Tranh cãi tại hội nghị Chợ Đệm trước ngày tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn - Nam Bộ* (Hồi ký)

LTS: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Sài Gòn - Nam Bộ do Xứ ủy Nam Bộ, mà đứng đầu là vị “giáo sư đỏ” Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo đã diễn ra vô cùng hoành tráng và cam go. Trước hết là vì những bất đồng trong nội bộ lãnh đạo về chủ trương khởi nghĩa. Nó cũng không liên lạc được với Trung ương, hầu như độc lập tác chiến, dựa vào Nghị quyết năm 1939 của Trung ương Đảng. Thế mà nó đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Đó chẳng qua là do lòng yêu nước, chí khí bất khuất của nhân dân Sài Gòn - Nam Bộ Việt Nam đã tích tụ qua bao đời.

Chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu chưa từng được biết đến trích từ Hồi ký của GS Trần Văn Giàu. Tài liệu do đồng chí Nguyễn Sơn, nguyên Phó ban Tuyên huấn Thành ủy TP.HCM, con rể chí sĩ Nguyễn An Ninh và là người rất thân với GS Trần Văn Giàu, cung cấp.

…Ngày trước Chợ Đệm thành danh nhờ vựa bán đệm. Chiếu dệt bằng cây lác; đệm đan bằng cây bàng; chiếu để ngồi, nằm, dọn mâm; đệm để phơi lúa, làm nóp, làm cá ròn... Từ 1930 thì Chợ Đệm còn nổi tiếng vì những cuộc biểu tình cách mạng của nhân dân vùng “Tam Tân” (tức là ba xã: Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo). Chợ Đệm, như Bà Hom, Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi, là một khâu mạnh trong vành đai đỏ của thành phố Sài Gòn. Chợ Đệm là một căn cứ tốt của Xứ ủy Nam Kỳ mà Bảy Trấn là một thành viên Xứ ủy được chỉ định phụ trách mấy tỉnh miền Đông và một số cơ sở, thêm công tác đặc biệt ở thành phố.

… Bảy Trấn xếp cho hội nghị họp ở một cái nhà bên kia chợ, từ chợ phải qua đò, đi một khúc lộ, vô một đoạn bờ hai bên trống trơn, vào vườn, qua một cái nhà ngói lớn rồi, sau cái nhà, là cái nhà nơi bọn tôi họp. Sau nhà, nhiều dừa nước, có rạch nhỏ, nếu cần thì tạm lánh đi hay rút lui an toàn. Canh gác dễ. Canh gác cho có chừng vậy thôi, chớ xung quanh nhân dân mười người thì đã hết chín người cảm tình cộng sản rồi.

Từ Sài Gòn xuống Chợ Đệm mất chừng một giờ xe đạp. Xe ngựa, xe hơi đều sẵn. Có việc gì xảy ra quan trọng ở Sài Gòn thì bọn tôi biết ngay, đối phó kịp. Đại biểu lục tỉnh lên họp cũng tiện, khỏi phải đi vòng vo, khỏi phải đổi xe cộ.

Dự hội nghị có đông đủ xứ ủy viên, một số đồng chí Tỉnh ủy của những tỉnh trọng yếu và đặc biệt là có mời ba đồng chí đàn anh là Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn và Bùi Công Trừng. Ba đồng chí này là khách mời nhưng được công nhận là có quyền thảo luận và biểu quyết. Anh Tạo ở Côn Lôn về, ở thị xã Rạch Giá, mượn vốn lập tiệm bán nước mắm để cho gia đình sống qua ngày tháng: một nhân tài làm báo mà chôn chân ở đất cá mắm khoai tràm, hai ba ngày mới đọc được một tờ báo hai trang… Tạo nguyên là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, anh vào Đảng Pháp vài năm trước tôi, tôi là đàn em Tạo; Tạo đã có vinh dự tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI như là một thành viên của đoàn đại biểu Pháp. Về Sài Gòn, anh làm báo công khai, đắc cử Hội đồng thành phố Sài Gòn. Viết báo giỏi. Diễn thuyết cũng giỏi. Hồi thời làm báo Le Peuple, nhất là trong dịp bầu cử hội đồng quản hạt 1939, anh có xung khắc khá mạnh với Lê Hồng Phong.

Nguyễn Văn Nguyễn, dân tỉnh Mỹ Tho, người nhỏ thó, vẻ văn nhân. Anh đã sớm vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng như Dương Văn Phúc, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây. Hồi thời 1936-1939, anh làm báo tiếng Tây, tiếng ta như Tạo, tôi chú ý theo dõi, thấy tay này viết văn hay, có duyên, làm phê bình văn học sắc sảo…
Bùi Công Trừng là một “cây” văn chương và lý luận, người Huế; vào Nam làm báo đâu hồi thời 1925, 1926 với Trần Huy Liệu; cùng Trần Huy Liệu và một số anh em trẻ khác, lập Thanh niên đảng công khai, một thời nổi tiếng ở Sài Gòn. Rồi đi Pháp, đi Nga, học ở trường Đại học Đông Phương một lớp với Trần Phú, Nguyễn Văn Trân… Cuối cùng anh lại vào Sài Gòn mới mấy ngày rày, lúc quân Nhật đã thua, nước Nhật đã hàng. Nghĩa là anh Trừng xa thực tế Nam Kỳ và Sài Gòn mười lăm năm nay, nhưng tiếng tăm về lý luận và sự trung thành của anh với chủ nghĩa thì không một ai nghi ngờ.

