Tản mạn về "trường chất lượng cao"

Bất cứ một hệ giống giáo dục nào cũng mong muốn đào tạo ra những con người có phẩm chất cao, đủ khả năng đảm trách được những chức vụ giúp giải quyết hữu hiệu nhu cầu phát triển của xã hội. Như vậy, hệ thống giáo dục nào cũng hướng tới đạt “chất lượng cao”.

Nhưng hiện nay Sở Giáo dục Hà Nội đã quyết định đưa 18 trường thành “trường gọi là trường chất lượng cao”, và TP.Hồ Chí Minh cũng quyết định chọn 3 trường thành “chất lượng cao” thì lại có dư luận không đồng tình, phản đối. Chúng ta xem thử vì sao? Họ chống có hợp lý không? Ngoài ra, khi chưa biết có đúng là “chất lượng cao” không, thì ta cứ tạm gọi là “trường sang” cái đã.

Tại sao người ta chống?

Người ta chống không phải người ta “ganh ghét người giàu” như một số người tuy mang danh “có trí” mà “nghĩ cạn” nên rao lên rằng: Ở trong nền kinh tế thị trường thì có người giàu, kẻ nghèo là tất nhiên, người giàu có quyền đi xe sang, người giàu có quyền ăn, ở sang, người giàu có quyền đóng tiền rất nhiều cho con họ học trường sang, tại sao bắt họ đi xe tồi, ăn, ở tồi, học trường tồi như người nghèo!

Bất kể giàu hay nghèo, không ai “có trí tuệ” mà “nghĩ cạn” như thế đâu! Đúng là khi anh giàu, anh có quyền đóng tiền nhiều cho con anh học “trường sang”. Nhưng nếu “trường sang” là do tư nhân làm ra thì ai nói làm chi. Đàng này “trường sang” lại vốn là những trường công rất tốt, nay được đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị, điều động những giáo viên ưu tú, giỏi về dạy và ai muốn học thì phải đóng học phí rất cao, mà những gia đình có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng thì không thể nào cho 1 con chứ đừng nói 2 con theo học. Như vậy là các người đã nhập nhằng, biến những trường công tốt nhất thành trường tư, và chỉ dành cho con nhà giàu. Đó là gì? Đó chính là vì lợi ích nhóm mà ngang nhiên tạo bất công, chỉ phục vụ quyền lợi cho một thiểu số nhà giàu, bỏ mặc con em của đại đa số tầng lớp nhân dân đã góp bao nhiêu công sức, bao nhiêu xương máu trong việc giành độc lập, bỏ mặc cho chúng học những trường “tồi” với những thầy cô “kém”. Không có cái bộ giáo dục nào, chính quyền nào trên thế giới này mà đi làm cái chuyện trái đạo lý như vậy cả.

Một số người mang danh “có trí” còn ngụy biện rằng: hiện nhà nước thiếu tiền, cần phải xã hội hóa giáo dục nên hãy để cho nhà giàu đóng tiền cho con em họ học mới mong có tiền tạo ra “trường chất lượng cao”, những ai chống là muốn cào bằng, muốn kéo mọi trường xuống chất lượng thấp.

Bất kể giàu hay nghèo, không ai “có trí tuệ” mà lại ngu đến “muốn cào bằng”, “muốn kéo mọi trường” xuống chất lượng thấp như các người “cạn nghĩ” đâu!

