LTS. Nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng đồng thời là người viết nhiều tiểu luận sắc sảo. Cách tiếp cận của anh với tục ngữ là những suy nghĩ và tổng kết độc đáo. Nhưng liệu đó có phải là cách tiếp cận duy nhất chưa? Mong rằng vấn đề được nêu ra sẽ khơi lên thêm nhiều suy nghĩ thú vị khác.
Tục ngữ là hằng số lịch sử, là mẫu số chung tinh thần của một cộng đồng biểu hiện quan niệm xử thế của cộng đồng đó. Có thể coi tục ngữ là những lá phiếu công khai của nhân dân đối với các mô thức ứng xử, các bậc thang giá trị và các tiêu chuẩn hành vi. Gọi là bỏ phiếu vì có những phiếu thuận và những phiếu chống.
Đọc tục ngữ Việt Nam chúng tôi thấy chủ yếu đó là tiếng nói lật tẩy, cảnh cáo và khuyên răn con người trong bối cảnh xã hội mọi thứ chưa phân hoá triệt để, dẫn đến tình trạng xã hội có nhiều bất công éo le. Tục ngữ lật tẩy thói tham lam ích kỷ, cảnh cáo những kẻ ác và dại, khuyên con người sống hiền và khôn.
Đó là những nội dung và xu hướng có thể khai thác sâu để tìm ra những đặc điểm trong phương thức ứng xử của người Việt.
Ở đây, chúng tôi chỉ nêu những nhận xét sơ bộ bước đầu.

Tình quê
- Trong tục ngữ Việt Nam có một quan niệm bi quan, tiêu cực về con người và nhân thế.
Nhân vật chính của tục ngữ là con người của thói đời - một con người tham lam ích kỷ dựa dẫm, thích nịnh, dễ tự ái, lừa lọc, phản bội và độc ác… Nó có voi đòi tiên; đứng núi này trông núi nọ; của mình thì giữ bo bo, của người thì thả cho bò nó ăn; lời nói của nó là đọi máu, tin nó thì mất vợ.
Còn cuộc đời trong tục ngữ là một cuộc đời bất công, éo le, nén bạc đâm toạc tờ giấy, cốc mò cò xơi, làm phúc phải tội, ngu si hưởng thái bình, thánh nhân đãi kẻ khù khờ, ghét của nào trời trao của ấy…
- Sống trong một xã hội có những con người độc ác xấu xa và phức tạp như thế, một xã hội đầy tính chất tương đối thì người khôn ngoan là người cảnh giác, linh hoạt và tương đối. Tinh thần đối phó, tinh thần tương đối xuyên suốt các câu tục ngữ như là một linh hồn của trí khôn ngoan ứng xử của người Việt. Nội dung của trí khôn ngoan ứng xử đó là:
1- Người Việt thể hiện rõ thái độ lo âu, đối phó trong tục ngữ. Không có câu tục ngữ nào khuyên con người trẻ trung tin cậy con người, ngược lại rất nhiều câu khuyên con người cảnh giác đề phòng tất cả, kể cả với bạn (Tin bạn mất vợ) và khuyên con người đắn đo giữ gìn thận trọng, nhất là giữ miệng (Thế gian ai học chữ ngờ; Vạ tay không bằng vạ miệng). Tinh thần thủ thế đối phó là đặc điểm nổi bật trong trí khôn ngoan ứng xử của người Việt thể hiện qua tục ngữ.
2- Người Việt không khuyên con người tiến công mà luôn khuyên con người phòng thủ, thậm chí nhượng bộ, thoả hiệp để giữ mình (Tránh voi chẳng xấu mặt nào; Một điều nhịn chín điều lành); cảnh cáo những kẻ chủ động tiến công trong cuộc sống (Sinh sự sự sinh; Gieo gió gặt bão). Có thể tinh thần chịu đựng nhẫn nhục này xuất phát từ một quan niệm duy tâm về sự chiến thắng tất yếu của cái xấu cái ác, thế mạnh tuyệt đối áp đảo của nó trong xã hội phong kiến.
3- Rất nhiều câu tục ngữ khuyên con người ứng xử theo tinh thần mức độ, phải chăng, không nên tuyệt đối hoá một mục tiêu, một con đường (Làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng; Giấy rách giữ lấy lề; Lành làm gáo, vỡ làm môi). Tính chất nửa vời, tính chất nước đôi đó có nguồn gốc từ lịch sử phát triển của dân tộc tạo ra những vấn đề gác lại không được giải quyệt triệt để (vì đoàn kết, vì tình nghĩa, vì tính đến chữ ngờ, vì biết rằng thời gian tự nó có thể làm đổi thay trật tự và giá trị - để lâu cứt trâu hóa bùn (!)…).
