Trò chuyện với con trai vua Duy Tân

NGUYỄN GIA NÙNG (thực hiện)

Tám giờ sáng, chúng tôi dừng trước căn nhà nhỏ mới được xây dựng khiêm tốn trên đường Bắc Sơn, một con đường phía Bắc thành phố Nha Trang mới được trải nhựa. Từ đây ra bờ biển chỉ khoảng 500 mét. Từ phía trong, ông Georges Vĩnh San, một người đàn ông dáng cao lớn, hơi gầy, tóc bạc bước ra niềm nở đón chúng tôi.

Nguyễn Gia Nùng: Thưa ông, ấn tượng sâu sắc nhất về người cha – Hoàng đế Duy Tân – mỗi khi ông nhớ về Người là gì?

Ông Georges Vĩnh San: (Sau một phút trầm ngâm). Rất tiếc là khi cha tôi mất ngày 24/12/1945 do tử nạn trên chuyến bay từ Paris về đảo Réunion, khi đó tôi mới 7 tuổi. Trước đó lại xa cha luôn nên hình ảnh cha trong tôi rất mờ nhạt. Tôi chỉ nhớ là không hiểu sao trước đó, mỗi khi cha tôi về nhà thì có nhiều bạn bè đến thăm nhưng khi cha mất thì bạn bè đi đâu hết cả, chỉ còn lại mấy người.

Khoảng hơn 30 năm trở lại đây tôi mới có điều kiện tìm hiểu về cha mình. Tôi cũng được biết là trong những năm phải sống lưu đày, cha tôi vẫn rất ham học hỏi, lo làm được việc gì có ích chứ không thổ lộ với ai về thân phận của mình, ngay cả với những người thân trong gia đình.


Hoàng tử Georges Vĩnh San. Nguồn: www.tuyettran.de.

- Thưa ông Georges Vĩnh San, ông có thể kể đôi nét về cuộc sống của vua cha và gia đình ở đảo Réunion?

- Đảo Réunion trên Ấn Độ Dương, Đông Châu Phi là thuộc địa của Pháp. Có nhiều người thuộc các chủng tộc khác nhau ở các thuộc địa Pháp bị đưa đến lưu đày ở đây. Tất nhiên là cuộc sống lưu đày thì có rất nhiều khó khăn. Nhưng cha tôi vẫn luôn dồn sức cho việc học tập.


Cầu ông Hoàng Vĩnh San trên đảo Reunion. Nguồn: Internet.

Về cái chết của Hoàng tử Vĩnh San, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Phải chăng đây là một tai nạn thông thường hay còn ẩn giấu điều gì khác. Trong thế chiến thứ II do tình nguyện tham gia quân đội Pháp chống phát xít Đức nên khi chiến tranh kết thúc, ông được phong lên cấp thiếu tá, được đưa về Paris nhưng người Pháp có ý đồ dùng ông như một con bài cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhưng âm mưu đó không thành.

Trong cuộc gặp giữa tướng De Gaulle với cựu hoàng Duy Tân ngày 14/12/1945 tại Paris, ông đã bộc lộ quan điểm của mình nên ngày 24/12/1945 ông buộc phải trở lại đảo Réunion trên chiếc máy bay dân sự Pháp Locked Lodester và trên đường bay, máy bay bất ngờ gặp nạn rơi xuống vùng Trung Phi. Bí ẩn của tai nạn đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.

Cha tôi học giỏi nhiều môn, có nhiều bằng cấp, đặc biệt giỏi về ngành vô tuyến điện. Chính ông đã được chính quyền ở đảo giao cho nhiệm vụ thiết kế, xây dựng đài thu - phát thanh đầu tiên trên đảo. Ông cũng tình nguyện tham gia quân đội Pháp chống phát xít được phong quân hàm thiếu tá nhưng rồi ông tử nạn trong một chuyến bay dân sự từ Paris về đảo Réunion. Dân chúng ở đảo Réunion rất quý mến ông. Ông không chỉ là người đầu tiên xây dựng cho đảo một đài thu - phát thanh mà còn để lại một số công trình khác như “Cây cầu ông Hoàng Vĩnh San” hiện vẫn còn trên đảo.

- Ông có thể nói đôi nét về bản thân, và vì sao ông bà lại quyết định trở về sống ở Việt Nam và chọn Nha Trang chứ không phải là nơi nào khác?

- Trong cuộc đời mình, tôi đã làm rất nhiều nghề khác nhau như: cơ khí ô tô, thiết bị công chính rồi làm trong Công ty vận tải Hàng không Air France cho đến khi nghỉ hưu. Năm nay, tôi đã 70 tuổi, có 2 con trai đều trưởng thành, chúng đã có gia đình riêng. Những năm sau này càng hiểu hơn về cha mình tôi càng thêm yêu đất nước Việt Nam, nơi quê cha đất tổ mà suốt mấy chục năm phải sống lưu đày, ông luôn tha thiết mong có ngày được trở về mà không thực hiện được.

Còn vì sao lại chọn Nha Trang ư? (cười). Câu hỏi này tôi đã phải trả lời nhiều người. Có dịp về Việt Nam nhiều lần, được đi nhiều nơi, tôi thấy Nha Trang phù hợp với cuộc sống hiện nay của mình hơn cả. Không chỉ cảnh quan thiên nhiên rất đẹp mà khí hậu biển trong lành giống với nơi tôi từng sống.

