Vào đợt 2 Mậu Thân, Tiểu Mai được đội vũ trang Hoa vận phái đến đơn vị làm nhiệm vụ dẫn đường cho một tiểu đội của Sư 9 tấn công vào Chợ Thiết. Đến một khúc quẹo, tiểu đội đụng độ với đội "Biệt động quân" ngụy, bị bắn xối vào đội hình, bị cắt đứt thành nhiều mảnh. Quân giải phóng tuy bị phân tán nhưng vẫn dựa vào các vật thể bên trái đường bắn trả lại. Tiểu Mai không ngờ mình cùng với một chiến sĩ bị dạt qua “bên phải” đường. Và chính sự phân chia từng mảnh này đã làm nên số phận của họ…
Do địch tập trung hỏa lực vào cánh quân “bên trái” đường nên không chú ý bên phải. Họ lách vào những bức tường đổ, do pháo và bom Mỹ mấy ngày trước đánh sập vào khu vực này, đi sâu vào phía trong.
Trong đống đổ nát, còn có một căn nhà cao tầng khá nguyên vẹn. Khi leo lên được tầng lầu thứ hai, họ chọn một góc, quan sát được tình hình phía dưới đường, nơi hai bên đang đánh nhau quyết liệt.
Tiểu Mai nhìn vào đôi mắt lấp lánh những tia quyết liệt của người lính, biết anh đang rất nóng lòng được băng qua đường cùng đồng đội chiến đấu. Nhưng cô cũng quyết liệt ngăn anh lại, bởi trong tình thế này, hành động băng qua đường cũng đồng nghĩa đi vào chỗ chết.
Trời tối dần. Cái đói cồn cào gan ruột khiến cả hai nhận ra từ sáng đến giờ, họ chưa ăn uống gì. Tiểu Mai còn cồn cào gan ruột vì một lẽ khác. Cô lo lắng cho đơn vị bên trái đường, không biết với sự đóng chốt của địch, họ sẽ làm cách nào để đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau, làm cách nào tìm được cái ăn giữa đống gạch đổ nát. Cũng cho đến lúc đó, Tiểu Mai mới nhận ra từ sáng đến giờ, họ chưa hề nói với nhau câu nào. Cái đói giúp họ xích lại gần nhau tự bao giờ. Tiểu Mai cất tiếng nói:
- Anh bộ đội ở đây, đừng đi đâu, chờ tôi tìm nước uống và chút gì có thể ăn được.
Cô quay lưng bước đi rồi chợt khựng lại, như vẫn có điều gì chưa yên lòng, bởi suốt ngày hôm nay, anh cứ đòi tuột xuống khỏi ngôi nhà, băng qua đường đánh vào sau lưng địch. Cô đã kiên trì, có lúc kiên quyết ngăn anh lại vì sự nguy hiểm.
Tiểu Mai men theo những bức tường đổ, đi sâu vào bên trong, tìm những nhà lớn, với hy vọng nhanh chóng tìm ra vài thứ để ăn . Loanh quanh hơn một tiếng trong đống đổ nát, cô tìm ra được một nồi cơm sắp thiu vài mẩu bánh mì trong căn nhà vô chủ bị sập. Cô đi qua một tủ quần áo bị ngã, kính vỡ toác. Những mảnh vỡ của kính gợi lên trong lòng Tiểu Mai ý nghĩ: “Phải tìm một chiếc áo kiểu người Hoa, biết đâu có lúc cần …”. Tiện tay, cô rút nhanh chiếc áo.
Cô gái quay trở lại chỗ chia tay người chiến sĩ, hốt hoảng khi không thấy bóng người lính đâu. Cô tự trách mình: “Trời, tại sao lúc nãy mình để mặc anh ta ở lại đây. Lẽ ra mình cùng đi với anh ta, cho dù rất nguy hiểm. Có khi nào bọn lính theo dõi, đã sục lên lầu, bắt anh ấy đi…”. Ý nghĩ đó làm cô muốn bật khóc. Tiểu Mai chui qua một cánh cửa sổ, sục vào một căn nhà lầu cũng đổ nát. Cô không dám gọi mà cố lần vào từng phòng để tìm.
Đến một ngõ hẹp ngăn nhà bếp với phòng tắm, cô gặp anh ngồi đó. Tiểu Mai thở phào nhẹ nhõm vừa cảm thấy nghèn nghẹn, tủi thân. Gương mặt xinh xắn của cô không giấu được nét hờn dỗi khi bị tổn thương. Người lính nhìn cô, thoáng bối rối, vừa ngượng ngùng.