Ở đây phải nói rằng, việc mời ba anh tham dự hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng là đúng, phải đạo lý nữa. Ba anh già kinh nghiệm, lý luận giỏi, chắc góp được nhiều ý sáng. Phần thì tôi có cái “phong tục” hơi cũ, là kính nể bậc đàn anh, làm gì lớn cũng đều tìm cách hỏi ý kiến các bậc đàn anh đó. Tôi không điều tra thăm hỏi trước xem tình ý các anh ra sao về vấn đề khởi nghĩa này; đáng lý bàn bạc trước sau rồi thì mới mời để cho việc thêm chạy nhanh, tốt, nào dè sự có mặt không nhất thiết phải có của các anh lại là một trở ngại lớn quá chừng.

Vấn đề chính của hội nghị là quyết định khởi nghĩa, chỉ định chính quyền cách mạng lâm thời.

Hội nghị bắt đầu từ chập tối ngày 16. Anh em ngồi trên đệm trải dưới đất.

Tôi đại chủ quan, cho rằng nội đêm nay hội nghị sẽ xong, hội nghị sẽ đồng ý khởi nghĩa ở Sài Gòn nổ ra ngày 17 hay 18 là trễ nhất, rồi một hai ngày sau Sài Gòn là khởi nghĩa ở tất cả các tỉnh khác của Nam Kỳ. Việc chỉ định một danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời thì cũng dễ dàng thôi. Tôi tính trước là, gần sáng 17, một nồi cháo gà sẽ kết thúc hội nghị, các đại biểu ai về vị trí nấy. Ai về tỉnh nấy thi hành quyết định khởi nghĩa với một tinh thần chiến thắng cao nhất. Ở Sài Gòn mọi sự chuẩn bị đã sẵn, chỉ cần “bấm nút” thì xong mau. Tôi đi họp ở Chợ Đệm thì ở Sài Gòn hôm sau Huỳnh Văn Tiểng làm thường trực ngồi chờ tại chỗ, liên lạc chặt chẽ với các đội xung kích.
Tôi báo cáo chủ trương, kế hoạch của Thường vụ và Ủy ban khởi nghĩa, đại ý là:

1. Ngay từ khi Đảng Cộng sản mới ra đời (1930) thì trong tập Luận cương chính trị đã có mục nói rõ về sự cần thiết, đến ngày nào đó, như trong một cuộc chiến tranh đã qua, sẽ nổ ra cuộc bạo động cách mạng giành chính quyền. Đại hội Đảng lần thứ nhất (1935) cũng nói như vậy. Cuối năm 1939, liền sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu, hội nghị Trung ương có quyết định rằng Đảng Cộng sản Đông Dương phải thừa lúc cuộc chiến tranh thế giới này mà làm cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc.

2. Khởi nghĩa Nam Kỳ cuối 1940 là một cuộc bạo động non; thất bại không tránh khỏi; tinh thần chiến sĩ thì cao mà kết quả lại tai hại hết sức lớn. Nhưng sau đó, chúng ta đã khôi phục cơ sở và hệ thống Đảng ở Nam Kỳ. Và theo đường lối của hội nghị Trung ương cuối 1939, chúng ta đã nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị lực lượng nhằm đón thời cơ, làm khởi nghĩa. Hiện chúng ta đã tập hợp được lực lượng mạnh nhất từ trước đến nay, và mấy ngày rày một Ủy ban khởi nghĩa đã được thành lập, đã làm việc có kết quả mong muốn (tôi báo về tương quan lực lượng).

3. Nay, thời cơ đã chín muồi. Pháp thì đã bị Nhật lật đổ từ ngày 9 tháng 3. Nhật thì vừa bị Hồng quân Liên Xô và Mỹ đánh bại. Nhật đã đầu hàng. Quân Nhật ở xứ ta mất hết tinh thần, không còn chút ý chí nào bám vào Đông Dương nữa. Tinh thần cách mạng của nhân dân ta lên cao hơn bao giờ hết, các chiến sĩ của ta đang hăng hái, quyết tâm, chờ lệnh. Chính quyền ngụy và phe thân Nhật hoang mang đến cực độ. Chúng ta có sức mạnh, có thời cơ để làm ngay một cuộc khởi nghĩa cách mạng chắc chắn thành công ở Sài Gòn và trên toàn bộ hai mươi tỉnh Nam Kỳ.

4. Cuộc khởi nghĩa của chúng ta phải nổ ra trong ngày gần đây nhất trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương (ở Nam thì quân Đồng minh đó là quân Anh, chắc có quân Pháp theo sau, còn ở Bắc, quân Đồng minh đó là quân Tàu Tưởng Giới Thạch). Ta phải khởi nghĩa thành công, lập chính quyền cách mạng xong xuôi, để khi quân Đồng minh vào thì họ đứng trước một cái thực tế là Việt Nam đã có chủ, chủ đó chính là nhân dân Việt Nam cách mạng; họ đứng trước một cái thực tế là nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất do những lực lượng đã đi với Đồng minh trong chiến tranh bây giờ nắm vững chính quyền. Nếu chúng ta chậm trễ, thì khi quân Đồng minh vào rồi sẽ không còn khởi nghĩa được nữa.

5. Hiện nay, chúng ta ở đây không biết các đồng chí ở Bắc, ở Trung đã làm gì, đang làm gì, có làm như ta không. Nhưng lấy lý mà xét thì chắc họ cũng tính làm khởi nghĩa như chúng ta. Đứng trước một tình hình giống nhau thì bất kỳ ở đâu những người cộng sản cũng có tư tưởng và hành động như nhau. Ta không sợ lẻ loi, chỉ sợ ta tới trễ hay tệ hơn nữa, sợ ta vắng mặt trong cuộc tổng khởi nghĩa.

Rồi tôi trình bày kiến nghị của Ủy ban khởi nghĩa, ta có thể khởi nghĩa đêm 17 (tối ngày mai) hoặc nếu trễ là đêm 18 (tối ngày mốt) mọi việc đã được sắp xếp xong xuôi gần hết rồi, các chiến sĩ đã sẵn sàng, chỉ còn một việc nữa là “bấm nút” thì nổ, nghĩa là thông báo hiệu lệnh cho các đơn vị ở nội thành và ở ngoại thành (hai tỉnh Gia Định - Chợ Lớn), việc thông báo này thì nhanh chóng thôi, anh em lãnh đạo ở hai tỉnh quanh thành cũng đã sẵn sàng rồi.

Tôi trình bày tiếp kế hoạch khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa và yêu cầu hội nghị: đồng ý quyết định khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, không quên nhấn mạnh lần cuối cùng là tình hình buộc chúng ta phải có một quyết định dứt khoát, mau lẹ, và chúng ta nhất định sẽ thành công rực rỡ trong cuộc khởi nghĩa này.
... Tôi tin chắc rằng toàn thể hội nghị đồng ý với báo cáo và chuẩn y kiến nghị, chỉ còn một chuyện phải thảo luận có thể hơi dài là lựa người ra chấp chánh. Nhưng bất ngờ cho tôi và cho đa số các đồng chí dự họp, hai anh Bùi Công Trừng và Nguyễn Văn Nguyễn đặt một câu hỏi “trái cẳng ngỗng” - anh Nguyễn Văn Tạo thì đêm đó không nói gì.

Trừng, Nguyễn nói:

- Trong tình hình thế giới và tình hình Việt Nam hiện nay, liệu Đảng ta, nhân dân ta có cần, có nên khởi nghĩa giành chính quyền không? Trong tình hình hiện nay, có thể nào làm cuộc khởi nghĩa thành công trót lọt hay không? Hay là, bây giờ ta phải đi một ngõ khác, làm một cách khác, một ngõ, một cách không nguy hiểm mà về lâu dài thì chắc ăn hơn?

Hai anh đều bài bác sự cần thiết phải khởi nghĩa, đều phủ nhận khả năng khởi nghĩa thành công. Họ đề nghị một con đường không bạo động, con đường hòa bình, con đường đấu tranh bằng chính trị để đi lần đến dân chủ, độc lập.

Tôi chắc chắn là các anh Trừng, Nguyễn không có bàn trước với nhau, nhưng cả Trừng lẫn Nguyễn đều đồng thanh bảo rằng:

- Khởi nghĩa hiện nay là phiêu lưu, cho dù ta có giành chính quyền được đi nữa, đó chỉ là tạm thời, rất tạm thời thôi... Trong tình hình trước mắt của đất nước ta, ít hôm nữa thôi, quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật, mà nói Đồng minh đây chắc không phải là Liên Xô, Tàu đỏ, mà là Tàu Tưởng ở miền Bắc, là Anh ở miền Nam, mà sau lưng Anh, bên cạnh Anh thì có Pháp; Anh, Pháp sẽ dùng vũ lực tiêu diệt cách mạng, lực lượng cách mạng sẽ bộc lộ ra hết, sẽ bị tiêu diệt hết như chiến sĩ Paris Công xã bị phe Versailles tiêu diệt, tổn thất của ta sẽ nhiều lần nặng hơn tổn thất của khởi nghĩa 1940; nếu vậy thì chừng nào mới khôi phục được phong trào? Nhớ 1940 không? Biết 1871 không? Chúng ta đều biết, đều nhớ, đồng chí Giàu biết, nhớ hơn ai cả. Cho nên bây giờ mà chủ trương khởi nghĩa là phiêu lưu, hết sức phiêu lưu. Ta thắng bù nhìn Trần Trọng Kim thì chắc được, nhưng làm sao ta đương đầu nổi với Anh, Pháp? Mà Anh, Pháp là hai đế quốc thực dân lớn nhất, già nhất, chúng nó ủng hộ nhau chống cách mạng ở thuộc địa. Ta phải ngó “thấy xa hơn ngày mai”. (Câu của Trừng nói là: phải thấy xa hơn cái chóp mũi của mình; nói tiếng Pháp: il faut voir plus loin que le bout de son nez).

Tôi theo dõi nét mặt của một số anh em, thấy vài ba người có chiều nao núng. Lý luận của Trừng, Nguyễn cứng quá và không phải không có căn cứ nào.

Trở về trên thì Trừng nói là chính. Nguyễn phụ họa, xem chừng như hai anh đã ăn ý thảo luận với nhau hồi nào. Nhưng không phải, họ chỉ cùng chủ trương. Bây giờ thì Nguyễn ra quân, Trừng tiếp ứng. Nguyễn nói:

- Hiện nay bên Pháp có một chính phủ còn tả hơn cả chính phủ Léon Blum về mặt thành phần. Trong chính phủ De Gaulle, một chính phủ kháng chiến chống phát xít, có đảng viên cộng sản làm bộ trưởng, tổng bí thư Đảng Cộng sản làm phó thủ tướng. Chính phủ Pháp đã hứa hẹn và tuyên bố sẽ cho Đông Dương tự trị. Dĩ nhiên là ta không bằng lòng với cái tự trị đó, nhưng đó cũng là một bước tới trước, một cái mốc sẽ ủng hộ ta như trước kia, hơn trước kia, để ta tiến lên tự trị, độc lập. Đó là con đường chắc chắn nhất, tuy chậm mà tránh được phiêu lưu, tránh được sự đàn áp tiêu diệt của địch sau cuộc khởi nghĩa hoặc thất bại ngay từ đầu hoặc chỉ thành công trong một lúc thôi. Con đường hòa bình là chậm mà chắc.

Một số đồng chí (tôi nhớ đâu là Tây, Phúc, Khuy, Xuân) rộ lên hỏi: “Chắc không?”. Chắc gì cái chính phủ Liên hiệp kháng chiến ở Paris đứng vững lâu dài để cho ta đi lên tự trị rồi tự trị lên độc lập? Chẳng thấy nội các Blum sống có mấy tháng rồi nhường chỗ cho nội các Chautemps, rồi Chautemps bị Daladier thay thế hay sao? Sao lại không nghĩ được rằng, “đặng chim bỏ ná, đặng cá quên nơm”, bọn tư bản Pháp sẽ đuổi các ông bộ trưởng cộng sản ra khỏi chính phủ, quay qua một chính sách hữu, phản động? Hứa hẹn của De Gaulle trong chiến tranh thứ hai hơn gì hứa hẹn của A. Saraut trong chiến tranh thứ nhất? Rồi thì sẽ khởi lỗ vỗ vế cả thôi. Đế quốc thì làm sao mà mất đi bản chất thực dân được! Con đường hòa bình đi đến độc lập là ảo tưởng. Không khéo ta đi vào đường lối Phan Chu Trinh, tệ hơn nữa đi vào vết xe của Bùi Quang Chiêu, của Phạm Quỳnh. Không chịu khởi nghĩa, tránh dùng vũ trang, thì đó là gì nếu không phải là rơi vào chủ nghĩa cải lương mới? (lúc ấy tôi dùng chữ “néo-réformisme”). Chỉ có khởi nghĩa thì mới được độc lập tự do. Khởi nghĩa thành công rồi mới có cái thế để nói chuyện với chính phủ Paris. Trong việc giành độc lập tự do, tiếng nói có hiệu nghiệm hơn hết là tiếng nói của súng đạn, của bạo lực quần chúng.

