Tính chân thực và thông điệp từ những tác phẩm văn chương (*)

Sự chân thực là phiến đá gốc của tính cách; nếu nó không được lắp đặt một cách chắc chắn nơi tuổi trẻ, thì sau này nền tảng sẽ có một chỗ yếu.

JEFFERSON DAVIS

Những người vào tuổi tôi thường nhớ về thời đi học của mình. Và nếu như không có những người thầy dạy Ngữ Văn tài hoa, thì chắc chắn tôi không có được một tri thức văn chương như bây giờ. Những gì cần phải bình giải mà tôi viết ra đây, đơn giản chỉ vì tính minh định của chân lý và những giá trị của tác phẩm, sự nhận biết những thông điệp chân thực từ tác phẩm.

Đặt công lao khai sáng của nhà trường ở một vị trí rất cao, chúng tôi mong nhà trường, thông qua nghệ thuật văn chương, có thể gieo mầm hạnh phúc, mà ánh sáng chân thiện và vẻ đẹp trí tuệ của nó có thể chiếu rọi vĩnh viễn cho con người trong suốt cuộc đời.

*

Thời gian dành cho tuổi học trò với tác phẩm không nhiều; đặt hết cảm xúc và niềm hy vọng vào người thầy giảng dạy văn học, cũng vì thế mà khát vọng của thời đại, tâm linh của nhà nghệ sỹ, số phận của nhân vật, vận mệnh của văn chương… qua sự gặp gỡ với tâm hồn non trẻ, được quyết định trong những khoảnh khắc – những phút giây thăng hoa, những sát – na vô cùng bé nhỏ. Như thế, hệ trọng biết bao!.

Nhưng sẽ có nhiều người hoài nghi: Văn chương hay, nhưng sao học trò lại ít học, đỗ đạt lại khiêm tốn, người đời lại lắm tật xấu,… Bộ Ngành lại nhiều bệnh thành tích…? Chẳng hổ thẹn lắm sao? Thưa rằng: đúng thế!

Và buồn đau vì tính thiện thuần hậu bị lu mờ và điều xấu khó có thể loại trừ; khi chính ta vẫn nhắc nhở cho mọi thế hệ học trò nỗi do dự thống khổ, cao thượng, bi tráng và không thể lãng quên của hoàng tử Hamlet.

Tồn tại hay không tồn tại?

Những kẻ trưởng giả của thời hiện đại sẽ điếc trước vấn nạn đau đớn này. Nhưng có một điều chắc chắn mà ngành giáo dục (GD) phải nhận về mình: đó là đã làm xuất hiện văn chương không cùng với sức mạnh của sự chân thực – cái sức mạnh thiết yếu như là nó vốn có, và đã góp phần làm cho việc học trở nên vất vả, nhàm chán, nhọc nhằn. Sách giáo khoa (SGK) phổ thông đầy những lý thuyết, những bài văn học sử rất dài (ví dụ cỡ 10 trang cho lớp 11). Về mục tiêu tư tưởng và kỹ năng, đã không nhấn điều chân thựctín thậttrung tín làm gốc của việc truyền tập.

Theo người xưa, trung ngay thẳng; tínthành thật. Chưa tín – thật, chưa dư sức mà học văn nghệ sĩ thì sẽ mất cả bản chất (1). Nhưng dư sức mà không học văn nghệ thì quê kệch (1). Vậy thông điệp từ tác phẩm và tự luận văn học chỉ có thể đọc và làm được khi trong lòng có sự tín – thật mà thôi! Mỗi niên học, học sinh phải đọc chừng 30 văn bản và làm ít nhất 8 bài văn tự luận; và thường trong mỗi bài kiểm tra Ngữ Văn cuối học kỳ hay thi hết cấp, tự luận chiếm đến ½ điểm tổng.

Những nhà soạn sách cho học trò, từ lâu đã thuần thục văn chương, nên có thể đã xa cách những bước chập chững đầu tiên của người đi học, nhưng do yêu cầu học vấn mà muốn thử thách chúng, đã ra những đề thật khó, những kỹ thuật thật cao, mà việc đọc – hiểu, việc giải mã tìm thông điệp tác phẩm lại chưa chuẩn. Sức ép về điểm số, về hư danh lại rất lớn. Vậy làm sao việc làm văn không chép văn, không giả ngụy? Làm sao học thuật không biến thành hư học? Việc đòi hỏi thành tích tới mức phải gian dối đối với khả năng của giáo viên và học sinh trong mấy mươi năm qua của ngành Giáo Dục, thật là oan nghiệt. Và một trong những oan nghiệt đó là sự tước bỏ những thói quen được sống thật với những bản tính và với những khả năng chân thật của mình.

Tôi cho rằng Tiếng Việt và Ngữ Văn có thể đi tiên phong trong những xác tín chân thực và tự do. Điều này về góc độ nghề nghiệp, biểu hiện ở việc biên soạn SGK và những sách chung quanh SGK. SGK phải cùng lúc vừa là hiện thân của sức mạnh tri thức và đạo lý.