Mặt anh đỏ bừng vì xấu hổ. Sự hối hận chân thành của anh ta khiến cô mềm lòng. Cô thầm nghĩ: “Thì ra anh ta cảnh giác nên thay đổi chỗ ẩn nấp, nếu xảy ra việc gì anh ta dễ đối phó. Anh ta hoài nghi, lo xa như thế cũng phải thôi. Nếu mình là anh ta, chắc mình cũng… Dẫu sao, trước giờ nổ súng diễn ra, mình với anh ta chưa từng quen biết…”.
Tiểu Mai nhìn người lính. Đôi mắt cô sâu thẳm, đượm buồn. Cô lặng lẽ đi về phía ngôi nhà cao tầng, lặng lẽ men theo đống đổ nát, lên căn phòng trên tầng hai, nơi họ đã trú ẩn trước đó.
Sự trở lại của Tiểu Mai khiến người lính vừa mừng, vừa thẹn. Như một cậu học trò biết hối lỗi, anh ta ngoan ngoãn bước theo cô gái. Khi trở lại căn phòng cũ, cả hai cùng kiệt sức, rã rời.
Đôi mắt người lính sáng lên khi nhìn thấy mớ thức ăn. Tiểu Mai lặng lẽ chia thức ăn cho anh ta. Khi cùng ăn hết số lương thực và nước uống kiếm được, họ trở nên khoẻ khoắn. “Cô…” Người lính mấp máy môi, định nói lời cảm ơn định gợi chuyện. Tiểu Mai vội vã bịt miệng anh ta lại. Chỉ vào bóng đêm. Cô thì thầm bên tai anh ta: “Im. Xung quanh không có tiếng động. Nói chuyện địch sẽ phát hiện!”.
Động tác nói thầm vào tai buộc cô và anh ta phải xích lại rất gần nhau, rồi sát nhau. Tiểu Mai thầm nghĩ: “Để anh ta không mở miệng, chỉ có cách duy nhất là tìm chỗ cho anh ta ngủ”.
Cô nhìn quanh căn phòng. Nhiều thứ bề bộn xung quanh, chỉ vừa đủ chỗ cho hai người ngã lưng. Tiểu Mai nhăn nhó trong bóng tối: “Trời ạ, mình lại phải ngủ sát bên anh ta sao?! Mình không thể tìm chỗ nghỉ khác, để anh ta nằm một mình ở đây. Nhiệm vụ của mình là bảo vệ, trinh sát, dẫn đường cho anh ta. Mình mà đi, lỡ địch mò tới đây, anh ta cầm chắc cái chết trong tay, bởi đâu biết đường mà thoát!”.
Tiểu Mai kéo anh ta cùng nằm xuống. Cô vờ nhắm mắt như đã ngủ. Ở tư thế nằm, anh ta buộc phải im lặng, bởi muốn nói điều gì phải chồm người lên, hoặc phải áp mặt sát vào nhau thật bất tiện. Tiểu Mai có cảm giác anh ta rất khó chịu, khổ sở. Anh ta cựa mình liên tục, muốn ngồi lên mà không dám, đành nằm im.
Một lúc sau, có tiếng ngáy phả vào tai cô. Tiểu Mai đoán người lính đã chìm vào giấc ngủ. Cho tới lúc đó, cô khe khẽ ngồi dậy. Tựa lưng vào tường, mắt nhìn vào đêm tối, cô suy nghĩ: “Làm thế nào thoát ra khỏi nơi này, đưa anh ấy về với đơn vị. Sáng mai này, mình có thể trà trộn trong dân lách ra khỏi khu phố nhưng còn anh ta. Làm sao đưa anh ấy thoát ra?!”. Cô suy nghĩ miên man, vẫn chưa tìm ra được một kế hoạch thoát hiểm.
Quá mệt, Tiểu Mai nằm xuống. Hình như khuya lắm, có lẽ đã qua nửa đêm. Cô cựa mình, trăn trở. Chợt có một làn hơi ấm phả vào má cô. Cho đến lúc ấy, Tiểu Mai mới biết người lính vẫn chưa ngủ. Có lẽ trong lòng anh cũng ngổn ngang, trỗi dậy bao ý nghĩ.