Người “có trí tuệ” và có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà không hề chống việc tạo ra trường chất lượng cao. Trái lại rất mong nhà nước và cả tư nhân góp công của tạo ra trường công có chất lượng cao. Nhưng trường công chất lượng cao này không phải dành những ai có đủ tiền học phí theo học mà dành cho những trẻ em có trí tuệ, học giỏi bất chấp giàu hay nghèo được theo học để chúng sớm trở thành những công dân có đủ tài trí và đức độ giúp phát triển đất nước. Nhưng con nhà giàu thì phải đóng đầy đủ học phí, con nhà nghèo tùy theo thu nhập gia đình mà được giảm ít hay nhiều, có khi giảm hoàn toàn nếu nhà quá nghèo. Làm như thế mới gọi là “có trí” và không ai chống cái chính sách ấy. Còn làm như hiện nay là “vô trí”! Có những người lại đề nghị nên dành một tỷ lệ nào đó cho học sinh con nhà nghèo. Ở đây là trường công, không có chuyện “bố thí”, không ai có quyền áp đặt tỷ lệ nào cả, cứ học giỏi thì được vào. Chính những trường có chất lượng hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Princeton, Stanford... ở Mỹ, dù là trường tư, đã sử dụng mô hình: thu nhận những sinh viên ưu tú nhất bất kể giàu hay nghèo, rồi việc đóng học phí là tùy theo thu nhập của gia đình; rất nhiều sinh viên ưu tú nhà nghèo không những không phải đóng học phí mà còn được trợ cấp để ăn học. Nhờ chính sách ấy họ mới đào tạo được nhiều nhân tài và nổi danh cả thế giới về chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Nếu các trường ấy mà chỉ dành cho những ai có đủ tiền mỗi năm khoảng 60.000 USD mới được vào học thì họ làm sao được như ngày nay.

Thế nào là “trường chất lượng cao”?

Các trường được gọi là “trường chất lượng cao” đã và đang thành lập tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có “chất lượng cao” theo đúng nghĩa của giáo dục không? Chắc chắn là trường có đầy đủ dụng cụ, phương tiện giảng dạy hiện đại. Có thầy người nước ngoài dạy tiếng Anh. Ban giám hiệu, toàn thể thầy cô giáo và nhân viên được hưởng lương cao hơn rất nhiều so với tất cả các trường công khác trên toàn quốc. Tất cả những cái “hơn hẳn thiên hạ khốn khó” ở đất nước này có phải là điều kiện cần và đủ để là “chất lượng cao” trong giáo dục chưa? Bởi vì nói “chất lượng cao” trong giáo dục là phải nói đến “sản phẩm được tạo ra”, tức là phải xem xét đến những học sinh tốt nghiệp cấp II, cấp III ở những “trường sang” này có thật sự là những con người “có chất lượng cao” về các mặt “trí dục”, “thể dục” và “đức dục” để mai sau trở thành những công dân Việt Nam có trình độ cao về khoa học, kỹ thuật, về văn hóa, nghệ thuật v.v…, đảm trách và hoàn thành được những chức năng góp phần phát triển đất nước và bảo vệ nền độc lập của dân tộc không? Những con người này, trước hết phải có tầm mức trí tuệ hay có năng khiếu cao, ít nhất phải trên trung bình. Nhưng sự thông minh không hẳn thuộc về đứa trẻ con nhà giàu hay nghèo, mà ở những “trường sang” này tập trung toàn con nhà giàu thì chắc gì bao gồm những trẻ có đầu óc tốt nhất của dân tộc? Thứ đến là những người này cần phải được học hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc Việt Nam, có lòng yêu nước nhiệt thành, những con người khiêm tốn, phải có ý chí kiên cường trong việc học tập nhằm đạt đỉnh cao trong học thuật với mục đích cao cả là nhằm phục vụ quyền lợi của đất nước và dân tộc.