Thử bắt đầu với bài “Đoàn thuyền đánh cá”. Mở đầu bài thơ, Huy Cận viết: Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then, đêm sập cửa – diễn tả cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển cả, khi đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Kết bài, là cảnh biển lúc bình minh, khi đoàn thuyền thắng lợi trở về:

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời/ Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. Rắc rối chính là câu này. Sách “Để học tốt Ngữ Văn 9”, tập I, NXB Hà Nội và sách GV Ngữ văn 9 của NXB GD cùng cho rằng Mắt cá ở đây chính là… mắt con cá! Và Huy Cận muốn kỳ ảo hóa mắt cá, cho nên muôn triệu mắt cá li ti được phản chiếu ánh rạng đông, càng trở nên huy hoàng,… như trải dài, trải rộng trên muôn dặm phơi (NXB Hà Nội 2006).

Sách giáo viên của NXB GD xếp Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi vào mục c) Hình ảnh đẹp lộng lẫy và rực rỡ của các loài cá trên biển… Cho học sinh thấy ở đây trí tưởng tượng đã nối dài, chắp cánh cho hiện thực trở nên kỳ ảo, làm giàu thêm cái đẹp vốn có trong tự nhiên (!).

Trần Đăng Khoa trong bài thơ “Trăng ơi từ đâu đến” đã viết: Trăng ơi từ đâu đến/ Hay biển xanh diệu kỳ/ Trăng tròn như mắt cá/ Không bao giờ chớp mi. Vậy là với Khoa, trăng đã hiện như con mắt cá thơ ngây trong suốt và lộng lẫy của biển cả = vĩnh cửu (một biểu tưởng so sánh). Tôi cho rằng Huy Cận cũng đã muốn diễn tả mặt trời = mắt cá huy hoàng = mắt của biển – vừa thứ dậy (phơi) những tia bình minh bát ngát ra muôn dặm.

Chỉ có một đáp án hay nhất và duy nhất khi ta lấy vũ trụ luận từ thần thoại Bàn Cổ, từ trật tự cấu trúc của thực thể vũ trụ nhân hình: đầu tròn là bầu trời, chân tay tứ phía là đất, mặt trăng mặt trời là hai mắt, các tĩnh mạch là sông suối… Như thế cũng có thể nói những quan niệm truyền thống phương Đông cổ xưa đã chi phối các nhà thơ sâu sắc như thế nào, và không chỉ chi phối các nhà thơ Huy Cận và Trần Đăng Khoa. Chắc chắn không phải tác giả các sách trên không biết, mà chỉ vì cầu nối những liên tưởng chưa bắc mà thôi. Những điều này rất quan trọng trong tư duy luận lý; bởi các liên tưởng – cầu nối xuất hiện, đóng vai trò như những trung luận, đồng thời cũng là một bí ẩn của mật mã sáng tạo.

Sẽ rất dễ dàng khi ta dùng tâm bệnh học nghiên cứu và giảng dạy thơ Xuân Diệu hay thơ Hàn Mặc Tử. Nó giúp ta đi một con đường ngắn và chân thực hơn khi khám phá những trạng thái tâm hồn tác giả và thế giới nghệ thuật của thi ca.

 Một người thì sôi nổi, lãng mạn, khao khát sống, khao khát yêu, khao khát cái tận cùng say đắm và bi thảm như bị ngăn cấm bởi những giới hạn trần gian. Một người thì hướng về sự chết bằng cái ánh sáng siêu thực của một nỗi nhớ nhung ánh sáng. Cho nên Xuân Diệu – người thi sĩ vội vàng sống, vội vàng yêu đã viết, đã hướng về cái vô khả thể - một cách mãnh liệt và tuyệt vọng: Tôi muốn riết / Tôi muốn say / Tôi muốn thâu… Còn Hàn Mặc Tử - người thi sĩ trẻ tuổi bị bệnh hủi phải sống xa cách ánh mặt trời thì lại viết về một thế giới chết, mà ở đó, nỗi cô đơn của nhà thơ ám ảnh trong nỗi cô đơn của ánh sáng nhờ hồi quang về một thế giới đã mất:

Một ngày kia ở bên khe suối ngọc / Giữa sao sương tôi nằm chết như trăng/ Nhưng không thấy nàng tiên mô đến khóc / Đến hôn tôi và rửa vết thương tâm.

Những dòng thơ của Hàn kỳ dị, rực rỡ, lạnh và đoản mệnh như những ảo ảnh – Một trạng thái ngự trị phi thường của cảm xúc và tâm linh rất gần với những cảm thức tôn giáo đã làm nên vẻ đẹp siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử.


(1)

Hồng Thị nói: Chưa dư sức mà học văn nghệ, văn nghệ sẽ làm mất cả bản chất. Dư sức mà không học văn nghệ thì quê kệch.

(*)

Tính chân thực, trong một hàm nghĩa nào đấy, đồng nhất với tính khoa học và cái đẹp.

HOÀNG THỦY HƯƠNG