Phương Tây biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cái tên quen thuộc “Général Giáp” (Tướng Giáp). Tin ông mất vừa loan đi thì báo chí phương Tây tung ngay ra hàng loạt bài về ông với những đầu đề hấp dẫn: Người đánh bại Pháp và Mỹ, Napoléon của Việt Nam, Thiên tài quân sự thế kỷ XX… Các bài nói chung chỉ đề cao tài thao lược của tướng Giáp, chỉ một số ít nhà báo và nhà sử học đề cập đến ảnh hưởng những chiến thắng của ông đối với diễn biến lịch sử của Việt Nam và cả thế giới. Điện Biên Phủ khiến phương Tây và thế giới sửng sốt, được coi là một sự kiện có tính chất bước ngoặt trong lịch sử thế giới, gần như năm 1904, Nhật thắng trận thủy chiến ở Tsushima. Lần đầu tiên, người da vàng thắng người da trắng ở Nhật - lần đầu tiên, một nước thuộc địa thắng một đế quốc ở Việt Nam.
Điện Biên Phủ có ý nghĩa “mốc lịch sử thế giới”, cho nên các từ điển phổ thông phương Tây có mục từ “Điện Biên Phủ” mà không có mục từ “Chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thí dụ, Điện Biên Phủ định nghĩa ở từ điển Đức Brockhaus là “Cứ điểm Pháp bị Việt Minh chiếm năm 1954, chấm dứt sự đô hộ Đông Dương của Pháp”. Theo Từ điển Pháp ngữ phổ thông, “…ở Điện Biên Phủ, quân Pháp bị bao vây đã bị Việt Minh do tướng Giáp chỉ huy đánh bại”. Từ điển Anh Hutchinson nhận định: “Việc Điện Biên Phủ thất thủ dẫn đến sự chia cắt Việt Nam làm hai, và gián tiếp khiến cho nền Cộng hòa thứ tư của Pháp sụp đổ”.
Với tác động trực tiếp đến lịch sử Việt Nam và ảnh hưởng đến thế giới, Điện Biên Phủ đã nâng cao uy tín của dân Việt vốn bị coi là hèn kém thời Pháp thuộc. Điện Biên Phủ đã rửa nhục nô lệ cho tất cả mọi người Việt Nam, khiến mọi người đều có thể ngẩng cao đầu lên, kể cả những người ở phía không đồng tình với Hà Nội. Một bác Việt kiều sang Pháp làm phiên dịch cho lính thợ Việt Nam trong chiến tranh thế giới 2 tâm sự trong hồi ký của mình: bác chỉ lấy vợ “đầm” sau Điện Biên Phủ, vì lúc đó, bác cảm thấy mình là dân một nước không những độc lập mà còn thắng cả Pháp, không còn bị gọi là Sale Annamite (người Annam đáng ghê tởm).
Cách đây hơn chục năm, ở Mỹ có xuất bản cuốn 100 nhà quân sự - Một cách xếp hạng những nhà quân sự có ảnh hưởng nhất của các thời đại (NXB Citadel Press, New York, 2002).
Tác giả là Trung tá M. Lanning đã từng chiến đấu ở Việt Nam và là tác giả của 12 cuốn sách quân sự. Tiêu chuẩn của ông đề ra cho sự lựa chọn và xếp hạng ấy là: không nhất thiết phải là quân nhân chuyên nghiệp hoặc có chiến công vang lừng, mà là người có những quyết định quân sự có ảnh hưởng lâu dài tốt hay xấu đến đất nước mình, đến cả một vùng hay toàn thế giới. Diện lựa chọn bao gồm cả thế giới trong 25 thế kỷ, không phân biệt đó là anh hùng dân tộc hay bạo chúa, tội phạm chiến tranh.
5 vị đầu bảng là: Washington, Napoléon, Đại đế Alexander, Thành Cát Tư Hãn và Caesar. 4 vị sau thì dễ được ý kiến chung công nhận với sự giải thích của tác giả: Hoàng đế Pháp Napoléon (Bộ dân luật của ông ảnh hưởng đến cả châu Âu – gián tiếp khiến cho các quốc gia Đức và Ý hình thành, ảnh hưởng về tổ chức quân đội, chiến lược tác chiến trên thế giới, gieo rắc tư tưởng tự do); Đại đế Hy Lạp Alexander (thế kỷ III, IV trước Công nguyên, có tài thao lược và tổ chức, dũng cảm xây dựng một đế chế bao gồm cả Đông Tây trong hệ thống văn minh Hy Lạp, canh tân nghệ thuật quân sự); Thành Cát Tư Hãn (thế kỷ XIII – đế chế Á-Âu, từ Ba Lan đến Triều Tiên, cả Trung Quốc lẫn Nam Nga; có tài dùng binh, gieo khiếp sợ, là người giỏi chiến thuật nhưng cũng giỏi cai trị); Hoàng đế La Mã Caesar (thế kỷ I – đế chế La Mã tồn tại 5 thế kỷ, ảnh hưởng văn hóa La Mã, Bộ luật La Mã, tổ chức hành chính các thành thị, tổ chức quân đội).
