…Cha tôi vốn tính cẩn thận nên đã thoát khỏi nhiều đợt vây bắt của mật thám Pháp. Hồng Vân - Hiệp Hòa - Bắc Giang là một vùng cơ sở của Đảng. Cha tôi đã nhiều lần về đây mở lớp huấn luyện chính trị. Một buổi sáng sớm tinh mơ, trời còn chập choạng, chưa sáng hẳn. Khi đang rửa mặt thì cha tôi thấy ở hiên nhà ánh đèn pin lấp loáng. Thế là cha tôi chạy như tên bắn, lao qua hàng tre dày. Cha tôi chạy về sông Thương phân chia địa giới hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên. Tại đó có một con đò và hai bố con ông cụ chèo đò.
Thấy cha tôi đầu có vết máu, ông cụ chèo đò hỏi:
- Sao sáng sớm mà bác đã đi đâu thế!
- Cụ chở giùm tôi sang Phổ Yên bên kia sông. Tôi có việc gấp.
Ông lái đò nói:
- Chắc bác bị Tây đuổi phải không?
Ông lái đò đưa cha tôi qua sông, vào tổng Tiên Thù, nay là xã Tiên Phong - huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên. Nếu không có ông lái đò thì cha tôi cũng khó thoát khỏi tay mật thám Pháp.
Có lần cha tôi đến xã Liên Mạc (Hoàng Liên) bên bờ sông Hồng, huyện Từ Liêm về phía Hà Nội, cha tôi dự định vào nhà chị Sáu là người liên lạc của Thường vụ.
Theo quy ước, trước khi vào nhà chị Sáu thì cha tôi đi qua một nhà khác và nhà đó vẽ một con cò. Nếu cò không có mắt tức là tình hình ổn. Nhưng nếu cò có mắt thì nghĩa là có động. Cha tôi đi qua nhà đó nhưng thấy cò không có mắt nên cha tôi cứ thế tiến lên. Bỗng người đàn ông trong nhà chạy ra, kéo cha tôi lại và nói nhỏ: - Mật thám đang ở nhà chị Sáu. Thế là cha tôi bèn lui lại, ra khỏi làng Liên Mạc.
Các cơ sở cách mạng trong ATK một lòng đoàn kết, giúp đỡ cách mạng và các chiến sĩ cộng sản. Khi đi từ vùng này sang vùng khác trong ATK thì cha tôi và hai đồng chí Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ vẫn mặc bộ quần áo của ông “Lý Đình Dù”. Đây là quần áo của các lý trưởng và chánh tổng ở thôn quê vẫn thường mặc: đội khăn xếp đen, mặc áo dài the đen trong áo trắng, vận quần trắng, đi giày tây đen, tay cầm ô đen, đeo kính râm. Với bộ quần áo này ba đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng đi khắp nơi trong ATK mà không hề bị lộ.
Pháp treo ảnh truy nã cha tôi trên toàn Đông Dương. Nhưng đôi khi cha tôi vẫn vào nội thành Hà Nội, mặc vét tông trắng, thắt cà vạt đen, đi giày tây đen bóng lộn, đội mũ phớt trắng, đeo kính râm và vào khách sạn nói chuyện với những sĩ quan Pháp có tư tưởng tiến bộ, ghét chủ nghĩa thực dân, thậm chí vốn họ là những người cộng sản bên Pháp, Đức và Áo, bị bắt lính đưa sang Đông Dương, rất có cảm tình với cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 6-1944 cụ Hồ Chí Minh về Cao Bằng và hoạt động ở đây đến tháng 12-1945. Trong thời gian đó thì cụ Hồ Chí Minh cũng đã quyết định hoãn một cuộc khởi nghĩa non của Tỉnh ủy Cao Bằng.
Nhìn chung phong trào cách mạng sau Hội nghị Thường vụ Trung ương (tháng 2-1943) tại Võng La có bước vững chắc. Phong trào vừa phát triển bề rộng vừa đi vào chiều sâu, kết hợp chính trị và công tác vũ trang của lực lượng cách mạng.