Người lính ghé miệng vào tai cô thì thầm: “Giờ này, tôi nhớ mẹ và em gái tôi quá!”. Môi anh chạm vào tai cô. Tiểu Mai rùng mình, một cảm giác lạ chưa từng trải qua tràn lấp người cô. Tiểu Mai muốn nói lời an ủi anh mà sao không thốt được dù cũng chỉ là những lời thì thầm.
Nước mắt ứa ra, cô thầm nói với chính mình: “Dù sao anh cũng còn mẹ và em gái để nhớ. Còn tôi, tôi không còn ai. Mẹ tôi mất từ khi tôi chưa tròn tuổi. Tôi sống với chú thím, sớm làm công nhân, tự lập, rồi được đưa vào đội Biệt động Hoa vận. Giờ đây bên cạnh tôi chỉ có anh. Nhiệm vụ của tôi là đưa anh trở về đơn vị an toàn. Nhưng liệu tôi có thể…”
Rồi Tiểu Mai miên man ngẫm ngợi. Quê anh ở miền Bắc - nơi xuất phát câu khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Và vì vậy, anh đã vượt qua mấy ngàn cây số để có mặt trên tầng lầu còn sót lại trong khu vực đổ nát này. Anh cựa mình, có lẽ vì lạnh, co quặp đôi chân lại.
Tiểu Mai ngồi dậy, lấy chiếc áo mang về từ ngôi nhà bỏ hoang, đắp lên anh. Cô lấy chiếc khăn quàng cổ vẫn mang theo bên mình quàng lên cổ cho anh. Nhưng chiếc áo quá nhỏ bé, cuối cùng đôi chân anh tìm đến đôi chân cô. Tiểu Mai có cảm giác đôi chân mình được sưởi ấm. Rồi đôi tay họ ôm ghì lấy nhau, họ cùng tiến đến một cảm giác bị thúc đẩy một cách khó tả…
Đêm chầm chậm trôi qua. Đêm qua, họ đã thuộc về nhau. Sự hòa nhập giữa hai cơ thể khiến họ có sự gắn bó một cách tự nhiên, gần gũi. Ánh mắt của người lính nhìn cô trìu mến, thân thương, không dò xét, lơ đãng như ngày đầu họ gặp nhau, bị ném vào tòa nhà đổ nát này.
Ánh ban mai vẫn ấm áp soi xuống từng khoảng trống. Qua khe hở của những bức tường, Tiểu Mai nhìn thấy gương mặt trẻ trung của anh với những sợi măng tơ trên má, đôi mắt xếch, hai má bầu bĩnh như còn chưa muốn đoạn tuyệt với tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo.
Đôi mắt với hàng mi dài của anh nhìn vào đôi bàn tay trắng muốt của cô gái. Tiểu Mai không biết anh đang nghĩ gì nhưng trong lòng cô tràn lên một cảm xúc kỳ lạ. Cô mơ hồ cảm giác có một chất keo đang kết dính vô hình mà bền chặt giữa anh và cô, dù chỉ mới đêm qua...
Chiều hôm đó, bọn lính mới rút đi. Chờ đến nhá nhem tối, Tiểu Mai đưa anh lách qua các khu vực đổ nát, đi về hướng trực thăng địch còn quần thảo, phát sáng. Tiểu Mai đoán những nơi ấy chắc chắn còn bộ đội đang chiến đấu hoặc cầm cự.
Đến tối, người lính gặp lại đơn vị cũ trong niềm vui khôn xiết. Họ không tin anh còn sống. Tiểu Mai đứng nhìn người lính, chợt nước mắt tủi thân chảy dài trên má. Khi cô dợm bước, người lính chợt nhớ ra . Anh cảm nhận mình sắp mất đi một điều gì vô cùng quý giá, vội nhoài ra khỏi những cánh tay đồng đội, lao về phía Tiểu Mai, gào lên thống thiết:
- Em… Kìa em đi sao, anh còn chưa biết tên em!
Tiểu Mai cũng sực nhớ ra:
- Em cũng chưa biết tên anh ?!
Người lính gỡ chiếc khăn màu hồng ra khỏi cổ, giơ cao, vẫy chào tạm biệt cô nói vội vã:
- Anh là Đợi, Nguyễn Văn Đợi, chờ đợi, em nhớ chưa?!
- Em tên là Tiểu Mai, anh nhớ tên em chưa?! Tiểu Mai, Đợi...