- Thưa bà Marguerite. Người Việt Nam có câu “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Nhưng bà là người phụ nữ phương Tây. Việc theo chồng về sống ở Việt Nam, bà suy nghĩ như thế nào?

- Bà Marguerite: (cười). Từ những năm trước khi ông ấy nói là sẽ về sống ở Việt Nam, tôi đồng ý ngay vì tôi cũng yêu đất nước và con người Việt Nam. Nha Trang là thành phố biển rất đẹp, con người ở đây cũng hiền hoà, thân thiện. Tôi càng vui thích khi được biết rằng từ thế kỷ trước nhà bác học Alexandre Yersin cũng đã rời Paris và chọn Nha Trang làm nơi sống và làm việc cho suốt cuộc đời mình.

Vua Duy Tân tuy mới 8 tuổi nhưng với tư chất thông minh, tính ham học và bản lĩnh bộc lộ rất sớm nên ngay sau khi lên ngôi đã sắp xếp công việc triều đình rất chặt chẽ, nề nếp, đặc biệt theo gương vua cha Thành Thái, vua Duy Tân luôn sống gần gũi và thấu hiểu tình cảm khổ cực của dân chúng.

Ông tự nguyện sống rất đạm bạc, không ham yến tiệc cao sang. Mọi thú vui do người Pháp tạo ra nhằm lôi kéo nhà vua trẻ đều bất thành. Ông cũng là vị vua đầu tiên cho giải phóng các phi tần, cung nữ từ các thời vua trước được tự do lựa chọn cuộc sống cho mình như những người dân bình thường.

Khi người Pháp phát hiện vua Duy Tân phối hợp với Quang Phục Hội chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp, chúng đã thẳng tay đàn áp. Rất nhiều người tham gia khởi nghĩa như Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, Phan Thành Tài... đã bị chém đầu. Với vua Duy Tân, nhờ Thượng thư Hồ Đắc Trung, kiêm Cơ mật đại thần, người được Pháp giao dự thảo bản án Duy Tân đã cố dùng mọi lý lẽ bảo vệ, viện cớ vua còn quá non trẻ, cạn nghĩ, chỉ là tòng phạm nên chỉ xin phế truất mà vẫn giữ danh vị Hoàng tử để an dân.

Sau đó, Hoàng tử Vĩnh San bị Pháp đưa đi đày tại đảo Réunion, một thuộc địa Pháp tận Châu Phi xa xôi.

- Gần 2 năm về sống ở Nha Trang, ông bà có nhận xét gì về Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung?

- Thành phố Nha Trang có vịnh vào loại đẹp nhất thế giới thì ai cũng phải công nhận rồi. Nhưng việc xây dựng mới và giao thông còn nhiều việc đáng lo ngại. Nha Trang có biển trước mặt và núi sau lưng. Nhưng dọc bờ biển bây giờ xây nhiều nhà cao tầng hầu hết theo kiến trúc phương Tây, ít có nét riêng của Việt Nam. Nếu cứ tiếp tục với tốc độ này thì chắc không bao lâu nữa Nha Trang có thêm núi trước mặt (cười). Là tôi nói thật điều boăn khoăn lo ngại của mình như thế xin anh đừng đưa lên báo làm gì. Người ta lại cho rằng con của cựu hoàng Duy Tân chưa có đóng góp gì cho đất nước, giờ lại chê.

Còn chuyện giao thông trên đường thì thật đáng sợ. Tôi bị gãy chân do người ta đi xe máy đâm vào tôi, dù mình đi đúng đường (ông chỉ vào chân với vết mổ chưa lành). Phải làm sao cho mọi người chấp hành luật giao thông tốt hơn, nhất là với những người trẻ.

- Bà Marguerite: Còn tôi đã thích nghi dần với cuộc sống ở đây. Buổi sáng và có khi cả buổi tối, chúng tôi đi dạo biển. Tôi đi chợ nấu ăn. Chợ ở đây cũng rất gần. Tôi chưa quen với các đồng tiền Việt Nam và giá cả ở chợ nhưng có những người hàng xóm và cả những người bán hàng ở chợ sẵn sàng giúp tôi. Sống ở Nha Trang cả hai chúng tôi đều khoẻ. Nói chung mọi việc đều tốt lành và chúng tôi hài lòng với sự lựa chọn của mình.

- Xin nói thêm với ông bà, Nha Trang - Khánh Hòa còn là một trong những địa phương có phong trào Cần Vương và Duy Tân mạnh nhất của cả nước ở những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với những nhân vật nổi tiếng như: Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Trần Quý Cáp… được nhân dân tôn thờ như những anh hùng.

Nhà biên kịch điện ảnh Lê Nhị Hà hiện sống ở Nha Trang có nhiều kịch bản về các vua triều Nguyễn, trong đó có phim tài liệu về Hoàng đế Duy Tân, được đánh giá cao. Chọn Nha Trang để sống cho những năm cuối đời của ông bà còn có thêm nhiều gắn bó bất ngờ thật đáng quý như có cái duyên tiền định, phải không ạ!

- Ông bà G.Vĩnh San: Ồ, thật là những điều thú vị để chúng tôi hiểu thêm mảnh đất này.

- Xin cảm ơn ông bà!

Bài liên quan: