… Bản Tuyên ngôn có thể và phải đem giảng ở giờ Lịch sử, ở giờ Chính trị và ở giờ Ngữ văn! Thế thì đâu là chỗ khác nhau giữa ba giờ ấy? Có lẽ sợ giờ Văn trùng lặp lại các giờ kia, tôi biết có một ông giáo dạy Văn đã đếm số chữ của bài, số câu của bài…
Những câu dài nhất và câu ngắn nhất. Không phải là vô ích. Tôi cũng thử đếm: có gần 20 chữ quyền. Bài văn này là của Chính phủ, chính quyền đứng trong thế đòi các quyền mà viết. Nó tiếp tục bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam năm 1919 của ông Nguyễn Ái Quốc, bản yêu sách có tên là Quyền của các dân tộc.
Khi đọc văn Tuyên ngôn ta không thể thuần nói chính trị, thuần nói lịch sử, mà cũng không thể rút về đếm chữ bình văn. Ở đây là tìm ra cái liên hệ, tương quan giữa văn và chính trị, lịch sử, giữa văn với tác giả, và giải thích vì sao văn viết thế này chứ không viết thế kia, văn nói cái này mà không nói cái khác, vì những liên hệ, tương quan ấy.
Không phải chúng ta áp dụng phương pháp mác xít vào phê bình, nghiên cứu văn học, mới bình luận văn bằng cách liên hệ đến những chuyện xa văn, đằng sau văn, ở bên ngoài văn như vậy. Ngay Taine, ngay Nietzche, rất xa và có khi trái ngược ta về quan điểm, cũng đã áp dụng Ba M vào công việc phân tích. M một là Milieu (hoàn cảnh), M hai là Moment (giai đoạn) và M ba là Mode (mốt, thị hiếu, phong trào) lúc có bài văn.
|
Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Với Jakobson, một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thời nay thì các yếu tố khía cạnh cần chú ý phân tích không phải chỉ có ba mà lại là sáu. Bài văn, người tiếp nhận bài văn, người phát, hoàn cảnh phát và nghe bài văn, những sự hiểu ngầm, cái cốt, mã giữa người nói và người nghe và sau rốt là những cái râu ria khác làm cho người nói tiếp xúc với người nghe, giữ vững cuộc đối thoại giữa hai người. Ví dụ:
Người nói. Người ở đây là Bác. Nhưng Bác ở đây có chỗ khác với Bác mấy hôm trước khi Bác chủ tọa các cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, quyết định sớm công bố bản Tuyên ngôn, sớm công bố danh sách chính phủ lâm thời. Mấy hôm trước, ở các cuộc họp kia, Bác là đại diện cho Đảng. Nhưng khi đọc Tuyên ngôn Ba Đình, Bác vừa là đại diện cho Đảng, đồng thời là đại diện cho Mặt trận đoàn kết dân tộc, Chính phủ liên hiệp lâm thời.
Mặt trận lúc ấy cũng chưa thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng như ngày nay, hơn thế, trong Mặt trận, trong Chính phủ liên hiệp lâm thời ấy, có khá đông Việt Quốc và Việt Cách thù địch với Đảng. Chính trong chỉ thị của Bác tháng 7 năm 1939, điều 6, Bác đã bảo: “Đảng không thể đòi hỏi thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất, và chân thật nhất”.
Vì lẽ ấy, người nói phải nói sao cho lời văn vẫn là của mình, của Đảng, nhưng đồng thời những người trong Mặt trận, bạn hay thù, dù không tán thành, cũng phải vui lòng chấp nhận lời văn.
Người nghe. Bác nói cùng ai? “Hỡi đồng bào cả nước”, lời mở đầu của bản Tuyên ngôn đã nói rõ… Nhưng có phải chỉ nói với đồng bào ta không?
“...Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…” đó là lời về cuối của bản Tuyên ngôn. Vì nói với đồng bào, lời văn của bản Tuyên ngôn xiết bao xúc động: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu… Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích… Từ đó dân ta càng cực khổ nghèo nàn”.
Vì tuyên bố với thế giới nên giọng văn của bản Tuyên ngôn sắc bén vận dụng lý lẽ.