Tháng 5-1944, Tổng bộ Việt Minh (do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm chủ tịch, đồng chí Văn Tiến Dũng làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay đồng chí Hoàng Quốc Việt) ra chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa, yêu cầu các cấp bộ Việt Minh đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức lại các đội du kích chiến đấu. Chỉ thị yêu cầu các đội viên du kích phải sắm sửa vũ khí từ thô sơ đến hiện đại để tiến hành công tác phá hoại địch, gây hoang mang cho địch.
Sớm nhận thấy khả năng Nhật sẽ hất cẳng Pháp ở Đông Dương, cha tôi đã viết bài báo quan trọng đăng trên Cờ Giải Phóng số 7 (28-9-1944): Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, trong đó cha tôi dự đoán chính xác việc Nhật sẽ đảo chính Pháp để bóc lột nhân tài, vật lực của Đông Dương nhằm phục vụ chiến tranh Thái Bình Dương của Nhật.
Trong bài báo nổi tiếng đó, cha tôi đã dự đoán chính xác:
Một khi Nhật đảo chính Pháp vì hai con chó đói không thể ăn chung một miếng mồi thì cách mạng nước ta và cách mạng Đông Dương nhất định sẽ nổ ra.
Một bài báo quan trọng khác của cha tôi là Phải tiến gấp (Cờ Giải Phóng, 8-1944) trong đó cha tôi ví: Cả Đông Dương như một cánh đồng cỏ khô, tàn lửa cách mạng động rơi vào đâu cũng có thể bốc cháy. Hai quân thù Nhật, Pháp cầm cự giữ miếng nhau, hơn nữa lại tiêu hao lực lượng của nhau, làm cho quyền thống trị của chúng ở Đông Dương yếu dần.
Phong trào vũ trang cách mạng, phong trào du kích hoạt động rầm rộ suốt năm 1944 báo hiệu cho thấy thời cơ cách mạng sắp tới gần.
Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 đồng chí (22-12-1944). Ngay sau khi thành lập đội đã tiêu diệt hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, cướp nhiều vũ khí địch, đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang.
Năm 1945 (Ất Dậu) đã đến. Năm này nhiều sự kiện lịch sử vĩ đại trên thế giới và trong nước đã xảy ra.
Ngày 8-3-1945, cơ sở của Đảng ở Hà Nội báo ra cho cha tôi biết có những biến động mới: viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương Catroux bay vào Sài Gòn - tại Sài Gòn có một Dinh toàn quyền thứ hai, gọi là Dinh Norodom, xây dựng theo kiểu phong cách hiện đại của Khmer, sau bị anh em Diệm phá để xây Dinh Độc lập - thì bị Nhật giữ lại không cho ra Hà Nội; quân Nhật ở Hà Nội có lệnh cắm trại, chuẩn bị vũ khí, lương thực để sẵn sàng chiến đấu; quân Pháp cũng được lệnh báo động.
Cha tôi cho rằng tình hình Nhật đảo chính Pháp tới rất gần rồi, bèn quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng.
Tối ngày 9-3-1945, hội nghị bắt đầu khai mạc tại chùa làng Đồng Kỵ - Từ Sơn - Bắc Ninh. Cha tôi chủ trì hội nghị, đang nói thì có động. Thấy nhiều người đến chùa buổi chiều nên tụi lý trưởng và trương tuần ở Đồng Kỵ kéo đến hạch sách:
- Sư cụ! Sao có nhiều người lai vãng chùa thế?
Sư cụ trụ trì ở chùa là Phạm Thông Hòa nhanh trí hắng giọng và trả lời rất to, cốt báo động cho hội nghị:
- À! Mấy bác thợ sơn đến để sơn tượng nhà chùa đấy mà, nhưng họ đã đi hết rồi!
Thấy có động cả hội nghị chuyển sang họp tại làng Đình Bảng, cũng không xa Đồng Kỵ lắm. Làng này cha tôi và Thường vụ có một cơ sở rất vững chắc là cụ Đám Thi, thân phụ của đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh (là phu quân nữ đồng chí Hà Quế, Đại tá quân đội, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản). Đình Bảng còn là quê hương đồng chí Lê Quang Đạo.
Trên đường đi từ Đồng Kỵ về Đình Bảng thì phía Hà Nội có súng nổ rất lớn, đỏ rực một vùng trời. Cha tôi nói:
- Nhật đã đảo chính Pháp rồi các đồng chí ơi!
