Hồi đầu thế kỷ XX, hàng rượu Phông-ten (Fontaine) dựa thế nhà cầm quyền thực dân Pháp, bày bán sản phẩm khắp Bắc - Trung - Nam với giá mỗi chai một lít là 16 xu. Hàng rượu Văn Điển của một công ty cổ phần Việt Nam ra đời sau. Để cạnh tranh, ông chủ hãng đến nhờ thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm cho mấy câu thơ.
Hồi đầu thế kỷ XX, hàng rượu Phông-ten (Fontaine) dựa thế nhà cầm quyền thực dân Pháp, bày bán sản phẩm khắp Bắc - Trung - Nam với giá mỗi chai một lít là 16 xu. Hàng rượu Văn Điển của một công ty cổ phần Việt Nam ra đời sau. Để cạnh tranh, ông chủ hãng đến nhờ thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm cho mấy câu thơ.
Vậy là năm đó, nhãn hiệu rượu Văn Điển bán trong dịp Tết đẹp và độc đáo hẳn, có đến bốn màu. Nó in hình một cụ già mặc áo gấm xanh, râu tóc bạc phơ, hai tay xách gần một chục chai rượu, hai chân bước lảo đảo, điểm xuyết bằng bốn câu lục bát ở phía dưới:
Ai về đường ấy thì đi
Ta về Văn Điển công ty với mình
Có non, có nước hữu tình
Có người tri kỷ, có bình rượu ngon.
Rượu Văn Điển bán mỗi chai rẻ hơn rượu Phông-ten 2 xu, bảo đảm cất toàn bằng rượu nếp, lại cho thơ nữa nên bán rất chạy.
Rồi đến dịp Tết năm 1933, cũng để cạnh tranh, hãng rượu Văn Điển đưa ra chiêu mới là khi khách hàng mua một chai rượu đều được tặng một tấm lịch treo in màu. Trong 365 tờ lịch, mỗi tờ đều có bốn câu lục bát, nội dung không trùng lặp, lời thơ chải chuốt đọc nghe thích thú. Chẳng hạn:
Mâm cao, cỗ lớn linh đình
Không rượu Văn Điển cũng hình như không…
Hoặc:
Tháng Ba lên hội Đền Hùng
Dâng chén rượu nồng Văn Điển chế ra
Hơi men pha vị sơn hà
Hỡi ai nhớ tổ tiên nhà hay không?
Tác giả cũng không ai khác là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người không chỉ nổi tiếng về tài thi ca mà còn rất sành nghệ thuật ẩm thực. “Ẩm” ở đây xin hiểu là “ẩm tửu”, như ông từng nói về chính mình:
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai…
Trương Nguyên Tuệ (St)