Xếp Washington số 1 có thỏa đáng không? Chắc chưa hẳn được sự đồng tình của tất cả mọi người. Tác giả giải thích: nếu so với những chiến công huy hoàng của Napoléon, Alexander, Thành Cát Tư Hãn và Caesar cùng rất nhiều tướng khác thì ông thua xa, nhưng sau nhiều lần lao đao, ông đã thắng trận Yorktown (1781), quyết định thắng lợi của Cách mạng Mỹ chống Anh, với những kết quả làm thay đổi bộ mặt trái đất: nước Mỹ ra đời, trong hai nhiệm kỳ tổng thống (ông từ chối nhiệm kỳ 3), ông đã đặt nền nếp cho một nền dân chủ vẫn còn là mẫu mực cho đến nay. Ông đã kết hợp quân sự, chính trị đối nội đối ngoại để giành thắng lợi cuối cùng. Không có ông, không có Hoa Kỳ - quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới hôm nay.
Tướng Võ Nguyên Giáp được xếp thứ 40/100, sau Tôn Tử (thứ 23), trước Mao Trạch Đông (thứ 48), Togo (thứ 69), Jukov (thứ 70), Lâm Bưu (thứ 76), Fidel Castro (thứ 82), Tito (thứ 84), Kim Nhật Thành (thứ 86), Tưởng Giới Thạch (thứ 89)… Tác giả giải thích: tướng Giáp là bậc thầy về đánh du kích. Chiến lược trường kỳ ông áp dụng có ảnh hưởng đến các dân tộc đấu tranh cho độc lập. Những thắng lợi của ông tác động đến những quyết định chính trị, quân sự ngày nay ở nhiều nước, đặc biệt ở Hoa Kỳ, để tránh một “cuộc chiến tranh Việt Nam” lần thứ hai.
Liên quan đến chiến tranh thế giới 2, Mỹ có Eisenhower (thứ 18), Mac Arthur (thứ 80), Marshall (thứ 16); phía Nga có Konev, Jukov (thứ 70) (không có Stalin); phía Anh có Mongomery; phía Pháp không có ai, vắng cả de Gaulle, Leclerc; phía Nhật có đô đốc Yamamoto; phía Đức có Hitler (thứ 16) và Rommel (thứ 79)…
Tuy không trực tiếp chỉ huy trận nào, Hitler xếp thứ 16 vì là Tổng tư lệnh quân đội hùng mạnh ghê gớm, gây ra chiến tranh thế giới 2, làm chết bao nhiêu triệu người, ảnh hưởng lâu dài đến bộ mặt thế giới: Đức bị chia cắt, Liên Xô nổi lên và chiến tranh lạnh, các đế quốc Anh và Pháp lao đao để rồi tan rã, Hoa Kỳ từ bỏ chính sách cô lập và trở thành siêu cường số 1. Thống soái Đức Rommel, nổi tiếng về canh tân nghệ thuật tấn công bằng xe tăng (đánh thọc chớp nhoáng, tiến sâu, mở rộng thắng lợi không cần đợi hậu quân). Ông đi tiên phong chiếm nước Pháp, cầm cự thắng lợi một giai đoạn dài ở Bắc Phi chống Anh, về sau bị Hitler bắt uống thuốc độc tự tử. Là nhà binh chuyên nghiệp, ông có nhân cách nên được cả phe Đồng minh kính trọng.
Trên đây là bản tóm lược sự lựa chọn 100 nhà lãnh đạo quân sự và sự đánh giá của Trung tá Lanning, người từng “nếm đòn” tướng Giáp ở Việt Nam.Chỉ xin thêm một chi tiết nhỏ về tướng Giáp. Theo thông tin của các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài, cuốn sách Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân của ông (bản tiếng Pháp do Nguyễn Khắc Viện chấp bút, dịch ra nhiều ngôn ngữ - NXB Ngoại Văn, Hà Nội) được coi là cẩm nang của nhiều dân tộc Á – Phi – Mỹ La tinh trong phong trào giải phóng dân tộc.