Trên báo Thanh Niên Online ngày 22/12/2012 có bài viết: Cần định chuẩn cách dùng tiếng Việt đã tóm tắt ý kiến của các vị tham dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” diễn ra ngày 21/12/2012 do Báo Thanh Niên phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức. Nội dung hội thảo nêu ra một số vấn đề, trong đó có vấn đề phiên âm danh từ riêng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Đã có nhiều tranh luận, người thì chủ trương phải phiên âm (GS-TS Đinh Văn Đức). Người thì chủ trương để nguyên dạng tiếng nước ngoài như GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học: “Đây là vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo, thuyết phục. Những bất cập chính của tình trạng này là: phiên âm hỗn loạn, phiên âm sai, phiên âm lộn xộn… Điều này dẫn đến những kết quả phản cảm, làm thui chột khả năng ngôn ngữ của học sinh. Vì vậy, viết nguyên dạng tiếng nước ngoài là giải pháp ‘thấu tình đạt lý’”. Nhà văn Nguyên Ngọc: “cũng ủng hộ việc giữ nguyên tên riêng nước ngoài, không phiên âm. Với tên riêng thuộc ngôn ngữ khác Latin, nên viết theo cách viết Latin hóa, tức là phiên tự chứ không phiên âm”(1).
Điều làm tôi rất ngạc nhiên là kiến giải của các giáo sư, tiến sĩ và các nhà chủ trương “không phiên âm” như trên đây được đa số những người tham dự hội thảo nhất trí.
Tôi sẽ chứng minh sau đây rằng chủ trương “Cần giữ nguyên tên riêng tiếng nước ngoài” của các ngài tuy là “rất trí thức” nhưng là “trật đường rầy” theo nghĩa không theo chuẩn chung của quốc tế!
Xin các ngài chủ trương không phiên âm, giữ nguyên tên riêng tiếng nước ngoài hãy viết và đọc giùm tên một người sau đây: 'Aριστοτέλης (viết nguyên dạng tên nước ngoài là giải pháp “thấu tình đạt lý”, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp). Có lẽ đến 99,99% trong số chúng ta không thể viết và đọc được, chứ đừng nói các xướng ngôn viên các đài, phóng viên báo chí, sinh viên, học sinh và người dân thường. Các ngài sẽ bảo tên này thuộc ngôn ngữ khác La tinh, thì nên viết theo La tinh hóa, tức phiên tự chứ không phiên âm. Đúng là tên này viết tiếng Hy Lạp chứ không phải La tinh. Vậy xin các ngài hãy viết theo La tinh hóa và đọc lên cho con dân Việt học tập!
Có lẽ ngài rành tiếng Pháp thì dựa vào Từ điển Bách khoa thư (Encyclopédia) của Pháp, thấy ghi Aristote thì viết y chang lại là Aristote và đọc theo âm Pháp ấy. Ngài rành tiếng Anh, Mỹ thì lật Encyclopedia của Anh, Mỹ ra thấy ghi Aristotle thì viết y chang lại là Aristotle và đọc theo âm Anh Mỹ ấy. Còn ngài rành tiếng Đức thì Aristoteles, ngài rành tiếng Nga thì Аристотель (Aristotel’), ngài rành tiếng Nhật thì アリストテレス (Arisutoteresu), ngài rành tiếng Ả Rập thì أرسطوطاليس (Aristūtalis)… Nghĩa là trên thế giới này có bao nhiêu bộ Bách khoa thư theo các ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau thì có bấy nhiêu cách phiên âm từ 'Aριστοτέλης ra các thứ tiếng khác nhau và dù có viết lại theo La tinh theo cách phiên âm của họ thì cũng không thể giống nhau, mà có bấy nhiêu cách viết khác nhau. Vậy các ngài chọn cách “phiên tự” La tinh nào đây? Thật ra, chọn lựa theo một trong các Bách khoa thư của người nước ngoài để viết trong văn cảnh tiếng Việt chỉ là tạm ổn cho riêng người chọn chứ thiếu tính tổng quát của khoa học, không thể đem làm chuẩn mực cho toàn dân Việt Nam được.
Các ngài lại sẽ bảo: “dựa trên IPA (International Phonetic Alphabet - bảng mẫu tự phiên âm quốc tế)”! Đúng là ta nên dựa vào IPA, nhưng xin các ngài nhớ cho 'Aριστοτέλης là tên của một triết gia Hy Lạp thời cổ đại, bản thân người Hy Lạp đọc tên 'Aριστοτέλης cũng đã thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử và hiện nay người Hy Lạp đọc tên 'Aριστοτέλης cũng không giống như xưa. Các nhà ngôn ngữ đã dùng IPA để phiên âm tên 'Aριστοτέλης theo giọng đọc qua các thời kỳ như sau(2):
1. (5th BC Attic): IPA: /aristotélε εs/
2. (1st BC Egyptian): IPA: /aristotέle:s/
3. (4th AD Koine): IPA: /aristotélis/
4. (10th AD Byzantine): IPA: /aristotélis/
5. (15th AD Constantinopolitan): IPA: /aristotélis/
Còn ngay trong 'Aριστοτέλης - Wiktionary(3) cũng có phiên âm 'Aριστοτέλης thành Aristotélēs. Rồi trong Wikipedia, mục Aristotle cũng thấy phiên âm 'Aριστοτέλης thành Aristotélēs(4).
Theo IPA for Greek(5) mặc dầu ngày nay cách phát âm chữ Hy Lạp cổ (Ancient Greek) thì hầu hết là dựa vào cách phát âm Erasmian (Erasmian pronounciation) hay cách phát âm hàn lâm (Academic pronounciation)(6). Chính theo Erasmian Pronounciation mà 'Aριστοτέληςđược phiên âm thành Aristotélēs.
Tuy nhiên người dân Hy Lạp ngày nay dùng cách phát âm hiện đại của họ (Modern Greek pronounciation) để đọc các từ Hy Lạp cổ đại. Hãy nghe một ông người Hy Lạp đang sống đọc tên 'Aριστοτέλης(7) thì nghe gần như là: A-ri-tô-tê-li-dờ.
Vậy sau khi chúng tôi đưa ra các thông tin theo IPA, theo Erasmian pronounciation, và theo cách đọc hiện đại của người Hy Lạp, các ngài chọn cách nào mà các ngài cho là “La tinh hóa”? để bản thân các ngài viết và đọc cho con dân Việt Nam học tập? Rõ ràng không dễ dàng khả thi như các ngài tưởng.

|
Lại nữa, theo chủ trương của các ngài, các tên riêng theo mẫu tự La tinh của tiếng nước nào cứ để y nguyên trong văn cảnh tiếng Việt mà các ngài gọi là “phiên tự” chứ không phiên âm. Vậy xin hỏi: Euler là tên nguyên thủy của nhà toán học người Thụy Sĩ (viết nguyên theo mẫu tự La tinh), các ngài sẽ để nguyên Euler trong văn cảnh tiếng Việt. Rất là “trí tuệ”! Nhưng xin các ngài hãy đọc để con dân Việt Nam học tập xem sao? Có lẽ nhà văn Nguyên Ngọc tinh thông tiếng Pháp nên đọc “Ơ-le”? (như các thế hệ người Việt học dưới thời Pháp thuộc và ở miền Nam trước 1975). Còn GS-TS Nguyễn Văn Hiệp thì sao? Các ngài đi học ở Liên Xô, Nga thì đọc sao? Các ngài đi Mỹ học thì sẽ đọc theo người Mỹ là Oiler(8). Nhưng xin thưa các ngài, hãy nghe người Thụy Sĩ đọc mà bắt chước mới là chính xác. Trước hết họ phiên âm theo IPA qua cách phát âm của người Đức (German pronounciation) và có hai cách đọc: đọc theo giọng Đức của người Thụy Sĩ (Swiss German pronounciation) thì người Việt nghe gần như là: Ơi-i-lơ(9); đọc theo giọng Đức chuẩn (Standard German pronounciation) thì gần như là: Ôi-la(10). Vậy các ngài chủ trương viết nguyên tên theo La tinh là Euler trong khi đọc chính xác là “Ơi-i-lơ” hay “Ôi-la”… thì làm sao các ngài giải thích cho con dân
Việt Nam nghe cho thông cái chỗ này? Bởi vì phiên âm là cốt để cho mọi người đọc theo tiếng mẹ đẻ mà. Hay các ngài chủ trương viết y chang Euler, rồi người Việt muốn đọc sao thì tùy ý?
Câu hỏi cuối: Khi để nguyên tiếng nước ngoài dưới dạng “La tinh hóa” thì khi soạn từ điển Danh nhân, Địa lý…, đặc biệt Bách khoa thư Việt Nam thì các ngài làm sao sắp thứ tự tên riêng trong văn cảnh tiếng Việt? Chẳng hạn Euler thì xếp vào mục chữ E theo các ngài? Trong khi người bản xứ Thụy Sĩ đọc bắt đầu với Ơ hay Ô mà người Việt cần đọc theo họ? Iceland là tên một nước viết nguyên theo La tinh, các ngài sẽ xếp vào mục chữ I trong Từ điển Bách khoa thư Việt Nam chứ gì? Nhưng người bản xứ đọc tên nước họ là “aIslənd” và người Việt phải đọc theo họ gần như là Ay-x(ơ)-lơn, nghĩa là bắt đầu bằng chữ A.