Nhưng ngoài đồng bào cả nước, ngoài nhân dân thế giới nói chung, còn một đối tượng tiếp nhận rất là cụ thể: những kẻ cầm đầu các nước đồng minh, cụ thể hơn, cầm đầu phe tư bản, đế quốc trong khối đồng minh lúc ấy, đứng đầu là Mỹ.
Người như Bác, càng thấy rõ đối tượng nghe đó, Bác đã từng chạm mặt Mỹ trên khắp thế giới, từng sống hai năm trời ở khu Harlem, và nhất là từng tiếp xúc với Mỹ từ 1919, khi có hội nghị hòa ước Versailles, Bác đã tìm gặp đại biểu các nước đồng minh để đưa yêu sách. Đại biểu nước nào cũng trả lời cho Bác một thư.
Riêng đại biểu Mỹ trả lời liên tiếp hai thư, thư sau càng nồng nhiệt hơn thư trước. Ngày 19/6/1919, một thư gửi Bác báo là đã nhận được yêu sách, dưới ký “Đại diện Sứ quán Mỹ”. Nhưng ngay ngày 20, thì lại tống tình thêm một thư: “Kính thưa ông Nguyễn Ái Quốc. Tôi lấy làm hân hạnh báo để ông biết chúng tôi đã nhận được thư ông đề ngày 18/6/1919 và xin nói rằng chúng tôi sẽ trình bày thư đó lên Tổng thống”.
Ký dưới thư không phải là tên đại biểu Sứ quán hôm qua, mà lại là “Thư ký riêng của Tổng thống Mỹ”. Mắt xanh mũi lõ đã hé thấy, đánh hơi thấy cái gì bất ổn cho đồng bạn đồng minh Pháp tại Đông Dương này. Và liệu Mỹ có thể nhảy vào đấy chứ?
Ngày nay nhân lúc Nhật bại trận, nhân lúc ông bạn Pháp kiệt quệ rồi, Mỹ với tư cách là đồng minh càng dễ vào lấp chỗ trống hơn. Chúng ta hiểu vì sao, bản Tuyên ngôn đã chặn họng, chặn bàn tay của Mỹ bằng cách nhắc cho Mỹ nhớ Việt Nam đã là một dân tộc gan góc đứng về phía đồng minh. Cũng hiểu vì sao mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của ta lại là một câu trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ.
Trong việc trích câu ấy, có điều cơ bản này, chính yếu này của Bác, là Bác muốn cho Việt Nam ta tiếp thu tinh hoa nhân loại. Câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…” của bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ là kết quả của việc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, và bản Tuyên ngôn ấy chính là “Tuyên bố các xứ thuộc địa là những nước tự do, độc lập tách ra khỏi phạm vi của nữ hoàng Anh”.
Cũng như vậy, câu Bác trích tiếp theo “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng” từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp cũng là một danh ngôn của các học giả thuộc phái Ánh sáng Pháp thế kỷ XVIII, bản tuyên ngôn có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống phong kiến.
Bác trích tuyên ngôn Mỹ, tuyên ngôn Pháp,cũng như ở Di chúc, Bác trích thơ Đỗ Phủ, chứng tỏ Bác, người của Việt Nam, cũng là người của nhân loại. Chính vì thế mà toàn nhân loại kính yêu Người. Nhưng… Nhưng một việc làm có thể có hai, ba dụng ý. Những câu tuyên ngôn trích kia vừa là quả táo đối với chúng ta, vừa là quả lựu đạn đối với kẻ thù. “Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” đối với bọn chúng. Gậy ông đập lưng ông, cái gậy của cha ông chúng, Bác đã dùng để đập ngay vào lưng chúng, cái gậy độc lập tự do đánh vào lưng những kẻ thù của độc lập tự do.