Cú đánh trả này kể cũng khá trúng, khá đau. Mấy anh em phụ họa với tôi. Tôi nhấn mạnh vào mấy ý sau đây:

- Quan niệm của Đảng ta trước nay là, nếu không dùng bạo lực cách mạng, nếu không làm khởi nghĩa vũ trang, thì đế quốc thực dân sẽ tiếp tục thống trị nhân dân ta bằng bạo lực phản động. Có lẽ, đến khi bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa của dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa thành công ở nhiều nơi và sức ủng hộ quốc tế của cách mạng giải phóng ở thuộc địa lớn mạnh đều khắp cho đến nỗi đế quốc thực dân thấy không đàn áp xuể, không thể duy trì quyền lợi nếu không bỏ hình thức cai trị thuộc địa, thì khi ấy ở xứ này xứ nọ chúng mới chịu “trao trả độc lập” cho dân tộc thuộc địa chăng? Chớ trước mắt thì không có khả năng đó. Vả lại, nếu có trao lại quyền “tự trị” thì bọn chủ đế quốc sẽ trao cho bọn tôi tớ tư bản địa chủ bản xứ lâu nay đã được chúng thuần dưỡng, thì cái đó làm sao gọi được là tự trị, tự chủ, độc lập được? Mà chúng ta, những người cách mạng cộng sản, có thêm những “của quý” ấy bao giờ? Chương trình Brazzaville, tuyên bố Alger của De Gaulle đều là bịp; ngốc ngác lắm mới tin vào hứa hẹn của đế quốc. Nước Pháp sau chiến tranh vẫn còn là một nước đế quốc, một đế quốc bị tàn phá bởi chiến tranh nên càng cần phải có thuộc địa để xây dựng lại, một đế quốc bị nhục nhã vì chiến bại nên càng cần phải củng cố quyền lực ở các thuộc địa rải rác ở thế giới để tỏ ra mình vẫn là cường quốc oai phong lẫm liệt như trước đây.

- Vấn đề cấp bách được đặt ra trước mắt chúng ta hiện giờ là: chúng ta có thời cơ và lực lượng để khởi nghĩa thắng lợi, để lập chính quyền cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo, thì chúng ta phải khởi nghĩa. Khởi nghĩa hay chần chừ? Hay đừng khởi nghĩa? Thời cơ, không phải năm nào cũng có; từ chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) đến giờ, non già 30 năm mới có một lần. Không thể bỏ qua, nhất là khi ta có lực lượng đủ để giành chính quyền. Ta không chịu khởi nghĩa thì ta sẽ trả lời thế nào với đồng chí ta, đồng bào ta, họ sẽ nói rất đúng là ta ngôn hành bất nhất, ai theo ta nữa, ta nói ai nghe? Bây giờ mà không chịu khởi nghĩa giành chính quyền thì ấy là từ bỏ vai trò tiên phong cách mạng của Đảng, là giẫm lên nhiệm vụ lịch sử của Đảng, nói một cách huỵch toẹt ra, là phản bội chủ nghĩa Lênin, phản bội cách mạng, là đầu hàng chủ nghĩa quốc gia cải lương.

- Còn như bảo rằng, một thời gian ngắn sau khi ta khởi nghĩa giành chính quyền, thực dân Pháp sẽ trở lại, ra sức đánh đổ chúng ta, đánh đổ chính quyền nhân dân, chinh phục lại nước ta một lần nữa, tiêu diệt các lực lượng cách mạng, tàn sát nhiều lần hơn là hồi cuối 1940, thì chúng ta hãy chú ý rằng: lại không nghĩ được rằng, “đặng chim bỏ ná, đặng cá quên nơm”, bọn tư bản Pháp sẽ đuổi các ông bộ trưởng cộng sản ra khỏi chính phủ, quay qua một chính sách hữu, phản động? Hứa hẹn của De Gaulle trong chiến tranh thứ hai hơn gì hứa hẹn của A. Saraut trong chiến tranh thứ nhất? Rồi thì sẽ khởi lỗ vỗ vế cả thôi. Đế quốc thì làm sao mà mất đi bản chất thực dân được! Con đường hòa bình đi đến độc lập là ảo tưởng. Không khéo ta đi vào đường lối Phan Chu Trinh, tệ hơn nữa đi vào vết xe của Bùi Quang Chiêu, của Phạm Quỳnh. Không chịu khởi nghĩa, tránh dùng vũ trang, thì đó là gì nếu không phải là rơi vào chủ nghĩa cải lương mới? (lúc ấy tôi dùng chữ “néo-réformisme”). Chỉ có khởi nghĩa thì mới được độc lập tự do. Khởi nghĩa thành công rồi mới có cái thế để nói chuyện với chính phủ Paris. Trong việc giành độc lập tự do, tiếng nói có hiệu nghiệm hơn hết là tiếng nói của súng đạn, của bạo lực quần chúng.

Cú đánh trả này kể cũng khá trúng, khá đau. Mấy anh em phụ họa với tôi. Tôi nhấn mạnh vào mấy ý sau đây:

- Quan niệm của Đảng ta trước nay là, nếu không dùng bạo lực cách mạng, nếu không làm khởi nghĩa vũ trang, thì đế quốc thực dân sẽ tiếp tục thống trị nhân dân ta bằng bạo lực phản động. Có lẽ, đến khi bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa của dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa thành công ở nhiều nơi và sức ủng hộ quốc tế của cách mạng giải phóng ở thuộc địa lớn mạnh đều khắp cho đến nỗi đế quốc thực dân thấy không đàn áp xuể, không thể duy trì quyền lợi nếu không bỏ hình thức cai trị thuộc địa, thì khi ấy ở xứ này xứ nọ chúng mới chịu “trao trả độc lập” cho dân tộc thuộc địa chăng? Chớ trước mắt thì không có khả năng đó. Vả lại, nếu có trao lại quyền “tự trị” thì bọn chủ đế quốc sẽ trao cho bọn tôi tớ tư bản địa chủ bản xứ lâu nay đã được chúng thuần dưỡng, thì cái đó làm sao gọi được là tự trị, tự chủ, độc lập được? Mà chúng ta, những người cách mạng cộng sản, có thêm những “của quý” ấy bao giờ? Chương trình Brazzaville, tuyên bố Alger của De Gaulle đều là bịp; ngốc ngác lắm mới tin vào hứa hẹn của đế quốc. Nước Pháp sau chiến tranh vẫn còn là một nước đế quốc, một đế quốc bị tàn phá bởi chiến tranh nên càng cần phải có thuộc địa để xây dựng lại, một đế quốc bị nhục nhã vì chiến bại nên càng cần phải củng cố quyền lực ở các thuộc địa rải rác ở thế giới để tỏ ra mình vẫn là cường quốc oai phong lẫm liệt như trước đây.

- Vấn đề cấp bách được đặt ra trước mắt chúng ta hiện giờ là: chúng ta có thời cơ và lực lượng để khởi nghĩa thắng lợi, để lập chính quyền cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo, thì chúng ta phải khởi nghĩa. Khởi nghĩa hay chần chừ? Hay đừng khởi nghĩa? Thời cơ, không phải năm nào cũng có; từ chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) đến giờ, non già 30 năm mới có một lần. Không thể bỏ qua, nhất là khi ta có lực lượng đủ để giành chính quyền. Ta không chịu khởi nghĩa thì ta sẽ trả lời thế nào với đồng chí ta, đồng bào ta, họ sẽ nói rất đúng là ta ngôn hành bất nhất, ai theo ta nữa, ta nói ai nghe? Bây giờ mà không chịu khởi nghĩa giành chính quyền thì ấy là từ bỏ vai trò tiên phong cách mạng của Đảng, là giẫm lên nhiệm vụ lịch sử của Đảng, nói một cách huỵch toẹt ra, là phản bội chủ nghĩa Lênin, phản bội cách mạng, là đầu hàng chủ nghĩa quốc gia cải lương.

- Còn như bảo rằng, một thời gian ngắn sau khi ta khởi nghĩa giành chính quyền, thực dân Pháp sẽ trở lại, ra sức đánh đổ chúng ta, đánh đổ chính quyền nhân dân, chinh phục lại nước ta một lần nữa, tiêu diệt các lực lượng cách mạng, tàn sát nhiều lần hơn là hồi cuối 1940, thì chúng ta hãy chú ý rằng:

+ Thứ nhất: không một ai trong chúng ta, trong số những đồng chí chủ trương khởi nghĩa, khờ khạo cho đến đỗi yên chí rằng ra khởi nghĩa giành chính quyền, tuyên bố Việt Nam độc lập thống nhất rồi thì, khi quân Anh, quân Pháp ở xứ ta, họ sẽ “chịu chết” trước tình thế “đã rồi” sẽ công nhận cái thực tế ấy. Không ai khờ khạo đến thế. Ai cũng biết trước rằng Anh sẽ ủng hộ Pháp, Pháp sẽ hết sức cố gắng để trở lại làm chủ Đông Dương cho dù là bằng võ lực.

+ Thứ nhì: vậy thái độ ta phải thế nào? - Có thể có hai. Một là ta biết trước địch mạnh ta yếu, ta không làm khởi nghĩa nữa, mà chỉ tranh đấu đòi tự do dân chủ và cải thiện dân sinh mà thôi (như hồi thời kỳ 1936-1938); hai là nhanh chóng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nhà nước độc lập của Việt Nam, đến khi Anh vào, Pháp trở lại, chúng phải bị bắt buộc kể tới chính quyền dân tộc, ta có cái thế để mà nói chuyện với họ, ta có thời giờ (tuy ngắn) để mà tổ chức thêm lực lượng chính trị và vũ trang, hễ nó đánh thì ta nghinh chiến, có khi vừa nói chuyện vừa đánh, ta đánh càng mạnh thì nói chuyện càng dễ; bọn Pháp chưa được chuẩn bị nhiều và đủ trong lúc đầu thì ta càng có điều kiện để chuẩn bị thêm lực lượng kháng chiến.

+ Thứ ba: ta giành chính quyền rồi, ta bắt đầu chuẩn bị kháng chiến, thì dễ gì thực dân Pháp, khi trở lại, bắt bớ chúng ta, tiêu diệt chúng ta? Đâu có dễ như vậy? Ai xuôi tay cho nó còng, cho nó xỏ đâu? Ta sẽ kháng chiến đến thắng lợi. Đâu có thể nói đến một cuộc tàn sát (của phía Pháp) như hồi cuối 1940 nhân lên gấp bội? Vì hồi 1940, ta khởi nghĩa thất bại, tinh thần đồng chí và dân chúng xuống; còn bây giờ ta khởi nghĩa thành công: tinh thần đồng chí và quần chúng lên cao; hồi đó nó càn ta chạy, bây giờ nó tới ta đánh, ta lại tìm nó mà đánh. Nhân dân đồng bào được tổ chức, động viên hàng triệu để bảo vệ độc lập tự do đã giành được, thì dễ gì đế quốc Pháp chiếm lại nước ta, dễ gì thực dân Pháp bắt được cán bộ ta để mà tàn sát như bọn Versailles tàn sát chiến sĩ Công xã hồi 1871…

Tôi thấy anh em chủ trương khởi nghĩa vững bụng trở lại.

Tôi thấy anh Nguyễn Văn Tạo đầu hôm tới giờ ngồi hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, im thin thít, chẳng nói chẳng rằng, không phải như ông Phật trên tòa sen, cũng không phải như ông Gióng trong nôi. Tạo không có ý kiến gì, cứ nghe, và khi giải lao, Tạo nói nhỏ với Trấn (Tạo với Trấn có bà con xa xa với nhau): “Coi chừng Nhật Bản nó chém ngang lưng, đau lắm nghen!”. Ý muốn bảo rằng ta khởi nghĩa thì Nhật sẽ can thiệp đàn áp ta. Nhưng Tạo chỉ nói nhỏ với Trấn, Trấn nói nhỏ lại với tôi, nên ý đó của Tạo chưa thành vấn đề thảo luận lần này.

Hai “phe” - mà có hai phe thật, nói cho đúng, có tới ba, bên này thì khởi nghĩa, bên kia thì không khởi nghĩa, chính giữa có mấy anh lưng chừng chưa quyết, giống y như trong Quốc hội Pháp hồi 1789-1793, có phe “núi” (Montagne), phe “đồng” (Plaine) và chính giữa là phe “bưng” (Marais) vậy!

Nguyễn Văn Nguyễn nói thêm; anh lưu ý các đồng chí rằng từ sau Cách mạng tháng Mười Nga cho đến chiến tranh thế giới thứ hai, không có cách mạng thành công trong nước nào hết, tụi đế quốc thấy cách mạng nổi lên ở đâu thì xúm lại đánh cho đến chết, ngay cách mạng Tàu cũng ì ạch hết sức mà đã tới đâu đâu!... Trong thời kỳ cuối của chiến tranh thứ hai này, có mấy nước lập được chính quyền cách mạng nhân dân trước hết là nhờ có Hồng quân Liên Xô kéo vào, không có Hồng quân thì cũng chẳng làm gì nên. Tôi (Nguyễn) cho rằng: sát biên giới, chung biên giới với Liên Xô, thì cách mạng và khởi nghĩa mới có hy vọng thắng lợi mà cũng chưa chắc… Phải nghĩ kỹ, đừng phiêu lưu mà chết; chết ta không sợ, chỉ sợ lực lượng cách mạng bị phá tan bởi thực dân Pháp, đồng thời bởi phản động quốc tế liên hiệp nhau.

… Nếu lập luận kiểu Nguyễn, Trừng thì, nước nào, dân nào ở xa Liên Xô phải bó tay chịu chết hay sao? Đâu có lý như vậy?… Ta không thật sự là cô lập, lẻ loi đâu. Việt Nam khởi nghĩa giành độc lập thành công sẽ là tấm gương sáng cho các dân tộc thuộc địa, là tiếng gọi những người “đồng bệnh” ấy cùng đứng lên, trước hết là ở thuộc địa Pháp. Có lẽ đang có và chắc chắn sẽ có nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập tại Phi châu, Á châu. Thế giới thuộc địa sẽ như một biển lửa, đó là đồng minh đáng tin cậy của ta… Còn Liên Xô và các nước được Hồng quân Liên Xô giải phóng thì, khỏi phải nói, nhất định sẽ đứng về phía ta, họ ở xa mà tiếng nói của họ có sức nặng quốc tế. Cách mạng chúng ta cuối cùng sẽ chiến thắng. Nay ta phải kịp khởi nghĩa, đến một lúc không còn khởi nghĩa được nữa, chúng ta sẽ có tội với lịch sử. Cách mạng ở mỗi nước là sự nghiệp của nhân dân nước ấy trước hết. Ta không đợi chờ ai giải phóng cho ta cả, ta không chờ, chờ được giải phóng thì không khi nào được giải phóng. Ta giúp ta thời trời mới giúp ta - người Tây phương nói như vậy là đúng.

Tôi trông thấy rõ số đông anh em tán thành lập luận của tôi.