Chương trình dạy ở các trường “gọi là chất lượng cao” này có bảo đảm được phẩm chất này không? Rất khó có được, vì sao? Vì trước hết những học sinh này vốn là con nhà giàu, được nuông chiều từ nhỏ, nay lại được tập trung lại trong một “trường sang”, họ sẽ được cho hiểu là vì nhà giàu nên được ưu đãi này, nên rất dễ sinh ra ngạo mạn, rất dễ nhiễm thói coi thường tầng lớp nghèo, hiểu sai giá trị đích thực của lao động cả tay chân và trí óc, và đặc biệt nguy hại là trong tương lai, nếu họ có nắm giữ vai trò quan trọng gì của đất nước này thì họ sẽ quen thói “ưu đãi” những kẻ giàu và tìm mọi cách để làm giàu dù có bất lương. Thứ đến là trong nhà trường sang này, sẽ không có mục tiêu giáo dục dành cho chất lượng cao theo nghĩa vừa nói, vì bao nhiêu thì giờ dành cho việc rèn luyện các kỹ năng có tính hướng ngoại, còn đâu tâm huyết và thì giờ rèn cho học sinh những giá trị đích thực của văn hóa dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy. Chắc chắn là những học sinh ở đây khá về tiếng Anh vì được học với thầy người nước ngoài với đầy đủ phương tiện học tập và đặc biệt là học nhiều giờ hơn những học sinh các trường khác như học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh… bằng tiếng Anh. Những học sinh tốt nghiệp cấp II, cấp III ở đây, do đó có thể dễ xin đi du học tự túc ở Singapore, ở Úc, ở Mỹ… Nhưng như thế thì chưa và không phải “có chất lượng cao”. Bởi vì để trở thành một người có chất lượng cao trong chuyên ngành thì vấn đề là ở “cái đầu” chứ không phải ở túi tiền. Không thể nào dùng tiền bạc biến một con chim sẻ thành chim phượng hoàng được.

Ngoài ra, từ xưa đến nay, những người Việt đi du học mà thành danh ở nhiều nước trên thế giới thì chưa ai cần phải học các môn như Toán, Hóa, Sinh... bằng tiếng Anh khi là học sinh trung học ở nước ta cả. Vì sao? Vì những thuật ngữ ấy có đầy đủ trong sách giáo khoa mà họ sẽ lần lượt được học qua từng học kỳ. Cho nên việc các “trường sang” xúm nhau dạy các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh… bằng tiếng Anh cho học sinh trung học là “vẽ rắn thêm chân”, và là theo phong trào “trưởng giả học làm sang”, chỉ mất công sức cho các thầy, cô, mất công sức cho học sinh (phải học thêm nhiều giờ), và phải tốn tiền. Đây là một trong những lý do khiến học phí các “trường sang” này cao lên mà nhiều gia đình ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh không thể cho con em theo học được. Không những thế, chương trình học có khi còn khiến họ khinh tiếng Việt, viết văn không ra văn Việt, tạo cho họ thói quen nói và viết lai tạp tiếng Anh ở ngay trên đất nước Việt Nam.

Một số điều nên hay không nên làm trong giáo dục

Những “trường sang” này phải dành ưu tiên cho những học sinh có “đầu óc” và có ý chí học tập kiên cường, bất chấp họ là con nhà giàu hay nghèo. Nếu nhà họ giàu thì phải đóng đủ học phí, thậm chí gia đình họ nên vinh dự hiến tặng nhiều tiền cho nhà trường, còn nếu con nhà không khá giả thì được giảm hoặc miễn học phí, và còn được học bổng nếu nhà nghèo mà học giỏi. Nếu không làm được như vậy, mà chỉ cho những học sinh có đủ tiền học phí được học thì là một sai lầm không thể chấp nhận được. Vì đó là “lấy của công mà ưu đãi nhà giàu”, bỏ mặc đại đa số nhân dân không giàu. Đó là một hình thức hối lộ trong giáo dục, một hình thức của lợi ích nhóm, không những không đem lại lợi ích đích thực cho đất nước và dân tộc mà còn làm hại đất nước.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người giàu có đóng góp tiền cho trường công để phát triển là bình thường, nhưng không vì thế mà con của người ấy được ưu đãi hơn con một người không có tiền đóng góp cho nhà trường. Chẳng hạn, ở Mỹ vào những ngày bắt đầu năm học, phụ huynh đều nhận được thông tin rất đầy đủ về những điều cần biết đến việc học của con họ tại trường, trong đó ngoài tiền ăn trưa, tiền trẻ được giữ lại trường sau giờ học, còn có phần kêu gọi đóng góp của phụ huynh cho quỹ hoạt động và quỹ phát triển của trường. Sự đóng góp này ít nhiều tùy hoàn cảnh và hảo tâm của mỗi phụ huynh. Nhưng không vì một người đóng nhiều tiền mà con họ được ưu đãi gì hơn con người khác. Không thể có chuyện nhà anh ở vùng A, anh đóng nhiều tiền vào một trường công ở vùng B thì con anh được vào học trường vùng B.

