Khi đau ốm, người thời nay thường đến bệnh viện để khám bệnh và điều trị. Hiếm người nghĩ rằng bệnh tật là do tâm trạng u sầu gây nên. Những ý kiến Y học xác nhận có đến 50% - 80% người lớn mắc bệnh đều do tâm trạng u sầu.
Theo lý thuyết của nền Y học cổ truyền Trung Quốc, thì tính tình là thứ mà con người tác động với môi trường; người ta phân biệt 7 đam mê (hay 7 loại tình cảm): vui, buồn, giận, lo âu, sợ hãi, khiếp sợ và ưu phiền trú ngụ trong ngũ tạng: tim, gan, lách, phổi, thận.
Trong quyển sách cổ Nội kinh của Hoàng đế cách đây hai ngàn năm, có đoạn viết: “Con người có 5 nội tạng, dẫn đến năm dục vọng: vui, buồn, giận, sợ, phiền muộn. Niềm vui động đến tim, nỗi giận động đến gan, buồn động đến lá lách, lo lắng động đến phổi và sợ hãi động đến thận”.
Người ta còn nói, con người có 7 đam mê và 6 dục vọng thể hiện qua tính khí hàng ngày ở cá nhân. Nếu tính khí này không ổn định, mất quân bình thì 7 loại tình cảm này trở nên gay gắt, có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tật nặng hay nhẹ.
Vì thế, Y học cổ truyền Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến vai trò tinh thần trong vệ sinh về sự sống và đã xây dựng một lý thuyết về mối liên hệ giữa thân thể và tinh thần, từ đó rút ra được cách giữ gìn tính tình vui vẻ, tạo điều kiện tăng cường sức khỏe tốt, kéo dài tuổi thọ.
Do đó, có câu tục ngữ: “Nụ cười làm trẻ người lại mười năm, sầu bi chóng bạc đầu”.
Những phát minh gần đây của nền Y học hiện đại cũng khẳng định như vậy: “Tánh khí buồn bực, chán nản là nhân tố có hại cho sức khỏe”.
Những người sống ưu phiền, lo sợ, ganh ghét, giận hờn, căng thẳng thường dễ mắc bệnh hơn những người có tâm lý ổn định; những bệnh dai dẳng như cao huyết áp, viêm động mạch vành, tâm thần phân lập, suy nhược thần kinh, suyễn, viêm dạ dày kinh niên, bệnh tăng nhãn áp cho đến ung thư.
Còn phụ nữ thì kinh nguyệt không đều, rong kinh; 70% bệnh về đường tiêu hóa có liên hệ chặt chẽ với sự thay đổi tính khí; 80%-90% bệnh nhức đầu đều có nguồn gốc tâm lý.
Từ xưa cho đến nay, không thiếu những trường hợp chết vì sự thái quá của 7 dục vọng. Vậy, tính tình vui vẻ, lạc quan là nguồn sinh lực tích cực nhất trong cơ thể con người.
Khi trong người tươi vui, hệ thần kinh trung ương trở nên năng động và đóng vai trò chỉ huy, điều khiển bộ máy tiêu hóa, đồng hóa, bài tiết, đồng thời với sự chuyển hóa. Như vậy mà người ta ăn ngon miệng, ngủ đẫy giấc, tinh thần minh mẫn, hào hứng.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và trên thế giới đều nhất quán khẳng định rằng: “Người lạc quan sống lâu”.
Một cuộc điều tra đã chỉ rõ rằng, 372 vị 100 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, thì 98% có tính khí cởi mở và lạc quan. Mặt khác, “giá trị chữa bệnh” của tâm trạng vui tươi là không lường được!
Nhiều danh y chứng minh rằng: “Vết thương của người chiến thắng mau lành hơn so với kẻ chiến bại”. Người nào trí óc ít lo lắng thì mau lành hơn người hay lo sợ. Nếu một người bệnh mà đầy tự tin, không lo sợ, dám đấu tranh với bệnh tật thì mau lành bệnh, có khi không dùng thuốc hoặc chỉ dùng ít thôi.
