Tản mạn cuối năm

Ngoảnh đi ngoảnh lại, một năm đã trôi qua. Năm 2010 (năm Canh Dần) quả là một năm mà thế giới có quá nhiều biến động, khắp Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, môi trường… Việt Nam chúng ta năm qua cũng là năm hết sức sôi động, có nhiều sự kiện đem đến cho nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nhiều niềm vui xen lẫn với những điều buồn, nỗi lo.

1. Có thể nói, năm 2010 là năm của lễ hội, của những ngày kỷ niệm lớn, những ngày văn hoá du lịch, những lễ hội truyền thống... diễn ra khắp nước, từ Bắc chí Nam, từ đầu năm đến cuối năm. Nổi lên trên tất cả các lễ hội đó là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một lễ hội đã được chờ đón hàng chục năm với những công trình chào mừng bề thế, những chương trình nghệ thuật đặc sắc… không chỉ ở Thủ đô mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước.

Sau mười ngày rầm rộ, sôi nổi, lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã khép lại với nhiều ý kiến khác nhau. Đa số cho là Đại lễ đã diễn ra hoành tráng, rực rỡ, nô nức, rộn ràng… đáp ứng được ý nguyện của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân Thủ đô nhưng cũng không ít ý kiến cho là Đại lễ kéo dài đến 10 ngày là không cần thiết, việc tổ chức còn bất cập, chi tiêu quá tốn kém, đến cuối năm vẫn chưa quyết toán được. Công bằng mà nói, cho dù có những thiếu sót nhất định, nhưng Đại lễ đã thành công về hai phương diện: ôn lại quá khứ hào hùng và hướng tới việc xây dựng một Hà Nội - Thủ đô văn minh, hiện đại, giàu đẹp của cả nước. Về mặt tâm linh thì quả là tổ tiên đã phù hộ cho nhân dân ta có được một thời tiết lý tưởng ở Thủ đô trong những ngày hội lớn.

Ngày khai mạc và buổi mít-tinh, diễu binh, diễu hành mừng Đại lễ trời đẹp, không nắng, không mưa, mát mẻ đậm tiết thu. Cũng rất lo là trước ngày mít-tinh, áp thấp nhiệt đới đã lăm le đổ vào miền Bắc đến nỗi Ban tổ chức đã phải chuẩn bị phương án 2, nếu trời mưa thì sẽ không có diễu binh, diễu hành mà chỉ tổ chức mít-tinh ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Chỉ tiếc là những ngày Đại lễ đã xảy ra hai sự kiện không vui. Đó là vụ nổ pháo hoa làm chết người và việc kẹt xe, kẹt người ở ngoài sân vận động Mỹ Đình vào tối hôm biểu diễn văn nghệ và bắn pháo hoa kết thúc Đại lễ, đến nỗi xe của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước cũng không vào được khán đài. Nhưng vẫn thấy may vì chỉ có một tiếng nổ, một tiếng kêu la thất thanh thì khối người đông nghịt đang chen lấn sẽ dẫm đạp lên nhau dẫn đến chết vài ba trăm người là không tránh khỏi.

Sự kiện đảo Kim Cương ở Campuchia vừa qua càng cho thấy là ở sân vận động Mỹ Đình hôm ấy không xảy ra tai nạn gì quả là đại phúc. Rõ ràng là việc tổ chức lễ hội ở nước ta năm qua đã đặt ra nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm từ Trung ương đến địa phương, từ hình thức tổ chức đến việc chi tiêu, nhất là những cơ quan có trách nhiệm. Và cũng cần thiết, nên có văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.


Đồng chí Mai Thúc Lân chào mừng đồng chí Phạm Văn Đồng
thăm Quảng Nam - Đà Nẵng.

2. Vào những ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế lũ lụt diễn ra dồn dập; tiếp theo vào đầu tháng 11 Dương lịch lũ lụt tàn phá các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận. Giải đất miền Trung bị tàn phá rất nặng nề: người chết, nhà đổ, đường ngập, đồng ruộng tan hoang xơ xác. Hơn 10 năm trở lại đây, hầu như năm nào miền Trung cũng hứng chịu thiên tai khủng khiếp. Nhiều ý kiến, trong đó có các chuyên gia về thủy lợi, về môi trường cho là việc làm thuỷ điện tràn lan, phá rừng bừa bãi, làm đường lớn mà không đủ cống thoát nước... đã làm cho lũ lụt ở miền đất này càng ngày càng khốc liệt.

Điều rất xúc động là sự thông cảm sâu sắc với những đau thương, mất mát ở miền Trung của đồng bào trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài, từ em bé học sinh đến các nhà doanh nghiệp, từ các tổ chức xã hội đến các cơ quan Đảng, Nhà Nước, Đoàn Thể... đều chung tay góp sức ủng hộ bà con những vùng bị thiệt hại một cách thiết thực, cụ thể. Đó quả là những hình ảnh đẹp đẽ về tình nghĩa đồng bào, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.

