Tăng viện phí: Nhẹ gánh bên này, nặng gánh bên kia?

Sắp tới đây, sẽ có 350 dịch vụ y tế được phép tăng giá khi đề án của Bộ Y tế được đưa vào áp dụng trên toàn quốc. Theo đề án ấy, mức tăng trung bình khoảng dưới 2,5 lần, còn với một số dịch vụ đặc biệt, cao nhất có thể lên 7 hoặc 10 lần.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đã có nhiều ý kiến về việc này: Tăng giá có làm cho chất lượng khám chữa bệnh NÂNG CAO, và đặc biệt là tăng giá có trở thành gánh nặng cho người nghèo, cho ngành bảo hiểm y tế (BHYT)?

Trước đó, vào tháng 7/2010, Bộ Y tế đã từng đưa ra dự thảo về việc tăng viện phí để lấy ý kiến của các ngành chyên môn, của xã hội. Căn cứ vào bảng giá chi phí y tế được áp dụng từ năm 1995 mà trong đó, nếu người bệnh đến khám ở trạm y tế tuyến xã, phường, thì phải trả 500 đồng, còn khám tại các bệnh viện (BV) tuyến quận huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì con số này lần lượt là 2.000 và 3.000. Vào thời điểm hiện tại, ở TP.HCM, 500 đồng hầu như chỉ có thể mua được 1, 2… trái ớt! Chưa kể đại đa số các điểm kinh doanh, dịch vụ - ngoại trừ các siêu thị và một vài cây xăng - không ai nhận đồng bạc 200 đồng!

Mặc dù bảng giá chi phí y tế ban hành như vậy, nhưng hầu hết các BV đều đã âm thầm lặng lẽ vượt rào từ lâu mà lý do đơn giản là nếu áp dụng đúng theo quy định ấy, thì BV sập tiệm là cái chắc!

Theo tìm hiểu, ngay từ những năm 1996, 1997, nhiều BV công tại TP.HCM đã tính tiền khám bệnh là 5.000 hoặc 10.000 đồng/người, rồi dần dà tăng lên 20.000 và hiện tại, các BV loại 1 đều là 30.000 đồng, chưa kể đến chi phí người bệnh phải trả thêm ở các công đoạn xét nghiệm, siêu âm, X-quang, chụp MRI..., mà giá hoặc là ngang bằng, hoặc cao hơn mức đề xuất Bộ Y tế đưa ra trong đề án tăng viện phí. Tuy nhiên, điều khiến dư luận phản ứng nhất là thay vì điều chỉnh giá viện phí bằng cách tăng dần theo từng thời điểm, dựa trên chỉ số tiền lương, mức thu nhập bình quân, chỉ số giá cả tiêu dùng…, thì Bộ Y tế lại giữ cái khung giá năm 1995 quá lâu, rồi đột ngột tăng khiến tâm lý người dân - nhất là người nghèo không khỏi lo lắng mặc dù sự thật hiển nhiên là không phải đợi đến khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo tăng giá viện phí thì giá mới tăng.

Giám đốc một BV tại TP.HCM, cho biết: "Đề án hồi tháng 7/2010 của Bộ Y tế chẳng qua giống như sự hợp thức hóa cho việc tăng giá vì thực tế nó đã tăng từ lâu lắm rồi".

Theo đề án của Bộ Y tế, thì viện phí hiện nay thu theo dịch vụ nên nếu có điều chỉnh viện phí, thì chỉ bệnh nhân nào sử dụng các dịch vụ trong số 350 dịch vụ ấy mới phải trả thêm tiền mà cụ thể là trong số 350 dịch vụ, có 220 dịch vụ tăng dưới 2,5 lần, 70 dịch vụ tăng từ 7 đến 10 lần mà chẳng hạn như theo giá viện phí mới, bệnh nhân nằm điều trị nội khoa ở trạm y tế phường, xã sẽ phải trả đến 100.000 đồng/ngày. Vào tháng 7/2010, Bộ Y tế đã giải thích: Nghị định 95/CP về chính sách viện phí ban hành từ năm 1995 đến nay chưa được sửa đổi, trong khi tiền lương của cán bộ, viên chức và mức thu nhập bình quân của người dân đã tăng nhiều lần. Đây là sự bất hợp lý nên viện phí cần phải điều chỉnh theo khung giá mới.


Tăng viện phí có làm giảm đi những cảnh này?

