Tập đi

Tôi được giấy gọi, nhập với một đoàn về Nam Bộ. Đoàn này đã tập trung được ba tháng, chỉ còn ba tuần nữa họ lên đường. Người ta nói tôi chỉ có hai mươi mốt ngày để tập mang vác, tập đi và bồi bổ. Tôi là số chị em đếm trên một bàn tay được thử thách đầu tiên đôi chân và ý chí vượt Trường Sơn.

i biết Đảng sẽ gọi tôi mà, vì những việc như thế này Đảng chẳng hề quên tôi. Tôi tự hào! Tuy nhiên, khi đêm đêm khuya khoắt, nằm bên cạnh đứa con sáu tuổi đang ngủ bình an bên mẹ, tôi khóc thầm, tôi hoang mang và muốn tìm cớ từ chối mệnh lệnh. Con tôi còn nhỏ quá, Hà Nội rét mướt mùa đông, Hà Nội nóng ran mùa hè. Ai tắm rửa thay quần áo cho con, ai bỏ mùng ém mùng cho con ngủ, ai thay cho tình mẹ.

*

Chưa biết ngày nào đoàn quân leo núi phải lên đường, nhưng bếp núc vẫn cứ xào nấu thơm phưng phức. Bác sĩ phải khám, phải cân, tiêm thuốc bổ hà rầm cho các vận động viên lúc nào cũng ngước mắt trông lên đỉnh núi cao chất ngất!

*

Rốt cuộc rồi cuộc tập leo núi ấy cũng đưa tôi về tới phương Nam, giáp mặt cuộc chiến tranh mà cả nước phải ra sức giành lại nửa phần Tổ quốc.

Tôi đã gặp lại em trai Hồng Sến ở trong rừng. Rừng của phương Nam yêu dấu. Làm sao tôi có thể nói hết nỗi lòng mình. Tôi mãi yêu quý em, mang ơn em. Em hay ghẹo tôi, mà đó chỉ là cái tánh em trai hay chọc chị gái mà thôi. Nhưng giờ thì em không còn… Trong nhóm “vận động viên” leo núi ngày ấy, nghệ sĩ Ngọc Cung đã chết vì bom B.52 vào một chiều ở trong rừng, nghệ sĩ Thanh Nha chết vì bịnh, đạo diễn Ngô Y Linh cũng ra đi vì bịnh tật, nhạc sĩ Phan Miên thì bị tù đày ở Phú Quốc… còn thì già yếu, thập tử nhất sinh biết bao lần. Nghĩ cũng buồn, đời người mang bao hoài bão, vượt bao núi cao suối sâu, có người kịp báo đáp chút đỉnh cho quê nhà, có người chết tức tối mà ước mơ dâng hiến nghệ thuật mãi thúc bách bạn bè còn may mắn được sống đến hôm nay.

pic
Tượng đài chiến sĩ Trường Sơn

Nghĩ cho cùng, tôi vẫn là người may mắn – một người gặp được may mắn bằng những chuyến liều lĩnh tập đi. Bây giờ tuổi đã gần đất xa trời, tôi tự hỏi mình có còn tập đi nữa không? Có lẽ hãy còn một chuyến tập đi cuối cùng – một chuyến tập đi khó khăn nhất trong đời một con người!

*

… Có lẽ đường này thẳng hướng Quảng Bình, xe xóc dữ quá, thỉnh thoảng tất cả len lén xuống xe lội qua bãi bùn, như xe chạy trên chiếc túi khổng lồ bọc sỏi đá và bùn nhão. Những cái đầu thi nhau đụng cốp cốp lên trần xe cùng những tiếng kêu ự ự ái ái.

Những con người khi tập leo núi ở Lương Sơn – Hòa Bình thành những con người khác lạ khi những chiếc xe nhà binh đổ lại, trút họ xuống đường trong cơn mưa chiều tối. Họ chạy lúp xúp vào lán trại khi những chiếc xe chở họ tới nơi này đang lặng lẽ trống rỗng trở về.

Tôi nhìn đoàn xe quay trở ngược lại rất gần con trai tôi, còn tôi thì mỗi lúc càng xa núm ruột của mình. Cảm giác bơ vơ, giận dỗi xâm chiếm tôi suốt đêm. Sáng dậy, tôi đặt những đồng hào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa lên chiếc gối, tưởng như gởi về cho con trai tôi ăn xôi buổi sáng. Đó là những đồng hào cuối cùng theo tôi đến tận đây. Tôi thoa thoa tay lên bề mặt chiếc gối, chiếc gối trong lán trại bộ đội, bàn tay ai để gối cho tôi nằm đêm nay? Đảng lo từng chiếc gối, chiếc chiếu chiến chinh trải lên chõng tre. Đảng đóng cho con tôi chiếc giường hộp khi xa mẹ… Lòng tôi như đang nghe một lời gì đó thực hư khốn cùng.