Do đó, người Việt Nam chưa có tinh thần triệt để trong tư tưởng và hành động. Nhiều người nói đến tính chất đa nguyên, lưỡng hợp của văn hoá Việt Nam. Đó cũng là một nguồn gốc tinh thần của trí khôn ngoan ứng xử nửa vời, nước đôi này.
4- Người Việt quan niệm được sự đa dạng sinh động của cuộc sống con người nên không chấp nhất, trái lại luôn thừa nhận sự khác biệt để thích ứng. Tục ngữ nói nhiều đến cái lý của sự khác biệt để khuyên con người đừng câu nệ một nguyên tắc mà phải tuỳ, phải lựa, phải liệu (Tuỳ cơ ứng biến; Tuỳ mặt đặt tên; Tuỳ tiền biện lễ; Liệu bò đo chuồng; Liệu mặt gửi vàng; Liệu cơm gắp mắm; Lựa gió xoay chiều; Lựa lời mà nói). Tinh thần linh hoạt, cụ thể là đặc điểm quan trọng của trí khôn ngoan ứng xử của người Việt.
Có thể nói, qua tục ngữ thể hiện rõ một thế ứng xử đầy tính chất sách lược, giữ mình của người Việt mà mặt tích cực là sự thận trọng linh hoạt, quyền mưu; mặt tiêu cực là thoả hiệp, thói cơ hội, lựa gió xoay chiều. Không có thế tiến công của một lý tưởng, một tư tưởng, ứng xử của người Việt qua tục ngữ chỉ có sự đối phó thực dụng, sự thích nghi với hoàn cảnh cụ thể và chấp nhận những khác biệt, những giới hạn.
Như vậy, qua tục ngữ Việt Nam ta thấy hai công cụ ứng dụng của người Việt là tiền của và lời nói. Các dân tộc khác cũng cảnh giác và đau xót với sức mạnh của đồng tiền và miệng lưỡi, nhưng có lẽ không ở đâu đồng tiền lại đóng vai trò thượng đế (Có tiền mua tiên cũng được; Nén bạc đâm toạc tờ giấy), chưa ở đâu lời nói lại có sức mạnh gươm đao như ở Việt Nam.
Do đó, tiền của và lời nói trong tục ngữ Việt Nam đóng vai trò cống vật. Và nếu tiền còn thiếu thì lời nói lại luôn có sẵn, không mất tiền mua - nghĩa là lời nói không lệ thuộc vào sự thật và tư tưởng người nói, mà chỉ lệ thuộc vào ý muốn người nghe. Vì thế, lời nói chỉ có chức năng làm vừa lòng nhau, không có giá trị thông tin, nhưng lại được sử dụng như một công cụ đặc biệt để đấu tranh.
Thói quen dùng tiền của và lời nói như công cụ ứng xử cơ bản phản ánh trong ngoại giao: việc cống nạp cho Trung Hoa, việc các đoàn đi sứ hả hê với thắng lợi của những lời đối đáp. Và sự đề cao giá trị trí tuệ của lời nói thể hiện rõ trong các truyện Trạng, nơi những con người được coi là kiệt xuất của cộng đồng bộc lộ trí tuệ qua lời nói để làm bẽ mặt đối phương, chứ không phải bộc lộ qua bản lĩnh hành động.
Di chứng của quan niệm truyền thống đó trong cuộc sống hôm nay thể hiện ở thái độ của xã hội thường chỉ đánh giá con người qua lời nói chứ ít đánh giá con người qua hành động; trong việc nhìn nhận lời nói thì lại thường đề cao những người phát ngôn chung chung không có thông tin, coi đó là cách nói chín chắn, thận trọng, giản dị, không đánh giá cao những người thẳng thắn sắc sảo, cho họ là không chín chắn, không cẩn trọng, không khiêm tốn.
Phương thức dùng tiền của trong ứng xử có mặt tích cực là sinh ra biếu xén, khao đãi rất tình nghĩa, mặt tiêu cực là hối lộ, hoang phí, hình thức, khoa trương. Phương thức dùng lời nói làm cống vật có mặt tích cực là sinh ra nhu cầu khéo léo tế nhị trong giao tiếp, mặt tiêu cực là thói nịnh bợ và thói ăn nói tục tằn với đối phương vì coi đó là sự trừng phạt bằng ngôn ngữ.
Nếu vậy thì truyền thống cũng cần phải được nhìn nhận lại và thanh lọc kỹ hơn trong quá trình tiếp thu. Điều này không mâu thuẫn với yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hoá phương Đông, trái lại còn là điều kiện tiên quyết để nhận chân bản sắc và giữ gìn bản sắc.