Trách phạt học sinh

Khi tạo ra loài người, Thượng đế đã chủ ý tạo ra mỗi một cá thể trong xã hội đông đảo ấy sẽ đảm đương một nhiệm vụ khác nhau. Cho nên, không ai giống ai về trí tuệ hay nhân phẩm.

Vì vậy, để tồn tại và phát triển con người cần phải được giáo dục. Giáo dục sẽ làm cho con người người hơn. Để phần người phát triển, trong giáo dục, dù ở bất cứ nơi nào bên cạnh việc động viên, khuyến khích cũng nên có hình thức trách phạt phù hợp.

Ở các nước tiên tiến, các hình thức trách phạt chủ ý đánh vào tiềm thức làm người của học sinh.

Ví dụ ở New Zealand, khi học sinh mắc khuyết điểm, nếu nhẹ, các em tự ngồi và viết thư có nội dung xin lỗi giáo viên chủ nhiệm và bố mẹ; còn nặng, phải viết thêm một bức thư khác xin lỗi thầy hiệu trưởng và hội đồng giáo viên. Hoặc nếu lỡ gây gổ đánh nhau, thì phải viết thư xin lỗi bạn và gia đình của bạn ấy.

Họ không bao giờ bắt học sinh đứng trước lớp xin lỗi bạn. Cùng lắm, họ bắt những học sinh chưa ngoan, giờ ra chơi phải dọn vệ sinh cùng với lao công trong trường. Đây được coi là hình phạt nặng nhất vì các em sẽ rất xấu hổ khi phải làm việc này. Nếu ngoài tầm, nhà trường giao cho cơ quan chức năng.

Ở nước ta, việc trách phạt trong giáo dục sao còn quá nhiều điều đau lòng. Nhiều nhà sư phạm đã đánh đập học sinh rất tàn nhẫn khi các em chưa ngoan.


Cùng nhau ôn bài (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Có giáo viên uống rượu say rồi vào trường đánh học sinh gãy xương sườn. Có giáo viên bắt học sinh liếm ghế của mình, hay có giáo viên còn tàn nhẫn áp dụng chiêu “mất gà”.

Có trường hợp học sinh chỉ vì “nói leo” mà bị thầy đánh đến ngất xỉu. Có thầy trong suốt giờ học, không dạy kiến thức mà chỉ dạy một bài học “đạo đức” với những lời nặng về nhục mạ và phỉ báng học sinh. Trong khi đó, các cơ quan chức năng ở một số địa phương cũng a tòng theo cái sai của thầy cô mà ép các em đến chỗ khủng hoảng tinh thần...

Thử nghĩ, sau những hình phạt ấy các em có ngoan hơn không, có học giỏi hơn không, có trở thành thiên tài hay không? Hay là các em cảm thấy nhà trường chỉ như là một nhà tù, một trại giáo dưỡng hay một nơi lao động khổ sai. Lúc đó, mỗi ngày đến trường của các em sẽ là chuỗi ngày sợ hãi và lo âu. Hậu quả như thế nào chắc các bạn cũng biết!

Dẫu rằng, đánh mắng các em không thể chết. Những vết hằn ngoài da rồi sẽ nhanh chóng mất đi. Những lời mắng nhiếc cũng bị lãng quên. Nhưng có ai dám chắc rằng, không có một vết hằn vô hình sẽ nằm sâu trong tiềm thức các em.

Ngay từ nhỏ các em bị giáo dục thô bạo như vậy thì thử hỏi lớn lên các em có trở thành người công dân tốt không? Xin hãy mang đến cho các em tình thương, sự dịu dàng và lòng tận tụy. Đừng cho các em sự hằn học và sự hoài nghi!

BÙI VĂN DẸNG