Nếu chỉ dành những “trường sang” cho những ai có đủ tiền theo học, thì ngoài những cái hại trên đây, còn một hệ lụy mà các người “cao minh” “cổ xúy” cho trường sang không nghĩ tới. Đó là trường sang chỉ dành cho con nhà giàu sẽ góp phần tăng thêm nạn kẹt xe. Vì sao? Vì mỗi “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu thường đi xe hơi đến trường. Cứ cả ngàn chiếc xe hơi xông tới một trường vào lúc bắt đầu học cũng như lúc tan trường thì không gây kẹt xe mới là chuyện lạ!

Bộ Giáo dục và các Sở Giáo dục cần phải nâng cao chất lượng dạy tại tất cả các trường công lập, để mọi học sinh cấp I, khi bắt đầu vào lớp 1 được nhận vào một trường đúng theo tuyến phân cấp, không thể vào một trường khác tuyến phân cấp, trừ khi muốn học trường tư. Học sinh thi vào lớp 6 cấp II và lớp 10 cấp III cũng vậy. Nhờ đó, tránh được cái “nạn nhức đầu” hiện nay là “nạn chạy trường”. Ngoài ra, điều quan trọng là tổ chức được xe buýt chở học sinh đi học và về, sẽ góp phần hữu hiệu trong giải quyết nạn kẹt xe hiện nay. Thử xem TP.Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 1 triệu học sinh từ cấp I đến cấp III đang đi học. Cứ như tình trạng hiện nay, thì mỗi học sinh được xe gắn máy đưa đi và về. Buổi sáng khoảng từ 6g30 tới 7g30, 1 triệu xe gắn máy tham gia lưu thông, rồi buổi chiều cũng khoảng từ 16g30 tới 18g, 1 triệu xe tham gia giao thông… thì kẹt xe rất dễ xảy ra, nhất là tại các giao lộ quanh các trường. Bây giờ tổ chức cho xe buýt, giả sử mỗi xe chở được 40 học sinh. Mỗi chiếc xe buổi sáng chạy 3 chuyến: từ 6g30 tới 7g30 chở 40 học sinh cấp I; 7g30 tới 8g30 chở 40 học sinh cấp II; 8g30 tới 9g30 chở 40 học sinh cấp III. Buổi chiều từ 15g30 tới 16g30 chở về 40 học sinh cấp I; 16g30 tới 17g30 chở về 40 học sinh cấp II; 17g30 tới 18g30 chở về 40 học sinh cấp III. Như vậy chiếc xe buýt mỗi sáng cũng như mỗi buổi chiều thay cho 120 xe gắn máy lưu thông vào các giờ khác nhau sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm nạn kẹt xe. Nhưng quan trọng hơn, là giúp cho phụ huynh đỡ mất thì giờ, công sức đưa đón con em đi học, và cũng rất quan trọng là các học sinh được chở trong xe buýt sẽ an toàn hơn rất nhiều so với việc đi trên xe gắn máy. Nếu nhà nước có tiền, các cơ quan giáo dục đủ tiền thì xe buýt miễn phí như nhiều nước trên thế giới hiện nay. Nếu nước ta còn nghèo, người dân cần đóng góp thì xe buýt sẽ tính tiền, nhưng sẽ giảm hay miễn phí cho con nhà nghèo.

Những góp ý này dù có nghiêm túc hay có giá trị đi chăng nữa thì cũng chỉ “để mà chơi” bởi vì những người có thẩm quyền quyết định thì vẫn cứ “quyết” theo ý kiến chủ quan của một nhóm nhỏ mà thôi. Buồn ơi, chào mi!

Quảng Thanh (Mỹ)