Tranh lụa một thời

LÊ THANH TRỪ

Mới đây hơn một ngày, tình cờ đọc báo Sài Gòn Giải Phóng, gặp được bài “Khơi dậy sức sống của dòng tranh lụa Việt Nam” của Quỳnh Chi. Triển lãm tranh tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, với 155 bức tuyển chọn từ 600 tác phẩm của hàng trăm tác giả gửi đến tham dự. Sự khơi dậy làm tôi nhớ lại thời kỳ huy hoàng của dòng tranh lụa cách đây khá nhiều năm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà cố hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh là tiêu biểu.

Khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, sinh viên Nguyễn Phan Chánh, xuất thân từ chàng trai theo học chữ nho. Rồi là thầy giáo tiểu học và là nghệ nhân vẽ tranh thờ, tranh tết ở Hà Tĩnh. Khi trường Mỹ thuật Đông Dương chiêu sinh khoá đầu (1925), Nguyễn Phan Chánh ra Hà Nội thi và học. Những năm tháng học và sáng tác, Nguyễn Phan Chánh âm thầm theo đuổi con đường riêng của mình mà ông đã cố công mò mẫm lựa chọn. Đó là tranh lụa.


Cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Con đường riêng này khá gồ ghề, lắm chông gai. “Trong khi các sinh viên cùng học như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ… tiếp thu nghệ thuật cổ điển và ấn tượng một cách say mê mạnh mẽ và sáng tạo, Âu hoá nhanh chóng về kỹ thuật, thì Nguyễn Phan Chánh vẫn tỉ mẩn đi từ chất lụa trong tranh Trung Hoa và Nhật Bản. Nhóm sơn dầu này thường được thầy khen, trong khi Chánh bị la rầy tợn. Vì sắp ra trường rồi mà nghệ sĩ “quê mùa” này chưa hoàn thành được tác phẩm nào… Nhưng, những bức tranh lụa mềm lại lần lượt ra đời, làm ngạc nhiên cả phương Tây lẫn những bạn cùng học đang say mê với ánh sáng của sơn dầu”.


Tranh lụa Chơi ô ăn quan – 1931 – của cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh


Rê lúa – 1960 – của cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Trước đó năm, bảy năm khi tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được khẳng định, một số họa sĩ đồng thời chế giễu ông. Giờ thì tiếp tục thể nghiệm tranh lụa (theo tinh thần sáng tạo theo phong cách khác nhau). Họa sĩ Nam Sơn với tác phẩm: Đi chợ, Cô gái Bắc kỳ. Họa sĩ Tô Ngọc Vân với Bức thư và nhiều tranh khác… những tên tuổi nghệ sĩ như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu… với dòng tranh lụa sáng danh một thời, những tác phẩm như: Thiếu nữ rũ tóc, Thiếu nữ ngồi trên sạp, Ông già… Đặc biệt thuở ấy vào thời kỳ Âu hoá dâng cao mọi phong trào văn hoá văn nghệ ở một xã hội chao đảo.

Năm 1931, cuộc triển lãm tranh lụa Việt Nam ở Paris giới thiệu bước đầu có một nền hội họa Việt Nam. Nhiều công ty của Pháp đưa tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh triển lãm ở Milan (Ý), San Francisco (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) vào những năm 1942–1944. Và từ năm 1932 trở đi đã có triển lãm thường xuyên tranh Việt Nam ở Pháp.


Mùa hoa phượng – 1961 – của cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Kế đấy, một số họa sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sang Pháp sinh sống và sáng tác, họ đã đưa dòng tranh lụa Việt Nam rạng danh ở nơi được tôn vinh là kinh đô của nghệ thuật hội họa thế giới như Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ…


Tranh của họa sĩ Lê Phổ

Lê Phổ, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được cấp học bổng sang học tiếp tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, và sau đó đến Ý để nghiên cứu đào tạo chính quy, nơi này làm ông lạc hướng. Năm 1932, ông trở về Hà Nội tìm lại những gì đã mất. Hai năm sau ông sang Bắc Kinh, đến với tinh hoa tạo hình nghệ thuật phương Đông, để rồi ông dần dần hình thành một thứ nghệ thuật của riêng mình.


Tranh của họa sĩ Lê Phổ

Có người đã nói: Lê Phổ góp phần làm cho con đường nghệ thuật châu Á và châu Âu gặp nhau, tìm được ngôn ngữ chung, gợi lên cái hư ảo hơn là diễn đạt…, với những tác phẩm: Thiếu nữ và hoa cẩm chướng, Thiếu nữ và cây phong lan. Tranh hình thể của các cô gái xuân thì thân hình ẻo lả như những ngọn lau, các nàng tiên nữ với làn da ngà tắm trăng, hồ nước trong veo ẩn mình với ánh trăng lạnh lẽo… Tranh khoả thân thoát hẳn tính sắc dục… Năm 1950 trở đi, Lê Phổ bắt đầu vẽ tranh sơn dầu.

Với Lê Thị Lựu (tốt nghiệp khoá III – Mỹ thuật Đông Dương), năm 1945 bà sang Pháp dạy vẽ, sau đó bỏ hẳn để dành thì giờ cho sáng tác tranh lụa: Trâm Anh bên bờ suối, Kim Kiều gặp gỡ, Tam đạo đồng tình… Rồi Giông tố, Sơn nữ trong rừng, Hai vợ chồng quê… Bà vẽ theo kỹ thuật Trung Hoa, sau loạt tranh lụa thể nghiệm này, bà thay đổi hẳn lối vẽ, xây dựng nên lối vẽ riêng của bà, lối vẽ tranh lụa Việt Nam. Đề tài thì xoay quanh chữ thiếu: thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi.

Riêng Mai Trung Thứ, thế hệ sau 1940 ít ai biết ông, bởi ông sống ở Paris xa xôi từ năm 1936. Mai Trung Thứ không bỏ chất liệu sở trường của mình là vẽ tranh lụa. Ông thể hiện thiếu nữ Việt Nam, những em bé Việt Nam với không gian đầy Việt Nam. Những khu vườn hoa dưới mái hiên nhà cổ kính hay đền đài Việt Nam. Yêu tổ quốc mình bằng cách riêng của ông, chính vì vậy mà ông nổi tiếng trên đất Pháp.

*

Ở Sài Gòn – Gia Định từ xa xưa của trường Mỹ Nghệ thực hành rồi trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ Thuật Gia Định rất coi trọng khoa tranh lụa, đã đào tạo nhiều tài năng về chuyên khoa này mà tiêu biểu là họa sĩ Hồ Tấn Thuận. Ở ông, dù tuổi đã cao, họa sĩ Thuận vẫn miệt mài sáng tác tranh lụa. Những khách quen thuộc của ông là Việt Kiều và khách nước ngoài, đặc biệt là khách người Pháp thường tìm đến lão họa sĩ mà mua tranh và đặt hàng.

Riêng cố họa sĩ Lê Văn Đệ, người sáng lập trường Cao đẳng Quốc gia Gia Định là một tài năng về mảng tranh chất liệu dân tộc này. Tại nước Pháp, tranh lụa của cố họa sĩ Lê Văn Đệ đã đạt giải thưởng cao. Ông đã được gia nhập “Hội Quốc gia nghệ sĩ Pháp”. Đó là lần đầu tiên một người Á Đông có chân ở Hội này, từ tác phẩm tranh lụa Bà thầy bói, Bến MortpasseThiếu phụ chải đầu.