấp cứu cao gấp đôi ngày thường. (Theo Bộ Công an, trong 4 ngày nghỉ lễ nhân dịp 30/4 và 1/5 vừa qua cả nước đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông, làm 172 người chết và hàng trăm người khác bị thương, xử phạt trên 2.900 trường hợp vi phạm giao thông).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
NIỀM VUI KHÔNG Ở TRONG NHÀ …
Một cặp vợ chồng người Việt định cư lâu ở Mỹ, chồng là tiến sĩ toán, vợ là một nhà giáo, về thăm quê hương hơn một tháng, khi ra đi họ nêu cảm tưởng: “Các bạn ở đây thay nhau đón tiếp tụi mình rất nồng nhiệt, buổi sáng có người mời đến uống cà phê ở một quán nổi tiếng, trưa có người mời đi ăn ở một quán phở có “thương hiệu” lâu năm, tối thì đi nhậu ở một làng nhậu hoành tráng… Nhưng tiếc thay tụi mình chưa được mời về nhà ai để được ăn một bữa cơm thân mật, hình như các bạn không còn tìm được niềm vui ở nhà!”. Nghe chợt giật mình! Đúng thế!
Thôi nôi con, kỷ niệm ngày cưới, chiêu đãi mọi người nhân một thắng lợi nào đó như lên chức, tăng lương, rồi bạn bè ở xa đến, muốn mời cà phê, ăn sáng, ăn tối đều phải ra ngoài mới là… sang. Được dịp nghỉ lễ vài ngày là nháo nhào tìm một nơi nào để đi, dù biết rằng việc đi lại sẽ rất đông đúc, đắt đỏ hơn ngày thường. Nhiều người không “yên tâm” ngồi nhà trong khi mọi người túa ra đường. Vả lại ở nhà thì có gì vui? Hay biết làm gì cho hết ngày? Rồi sẽ đâm ra lạc lõng và “lạc hậu”, ngượng ngùng nếu có ai đó hỏi “Mấy ngày nghỉ bạn đi đâu?”…
HẠNH PHÚC RẤT GẦN
Quả thật nếu cứ sống quanh quẩn trong một thành phố đông đúc, chật chội, ồn ào, khói bụi thì tìm một nơi thông thoáng, xanh mát, trong lành để… thở một cái thì thật khoan khoái. Nhưng một khi nơi để “thở” ấy quá xa, quá đông phải chen lấn mệt mỏi, có khi lại… nghẹt thở hơn thì tốt nhất là nên ở nhà.
Nếu ai có được thú vui đọc sách chỉ cần có một quyển sách hay, với người yêu nhạc thì một đĩa nhạc chọn lọc cũng đủ biến những ngày trống trải ấy thành hội hè. Thật ra niềm vui tại nhà là vô cùng phong phú, nhất là với những ai có được một gia đình nho nhỏ và nếu có một đại gia đình thì càng vui. Với nhiều gia đình trẻ, đây là dịp họ chơi với con, trò chuyện với chúng và khám phá ra một thế giới thú vị, hoặc làm những bữa ăn ngon để cùng thưởng thức hay quây quần trong phòng khách xem lại những quyển album cũ, cùng xem phim, chơi đàn, ca hát với nhau hoặc làm vườn, chăm sóc cây cảnh…
Nhiều gia đình trẻ bồng tống con cái về thăm ông bà nội ngoại, sum họp anh chị em. Cách đây nhiều năm thì ông bà Đạt có phần tủi thân vì sinh con một bề, họ có đến 3 cô con gái… Thế nhưng bây giờ họ là những người hãnh diện vì con hơn ai hết. Các cô con gái của họ không chỉ giỏi giang, thành đạt, ai cũng xây dựng cho mình được một gia đình êm ấm mà những ngày cuối tuần, những dịp nghỉ lễ họ thường về ngôi nhà cha mẹ có sân vườn ở Củ Chi do chính họ góp tiền mua để cha mẹ vui thú điền viên. Trong khuôn viên nhà vườn xanh mát, đàn cháu nhỏ ríu rít ca hát, vui đùa; các con rể hăng hái giúp ông bà vét mương, tưới cây; các cô con gái thì dùng sản vật trong vườn như gà nuôi, cá câu, các loại rau do chính họ trồng để làm những món ăn ngon. Buổi chiều gió mát, ông bà nằm võng đong đưa, tỉ tê tâm sự, nhìn đàn trẻ đùa nghịch… Cả nhà đều cảm nhận hạnh phúc chẳng phải ở đâu xa!