Trả lời thư bạn đọc

* Bạn đọc Văn Sỹ Nguyện (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) viết:

Tôi có mấy nguyện vọng muốn xin Hồn Việt giúp đỡ và giải thích.


1. Tôi đọc ở Hồn Việt có bài thơ về Bà Triệu rất hay. Tôi họa y đề. Mong Hồn Việt xét đăng, tôi xin góp vui, cảm ơn.

Bà Triệu

Bắc Hán xâm lăng hại nước nhà

Vú dài ba thước chẳng phô ra

Cưỡi voi xông trận – kinh hồn Chú

Cờ phất, quân reo – sợ vía Bà

Đại Việt, Trinh hào đâu chỉ một

Nhị Trưng, gái Kiệt đã thành ba

Văn Lang sử tích lưu kim cổ

Nữ tướng anh hùng của nước ta.

Văn Sỹ Nguyện

2. Tôi muốn Hồn Việt chỉ bảo giúp tôi về phần lịch sử của triều Trần. Hoài Vương Hầu Trần Quốc Toản là con của vị tướng nào? Cũng xin hỏi Hoài Đức Vương Trần Bá Liệt có phải là bố Trần Quốc Toản không? Và Trần Bá Liệt là con ai? Kính mong Hồn Việt dẫn giải cho tôi được hiểu biết.

3. Tháng 6/1965, tôi đóng quân tại xã Vạn Kiếp, có ghi ở tại đền Kiếp Bạc một bài thơ. Ở phần ghi chú có nói bài thơ Bác viết khấn Trần Hưng Đạo trước lúc đi sang Pháp năm 1946. Từ khi đó đến nay đã 48 năm rồi mà chưa sách nào nhắc tới bài thơ đó. Mong Hồn Việt chỉ bảo giúp. Bài thơ như sau (tôi không nhớ nhan đề):

Bác tôi, tôi bác cũng anh hùng

Cũng bậc thi thơ cũng kiếm cung

Bác đánh quân Nguyên thanh kiếm bạc

Tôi xua giặc Pháp ngọn cờ hồng

Bác đưa dân ta qua nô lệ

Tôi dẫn năm châu tới đại đồng

Bác có anh linh cười một tiếng

                                               Mừng tôi cách mạng đã thành công.                                           

                                      Hồ Chí Minh

Cuối bài thơ còn nói, khi Bác khấn xong thì bát nhang thờ ông Phạm Ngũ Lão ở hương án bốc cháy.

***

* Hồn Việt trả lời:

Kính gửi ông Văn Sỹ Nguyện,

- Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản chưa thể tra cứu rõ là con của ai. Đời Trần, có người tên là Bà Liệt (chứ không phải Bá Liệt). Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Văn Hóa–Thông Tin, Hà Nội, 2000) chép:

Năm Nhâm Thìn (1232). Phong con của Thượng hoàng là Bà Liệt làm Hoài Đức Vương. Xưa Thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt (thuộc huyện Tây Chân, nay là Nam Ninh - Nam Định).

Người đó có mang thì bị Thượng hoàng ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến suýt tắt thở. Thượng hoàng thét lên: “Con ta đấy”. Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, cho nên có lệnh này.

Còn từ Hoài Đức Vương suy ra Hoài Văn Hầu là con của ông ta, thì không biết có tài liệu nào làm chứng không?

- Theo chúng tôi, bài thơ này không phải của Bác. Cho đến nay, không có tài liệu thành văn nào ghi chép bài này và cho là của Bác. Bài thơ này chỉ “truyền miệng” thôi.

Bác Hồ, với đức tính khiêm tốn của một “nhà Nho”– cộng sản, không khi nào lại đi so sánh mình với ai, ở đâu. Bác không nhận Huân chương. Sự nghiệp của mình Bác để hòa quyện vào nhân dân, núi sông, Bác không tự đánh giá. Cái vĩ đại của Bác một phần cũng ở đó.

Khẩu khí bài thơ bình thường, lời lẽ cũng bình thường, nếu không nói là tầm thường. Tính nghệ thuật đã yếu mà phần tư tưởng cũng chẳng có gì mới. Bác bác tôi tôi, kiếm bạc cờ hồng… rất là mòn sáo. “Tôi dẫn năm châu tới đại đồng”, Bác chẳng bao giờ có khẩu khí đại ngôn như thế! Bác… Mừng tôi, tại sao lại chỉ là tôi: “cá nhân chủ nghĩa” thế, Bác bảo phải “quét sạch” rồi mà!

Có lẽ có một cụ đồ ở quê nào, cũng vì thiện chí, vì lòng yêu nước và lòng yêu kính Bác, đã thác lời Bác, viết ra bài thơ này. Nó là “văn học dân gian”.

Cũng có lẽ ông nhớ nhầm, chứ chúng tôi đã đến viếng Vạn Kiếp và không thấy có bài thơ này ở đó. Chỉ có hai câu đối được truyền tụng:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Bạch Đằng vô thủy bất thu thanh

của Thám Hoa Vũ Phạm Hàm mà các nhà nghiên cứu tranh luận về chữ thu thanh. Cho là nhầm, thung thanh (tiếng đóng cọc gỗ) mới đúng. Nhưng chỉ xét việc người ta khắc câu đối ở cửa đền, hàng ngàn cụ Nghè cụ Cử đi qua cũng chấp nhận, thì nó không sai đâu. Thu thanh: tiếng thu là tiếng kim khí, chiến trận (thu thuộc hành kim) đối với kiếm khí là rất hay, là “đối ảo” Chữ của Thám Hoa, chứ thung thanh thì là chữ của cụ đồ nào cũng được.

Kính thư và kính chúc ông sức khỏe.