Cách đây vài tháng GS Bùi Trọng Liễu có gởi email cho biết dạo này ông mệt nhiều, sức khỏe rất kém. Tạng người Cụ yếu. Từ trẻ đã nằm bệnh viện. Rồi tự học mà thi đổ và trở thành GS Đại học toán ở Paris. Nghe tin Cụ yếu dần tôi có gởi thư thăm hỏi và mách mấy thứ thuốc bổ dưỡng. Nhưng ý chừng Cụ đã biết sức mình đã kiệt, nên không nói gì. Nhờ Cụ viết bài thì Cụ sẵn lòng. Cụ gởi luôn mấy bài. Sau mấy cuốn hồi ký, bàn về Giáo dục - Khoa học, Cụ vẫn đau đáu nỗi lo cho Giáo dục quê nhà. Tấm lòng âu lo của Cụ thật là hiếm có. Càng hiếm có một người có trình độ văn hóa kiêm toàn Đông - Tây, lịch lãm trường đời, bậc thầy về Giáo dục - Khoa học như thế!
Tin Cụ mất làm nhiều người quen biết Cụ thương tiếc, bàng hoàng. Riêng tôi, một người được Cụ cộng tác, thân ái qua từng dòng thư, từng bài viết, càng cảm thấy buồn tiếc, đau thương như mất một người thân.
Vĩnh biệt GS Bùi Trọng Liễu, và xin Cụ yên nghỉ. Chúng tôi sẽ nối tiếp chí nguyện của Cụ, làm việc hết mình cho nền giáo dục và văn hóa Việt Nam, xứng với ước nguyện của Cụ và của bao người, dù ở xa Tổ quốc không về được mà vẫn “chim Việt đậu cành Nam”, nặng lòng cố quốc.
Hỡi ôi! Trong tuyết lạnh Paris,
Trong nỗi niềm xa nước
Có một ông già mảnh mai, đầu bạc
Hôm nay ra đi lòng vẫn vọng về
Áng mây chiều trên sông Hồng cạn khô dòng lệ
Tuổi già hạt lệ như sương ấy
Mãi mãi quay đầu vọng cố hương
*
* *
Một tối mùa xuân ở Paris, trong một buổi Việt kiều họp mặt kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội quán 16 rue du petit Musc, tôi tình cờ đứng cạnh một vị khách, người trông hơi gầy nhưng gương mặt toát lên một vẻ thông tuệ và đôn hậu. Tôi bắt tay làm quen và mới biết đấy là Giáo sư Bùi Trọng Liễu.
Bùi Trọng Liễu là cái tên quen biết quá mà tôi đã từng đọc nhiều trên báo những bài bàn về giáo dục rất sâu sắc. Thế là như “tha hương ngộ cố tri’, câu chuyện quay về những bài báo ấy. Về nước, tôi đọc Tự sự của người xa quê hương, Học gần học xa của ông và hiểu ông thêm. Ông là thế hệ Việt kiều qua Pháp từ những năm 50. Ông đã qua một con đường khác thường để đến với Toán học: tạng người ốm yếu, lúc mới qua bị bệnh phải nằm viện hoài, và trong bệnh viện ông tự học lấy, rồi đỗ Tú tài, rồi học Đại học, rồi thi Tiến sĩ, rồi được bổ nhiệm Giáo Sư Đại học…

Vợ chồng GS. Bùi Trọng Liễu thuở chưa cưới.
Ảnh chụp trước lâu đài Chantilly, 1961.
Bây giờ, hai con trai ông (con của một “bà đầm” mà các bạn sẽ thấy trên ảnh in kèm theo lúc hai người còn chưa cưới, rất đẹp) cũng theo nghề Toán - Tin học và làm Giáo sư Đại học Pháp.
