Có thể trả lời ngay “Chắc là không”. Vì từ xưa nhiều người vẫn xếp “đàn bà, con nít” thuộc công dân… hạng hai. Phụ nữ còn chưa được tôn trọng nữa là con nít! Trẻ con xứ ta cũng cảm nhận được điều đó nên khi đối diện với người lớn chúng thường nhút nhát, khép nép, ngại không dám bộc lộ tình cảm, suy nghĩ lẫn hành vi vì sợ bị mắng, thậm chí bị đánh…
Từ trong gia đình …
Trong gia đình Việt Nam, trẻ được yêu thương thế nhưng được tôn trọng thì chưa chắc.
Nhiều khi trẻ là đối tượng để những người lớn trong gia đình trêu chọc cho vui khi trẻ lỡ mắc những tật nào đó như nói cà lăm, đái dầm, hoặc sắp có em thì dọa dẫm rằng sắp “bị ra rìa”, nhiều người còn đem bóng tối, ma, ông kẹ ra dọa cho trẻ sợ chơi. Có khi còn lấy những đặc điểm xấu của trẻ ra làm “biệt hiệu” cho chúng như Cu Đen, bé Lùn, Tí Đèo mà không biết rằng những điều ấy có khi khiến trẻ trở nên tự ti, mặc cảm suốt đời. Nhưng thiếu tôn trọng nhất là trẻ không được có ý kiến, thường phải tuân theo những áp đặt của cha mẹ hay ông bà từ chuyện ăn mặc, học hành, bè bạn, thú vui… Trẻ nào dám cãi lại, dám làm theo ý mình thì bị cho là bướng bỉnh, bất hiếu… Hậu quả khá dễ thấy là khi giao tiếp trẻ thiếu tự tin, nhút nhát, nói năng thiếu lưu loát.
Cho đến nhà trường…
Nhiều trẻ em tiểu học sợ thầy cô còn hơn sợ cha mẹ. Có lẽ vì từ mẫu giáo, các em đã được học những thầy cô quá nghiêm khắc, đôi khi có cách giáo dục áp đặt cho trẻ. Ở các nước phương Tây, giáo viên thường hướng vào sự gợi mở để tập cho trẻ nói lên ý kiến của mình, ngay từ lúc còn ở tuổi mẫu giáo. Vì thế, ta không ngạc nhiên khi trẻ em ở phương Tây rất dạn dĩ khi phát biểu trước đám đông, còn trẻ em Việt được đào tạo theo lối “học vẹt”, chỉ biết tiếp thu mà hiếm khi được thể hiện ý kiến của mình, nên dần dần rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin. Nhất là khi phát biểu trước đám đông, thì trẻ càng tỏ ra sợ hãi, lúng túng vì không quen được nói lên ý kiến riêng của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hết trẻ vẫn còn…bé!
Có lần xem ti vi thấy một cô dẫn chương trình còn khá trẻ xưng hô với nam sinh viên là “chị và bé”, ai nghe cũng hết sức khó chịu. Con trai tôi 20 tuổi cũng rất khó chịu khi bị ai gọi bằng bé. Hiện nay, nhiều người mới ra trường đi làm, có khi ngót nghét 30 vẫn bị kêu là “bé”, có khi bị những người vai vế trong cơ quan vuốt má, xoa đầu. Nhưng điều thiếu tôn trọng nhất là một lớp trẻ không được tin cậy, khi những người “bề trên” không dám giao cho họ đảm trách những công việc hay chức vụ mà họ làm được, chỉ vì coi đó là “đồ con nít”, sợ hỏng việc.
Không được tôn trọng thì trẻ dễ trở nên ấu trĩ, hỗn láo
Không ít người cho rằng, hiện nay có một lớp trẻ rất ngỗ ngược, hỗn láo. Đó là điều có thật. Nếu những người lớn nghe lén những gì lớp trẻ ấy dám nói về “người lớn” thì có khi sẽ bị sốc. Có lẽ nguyên tắc của sự tôn trọng cũng giống như bình thông nhau. Khi sự tôn trọng được đổ đầy đến đâu ở anh thì mức tôn trọng của tôi dành cho anh cũng cao đến chừng ấy. Trẻ chỉ tôn trọng người lớn khi họ biết tôn trọng chúng. Nếu được tôn trọng, tin tưởng trẻ sẽ trưởng thành hơn khi được gia đình, nhà trường, xã hội tôn trọng và điều đó sẽ giúp xã hội đào tạo được một lớp công dân có chất lượng cao cho tương lai, bằng những phẩm chất như tự trọng, bản lĩnh, trung thực và nhất là người ta chỉ thực sự sống hạnh phúc, với một cuộc sống có chất lượng tốt khi được tôn trọng.
Dân tộc ta có truyền thống tôn trọng người lớn tuổi - “kính lão đắc thọ”, mọi người biết dạy trẻ lễ phép với người lớn, quan tâm đến chuyện chúc thọ, cúng giỗ… Thế nhưng văn hóa tôn trọng trẻ thì dường như chưa được nhắc đến… Một khi cha mẹ vẫn còn tha hồ đánh mắng, không quan tâm đến con, thầy cô ở trường vẫn còn nặng lời hoặc buông những lời khinh thường học sinh, người lớn không xin lỗi khi có lỗi với trẻ và ngành giáo dục còn áp đặt một chương trình học nặng nề, không phù hợp thì chúng ta sẽ còn nhận quả đắng…