Hoàn cảnh ra đời, phát và tiếp nhận bản Tuyên ngôn. Ngày 25/8, Trung ương cử đồng chí Lê Đức Thọ lên đón Bác tại Tân Trào. 26/8, Bác có mặt ở Hà Nội. 28/8, Bác và Thường vụ Trung ương đã duyệt xong danh sách Chính phủ lâm thời. Và ngày 2/9, Bác đọc Tuyên ngôn. Tất cả trong ngoài một tuần lễ.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Bác đã về Hà Nội, sau trận ốm nặng ở Tân Trào vừa qua Bác vẫn chưa lại sức. Thế mà bây giờ nào hội họp, nào đi công tác, nào tiếp khách, đủ các thứ khách, và còn chồng chất rất nhiều công việc khác nhau nữa. Buổi sáng, Bác thường bận đến mười hai giờ hoặc một giờ trưa. Lúc xuống ăn, Bác ăn theo một chế độ như hết thẩy các anh em làm việc ở Phủ Bắc Bộ bấy giờ, cơm với thức ăn đã nguội lạnh cả. Ăn xong, Bác lên lầu tựa ghế, chợp mắt một lát rồi đứng lên, đi hội ý với Thường vụ của Trung ương, đi lo giải quyết công việc, cứ dồn dập như thế cho tới chiều tối, tới nửa đêm. Nhưng Bác vẫn nhanh nhẹn, sáng suốt trong mọi công việc. Chỉ những lúc Bác chợp mắt, thấy mồ hôi vã ra đầy trán, mới biết Bác đã cố gắng quá sức như thế nào”.
Bác viết Tuyên ngôn trong hoàn cảnh như vậy, sau khi Bác đi bộ từ Tân Trào về, Bác viết trên một chiếc bàn tròn tại một căn buồng nhà số 48 Hàng Ngang, căn buồng chả mấy tiện nghi, ở một khu phố ngày đêm ầm ĩ.
Tình hình đất nước còn bất ổn hơn… Tuy là chỉ trong 12 ngày (từ 14 đến 25/8/1945) quyền thống trị của Pháp xây dựng trên ngót một thế kỷ, chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm đã bị nhân dân lật đổ. Tuy từ 19/8, thủ đô Hà Nội đã rực bay cờ đỏ sao vàng… Nhưng Lai Châu vẫn nằm trong tay của tàn quân Pháp rút về đó từ sau ngày Nhật đảo chính 9/3. Hà Giang, Lào Cai, Móng Cái nằm trong tay của bọn Tàu tràn vào đấy từ tháng 8.
Ở Vĩnh Yên, bọn Quốc dân đảng chiếm đóng tỉnh lỵ và nhiều nơi với sự giúp sức của quân đội Nhật. Ngay tại thủ đô, cũng có mấy sào huyệt võ trang của bọn Quốc dân đảng: “Hoa quân nhập Việt” sắp kéo vào tước võ khí của quân đội Nhật, để lấy cớ chiếm luôn nước Việt Nam này. Ở miền Nam, thì quân đội Anh.
Còn tướng De Gaulle, người giải phóng nước Pháp lại tuyên bố trước sự hoan hô của đám đông đang say vì thắng lợi: “Chúng ta sẽ trở lại Đông Dương vì chúng ta mạnh hơn, Hà Nội, chặng đường giải phóng cuối cùng…”(2).
Bác ở giữa Hà Nội ấy, trong năm ấy, trong căn buồng 48 Hàng Ngang ấy, viết bản Tuyên ngôn chắc không thể viết kiểu nghìn đời chải chuốt từng chữ, từng câu, vế nọ, vế kia đối nhau chan chát như các triều đại qua đã viết.
Khó gì lối văn ấy, đến một Tự Đức khiếp nhược trước Tây, còn viết được “Nước Đại Nam ta, bờ cõi vạch ra từ đời… phúc hồng gây dựng từ thuở… thần truyền, thánh nổi đức hậu ơn sâu” nữa là. Viết ầm ĩ hào hoa như thế đã cấm dân bàn chuyện đánh Tây, nếu có bàn chỉ được bàn chuyện hòa bình đầu hàng quân giặc: “Ở ngôi thấp mà nói mãi lên cao, thế là có tội, sẽ phải tống đi xa cho triều đình được nghiêm. Bàn hòa là người có công, bàn chiến là kẻ có tội, pháp luật thật là đúng đắn…”. Văn kêu để mà như vậy. Bình Tuyên ngôn Độc lập, vì thế, đâu phải bình văn, tuy rằng đây là một áng văn lớn thời ta và của các thời. Những cái lớn của áng văn nào trước hết đều ở nội dung của nó.
Bản thân bản Tuyên ngôn. Theo tôi, bản Tuyên ngôn dẫn ra rất nhiều ý, nhưng đây là 4 ý chính:
- Việt Nam đã giành độc lập,
- Việt Nam đã lật đổ chế độ quân chủ và thành một nước cộng hòa,
- Việt Nam ở trong phe đồng minh nên có quyền được hưởng độc lập,
- Việt Nam rất gan góc trong việc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của mình.
