Trở lại bài thơ chê Kiều

Xem mục Hỏi-Đáp trên Hồn Việt số 27, tôi được biết thơ Chê Kiều (khuyết danh) của ông Lê Minh chép lại và được học giả Nguyễn Quảng Tuân giải đáp thắc mắc. Sang Hồn Việt số 28, ông Ngô Văn Phẩm nói cách sửa câu 1 của ông Tuân “nó thế nào ấy” (bài Về một chữ chê Kiều). Rồi ông Bát Sách nói chữ “Thúy” làm cho câu thơ khi đọc lên nghe “nó thế nào ấy” như đang đi “vấp phải hòn đá”. Xin thưa không phải chữ “Thúy” mà chính là chữ “Kiều” ạ!

Câu: “Tài sắc Thúy Kiều nghĩ cũng thừa”. Đây là trường hợp câu thơ bị bệnh “hạc tất” (bệnh nặng nhất trong tám bệnh của thơ thất ngôn bát cú Đường luật). Bệnh nằm ở chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng thanh độ. Ở đây hai chữ (thứ tư và thứ bảy) đều là hạ bình thanh (cũng gọi là trường bình thanh), tức là hai chữ đó đều là thanh bình (bằng) có dấu huyền ( \ ). Chữ “Kiều” (chữ thứ tư) và chữ “thừa” (chữ thứ bảy) đều có dấu huyền, rõ ràng là mắc bệnh hạc tất.

Xin đề nghị tạm sửa là: “Tài sắc Kiều nhi nghĩ cũng thừa”. Thế là câu thơ hết bệnh hạc tất. Còn tại sao lại là “nhi” mà không phải là “kia”, vì chữ “nhi” nghĩa là con (ca nhi: con hát) để tỏ ý khinh Kiều là xướng ca vô loại; còn chữ “kia” tuy cũng được nhưng còn nhẹ nhàng lắm.

Xin đề nghị đổi chữ “không” (câu 2) thành chữ “nào” mạnh hơn; đổi chữ “mại” (câu 6) thành chữ “bán”; chữ “người” (danh từ) (câu 5) ra động từ “thành”; chữ “chú” ra chữ “kẻ” (câu 4) (tỏ ý khinh) và chữ “há phải” (câu 6) thành chữ “bèo giạt” để “bèo giạt” đối với “thoi đưa”; đổi chữ “gối” (câu 8) thành chữ “xác” hợp lý hơn.

 Đề nghị tạm sửa bài thơ Chê Kiều như sau:

Tài sắc Kiều nhi nghĩ cũng thừa
Hiển vinh nào nhớ Đạm Tiên xưa
Đền ơn còn sót ông Chung lão
Báo oán sao quên kẻ bán tơ
Bạt gió thoi đưa thành nữ thiếp
Bán thân bèo giạt mượn cung tờ
Kề vai Tôn Hiến cười không hổ
Ôm xác Từ công khóc chẳng dơ.

Bài liên quan:

NHẠN ĐÀ