Vẫn theo Bộ Y tế, hiện nay các bệnh viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nên tăng viện phí sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng khám, chữa bệnh. Thêm nữa, cả nước đã có hơn 60% dân số đóng BHYT vì vậy, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Ông Nguyễn Văn Minh, nhà ở phường 8, quận 3, TP.HCM, cho biết: "Hồi đầu năm, tôi đi khám tại BV Nhiệt đới vì bị sốt siêu vi, tiền khám là 30.000 đồng. Nay nếu áp dụng theo khung giá mới thì có lẽ cũng chừng đó hoặc hơn chút đỉnh nên tôi thấy cũng được". Chị Lê Thị Thọ, ở phường 2, quận Bình Thạnh, nói: "Tôi thuộc diện tạm trú, chưa mua BHYT. Hồi đó tới giờ đi khám bệnh, BV nói bao nhiêu tui trả bấy nhiêu. Nay nghe nói viện phí tăng, tôi cũng thấy lo vì thu nhập mỗi tháng chỉ gần 2 triệu". Tôi hỏi: "Mỗi lần đi khám, chị trả bao nhiêu?". Chị Thọ đáp: "Tiền khám là 20.000 đồng, còn thuốc men và nếu phải thử máu, chụp phim thì chưa tính".

Theo khung viện phí hiện đang áp dụng - dĩ nhiên là trên lý thuyết, đối với giường bệnh hồi sức cấp cứu tại các BV loại 1, là 12 - 18.000 đồng/ngày, còn một số khoa khác là 8 - 10.000 đồng/ngày. Với những BV tuyến quận, huyện, thì nó nằm dưới mức 8.000 đồng/ ngày. Thử hỏi với cái "giá" ấy, thì chỉ riêng tiền điện, nước, dịch vụ vệ sinh, giặt giũ thôi, có BV nào gánh nổi hay không? Câu trả lời là "không", chưa kể vật tư đơn giản nhất là một đôi găng tay, từ 400 - 600 đồng, nay đã lên 6.000 đồng.

Vì thế, để tự cứu mình trước khi… Nhà nước cứu, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã áp dụng khung giá với bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu là 300 nghìn đồng/ngày, BV Đa khoa ở một số các quận huyện nội thành 50.000 đồng/ngày. Tại BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, nơi khá nhiều bệnh nhi đến khám "vượt tuyến" - nghĩa là không đi qua hệ thống trạm y tế phường, BV quận, thì giá từ 20 - 30.000 đồng - nghĩa là cũng đã vượt rào. Bên cạnh đó, nhiều người muốn con em mình được khám nhanh, khỏi mất công chờ đợi nên họ chọn hình thức khám dịch vụ, mỗi lần là từ 60 - 80.000 đồng.

Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, giá khám dịch vụ lâu nay tại BV cũng đã là 30.000 đồng, giá một giường bệnh là 100.000 đồng/ngày. Với giá viện phí này, chưa kể sau khi chủ trương xã hội hóa ngành Y tế ra đời, nhiều loại hình dịch vụ cũng xuất hiện mà chẳng hạn như khám, mổ theo yêu cầu, chọn bác sĩ, hẹn giờ khám qua điện thoại, chọn phòng nằm…, các BV mới tạm đủ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đồng thời phần nào cải thiện đời sống y bác sĩ, nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực.

 

Tăng viện phí có hạn chế được những tiêu cực?

Thực tế cho thấy, mặc dù giá khám chữa bệnh đã tăng từ nhiều năm trước, nhưng chất lượng thì vẫn còn lắm chuyện cần bàn mà cụ thể như 2 người bệnh nằm chung một giường, thậm chí nằm cả dưới sàn nhà, bác sĩ "móc" bệnh nhân về phòng mạch tư hoặc "dụ" bệnh nhân qua BV tư để được khám nhanh, mổ nhanh. Thậm chí có những trường hợp không được phép mổ dịch vụ nhưng bác sĩ vẫn gợi ý để người bệnh và thân nhân của họ, ký giấy xin được… mổ dịch vụ, hoặc lạm dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, kê đơn thuốc với những loại thuốc không thật cần thiết. Chưa kể đến thái độ vô cảm, thờ ơ, hách dịch của một vài bác sĩ khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Ông Lưu, cư trú tại đường Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM, kể: "Lúc vào tái khám, tôi lấy tờ đơn thuốc để trong bóp ở túi quần sau ra, đặt lên bàn. Chỉ có thế thôi mà ông bác sĩ đã vo viên tờ giấy, ném vào sọt rác rồi quát lớn: "Đơn thuốc của tôi, chữ ký của tôi, ông phải đặt lên đầu chứ không phải nhét vào… Ông đi ra đi, tôi không khám cho ông (?!)".

Vì vậy, theo Bộ Y tế, giá viện phí không phải là vấn đề quyết định toàn bộ chất lượng dịch vụ y tế, vì "chất lượng dịch vụ y tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố". Các yếu tố này là: Trình độ chuyên môn của y, bác sĩ, phòng ốc, trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, kinh phí đảm bảo các khoản chi để thực hiện các dịch vụ y tế, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế và sự hợp tác của bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng được áp dụng mà cụ thể như Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện cùng các bệnh viện tuyến tỉnh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ, như tăng cường công tác đào tạo cử tuyển, đào tạo có địa chỉ, đào tạo liên tục về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, tăng cường giáo dục về y đức, thực hiện luân phiên tăng cường cán bộ cho tuyến dưới, phát động các chương trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến để mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Vẫn theo Bộ Y tế, thì cùng với việc điều chỉnh giá viện phí của một số loại dịch vụ, các bệnh viện sẽ có thêm một phần kinh phí để đảm bảo tốt các hoạt động, và thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Về phía BHYT, một năm quỹ khám chữa bệnh BHYT thanh toán hết gần 20 nghìn tỉ đồng, trong đó khoảng 12 nghìn tỉ là tiền thuốc. Riêng 8 nghìn tỉ còn lại sẽ chịu tác động của việc tăng viện phí - nghĩa là số tiền này sẽ phải tăng lên khi giá cả các loại dịch vụ y tế tăng lên. Điều cần lưu ý là nhiều bệnh viện tư nhân - không được Nhà nước hỗ trợ ngân sách nhưng vẫn tham gia khám, chữa cho bệnh nhân có BHYT, và cũng chỉ được thanh toán như bệnh viện công, thì lại chẳng có ý kiến gì!