… Khuya quá rồi. Nói mệt, mà nghe càng mệt. Hội nghị tạm ngừng. Anh em ăn cháo gà. Chợp mắt một chút. Đến sáng, sau một bình trà đậm, lại tiếp tục cãi nhau. Sáng ngày 17, tôi sốt ruột hết sức. Như thế là khả năng “bấm nút” cho khởi nghĩa ở Sài Gòn nổ ra đêm 17 thì xem như không còn nữa. Huỳnh Văn Tiểng ở nhà (số 6 Colombert) chắc càng sốt ruột hơn tôi. Tôi còn hy vọng sáng 17 giải quyết thì chiều 18 có thể “bấm nút” được.

Sáng 17, trong cuộc thảo luận tiếp, không có gì mới. Hai phe “núi” và “đồng” giữ vị trí cũ; phe “bưng” vẫn còn.

Cuối cùng tôi định phá vỡ sự bế tắc bằng một câu hỏi nhất thiết phải trả lời và hễ trả lời thì tức là hẹn phải khởi nghĩa. Hỏi rằng, nếu trong mấy ngày này mà Hà Nội khởi nghĩa, ngoài Bắc khởi nghĩa, thì Sài Gòn phải làm gì? Trong Nam phải làm gì? Ta khởi nghĩa, hưởng ứng các đồng chí ta, hay là cứ bảo rằng anh em Hà Nội, anh em ngoài Bắc “phiêu lưu”, họ không nắm vững tình hình thế giới, rồi ra cứ ngồi ngó?

Phe chống khởi nghĩa lúng túng rõ như bị tấn vào vách tường. Thấy vậy, tôi “cười trong bụng”. Té ra câu hỏi đó đơn giản mà lại có kết quả to lớn.

Còn tất cả các đồng chí khác, kể cả phe “bưng” đều trả lời: trường hợp đó thì không còn do dự gì nữa, nhất định chúng ta sẽ phải khởi nghĩa tiếp theo thôi!

Tôi đưa ra kết luận tạm thời hôm nay và mọi người đều đồng ý là:

1. Chưa quyết định ngày khởi nghĩa, nhưng nắm vững quan điểm phải khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa, Xứ ủy, Thành ủy các tỉnh có nhiệm vụ cần kíp, khẩn trương, là hoàn chỉnh sự chuẩn bị lực lượng vũ trang xung phong và hoàn chỉnh sự chuẩn bị động viên lực lượng đạo quân chính trị, phát triển Mặt trận Việt Minh thật nhanh chóng có thể bao gồm thêm nhiều cánh tả của những tổ chức quốc gia, tôn giáo, đẩy phong trào quần chúng lên đến mức cao nhất làm nền cho một cuộc khởi nghĩa nhân dân to lớn nhất trong lịch sử Nam Bộ.

2. Theo dõi rất sát tình hình miền Bắc, tình hình Hà Nội, từng ngày từng giờ. Hễ được tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn và Nam Bộ khởi nghĩa ngay. Nhận xét rằng nếu Hà Nội khởi nghĩa thì chắc phải khởi nghĩa trong mấy ngày này thôi, không trễ được, trễ thì quân Tàu Tưởng chỉ còn mấy bước là vào biên giới; khi quân Tàu Tưởng vào tới Hà Nội thì không còn khởi nghĩa được nữa. Cho nên, các thành viên của của hội nghị Chợ Đệm trừ một ít, phải túc trực ở Sài Gòn và chung quanh Sài Gòn để họp lại, lấy quyết định cuối cùng về khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ.

3. Trong lúc chờ đợi thì “Việt Minh ra công khai”. Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp lấy lại tên Tổng Công đoàn, làm thành viên độc lập của Mặt trận Việt Minh. Thanh niên Tiền Phong và đoàn Tân Dân chủ chính thức tuyên bố là thành viên Mặt trận Việt Minh.

Các đảng bộ toàn Nam Bộ sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa.

Hội nghị Chợ Đệm tạm ngừng. Tôi đạp xe về Sài Gòn.

Bọn tôi ở Ủy ban khởi nghĩa gấp rút hoàn chỉnh sự chuẩn bị khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn với lòng tin chắc chắn rằng nay mai đây thôi tin khởi nghĩa ở Bắc sẽ tới. Không thể không tới. Tiểng nói với tôi: ý kiến khởi nghĩa ngay không toàn thắng ở Hội nghị Xứ ủy mở rộng, xét cho cùng chúng ta không mất gì, nếu có mất gì là mất cái danh hiệu khởi nghĩa trước hết trong nước. Tôi đỡ lời: Nghe nói anh em ngoài Bắc đã khởi nghĩa từng phần từ mấy tháng nay rồi; bây giờ là tổng khởi nghĩa trên cả nước, cốt cho toàn thắng, không cốt ở trước sau…

(Kỳ sau tiếp)

 

--------------------

* Đầu đề do Hồn Việt đặt

GS TRẦN VĂN GIÀU