Cụ Đám Thi bố trí cho hội nghị họp tại một phòng trên gác hai. Nơi đây diễn ra hai cuộc họp quan trọng của Đảng:
1. Tháng 11-1940 họp Hội nghị Trung ương lần thứ 7 bầu cha tôi làm quyền Tổng Bí thư.
2. Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3-1945.
Đang họp thì có một thanh niên cơ sở tại làng từ Hà Nội về báo: Quân Nhật đánh Pháp rất to ở Hà Nội, chiếm Phủ toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) và chiếm thành nội do quân Pháp làm chủ. Lính Pháp từ trong thành bắn ra rất dữ dội nhưng quân Nhật đã bắc thang trèo qua chiếm được thành.
Hội nghị rất phấn khởi. Hội nghị họp khẩn trương, nhận định và dự đoán chiều hướng phát triển của tình hình nước ta và Đông Dương.
Sắp họp xong thì nhà cụ Đám Thi lại có động. Tất cả mọi người đều nhảy từ tầng hai xuống đất (khoảng 2m) và đi nhanh ra khỏi làng. Riêng cha tôi về làng Viên Nội, lúc đó thuộc Phúc Yên, nay là ngoại thành Hà Nội để chấp bút bản chỉ thị lịch sử Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.
Hàng nghìn, hàng vạn bản chỉ thị được gửi đi các địa phương, từ các nhà máy, phố phường đến vùng thôn quê và cả các làng xã xa xôi thuộc miền núi các đảng viên và quần chúng cách mạng nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo bản chỉ thị đó, đẩy mạnh phong trào Việt Minh lên một bước mới rất quan trọng. Các đội du kích và các chiến khu đẩy mạnh hoạt động đánh địch.
Chưa tiến hành được Tổng khởi nghĩa nhưng Đảng chủ trương khởi nghĩa từng phần.
Trước tình cách mạng phát triển sôi động, rầm rộ, nhanh chóng, vấn đề quân sự được đẩy mạnh. Cha tôi triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa - Bắc Giang. Tham dự có các đồng chí Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng...
Hội nghị khẳng định:
- Chúng ta đang ở vào giai đoạn chiến lược phát động du kích để chuẩn bị phát động tổng khởi nghĩa.
- Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp, trong lúc này.
Hội nghị quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang của Đảng thành Giải phóng quân.
Cụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc về nước tháng 4-1945. Hồ Chí Minh và cha tôi trao đổi thư từ để thống nhất sự lãnh đạo của Đảng. Hai người thống nhất họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và sau đó là Quốc dân Đại hội vào trung tuần tháng 8-1945. Cha tôi, với cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang. Tổng bộ Việt Minh quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội ngay sau khi họp xong Hội nghị toàn quốc của Đảng ta. Lúc này đồng chí Hoàng Quốc Việt đang đi công tác vắng.
Sáng 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại đỉnh Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang. Cụ Hồ Chí Minh bị ốm nặng không tham dự được.
Lần đầu tiên Đảng ta có một hội nghị toàn quốc long trọng và đông đảo đại diện cho Đảng khắp ba kỳ tham dự sau 15 năm thành lập và đấu tranh kiên cường. Chúng ta nhớ hội nghị hợp nhất của Đảng từ 1-6-1930 họp đến 3-2-1930 không có đại diện Tân Việt cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ tham gia.
Thay mặt Thường vụ Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo về cuộc đấu tranh chống Pháp, Nhật từ 1940 đến nay. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng ta phải lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Đại biểu cho ba xứ ủy và các tỉnh ủy, thành ủy nhiệt liệt tán thành chủ trương trên của lãnh đạo Đảng.
Đương họp thì tin đội quân Quan Đông hùng mạnh của Nhật đã bị Hồng quân Liên Xô đánh bại tại Đông Tam Tỉnh (tức Mân Châu Lý) của Trung Quốc, Nhật hoàng Hirohito lên Đài phát thanh Tokyo (Đông Kinh) đọc Tuyên bố đầu hàng Đồng minh của nước Nhật và quân đội Nhật.
Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 người:
1. Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Ủy ban
2. Trần Đăng Ninh - ủy viên
3. Chu Văn Tấn - ủy viên
4. Lê Thanh Nghị - ủy viên
5. Võ Nguyên Giáp - ủy viên.
Ngay tối 13-8-1945, vào lúc 22g Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát đi Quân lệnh số 1.
Hội nghị đã bầu bổ sung các đồng chí Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Chu Văn Tấn, Lê Đức Thọ, Vũ Anh làm ủy viên Trung ương và bầu đồng chí Võ Nguyên Giáp làm ủy viên Trung ương dự khuyết.
Sáng 15-8-1945, Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tuyên thệ trước cây đa Tân Trào lịch sử, sau đó kéo quân về Thái Nguyên đánh quân Nhật cố thủ ở đó.
Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào trong không khí hết sức phấn khởi và khẩn trương. Lần đầu tiên sau 80 năm làm nô lệ cho thực dân Pháp mới có một Quốc dân Đại hội đại biểu cho các tầng lớp nhân dân ta khắp ba kỳ họp bàn quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước: quyết định Tổng khởi nghĩa toàn quốc và quyết định thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời lãnh đạo đất nước.
Đồng chí Phạm Văn Đồng khai mạc Quốc dân Đại hội. Đồng chí giới thiệu lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhà ái quốc lão thành, bao năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài nay về nước lãnh đạo cách mạng và đất nước. Các đại biểu hoan hô nhiệt liệt lãnh tụ Hồ Chí Minh và bàn nhau chắc Hồ Chí Minh là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh phát biểu ngắn trước Quốc dân Đại hội. Đoàn chủ tịch gồm ba người: Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.
Thay mặt cho Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo trình bày ý kiến lãnh đạo của Đảng là toàn dân ta cùng đứng lên giành chính quyền trong tay phát xít Nhật, làm chủ vận mệnh của mình, đứng trên tư thế chủ nhân chân chính của nước Việt Nam độc lập, đón tiếp quân đội Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật.
Các đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội bầu Chính phủ cách mạng lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sau khi Quốc dân Đại hội thành công, các đại biểu khẩn trương về các địa phương để lãnh đạo và tham gia Tổng khởi nghĩa.
Cha tôi về Thái Nguyên nơi có chiến sự đang xảy ra. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo với cha tôi: quân Nhật ở Thái Nguyên kháng cự quyết liệt, không chịu đầu hàng. (Thị xã Thái Nguyên đã được giải phóng, nhưng quân Nhật co lại trong trại lính). Cha tôi động viên Quân giải phóng.
Cha tôi về Hà Nội qua ngả Bắc Giang, đi xe đạp, qua phố Cò vào nhà máy giấy Đáp Cầu. Sau đó cha tôi lên đường về thủ đô. Trời mưa tầm tã mấy ngày liền và một trận lụt lớn xảy ra. Cha tôi lên một chiếc thuyền đinh và về theo đường thủy qua Vĩnh Phúc về tới bờ đê sông Hồng mạn Phú Gia - Từ Liêm ngày 20-8-1945. Ngày 19-8-1945, thủ đô Hà Nội khởi nghĩa. Ngày 20-8-1945, Ủy ban Cách mạng thành phố được thành lập. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập phố phường thủ đô trong những ngày cách mạng.
Các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa và Thành ủy Hà Nội đón cha tôi từ Phú Gia (nhà bà Hai Vẽ) về nội thành. Sáng ngày 21-8-1945 cha tôi gặp Thành ủy, Ủy ban Khởi nghĩa thủ đô và Ủy ban Cách mạng thành phố. Đồng chí Nguyễn Khang, Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách Hà Nội và Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, báo cáo với Tổng Bí thư Đảng về cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã diễn ra nhanh chóng, kịp thời và thành công rực rỡ.
Cha tôi khen Hà Nội đã làm tốt việc khởi nghĩa và thắng lợi của khởi nghĩa Hà Nội sẽ tác động tích cực đến tình hình khởi nghĩa trong toàn quốc. Các tỉnh thành, các địa phương khác trong cả nước sẽ noi theo Hà Nội nổi dậy khởi nghĩa.