Trái lại, người bệnh lo lắng, bi quan không có đủ nghị lực để chiến thắng bệnh tật thì bệnh có thể nặng thêm với biến chứng. Từ đó, ta thấy rõ, tâm trạng tươi vui sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình bệnh tật.
Giữ tuổi thanh xuân và sức khỏe như thế nào?
1. Trước hết, phải tìm cách tự hoàn thiện bản thân và trau dồi những tình cảm cao thượng; những người giàu lòng vị tha, cởi mở, trung thực, yêu đời thì trẻ lâu. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những cụ già thọ trăm tuổi đều làm việc thiện như Tôn Tư Mạc (581-682), một nhà Y học lớn thời Tùy Đường, được tôn vinh là vua các thầy thuốc, mang danh hiệu là “Thần Y” vì cụ đã chữa bệnh không lấy tiền bệnh nhân và có khi lại giúp đỡ vật chất thêm cho người nghèo. Cụ sống đến 102 tuổi.
2. Phải có lòng trắc ẩn, bao dung và trung thực. Không nên để nỗi buồn xâm chiếm lòng ta và dày vò mình những chuyện không đâu! Phải biết khinh rẻ của cải bất chính cùng thói chạy theo hư danh. Không nên than phiền mọi thứ ở đời, không than thân trách phận. Tính khí như vậy chỉ có hại cho sức khỏe.
3. Phải yêu nghề mình làm và tạo ra niềm vui sướng được cống hiến sức mình cho xã hội. Nếu nhiều nhà khoa học có tuổi thọ cao, một nguyên nhân rất quan trọng là họ say mê cống hiến trí tuệ vì hạnh phúc của nhân loại, vì sự tiến bộ của xã hội - bình thản và độ lượng.
Theo số liệu thống kê ở 5088 nhà khoa học Trung Hoa từ năm 221 trước Công Nguyên đến ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì tuổi thọ trung bình của họ là 55,18 tuổi, cao hơn nhiều so với tuổi thọ bình quân chung thời đó. Tình yêu lao động và sự thành công nghề nghiệp bảo đảm cho sự sống lâu.
4. Cho đến ngày nay, chưa có một thứ thuốc nào có thể chữa lành bệnh “hay cáu”, tuy nhiên nhờ luyện tập thể dục, chơi thể thao, mà ta có thể xua đuổi được ưu phiền. Khi gặp chuyện đau lòng, tốt hơn nên giải trí tinh thần bằng cách đi dạo một vòng, thư giãn hay chơi một ván cầu lông...
5. Nên giao lưu với bạn bè, bạn vong niên, tâm sự, chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn. Sự an ủi và nâng đỡ của họ có thể giúp ta tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
6. Cần phải mở rộng diện sở thích, biết chọn lọc cách giải trí. Nghe nhạc, chơi cờ, xem triển lãm, luyện thư pháp rất được người xưa ưa chuộng. Nuôi cá cảnh, chim, chăm sóc hoa, cây cảnh đều có lợi cho sức khỏe. Khi cảm thấy tâm trạng bất an, buồn phiền hay sau một công việc nặng nhọc nên đi nghe hòa nhạc, ra công viên chơi hoặc xem hài kịch.
Với tiếng cười, con người thu lại được tinh thần sảng khoái, làm biến mất mệt nhọc, ưu tư. Những người cao tuổi nên luyện cho mình những sở thích phù hợp để hưởng tuổi già hạnh phúc, an lạc.
Để có sức khỏe tốt và sống lâu, phải biết tự kiềm chế tính khí của mình, biết nhìn nhận những ưu điểm trong cuộc sống muôn vẻ. Luôn luôn sống lạc quan, đó là điều bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe tinh thần, thân thể cũng như tuổi thọ của mỗi chúng ta.