Chúng tôi đặt chân lên mảnh đất làng K’Ho, huơ gậy chống chọi với núi ngày đầu tiên bằng hai viên C và hai viên B1. Tất cả đều răm rắp một cách hiển linh: hai viên B1 và hai viên C. Họ “tự nhiên như đoàn thám hiểm đỉnh cao”, móc bao cao su đựng tất cả loại thuốc cho “bớt trọng lượng”; tôi mắc cỡ ngó chỗ khác mỗi khi bất chợt thấy đàn ông uống thuốc bổ – Thì… đã nói leo núi cái nút áo cũng nghe nặng cả ký cơ mà!

Ơi Trường Sơn! Có bao nhiêu chuyện đáng kể với cái tánh hay kể của tôi. Chuyện gì xảy ra trong ngày tôi đều không bỏ qua… Rồi mình cũng tới trạm như ai, cũng bê bết máu vì vắt cắn, cũng đói lả, cũng khát khô, đã chào hỏi một ngọn đồi, một con suối, một rừng đười ươi rụng nhớp nháp sau đêm mưa, một vườn rau dấp cá bạt ngàn, một rẫy ớt chỉ thiên do lũ chim rừng cần cù nhả hạt… Sao tôi có thể vinh hạnh như vậy chớ?

Bên cạnh tôi lúc nào cũng có nhà biên kịch Ngô Y Linh và họa sĩ Thái Hà – ba chúng tôi tụt lại sau vào những chiều Trường Sơn u u minh minh, biệt kích đe dọa, thú dữ sột soạt trong rừng mà bụng thì xẹp lép cồn cào. Chúng tôi ngồi nhóm lá khô hơ ấm trong khe núi. Nghe tiếng rên la đau bụng đẻ của con bò rừng, anh Thái Hà nói nó đang đau đẻ chúng mày ạ! Kim, có dám làm bà đỡ không? Vừa nói Thái Hà vừa cười khục khặc rồi móc sữa bột ụp vào miệng, rồi há miệng hứng nước ực ực rỉ ra trong khe đá… Những chiều như vậy anh Thái Hà ngồi nhìn đêm sập mùng đen ngòm xuống đại ngàn, bất động như một nhà hiền triết, miệng mồm râu ria dính toàn sữa khô.

Bộ quần áo Thái Hà thiết kế có hàng trăm túi – như cái tủ di động, anh tự hào khoe bao kinh nghiệm nhờ đã một lần Nam tiến, một lần vượt Trường Sơn. Anh đang ngồi với chiều tối Trường Sơn, buồn tay lục túi chơi. Nào: cánh tay bên này, các cỡ cọ vẽ và bột màu, cánh tay bên nọ là cái garde-manger(*) lủ khủ, nước mắm khô, ruốc, sữa bột, hộp thịt… A! Một miếng khô bò, một thẻo khô cá đuối… Cái lưng anh chêm cứng ngắc cái bảng vẽ, anh cử động như người mặc áo giáp. Anh ra lịnh: Ê! Ngô Y Linh, nhóm lửa lên nướng khô bò! Gì chớ vụ nhấm nháp là Ngô Y Linh làm đủ thứ trò hề. Và, chao ôi, thật là kinh khủng quá, Thái Hà rọi đèn pin dùng lưỡi lam lạng da gan bàn chân như mấy bà lạng da heo làm bì…

Tôi năn nỉ anh đừng làm vậy nhiễm trùng chết, về tới trạm nấu nước sôi để muối sát trùng rửa vết da tróc. Ảnh nói cô mà biết cái gì, tôi lạng da trầy xước, đêm nay mới kịp kéo da non, để mai còn tiếp tục hành quân! Thật là tôi không biết cái gì thật, tôi chưa học tới lý thuyết lấy tinh thần giúp sức đề kháng của cơ thể. Cho tới bây giờ, tôi cũng không hiểu sao ba chúng tôi chiều nào cũng “tụt hậu”, rồi lần trong đêm tối về trạm, nghe trưởng đoàn “chửi yêu” một trận. Tôi cũng không hiểu sao Thái Hà không bị nhiễm trùng, còn sống về tới căn cứ R, còn sống về tới Sài Gòn vẽ một bức tranh lớn nhất nước về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Tôi nhớ anh Thái Hà thường lên mặt mắng tôi “cô mà biết cái gì!”.