Khi cha tôi ra về các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa và Thành ủy đứng dậy chào, cha tôi bắt tay từng người một. Cha tôi thấy toàn là những thanh niên. Đồng chí Nguyễn Khang mới 26 tuổi, các đồng chí khác ít tuổi hơn. Sau này, trong hồi ký Từ Tiền khởi nghĩa tới Tổng khởi nghĩa (8-1985) do Viện Lịch sử Đảng ghi lại (Nguyễn Văn Phùng phụ trách nhóm ghi chép), cha tôi có viết:
Cách mạng và tuổi trẻ hòa quyện làm một trong mùa thu lịch sử 1945.
Ngày 23-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi một chiếc thuyền đinh về Phú Gia, vào nghỉ một đêm ở nhà bà Hai Vẽ, cơ sở cách mạng của cha tôi.
Cha tôi và một số người trong Ủy ban Khởi nghĩa thủ đô, Thành ủy Hà Nội đón Hồ Chủ tịch. Sáng hôm sau (24-8-1945), Hồ Chủ tịch về đến nhà 48 Hàng Ngang và sinh hoạt, làm việc tại đây đến 2-9-1945 thì chuyển về Bắc Bộ Phủ, lúc này là trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời.
Ngày 23-8-1945, Huế khởi nghĩa, ngày 25-8-1945 Sài Gòn khởi nghĩa. Đến 31-8-1945 khởi nghĩa trong toàn quốc thắng lợi. Các tỉnh, thành đã vùng lên giành chính quyền, lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Riêng Lai Châu và Móng Cái (Hải Ninh), do lực lượng của ta còn yếu nên khởi nghĩa không xảy ra.
Ngày 25-8-1945, đoàn đại biểu Chính phủ ta vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại. Đoàn do Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời dẫn đầu, và hai vị Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng, thành viên Chính phủ.
Ngày 30-8-1945, trước Ngọ Môn vua bù nhìn Bảo Đại tuyên bố một câu nổi tiếng, trước sự hoan hô của hàng vạn đồng bào Huế: Tôi thà làm công dân một nước độc lập còn hơn là làm vua một nước nô lệ.
Bảo Đại trao ấn vàng và kiếm cho Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu.
Ngày 27-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với toàn thể thành viên Chính phủ cách mạng lâm thời nước ta.
Chiều ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập trước một triệu đồng bào thủ đô và các tỉnh lân cận, trong một cuộc mít tinh khổng lồ mừng ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình. Toàn thể quốc dân nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập và thề quyết giữ vững lời thề độc lập, bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm đến cùng.
Tuy không có chân trong Chính phủ nữa nhưng từ sau ngày 2-9-1945 hàng ngày cha tôi vẫn từ nhà 47 Hàng Chuối là nơi ở của cha tôi đến Bắc Bộ Phủ, nay là trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời để họp với Hồ Chủ tịch, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng và Võ Nguyên Giáp.
Hồ Chủ tịch nói: - Anh Nhân và các đồng chí cần đến họp đúng 6g sáng, nếu hôm nào anh Nhân không đến thì không họp nữa.
Cứ thế, hàng ngày cha tôi họp với Cụ đúng 6g tại Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời.
Ngày 3-9-1945 cha tôi về thăm nhà tại làng Hành Thiện - huyện Xuân Trường - tỉnh Nam Định. Dân làng nô nức đến thăm cha tôi và chúc mừng cách mạng thắng lợi, giành lại độc lập cho nước nhà.
Gia đình tôi vui như mở hội. Người vui nhất chính là mẹ tôi. Bao năm mẹ tôi ở nhà săn sóc bố mẹ chồng, nuôi con, làm nhiệm vụ của một người dâu hiền. Nay nước nhà độc lập, gia đình đoàn tụ, mẹ tôi là người vui nhất.
Cha tôi đưa mẹ tôi lên Hà Nội, hưởng vài ngày nắng thu vàng rực rỡ, mây trắng bay, gió heo may thổi tại thủ đô. Hà Nội tràn ngập niềm vui, tràn ngập cờ hoa, vô cùng náo nhiệt và sôi động trong những ngày độc lập. Sau này (1960) cha tôi có viết một bài thơ kỷ niệm ngày sinh của mẹ tôi, có câu thơ sau đây:
Bờ Hồ em bước cùng anh,
Ta đi trong ánh bình minh cuộc đời.