Việt kiều ở Pháp là những người đã đóng góp nhiều nhất cho hai cuộc kháng chiến và xây dựng lại đất nước. Bùi Trọng Liễu là một trong những người đã dốc sức cho công việc đó, đặc biệt trong lĩnh vực Giáo dục - Khoa học là hai lĩnh vực mà ông hiểu rất nhiều. Từ năm 1970, ông về nước 5 lần, làm việc với GS Tạ Quang Bửu và một số vị lãnh đạo khác, đặc biệt là vào năm 1981, ông đã dẫn đầu một phái đoàn Khoa học Việt kiều về nước tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi Phó Thủ tướng thời đó) phụ trách lĩnh vực này. Sau đó, sức khỏe không cho phép ông đi xa.

GS. Bùi Trọng Liễu (đứng giữa) và hai con,
cùng trong lễ phục giáo sư đại học Pháp, 2003.
Không về được, thì ông gởi tấm lòng và suy nghĩ của mình về qua những bài báo. Đó là một nỗi trăn trở, về Tổ quốc ở xa: “Ôi Tổ quốc, ta vì người như vì sinh mệnh của ta. Đến lúc xa người ta mới thấy hết tầm quý giá”, bỗng dưng tôi nhớ đến một câu thơ của thi hào Ba Lan A. Mickiêvich. Nhưng không phải chỉ có tình cảm, mà bằng cả sự từng trải, bằng kiến thức uyên bác, không chỉ Khoa học tự nhiên mà cả Khoa học xã hội. Đó là một người học Tây nhưng rất hiểu Đông, nhất là cổ phương Đông. Ông đọc nhiều, nhớ dai và vì vậy các bài báo của ông có phong cách của những bài tản văn - biện luận của các hiền sĩ đời xưa. Một cách viết của một nhà toán học, nhưng “bình dị, biến ảo” (nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một bài viết về ông), thu hút thuyết phục người đọc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Bùi Trọng Liễu
tại nhà khách chính phủ - Hà Nội 1981.
Đôi lúc văn ông cũng pha chút hài hước; cuộc đời vẫn vậy mà! Và văn chương có chút hài hước sẽ có thêm vị. Những vấn đề mà ông nói vẫn luôn luôn thời sự, tươi mới; góp vào cho đất nước, cho chúng ta bao nhiêu suy nghĩ quý giá. Vấn đề thu hút chất xám, vấn đề học hàm học vị, vấn đề trường công trường tư… “Ngay cả trong nền kinh tế thị trường có định hướng hay không, giáo dục đào tạo không thể là một thứ hàng hóa, tiêu thụ, mua bán như các loại hàng hóa khác”. Đọc những dòng như vậy từ Paris viết về, làm sao chúng ta không giật mình, nghĩ ngợi.
Giáo dục, Khoa học là hai mũi nhọn, là hai ưu tiên, là hai mũi đột phá để chấn hưng đất nước, đưa đất nước phát triển bền vững, thoát khỏi đói nghèo, tiến lên hiện đại, công nghiệp, văn minh. Thế nhưng, ai cũng thấy rằng đây đang là hai mặt yếu của đất nước. Vấn đề là cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đột phá; cần một “Điện Biên Phủ”. Và trong trận chiến cam go ấy của trí tuệ, tiếng nói của những người như Giáo sư Bùi Trọng Liễu là vô cùng cần thiết. Vấn đề còn lại là biết lắng nghe trân trọng, xử lý thông minh, không được để thời gian trôi qua một cách phí phạm. Ông đã đi xa rồi, nhưng những lời nhắn gởi của ông vẫn còn nguyên giá trị, giục ta hoàn thành chí nguyện trong trẻo, cao thượng của ông.
(*) | Giáo sư Bùi Trọng Liễu sinh năm 1934, mất ngày 5/3/2010 tại Bệnh viện Antony (ngoại ô nam Paris). Trang mạng của ông: http://www.buitronglieu.net |
Các bài viết của GS. Bùi Trọng Liễu trên Tạp chí Hồn Việt: