Trả lời thư bạn đọc

HỎI: Bạn đọc Hà Đức Thưởng (thôn Greo Pết - xã Dun - huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai) hỏi: Trong dân gian lưu truyền câu ca: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Chiều về khói tỏa màn sương/ Nhịp cầu An Thái, mặt gương Tây Hồ”. Ngôn từ, văn cảnh, địa danh có đúng vậy không? Chủ đề bài thơ là gì? Đây là ca dao hay thơ của tác giả nào, thời nào? “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” có ý nghĩa gì?”.

TRẢ LỜI: 1. Bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà xuất xứ từ Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê

Lâu nay, trong tâm thức hầu hết người Việt Nam, bốn câu thơ: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” được cho là ca dao, tả cảnh sớm tinh mơ yên bình ở khu vực tây bắc kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, theo cuốn Văn đàn bảo giám, Trần Trung Viên sưu tập, in lần đầu năm 1926 (NXB Nam Ký, Hà Nội); NXB Văn Học tái bản năm 2004, tr.398-399, phần Dương Khuê có bài Hà Nội tức cảnh, nguyên văn như sau: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chầy An Thái mặt gương Tây Hồ”. Dương Khuê 楊奎 (1839-1902), tự Giới Nhu, hiệu Vân Trì; người làng Vân Đình - huyện Sơn Minh - phủ Ứng Hòa - tỉnh Hà Đông, đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức. Ra làm quan lúc giao thời, quan lộ nhiều sóng gió, ông ký thác tâm sự qua thơ văn, Hà Nội tức cảnh là một minh chứng.

2. Địa danh

- Trấn Vũ (Võ) tức Trấn Vũ quán (鎮武觀), nay gọi đền Quán Thánh, được xây dựng đầu đời Lý, nằm phía nam hồ Tây, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - vị thần trấn giữ cửa ngõ phía bắc kinh thành Thăng Long xưa.

- Thọ Xương xưa tên Hán Việt là Thọ Xương huyện (壽昌縣) thuộc phủ Phụng Thiên, nay là quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Đống Đa.

- Yên (An) Thái tức làng Yên Thái (安泰), ở bờ nam hồ Tây (Hà Nội), nay là phường Bưởi - quận Tây Hồ, nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Nguyễn Huy Lượng (?-1808) trong Tụng Tây Hồ phú có câu: “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng/ Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”. “Chày Yên Thái” ở đây chính là tiếng chày giã dó để làm giấy, cho nên câu 4 phải đọc là “Nhịp chày Yên Thái…” chứ không phải “Nhịp cầu An Thái…” như bạn đọc H.Đ.T. ghi ở trên.

- Tây Hồ (西湖) là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, nằm ở phía tây bắc trung tâm Hà Nội, từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng.

3. Về câu thơ “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”

Gần đây, có một số người cho rằng, “Tiếng chuông Trấn Quốc” mới đúng, vì cho Trấn Quốc tự (鎭國寺) là chốn cửa Phật mới sử dụng chuông, còn Trấn Vũ quán (鎮武觀) là nơi thờ tự của Đạo giáo nên không sử dụng chuông. Thực tế, trong Trấn Vũ quán hiện nay vẫn còn chiếc khánh đồng lớn được đúc vào năm 1794 (theo Wikipedia - Bách khoa toàn thư). Lại cũng có ý kiến nghiêng về “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Người xứ Huế yêu mến nó nên lẩy ra hai câu đầu và thêm hai câu sau để tự hào về xứ sở mình cũng là sáng tạo: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương/ Thuyền về xuôi mái sông Hương/ Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay”.

Mới đây, việc cô H.T.T.T. - giáo viên văn Trường THPT Lômônôxốp (Từ Liêm - Hà Nội), chấm bài kiểm tra mà không sửa triệt để lỗi sai của học sinh khi em viết “canh gà Thọ Xương” là món canh gà Thọ Xương, đã bị dư luận phê phán. Đang lúc ấy, bất ngờ có một bài viết trên trang mạng xã hội công bố bài thơ chữ Hán có tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất món canh Thọ Xương) gán là của Dương Khuê, để khẳng định “canh gà” là chính món ăn chứ không phải tiếng gà gáy sáng. Ai đã từng đọc thơ Dương Khuê, chắc hẳn sẽ không bị bài thơ kia lường gạt. Rõ ràng Dương Khuê đã sử dụng bút pháp lấy động tả tĩnh và phép tiểu đối trong thơ lục bát: âm thanh ngân vọng của tiếng chuông Trấn Vũ quán đối lập tiếng gà gáy vang báo sáng từ làng nghề giấy Yên Thái.

Bích Đào