Về độc lập: Mở đầu, tác giả dẫn ngay một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Không những dẫn lại còn “suy rộng ra”. “Suy rộng ra câu nói ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng”.
Rồi dẫn ngay một câu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp. Sao lại của Pháp? Vì Pháp là kẻ cần phải chịu roi đòn của chính câu này.
Sau hai đoạn Tuyên ngôn nói đến quyền cao cả thiêng liêng của con người, của các dân tộc, đối chọi lại là một đoạn văn dài tả các tội ác trời không dung đất không tha của Pháp thực dân. Sau 13 chữ quyền, là 14 câu, câu nào cũng có chữ chúng mở đầu nặng như búa tạ. “Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do… Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”.
Và mỗi chữ chúng ấy, mỗi tội ác của chúng ấy, như trút xuống những chữ ta làm xúc động lòng người. “Chúng cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta, tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do. Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều…”.
Gần mấy chục chữ ta liên tiếp như vậy. Vì người nghe là đồng bào, nên Tuyên ngôn đã nhắc những điều trên. Nhưng vì người nghe còn là đồng minh, nên Tuyên ngôn đã nhắc đến một tội ác khác của Pháp. Đối với đồng minh tội này có khi còn nghiêm trọng hơn nữa kia. Đó là tội Pháp đã quỳ gối đầu hàng Nhật, kẻ thù của đồng minh. Pháp không còn tư cách gì là đồng minh để trở lại đây nữa. Và dân ta đã giành độc lập là từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp, giành bằng sự nổi dậy của chính mình, giành trước khi đồng minh bén mảng đến xứ này.
Việt Nam đã độc lập, đó là thực tế (de fait). Việt Nam phải được độc lập, đó là theo nguyên tắc (de principe) của hội nghị Cựu Kim Sơn của các nước đồng minh. Văn viết: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực tế đã trở thành một nước tự do độc lập”, chính là nhấn mạnh cả hai phía sự và lý ấy, đồng minh khó bẻ một lý nào.
|
Lễ tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 |
Về dân chủ cộng hòa: Vấn đề này quan trọng ngang với vấn đề độc lập. Mặc dù thế, ở đây những ý về chế độ được thu nhỏ lại và nhờ hai bản Tuyên ngôn của hai chế độ cộng hòa khác nói thay cho. Văn kiện chỉ nói có hai câu, nhưng hai câu đã thu tóm cả lịch sử đã qua và lịch sử trước mắt:“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
“Chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam…”. Vì sao ngắn gọn như vậy? Chúng ta nhớ đến thành phần chính phủ, đối tượng tiếp nhận, nghe ngóng bài văn.
Đọc Tuyên ngôn là phải đọc giữa hai dòng, đọc những ý ở ngoài lời, ở sau lời, những ý không nói ra mà là có đấy…
Về vấn đề Việt Nam ở trong phe đồng minh: Giữa việc trích tuyên ngôn của các nước đồng minh lúc mở đầu, và viện đến những nguyên tắc của hội nghị Cựu Kim Sơn của các nước đồng minh gần cuối, văn kiện kể ra các sự kiện cụ thể. Không những Việt Nam đứng trong phe đồng minh mà là gan góc đứng và đứng từ lâu nữa kia. Không những đứng, mà là nổi dậy, bằng sức mình nổi dậy làm cuộc cách mạng của mình. Những ý về đồng minh rải ra trên khắp bài văn đó là một nghệ thuật, chữ nào cũng là vừa tự biểu dương mình vừa buộc tội đồng minh, và buộc tội Pháp.
“Kiên quyết giành độc lập. Dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đó là câu kết thúc bản Tuyên ngôn. Nhưng chính câu ấy báo hiệu và mở ra cuộc kháng chiến lâu dài vĩ đại, hết đánh Pháp đến đánh Mỹ (…).
Tinh thần quyết tâm giữ vững nền độc lập không phải chỉ nằm trong câu đó. Mà nó toát ra trong toàn bài. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Hai lần nhấn mạnh chữ gan góc, bốn lần nhấn mạnh chữ dân tộc, rồi hai câu lặp lại như những nhát dao mỗi lúc chém xuống mạnh hơn: “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đọc lên sảng khoái biết chừng nào.
