Tôi không nghĩ là mình có “tâm sự” gì, chắc là tại tôi hiểu “tâm sự” theo nghĩa ngày xưa. Tôi có một đời sống bình thường, những chuyện vui buồn đời tôi chắc cũng giống mọi người chỉ khác ở chi tiết.
Thuở nhỏ, tôi sợ đi học nhưng lớn lên lại tự động xin vào trường Tây để… đọc được truyện tiếng Pháp, vì bao nhiêu truyện quốc ngữ trong nhà đều đọc, thuộc đến cả cái bìa quảng cáo sách Tự Lực Văn Đoàn. Mẹ tôi thấy tôi đã lớn còn đi học trở lại, mắng: “Học để làm gì? Để viết thư cho trai à?”. Không ngờ sau tôi “viết thư cho trai” thật! Tôi ghi tên vào mục “Tìm bạn bốn phương”, báo Butterfly, để tập viết tiếng Pháp và tiếng Anh. Thế là tôi nhận được cả trăm lá thư, phần đông của “trai” gửi từ khắp nơi, trả lời không xuể. Sau đó, em trai tôi được sang Pháp học. Tôi muốn đi, đã mạo danh bố mẹ, viết thư gửi sang Pháp xin học, địa chỉ các trường thì nhờ hai tờ báo Paris Match và Bonne Soirée chỉ dẫn. Học được hơn một năm thì có trận Điện Biên Phủ, ở nhà không gửi tiền sang được nữa…
Bây giờ “tính sổ đời”, tôi thấy mình đã làm nhiều chuyện bồng bột, liều lĩnh, thất thố, ngu dại… rồi ngồi hối hận nhưng tôi không hối hận đã đi học trở lại.

Thiếu nữ e ấp bên hoa đào. Ảnh: Xuân Chính.
Tôi sống ở Âu châu 55 năm, bạn cũ ở Việt Nam không còn ai, bạn mới chưa có.
Sau hơn hai năm “định cư” ở Hà Nội, tôi về Pháp chữa mắt và nhận ra tôi không thể bỏ hẳn nước Pháp. Ngoài cái vui gặp lại bạn bè, tôi tránh được nhiều chuyện giấy tờ rất nhiêu khê vì có địa chỉ hai nơi, tôi không biết gì đã đành mà cả các cơ quan Việt hay Pháp cũng không ai biết rõ trường hợp như tôi phải xử lý ra sao. Đi đến kết luận là nên nửa năm sống ở Pháp, nửa năm ở Hà Nội.
Hiện nay, mắt đã sáng trở lại, tôi dự tính sẽ viết nốt những bài bỏ dở, cái không may là tủ sách của tôi đã phân tán, muốn kiểm tra tài liệu rất khó. Tuy vậy, còn viết được là vui rồi. Lo là không biết mắt còn sáng trong bao lâu. Nhưng nghĩ lại, tôi đã một lần mổ tinh thể, một lần kích điện (laser), được y thuật cứu, sống lại hai lần, dẫu mắt không bì được với người thường nhưng tôi tự cho là mình may mắn lắm rồi.
Cẩm Thơ** (Paris):
Hồn Vọng Phu
“Ai đem con sáo sang sông…”
Tôi là con sáo sang sông đã bay đến tận bờ dòng sông Seine để xây tổ ấm.
Thấm thoắt mà đã gần 25 năm!
Nhiều bạn bè đùa tôi: Thành người Pháp mất rồi còn gì! Điều đó đúng mà cũng không đúng.
Đúng vì tôi luôn làm theo cách ứng xử ở ống thì dài, ở bầu thì tròn mà ông bà đã dạy, để tồn tại, để khẳng định vị trí chuyên môn và xã hội của mình ở quê chồng, để có độc lập về kinh tế và tự do trong hành động. Tôi phải cố gắng thích ứng với cuộc sống gấp gáp, đúng giờ và linh động trong công việc, không sợ những đổi mới về kỹ thuật… Có cái nhìn rộng rãi và cởi mở hơn khi đánh giá những người chung quanh về cách suy nghĩ, về quan hệ humaine (người với người) của họ, yêu văn hóa của họ, thích gu ẩm thực của họ… Về khía cạnh này, tôi đã phần nào Pháp hóa.
Nhưng không đúng vì lúc ra đi tôi đã 27 tuổi, tức là đã lớn lên, đã được giáo dục, đã sống một thời đạn bom, đã hiểu thế nào là khái niệm Hy sinh, Hòa bình, Độc lập, Dân tộc. Như cây đã đâm rễ trên đất Việt Nam, tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành người Pháp hoàn toàn được. Mỗi khi có những việc khó xử, những lúc dạy bảo con cái, tôi vẫn vận dụng những câu ngạn ngữ, ca dao, thành ngữ Việt Nam, lấy chuyện truyền thuyết, dùng triết lý Á Đông để làm chân lý cuộc sống. Tức là áp dụng kinh nghiệm của cha ông mình để cố gắng tránh được những sai lầm, vấp ngã…

Ảnh minh họa. Ảnh: Tiên Onion.
Tôi còn nhớ, mười năm đầu khi tôi sang Pháp, chồng tôi phải đi làm việc thường xuyên ở nước ngoài. Lần ấy, khi cậu con trai Alexandre Giang, cháu thứ hai của chúng tôi mới được 4 tháng rưỡi thì chồng tôi phải đi làm phim ở Campuchia mấy tháng liền. Sợ con quên mất bố, tôi lồng khung một tấm ảnh chụp Alexandre Giang với chồng tôi, treo trên lò sưởi trong phòng của cháu. Mỗi tối khi đặt cháu ngủ, tôi bế cháu đến trước ảnh để nói chuyện với bố, để chúc bố một đêm tốt lành, và mỗi sáng khi cháu thức giấc chúc bố một ngày vui vẻ.
Cứ như vậy, cho đến khi bố cháu về, cháu đã được 9 tháng. Hôm ấy, khoảng 7 giờ sáng, khi tôi đang chuẩn bị cho Alexandre Giang đi nhà trẻ thì chuông reo, tôi bế cháu ra mở cửa, khi nhìn thấy bố, cháu giơ cả hai tay về phía bố, mắt mở to… Jérôme đón con, còn Alexandre Giang thì ôm ghì lấy bố không rời ra nữa. Khi chồng tôi trao con lại cho tôi để xuống nhà mang nốt hành lý lên, Alexandre khóc váng cả lên như bị bỏ rơi!
Chồng tôi rất ngạc nhiên vì sau 5 tháng xa cách, đứa con bé bỏng không hề quên bố, mà ngược lại, gắn bó với bố đến không ngờ. Tôi đã kể chuyện nàng Vọng phu cho anh nghe, anh rất xúc động, nhưng vẫn không quên cái tính hài hước của mình: Với những người vợ và người mẹ như thế, quân đội Việt Nam thắng trận là phải!
Tôi thường xuyên kể cho các con tôi về Tổ quốc thứ nhất, về Bác Hồ kính yêu và ít khi dấu được niềm tự hào về nguồn gốc của mình.
Đặt chân lên thềm của năm mới, từ nơi xa xôi này, tôi muốn cảm ơn một người thầy giáo cũ của tôi đã động viên tôi khi tôi có những băn khoăn về những tiêu cực hiện nay: “Đây là một công cuộc dài lâu, đất nước mình mới ra khỏi chiến tranh đây thôi, tất cả đều phải học hỏi từ từ, nền DÂN CHỦ cũng vậy!”
Tôi thầm mong là các con tôi sẽ được tự hào về đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh trong một xã hội dân chủ và bình đẳng, độc lập và tự do, như mơ ước của Bác Hồ, và của bao người đã vì mục đích thiêng liêng ấy mà hy sinh xương máu!
Bùi Kha*** (Los Angeles, Hoa Kỳ):
Vài suy nghĩ về quê hương…
Cuộc sống cá nhân thì không có gì để tâm sự, nhưng tâm tình đối với quê hương đất nước thì hầu như tất cả người dân, trong đó có tôi, ai cũng mong muốn dân giàu nước mạnh.
Mặt tích cực: Chúng ta thấy trong năm qua, Nhà nước Việt nam có những sáng kiến ngoạn mục trong chính sách ngoại giao mềm với Trung Quốc. Mặc dù một số đoàn thể bên ngoài, mang màu sắc tôn giáo muốn xúi Nhà nước Việt Nam gây hấn với Trung Quốc về lãnh hải để bàn tay hùm này giáng một đòn chí tử xuống Chính phủ Việt Nam và toàn dân ta, thì những người có trách nhiệm đã bình tĩnh không vì sự la lối hò hét của đám trẻ con mà nóng giận làm hỏng việc lớn.
Việt Nam đã bắt mạch đúng là không những Việt Nam cần Mỹ mà Mỹ cũng rất cần Việt Nam. Ít nhất là cả thập niên qua, chính sách ngoại giao đông lạnh dưới thời Tổng thống Bush; vùng châu Á - Thái Bình Dương hầu như bỏ mặc cho nước lớn Trung Quốc tự do hành động theo lối kẻ cả.
Năm 2010, Việt Nam đón tiếp Hạm đội Mỹ ghé vịnh Cam Ranh, và tiếp theo là đón tiếp bà Ngoại trưởng Mỹ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị ARF ở Hà Nội (tháng 7/2010), bà Hilary Clinton, đã khẳng định sự hiện diện hòa bình của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương vì quyền lợi chung của Mỹ và của các nước trong khu vực cũng như an ninh của thế giới. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông Robert Gates cũng có cùng một ý kiến là Mỹ cần và sẽ ở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lâu dài vì quyền lợi chiến lược của Mỹ và đồng thời cũng bảo đảm lợi ích của các quốc gia trong khu vực.
Với tư cách là nước Chủ tịch của khối ASEAN, Việt Nam đã mời cả Mỹ lẫn Nga tham dự Hội nghị ARF. Và Nga, lúc này, cũng có cùng một hướng đi như Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một cơ hội tốt cho Việt Nam khi cánh rừng có hùm có beo thì cọp cũng phải e dè không dám lộng hành như ý muốn.
Sáng ngày 7/12/2010, Hội nghị Nhóm Công tác Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+WG) đã khai diễn tại Đà Lạt; gồm 70 đại biểu của 10 quốc gia ASEAN và 8 nước đối tác. Một trong những vấn đề chủ yếu của chương trình công tác là bảo vệ ngư dân trên vùng biển. Đây cũng là một trong những vấn đề gây nhức nhối từ lâu mà Nhà nước Việt Nam bị cáo buộc sai lầm là làm ngơ đối với số phận của ngư dân mình lúc bị Trung Quốc bắt giữ.

Dưới gốc mai. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.
Mặt tiêu cực: Chương trình của Chính phủ là “Dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh phú cường”. Có lẽ chúng ta nên mong ước thêm là: độc lập tự chủ, và tự nhủ rằng chúng ta sẽ làm gì cho quê hương để khỏi phụ lòng vua Hùng đã dày công dựng nước?
Cấp độ của câu trả lời và sự đóng góp sẽ tùy thuộc vào vị trí của mỗi người trong xã hội. Thực vậy, tiếng nói và sự đóng góp của người dân chỉ là một hạt cát so với vai vế của những người lãnh đạo các cơ quan chức năng, mà người dân trực tiếp hay gián tiếp bầu ra.
Những trăn trở về các chương trình khai thác Bô-xít của Trung Quốc, những văn kiện tùy tiện cho thuê rừng đầu nguồn của một số tỉnh, những đồ dùng và thực phẩm giá rẻ và có nhiều chất độc được nhập lậu qua biên giới sẽ làm hại sức khỏe của dân ta, và làm cho trí tuệ của trẻ em khó phát triển để tương lai ngoại bang dễ đồng hóa. Cộng thêm nạn tham nhũng hối lộ, cửa quyền.
Những cơ quan chức năng đã có biện pháp trước các vấn nạn nêu trên? Và lúc nào có thể khắc phục? Phải chăng, nếu cần, thì nên bồi thường cho Trung Quốc để hủy bỏ các chương trình khai thác Bô-xít mà họ trúng thầu? Có nên nghiêm trị những viên chức có trách nhiệm biên phòng trong việc cho hàng thiếu tiêu chuẩn được nhập lậu qua biên giới? Và người dân có nên tẩy chay tất cả các hàng ngoại nhập có hại cho sức khỏe? Có lẽ đây cũng là những câu hỏi và ước vọng tha thiết nhất của toàn dân và cộng đồng quốc tế.
Cầu chúc tất cả an khang thịnh vượng trong năm con Mèo.
(*) | Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa cổ Việt Nam. |
(**) | Nhà làm phim. |
(***) | Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Sử học. |