Bác sĩ và người bệnh nói gì về chuyện tăng viện phí?

Như đã nói ở trên, đề án tăng viện phí do Bộ Y tế chuẩn bị đưa vào áp dụng ít nhiều cũng đã gây ra sự xôn xao, chủ yếu ở phía người dân. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát tại một số các BV ở TP.HCM, nhiều người bệnh khi biết rằng một số khoản viện phí mà họ đang đóng, cũng chỉ bằng mức viện phí dự định sẽ tăng, hoặc tăng không nhiều lắm thì họ đồng tình. Vấn đề mà họ đặt ra là khi họ trả tiền theo mức giá ấy, thì họ có được hưởng những chăm sóc tương ứng hay không.

Ông Đặng Thành Phước, ở Hóc Môn, kể: "Tôi đưa em rể tôi vào BV C để mổ khối u phổi. Mổ xong, khoa Ngoại chuyển em tôi xuống khoa Xạ trị để điều trị tiếp. Chầu chực suốt 2 tháng nhưng vẫn không thấy lên lịch xạ trị, tôi nhờ một bác sĩ quen hỏi thăm, thì khoa Xạ trị cho biết chưa nhận được… hồ sơ. Hỏi lại khoa Ngoại, nơi đây trả lời đã chuyển ngay sau mổ. Cuối cùng, anh bác sĩ quen tôi lục mãi, mới moi ra được tập hồ sơ bệnh án nằm trong khoa… Xạ trị! Thế đã hết đâu, tưởng là sẽ được "xạ" ngay. Nhưng không, vẫn phải chờ. Bức xúc trước tính mạng em rể tôi chỉ còn tính được từng ngày, tôi phải đưa em qua bệnh viện B, nhờ "xạ". Tôi chấp nhận trả tiền chi phí theo khung giá mới của Bộ Y tế, nhưng số tiền ấy phải tương ứng với những gì người bệnh được hưởng".

Ông Lý Vĩnh An, ở quận 5, nói: "Trả 200.000 đồng một ngày, nhưng người nhà tôi vẫn phải nằm chung với một bệnh nhân khác với lý do BV quá tải thì thà rằng đi BV tư còn hơn".

Về phía cán bộ y tế, không thể phủ nhận rằng đồng lương quá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực - kể cả tiêu cực về tác phong khám, chữa bệnh mặc dù có ý kiến bao biện: "Tiêu cực phí trong ngành y là có thật nhưng đây lại là vấn đề liên quan đến đạo đức của người thầy thuốc...". Dĩ nhiên không thể vơ đũa cả nắm nhưng nghề Y - và rất nhiều những ngành nghề khác, khó mà giữ cho trọn vẹn hai chữ "đạo đức" trước áp lực của cơm, áo, gạo, tiền trong lúc hiện nay, việc nhận quà biếu do người bệnh tự nguyện đưa sau khi đã được chữa lành (chứ không phải là vòi vĩnh hay gợi ý) vẫn bị coi là… vi phạm y đức. Một điều dưỡng tại BV Trưng Vương, nói: "Nếu điều dưỡng, hộ lý mà lương 7, 8 triệu đồng/tháng thì có lẽ sẽ ít phải lo lắng hơn".

Và để đạt đến mức lương 7, 8 triệu đồng/tháng, thì phần lớn số tiền này nằm trong… viện phí. Bác sĩ Nguyễn, khoa Ngoại BV C, nói: "Dĩ nhiên chúng tôi không mong cho viện phí tăng cao để lương chúng tôi cao. Nhưng đứng 2, 3 tiếng đồng hồ mổ cắt dạ dày mà tiền công mổ chỉ có 45.000 thì vô lý quá".

Vì vậy, để việc tăng viện phí đi vào thực tế - và đi kèm theo nó là tăng chất lượng dịch vụ, y đức của người thầy thuốc được phát huy, người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách thì xem ra cần nên có các cuộc mổ xẻ, đánh giá đúng bản chất của những vấn đề mà người dân lâu nay vẫn than phiền, nhằm tìm ra phương pháp cải cách toàn diện bằng những phương án và lộ trình thích hợp với tình hình xã hội

V.C
Theo ANTG