Những điều không nói. Jakobson có nói đến cái mã, đến cái cốt, cái ám hiệu giữa người nói và người nghe. Tôi nghĩ ngay đến một câu của Bác trong Tuyên ngôn: “Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng! Thế là chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
Tôi chắc Bác mỉm cười thú vị, khi dùng hai chữ “bảo hộ” đấy. Và 50 vạn nhân dân Hà Nội hôm ấy nghe đến chữ “bảo hộ” chắc phải cười lăn. Vì người nghe và người nói đều có một cốt riêng để tra cái nghĩa chữ “bảo hộ” ấy, nó không giống cái nghĩa tự điển nào, chữ bảo hộ ấy ngang với các chữ “mẫu quốc”, “nước mẹ”…
Nhờ những sự hiểu ngầm như vậy mà bản Tuyên ngôn nói được bao ý không có trong lời văn.
Ai không biết Bác là một người từ năm 1922 đã dùng đến hai chữ cộng sản trong tác phẩm.
Thế nhưng 23 năm sau, khi làm chủ tịch một nước cộng hòa, vì sao trong bản Tuyên ngôn không có chữ cộng sản ấy? Và sắp xếp các giai cấp như ở câu sau này, cũng không phải là cách sắp xếp của một người cộng sản, thường hay xếp công nhân lên trên hết, công nông đi với nhau ngay: “Chúng làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, lẽ ra nên nhắc chuyện nghìn đời, và nhắc đến những kẻ thù nghìn đời của dân tộc. Viết Lịch sử nước ta (từ năm 2979 trước Công nguyên đến năm 1942)Bác có đến hàng chục câu nhắc kẻ thù ấy.
Chúng ta nhìn lại hoàn cảnh:“Hoa quân” sắp “nhập Việt” rồi, chúng ta nhìn lại người nghe: trong đồng minh hồi ấy có Tàu, chúng ta nhìn lại người nói:Bác bấy giờ vừa là Nguyễn Ái Quốc vừa làm nhiệm vụ Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đại diện cho Đảng vừa đại diện cho một nhóm chính phủ lâm thời, trong ấy có lắm kẻ thân Tàu và chính phủ ấy có quyền hoặc duyệt trước hoặc phản ứng sau bản Tuyên ngôn Bác đọc.
“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Và đó là sự “tiếp xúc” lớn giữa người nói và người nghe…, tiếp xúc giữa Bác và đồng bào, không những của thủ đô mà cả nước, không những ở thời đại Hồ Chí Minh mà mãi sau này.
Ngày nay Bác không còn là vị chủ tịch của chính phủ lâm thời phức tạp ấy. Thế nhưng giá trị bản Tuyên ngôn không hề thay đổi… Trái lại, hình như đi xa trong thời gian, gạt bỏ cái tính chất tạm thời, nó càng có tính vĩnh cửu.
Vĩnh cửu trong ấy là vấn đề lần đầu tiên nhờ có Bác, nhờ có Đảng dân là chủ, làm chủ non sông và chủ cuộc đời mình. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Thưa Bác, Bác đi xa rồi, nhưng chúng con còn nghe rõ. Con cháu muôn đời sau còn nghe rõ… Không những nghe mà còn như thấy cả bầu trời xanh cao cả của sáng Tuyên ngôn.
________
(1) Bài này Chế Lan Viên trực tiếp viết theo đề nghị của Ban Biên tập Giảng văn (Lâm Vinh và Mai Quốc Liên) do Đại học Sư phạm TP.HCM xuất bản năm 1981. Đây là cuốn “Giảng văn” đầu tiên được xuất bản, sau đó là cuốn “Giảng văn” của NXB Đại Học – THCN Hà Nội. Nhân đây, Hồn Việt trân trọng cảm ơn TS Lâm Vinh đã tìm lại cuốn “Giảng văn” gần như đã tuyệt bản đó và gửi cho Hồn Việt bài viết này.
(2) Trong cuốn Hồi ký hy vọng, Paris, 1970, tập I, ông De Gaulle đã nhìn nhận sai lầm về cuộc “ra quân” của Pháp năm 1946.