Vấn đề đặt ra rất cấp bách là khi mà trái đất đang đi vào biến đổi khí hậu, việc dự báo và rút kinh nghiệm để tổ chức phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền Trung thế nào để giảm bớt thiệt hại cho nhân dân và nhà nước là điều rất bức xúc. Hãy đừng vì cái lợi trước mắt mà cứ làm thuỷ điện tràn lan, phá rừng vô tội vạ, khai thác khoáng sản ồ ạt ở những nơi này để rồi đưa lại những hậu quả khó lường không những trước mắt mà còn di hại cho các thế hệ mai sau.

3. Năm 2010 là năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN nên nhiều hội nghị các nước ASEAN đã diễn ra liên tục ở một số thành phố lớn. Đặc biệt ở Hà Nội, vào những ngày tổ chức các hội nghị cấp cao ASEAN, ASEAN +, trời rất đẹp, xanh trong, gió heo may, nắng vàng, chắc đã đem lại cho các vị nguyên thủ các nước đến dự sự khoan khoái cần thiết trong những buổi làm việc căng thẳng. Có thêm niềm vui là nguyên thủ và đại diện nguyên thủ các nước lớn từ Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đến đây để cùng với Cộng đồng ASEAN bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới. Rõ ràng là vị thế của Việt Nam ngày một tăng lên trong vai trò của nước chủ nhà.

Nhưng năm 2010 đi qua cũng để lại một nỗi buồn cho những người yêu thể thao vì tại ASIAD 16, thể thao Việt Nam đã có một thành tích đáng buồn so với việc ra quân rầm rộ, những lời tuyên bố mạnh mẽ ban đầu. Có người nói vui “Vì năm nay giá vàng lên cao quá nên đoàn Việt Nam không đủ sức tạo nhiều huy chương vàng”. Dù sao thì chuyện cũng qua rồi, điều quan trọng là các nhà hoạch định chủ trương và lãnh đạo, quản lý ngành thể dục thể thao nước ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để có chính sách phát hiện, bồi dưỡng tài năng, không đầu tư dàn trải, đừng nuôi quá nhiều tham vọng mà phải thực tế hơn thì mới mong có thành tích tốt trong thời gian đến.

Và điều mà xã hội lo âu nhiều nhất là những tháng cuối năm giá cả leo thang làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân.

Cũng chưa biết là năm hết Tết đến giá cả còn lên đến mức nào. Nỗi lo này quả là chẳng của riêng ai.


Hội nghị ASEAN năm 2010 diễn ra tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Ảnh: dfait.maeci.

4. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII vào cuối năm 2010 đã diễn ra rất sôi nổi. Nghị trường nóng lên qua các phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách và các buổi chất vấn, trả lời chất vấn. Đây cũng là phiên họp áp chót vì nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII rút ngắn chỉ còn 4 năm và kỳ họp cuối cùng vào đầu năm 2010 chủ yếu là kiểm điểm hoạt động toàn khóa của Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Trong trao đổi ở hành lang, nhiều ý kiến cho là Quốc hội khoá này phải thảo luận và tỏ thái độ đối với nhiều dự án, nhiều vấn đề rất lớn có quan hệ đến sự phát triển của đất nước trong khi dư luận xã hội, ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, của các nhà khoa học còn rất khác nhau. Đó là việc biểu quyết thông qua việc sáp nhập Hà Nội - Hà Tây, việc khai thác bôxit ở Tây Nguyên, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhất là tại kỳ họp vừa qua đã nổi lên vụ Tập đoàn kinh tế Vinashin có liên quan đến tổ chức hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Trong khi đó thì từ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta khi mà ta đã gia nhập WTO, hội nhập toàn cầu. Mặc dù từ năm 2008 đến cuối năm 2010, nước ta đã vượt qua khủng hoảng và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhưng điều đáng quan tâm là vẫn để lặp đi lặp lại những hạn chế, khuyết điểm cứ ngày một nặng thêm. “… Kinh tế tăng trưởng còn thiếu bền vững; cơ cấu chuyển dịch chậm; tính cạnh tranh còn thấp; nhập siêu lớn; bội chi ngân sách và nợ công cao, quản lý tài sản công còn nhiều bất cập; hiệu quả đầu tư thấp. Việc kiềm chế lạm phát kết quả còn hạn chế; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu chưa được kiểm soát và có chiều hướng tăng; thị trường vàng, tỷ giá ngoại tệ còn chứa đựng yếu tố bất ổn. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có chuyển biến rõ rệt. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết”. (**)

Trên nghị trường kỳ họp cuối năm, nhiều đại biểu đã phát biểu phân tích sâu sắc, thẳng thắn, đầy trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm đó. Về vụ Vinashin, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Nhưng cử tri mong muốn và đòi hỏi là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này chứ không thể chung chung như giải trình của các Bộ trưởng.

Năm 2010 (Canh Dần) sắp đi qua và trước mắt là năm 2011 (Tân Mão), năm đánh dấu kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm cử tri cả nước sẽ bầu Quốc hội khoá XIII. Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài gửi gắm niềm tin và hy vọng là năm 2011, kinh tế nước ta sẽ tiếp tục phát triển, xã hội sẽ lành mạnh hơn, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý.

Tháng 12 năm 2010


(*)

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội (H.V)

(**)

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

MAI THÚC LÂN (*)