Trang phục cô dâu, chú rể trong ngày cưới

NGUYỄN MẪN CÁN

Trang phục cưới của cô dâu, chú rể mỗi thời mỗi khác, đổi thay theo dòng lịch sử. Áo cưới chỉ mặc một lần nhưng là ấn tích của một đời người. Ai ai cũng muốn có bộ trang phục đẹp nhất trong ngày cưới.

Từ những năm 30 của thế kỷ 19, ở miền Bắc áo cưới truyền thống là váy lĩnh, áo tứ thân, yếm đào, nón quai thao và tóc để đuôi gà. Ở miền Trung và Nam Bộ coi trọng chiếc áo dài truyền thống và đội chiếc khăn rộng vành. Nam Bộ thịnh hành chiếc áo bà ba duyên dáng. Màu sắc thường rực rỡ, đa dạng như đỏ, hồng, vàng… Kiểu cách may có khác khi vạt dài phết gót, lúc ngắn lên đầu gối. Áo được thêu hoa tăng thêm phần lộng lẫy nhưng vẫn giữ tính chất thướt tha, kín đáo, trang nhã.

   

Ngày xưa con gái đi lấy chồng cũng như chàng trai cưới vợ, đặc biệt là các trang phục cô dâu chú rể và những vật dụng của hai người không bao giờ đi thuê mướn. Quần áo đắt tiền, xấu tốt tùy theo hoàn cảnh, tùy người để may sắm. Những năm đầu thế kỷ 20, cô dâu thích áo dài truyền thống còn cài trên đầu nhành hoa. Trong những năm kháng chiến, đám cưới thường được tổ chức giản dị, nghiêm trang. Cô dâu với trang phục áo cánh trắng, quần lụa đen đi bên chú rể độc đáo với bộ đồ “đại cán”.

Hơn hai mươi năm lại đây, đám cưới trở nên Âu hóa, ăn mặc kiểu cách có phần tốn kém. Cô dâu phục sức theo lối Tây Phương, áo “xoa-rê” nhiều tầng hay áo đầm hở cổ, dài phết đất, tay mang găng trắng muốt. Chú rể chững chạc trong bộ “com lê”, cổ thắt “cà vạt” hẳn hoi. Không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn tận cùng vùng sâu, đám cưới tổ chức linh đình ba ngày, ba đêm. Cô dâu thường thuê áo cưới tốn kém từ vài trăm ngàn đến vài triệu với vài ba bộ váy đủ màu cho ngày cưới. Nếu cô dâu có vóc dáng cao ráo, da trắng thì bộ váy còn phù hợp. Trái lại, các cô dâu hơi thấp bé, da đen mà xúng xính trong trang phục áo đầm xòe trông buồn cười, kém phần mỹ thuật.


Một đám cưới ở miền Tây Nam Bộ.  Ảnh minh họa.

Hơn nữa, sự vay mượn trang phục theo Âu hóa thái quá trở nên giả tạo không thích hợp với nét đẹp dịu dàng, kín đáo của phụ nữ Việt Nam. Có điều đáng nói ở nông thôn Nam Bộ, đám cưới đưa dâu phải di chuyển qua nhiều ngày, lên xe, xuống đò, vượt qua nhiều kênh rạch, đòi hỏi cô dâu ăn mặc gọn gàng và phù hợp với khung cảnh thiên nhiên miền sông nước.

Ngày nay, ăn mặc phải theo thời trang nên áo cưới không ngoại lệ nhưng nên chọn kiểu áo cho phù hợp với người Á Đông và cũng không thể “xưa bày nay làm” mà đòi hỏi sửa đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và truyền thống dân tộc. Thiết tưởng, với những kiểu áo dài canh tân hiện nay, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, được thế giới ca tụng, thì rất phù hợp cho niềm vui trọng đại như ngày lễ, Tết và đám cưới.

Trang phục cho ngày cưới không phải để đua đòi, kiểu cách, đòi hỏi tốn kém mà cốt thể hiện nét đẹp duyên dáng, thầm kín, trang nghiêm, hài hòa với bản sắc dân tộc và sự chân tình trong hôn nhân. Người ta thường nói: “Không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma” nên chọn áo cưới cho phù hợp với cô dâu.

Mỗi người có sở thích riêng nhưng làm sao tạo được nét đẹp hài hòa, kín đáo của phụ nữ Việt Nam. Nét đẹp văn hóa trong cách ăn mặc và sinh hoạt cũng được củng cố và phát huy trong thời đại ngày nay.