Xin thưa với các ngài, một trong những nguyên tắc quốc tế trong việc soạn Bách khoa thư tiếng nước nào là phải phiên âm tất cả danh từ riêng từ mọi ngôn ngữ ra ngôn ngữ viết Bách khoa thư ấy, và xếp thư mục theo ngôn ngữ viết Bách khoa thư ấy, điều này khác hoàn toàn với Từ điển ngôn ngữ bình thường: để nguyên tiếng nước ngoài mà giải thích qua ngôn ngữ viết từ điển.
Tóm lại: Ý kiến mà Hội thảo nói trên đã thống nhất: để nguyên tiếng nước ngoài của các tên riêng trong văn cảnh tiếng Việt thì nghe rất “trí thức, trí tuệ” nhưng không khả thi với các từ không dùng mẫu tự La tinh như Trung Quốc, Nga, Ả Rập, Thái Lan… và nếu chuyển các tên ấy qua “phiên tự” theo La tinh như các ngài đề nghị thì cũng “không biết dùng sao cho đúng” dù có theo IPA, mà theo một trong những nước lớn như Pháp, Anh… cũng hoàn toàn không ổn vì như thế hóa ra mượn một anh trung gian mà rồi lại phải phiên âm anh trung gian đó ra tiếng Việt thì quá vô lý, chưa kể là tại sao người Việt, có tiếng Việt, có chữ viết Việt Nam mà lại theo đuôi, làm “nô lệ” người ta? Ngoài ra cái chủ trương ấy không giống ai trên trên thế giới cả khi soạn Bách khoa thư Việt Nam, bởi mọi Bách khoa thư tiếng nước nào thì dùng phiên âm danh từ riêng tiếng nước ngoài ra tiếng ấy mà viết và xếp thư mục.
Cách tốt nhất: phiên âm mọi tên riêng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo y như giọng đọc ngày nay của dân bản xứ rồi trong ngoặc đơn viết tên ấy theo nguyên chữ viết của xứ sở họ, và đồng thời ghi thêm cách đọc theo phiên âm quốc tế IPA.
Ngoại trừ tiếng Trung Quốc thì chúng ta đã có cách đọc theo âm Hán Việt, và những danh từ đã dùng quen thuộc như tên các nước Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật … thì cứ theo thông lệ ấy; nhưng những tên đã dùng như Nã Phá Luân thì nên phiên âm lại từ Napoléon thành Na-pô-lê-ông.
Làm như thế là theo làm theo chuẩn quốc tế. Nếu làm theo các ngài “viết y nguyên tên nước ngoài mà không phiên âm qua tiếng Việt” là đi ngược chiều với chuẩn của thế giới, là không khả thi và hoàn toàn sai với khoa học như tôi đã chứng minh trên đây.
--------------------
(1) Trích nguyên văn trong: Cần định chuẩn cách dùng tiếng Việt, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121222/can-dinh-chuan-cach-dung-tieng-viet.aspx
(2) 'Aριστοτέλης - Wiktionary, http://en.wiktionary.org/wiki/ 'Aριστοτέλης
(3) 'Aριστοτέλης - Wiktionary, http://en.wiktionary.org/wiki/ 'Aριστοτέλης
(4) Aristotle, http://en.wikipedia.org/wiki/Aristotle
(5) IPA for Greek, http://en.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:IPA_for_Greek
(6) Erasmian pronounciation, http://www.biblicalgreek.org/links/erasmian.php
(7) www.forvo.com/word/'Aριστοτέλης
(8) The pronounciation /’ju:lər/ is incorrect. “Euler”, Oxford English Dictionary, second edition, Oxford University Press, 1989. “Euler”, Merriam–Webster’s Online Dictionary, 2009. “Euler, Leonhard”, The American Heritage Dictionary of the English Language, fourth edition, Houghton Mifflin Company, Boston, 2000. Peter M. Higgins (2007). Nets, Puzzles, and Postmen: An Exploration of Mathematical Connections. Oxford University Press. p.43
(9) http://en.wikipedia.org/wiki/File:LeonhardEulerByDrsDotChRadio.ogg
(10) http://en.wikipedia.org/wiki/File:De-Leonard_Euler.ogg