Rồi cô gái lao đi. Những người lính ngẩn ngơ sau khi chứng kiến một cuộc chia tay kỳ lạ...
Nếu như quân giải phóng tiến vào Sài Gòn chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì phía quân đội Sài Gòn cũng quyết liệt quét sạch quân Cộng Sản ra khỏi thành phố.
Một đơn vị bộ đội với vũ khí thô sơ, chỉ nấp vào các bức tường đổ, những ô cửa sổ trên các tầng lầu mà đã cầm cự, vật lộn với lính “Biệt động quân” Cọp Đen suốt 2 ngày càng kích thích sự phẫn nộ của địch. Ngày thứ ba, chúng quay trở lại, tiếp tục mở cuộc tấn công vào đơn vị của Đợi.
Đầu tiên, địch dùng phương tiện hiện đại tấn công đối phương bằng tâm lý chiến. Hai chiếc trực thăng bay trên bầu trời, gần tọa độ quân giải phóng chốt giữ, phát ra tiếng trẻ khóc oe oe, tiếng khóc nức nở của người vợ kêu gọi người chồng “V.C” trở về “chính nghĩa quốc gia”. Hơn 15 phút trôi qua... Hình như không thấy ai ra hàng, tên tâm lý chiến trên trực thăng nổi quạu, quát vào chiếc loa:
- Đ.M, tao nói hết rồi, V.C tụi mày ráng mà nghe!
Chiếc trực thăng diễn màn tâm lý chiến vừa mất hút trên bầu trời thì pháo binh của chúng bắn dồn dập vào mục tiêu.
Sau nhiều lần dọn đường, địch cho xe thiết giáp M113 dẫn đầu, hướng dẫn cho bộ binh theo sau, tấn công vào các ổ phòng ngự của quân giải phóng. Xe thiết giáp dọn đường liều lĩnh xông vào ổ đề kháng quân giải phóng.
Người lính quyết tử lao ra, bắn vào chiếc M113 dường như bằng tất cả tinh túy, sức lực mà anh có được. Chiếc xe phải cháy để đồng đội anh còn thời gian chiến đấu. Ngọn lửa bùng lên, phủ trùm chiếc M113.
Điên tiết, chiếc xe sau xả đạn vào người lính đang “liều mạng”. Anh gục xuống. Rất nhiều những người lính quân giải phóng đã hy sinh như thế, có người hy sinh trong tư thế đang đứng bắn...
Khoảng 3 giờ chiều, chúng lui dần ra phía sau, tổ chức phòng ngự, chuẩn bị cho cuộc đóng quân qua đêm. Trước khi lui ra, chúng thu dọn các xác chết, đưa lên chiếc xe tải đã chờ sẵn. Trong đống xác ngụy, có xác một người lính quân giải phóng đã ngã xuống khi cản đường chiếc M113. Người lính ấy mặc bộ quần áo ka ki Tô Châu, đôi dép cao su, chiếc khăn màu hồng quấn cổ…
“Anh Đợi!”.
Vào thời điểm đó, trên tầng lầu cao có một tiếng khóc đau xé lòng mà phải nuốt vào trong của một người con gái. Tiểu Mai được lệnh đội Đội vũ trang Hoa vận phân công trà trộn vào thường dân, leo lên một nhà cao tầng để quan sát địch tấn công các đợt.
Từ ô cửa sổ, Tiểu Mai thấy rất rõ Đợi lao ra, bắn vào chiếc M113. Và rồi ngay sau đó, anh hứng lấy những làn đạn dày đặc từ chiếc xe thiết giáp. Số phận nghiệt ngã buộc Tiểu Mai chứng kiến cảnh Đợi lao vào chỗ chết mà không nói được lời vĩnh biệt.
Tiểu Mai định thần nhìn kỹ lại. Đúng là anh rồi, vẫn đôi má còn vương tuổi thiếu niên, đôi môi đầy đặn hôm qua còn áp sát môi cô và đôi bàn tay buông thõng đêm qua còn ghì chặt cô. “Đợi ơi, đúng là anh Đợi rồi!”.
Tiểu Mai lặng người, mắt hoa lên. Đôi bàn tay bám chặt thanh sắt khung cửa sổ từ từ rơi ra... Tiểu Mai khuỵu xuống sàn nhà, bất tỉnh. Cô nằm im, mặc gió thổi, mặc cho sương rơi ướt đẫm người . Càng về khuya, sương càng đậm đặc...