Ba người “tụt hậu” chúng tôi giờ biến mất hai, còn mình tôi. Tôi ngồi viết hằng ngày như đói phải ăn, khát phải uống. Thèm viết lắm! Nhớ đâu viết đó, nhớ gì viết nấy, hóa ra có văn, có thơ tặng “Bạn Trường Sơn”.

pic
Đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ

Chúng tôi gồm nghệ sĩ Thanh Nha, Ngọc Cung, biên kịch Ngô Y Linh, họa sĩ Thái Hà, Lê Tâm… Các nhà chính trị, huấn học…, bác sĩ Hồ Hòn… Đoàn này về Nam Bộ trên hai mươi người. Còn lại gần hai trăm người về miền Trung. Chúng tôi mặc đồ đờ mi bộ đội, vải bạt phủ bít bùng, ngoài trời mưa phùn ướt át… Hình như có người lẩm nhẩm hát Nước non xa ngàn dặm, chúng ta đi ngàn dặm… Hướng về Nam xông pha. Nguyện tràn tới rừng núi xa… Tôi bắt chước hát lầm thầm theo và xin phép nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cho tôi thêm “một dặm” nữa, thành ngàn lẻ một dặm. Một dặm thêm vào với nước non xa, biết đâu anh Tư Phước tặng riêng mình?

Tôi nhớ anh Tư! Tôi thương nhớ anh Tư Lưu Hữu Phước. Có lẽ là vì tôi là người vốn hay hát, lại được nhạc sĩ làm những bài hát “cùng thời” để đưa chân mình vững bước, dám cất tiếng cười vang qua bao khắc nghiệt cay đắng, qua bao hiểm nguy ghềnh thác.

Tôi nhớ ơn anh, anh đã dạy tôi nên người bằng bài hát đi trong đêm tối, lúc đói khát trong chiến hào, lúc tôi đang là thiếu nữ như đóa hoa xuân thắm tươi cho đời; lúc tôi muốn nản lòng thối chí khi trên Trường Sơn qua đèo qua núi qua rừng qua suối, thì anh hát tiếp cùng tôi: nguyện tràn tới rừng núi xa… Chúng ta hướng về Nam xông pha.

Nhớ anh treo chiếc xe đạp lên mái nhà ọp ẹp trong rừng, vì để dưới đất sợ đất rừng ẩm ướt làm sét gỉ của công. Nhớ anh trả bớt lại nửa chén cơm mà cấp dưỡng “lường cơm” có hơi “chiếu cố”, nhất là khi nghe tin miền Trung lũ lụt.

Nhớ ngày Bác mất, anh lặn lội trong mưa rừng đến từng mái tăng dỗ dành anh em văn nghệ sĩ biến nước mắt khóc Bác thành nhạc, thành thơ, thành chữ nghĩa nhớ thương…

Về thành phố. Có một lần tôi bịnh, anh leo lên sáu tầng lầu thăm. Hai anh em ngồi bình phẩm thích thú về thơ Raxun Gamzatốp (do Phan Hồng Giang dịch):

Tia lửa lóe lên, khi viên đá đập vào viên đá

Tia lửa lóe lên, khi đá tảng cùng đá tảng xô nhau

Tia lửa lóe lên, khi bàn tay cùng bàn tay vỗ nhịp

Tia lửa lóe lên, khi lời nói cùng lời nói tuôn trào

Tia lửa lóe lên, khi dây đàn Zuma có ngón tay chạm đến

Tia lửa lóe lên, khi ánh mắt người đàn và người hát kết giao.

Mỗi lần lặp lại “Tia lửa lóe lên” anh cười hồn hậu quá! Mỗi khi nhớ anh, tôi nhớ một “ngọn lửa” luôn ở phía trước, có khi là một ngọn đèn dầu mù u, một ngọn đèn dầu lửa, một ngọn đuốc lá dừa, một sự bùng lên của con cúi, một ánh sáng kỳ diệu như một thành phố nổi của dân chài trên đảo Phú Quốc lúc biển êm sau những ngày dông bão:

Ngọn lửa sáng lên thành nỗi nhớ

Đã soi ngàn dặm bước tôi đi

Lắng nghe biển trào dâng sóng vỗ

Ngỡ mênh mông hòa điệu với lòng ta!

(Trích chuyện kể Phía bên kia đỉnh núi)

Lê Giang