Một tiếng nổ lớn, tiếp theo sau là hàng tràng tiếng nổ lớn dội đến, làm rung rinh tầng lầu nơi Tiểu Mai đang ẩn nấp. Cô tỉnh dậy, người đờ đẫn, tê dại. Một lúc lâu, cô mới định thần, ngồi dậy.
Sự tỉnh táo càng làm trái tim cô tan nát khi nhớ đến hình ảnh Đợi nằm trên đường phố, chiếc khăn choàng cổ màu hồng khẽ lay động trong làn gió mùa xuân. Những tiếng nổ điên loạn, đầy sức mạnh của kẻ thù nhằm trừng phạt, tẩy trắng quân giải phóng khi tấn công vào thành phố.
Cô thay bộ quần áo mới nghi trang, hòa vào dòng người dân tản cư, thoát ra khỏi khu vực chiến đấu. Tiểu Mai bước đi, thẫn thờ, vô hồn, trống rỗng. Trước mặt cô là Đợi nằm trên đường phố, cùng với xác những người lính bên kia chiến tuyến, chiếc khăn màu hồng… Tất cả nhòa đi trong mắt cô.
Khi về đến Sở chỉ huy - một ngôi nhà người Hoa trong khu phố quận 5, Tiểu Mai gục vào vai nữ đội trưởng Út Phương òa khóc nức nở.
Út Phương ngồi bất động cho cô khóc. Trong cuộc đời chiến đấu dạn dày của mình, Út Phương linh cảm chiến sĩ của bà đang trải qua một mất mát lớn lao. Chờ đến khi Tiểu Mai lả người trên vai mình, bà xoay vai cô gái, ôm cô vào lòng, dịu dàng hỏi:
- Em gái, điều gì đã xảy ra cho em?!
- Anh Đợi...
Giọng kể chuyện của Tiểu Mai đứt quãng trong nước mắt. Út Phương lặng người...
Nước mắt chảy tràn trên gương mặt người chỉ huy. Út Phương hiểu nỗi lòng của Tiểu Mai . Nếu trước đó trong lòng bà còn gợn lên chút hoài nghi: có thể gọi đó là tình yêu không khi họ chỉ là những con người xa lạ, rồi bất ngờ bị xô vào tình huống phải ở bên nhau chỉ một đêm.
Một đêm trên tầng 2 ngôi nhà, chung quanh là đổ nát, điều không định trước, không muốn cũng đã diễn ra. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt sâu thẳm, ánh lên những tia nhìn kiên nghị, cứng cỏi của Tiểu Mai, Út Phương chợt hối hận trước sự hoài nghi của mình. Bà sẵn lòng giúp Tiểu Mai toại nguyện: Cô muốn trực tiếp chiến đấu và cô gái ấy đã trực tiếp đánh vào Tòa hành chánh Quận 5, cắm cờ và đánh địch giải tỏa.
Những ngày sau đó, cô lại tấn công vào Ty cảnh sát Quận 5, tấn công vào các bót kiên cố nhất của quận... Cô muốn mình được tận tay đặt khối chất nổ, tận mắt chứng kiến những mục tiêu trung tâm quyền lực phát nổ, bùng cháy.
Bốn mươi năm đã trôi qua . . .
Vào một buổi sáng mùa xuân, có một doanh nhân mang quốc tịch Thụy Sĩ, gốc Hoa trạc 40, đáp chuyến bay về Sài Gòn. Nâng niu trên tay chiếc bình bằng đá quý đựng hài cốt người mẹ vừa qua đời, anh lạ lẫm, ngỡ ngàng trước một nơi xa lạ - nơi mẹ anh đã từng làm giao liên, dẫn đường cho đoàn quân đánh vào thành phố trong Mậu Thân 1968.
Năm ấy, mẹ anh kể đường tiến về Sài Gòn có những đoàn quân vừa hành quân vừa ngủ, những đoàn quân đục tường mà đi...
Bà có ước nguyện trở lại với dòng sông Sài Gòn, dòng sông ôm lấy thành phố - nơi có một người chiến sĩ giải phóng quân tên là Đợi đã hy sinh. Anh làm theo ý nguyện của mẹ mà không hề biết mối liên hệ giữa mình và người chiến sĩ tên Đợi, dù mẹ anh đã chờ suốt mấy mươi năm để trở về...