Tròn 100 năm trước Hội Việt kiều đầu tiên trên thế giới

Ngày 18/1/1912, Hội Đồng bào thân ái (HĐBTA) (tên tiếng Pháp La Fraternité des Compatriotes) chính thức ra mắt tại trường tiểu học tư thục Parangon ở Joinville-le-Pont gần Paris.Đây là hội đoàn Việt kiều ra đời sớm nhất trên thế giới. Mặt khác, HĐBTA mở đầu truyền thống đoàn kết và yêu nước của người Việt Nam trên đất Pháp.

Điều lệ của HĐBTA xác định ba mục đích:

  1. Tạo điều kiện cho những người nước ta đến học nơi xa được thường xuyên hội họp, gặp gỡ nhau, quan hệ thân mật và thông cảm với nhau.
  2. Thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau khi có ai gặp khó khăn hay bị ốm đau.
  3. Bằng một sự phát triển dần dần, tập hợp nỗ lực của họ nhằm giúp họ tụ tập, trau dồi trong tất cả các ngành văn học và khoa học(1).

Người sáng lập, đồng thời là hội trưởng của hội là luật sư Phan Văn Trường. Sinh năm 1876 trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Kẻ Vẽ, nay là xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, ông là hậu duệ của sử gia - thái học sinh Phan Phu Tiên, tể tướng - tiến sĩ Phan Lê Phiên… Bản thân ông cùng hai anh ruột Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội năm 1907. Sau khi phong trào bị đàn áp, ba ông bị bắt, nhưng không có chứng cớ buộc tội nên được trả tự do. Năm 1913, hai người anh của ông bị bắt trở lại, một người bị kết án 5 năm biệt xứ, người kia 10 năm lưu đày. Trước đó, vào cuối năm 1908, Phan Văn Trường đã sang Pháp, vừa làm phụ giảng môn tiếng Việt tại trường Ngôn ngữ phương Đông, vừa theo học khoa Văn và khoa Luật của trường Đại học Paris, lần lượt đỗ các bằng cử nhân Văn chương, cử nhân Luật khoa rồi tiến sĩ Luật khoa, làm luật sư tại Tòa thượng thẩm Paris từ năm 1912(2).

Một vị khác giữ vai trò không kém quan trọng trong việc thành lập HĐBTA là phó bảng Phan Châu Trinh. Người làng Tây Lộc, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam, ông lớn hơn Phan Văn Trường bốn tuổi. Sau khi đỗ phó bảng năm 1901, ông làm quan trong hơn một năm rồi từ quan, dấn thân vào con đường cứu nước. Năm 1908, ông bị bắt, bị kết án tử hình, sau được cải án chung thân, đày ra Côn Đảo. Tháng 6/1910, ông được ân xá. Ngày 1/4/1911, ông sang Pháp cùng con trai Phan Châu Dật.

Phan Văn Trường
Phan Châu Trinh

Gặp nhau tại Paris, hai nhà chí sĩ họ Phan bàn việc thành lập một tổ chức đoàn kết Việt kiều trên đất Pháp, bề ngoài có mục đích tương thân tương trợ, bên trong nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước.

Từ ngày 1/7/1901, nước Pháp có Luật về các hiệp hội (Loi sur lesassociations) theo đó các hội được tự do thành lập mà không phải xin phép, chỉ cần khai báo tên, mục đích, trụ sở của hội cùng tên, nghề nghiệp, nơi ở, quốc tịch và chức danh của những người trong ban lãnh đạo hội, nộp hai bản điều lệ của hội… Là người thông thạo luật lệ của nước Pháp, Phan Văn Trường nhận công việc soạn thảo bản điều lệ và chương trình hoạt động của hội. Chính ông là người đặt cho hội tên Hội Đồng bào thân ái. Ông nói: “Nước Pháp có Luật ngày 1/7/1901 cho phép tự do lập hội. Nhưng chỉ có luật không thôi cũng chưa đủ mà còn phải tính tới chính sách thuộc địa của chính phủ”. Vì hiểu rõ đời sống chính trị của nước Pháp lúc đó, ông ghi ở khoản 3 của điều lệ: “Hội tự cấm các cuộc thảo luận về chính trị và tôn giáo”.

Một nhà nghiên cứu viết: “Hội này thành lập không xin phép chính quyền, không có trụ sở chính thức… Các vị lãnh đạo hội thời ấy đã chủ trương hoạt động bí mật, tính cách hội kín là điều tất yếu”(3). Có lẽ nhà nghiên cứu ấy không có bản điều lệ của HĐBTA trong tay và không biết câu nói của Phan Văn Trường: “Các bạn nên biết rằng nếu chúng ta thành lập hội mà không xin phép thì chính quyền thuộc địa sẽ tìm cách dẹp hội ngay”. Một luật sư giỏi như ông không đời nào làm chuyện vi phạm luật pháp để thực dân có cớ đàn áp.

Tuy những vị sáng lập HĐBTA rất thận trọng, nhưng thực dân Pháp vẫn nghi ngờ. Ngay trong lễ ra mắt hội, Pháp đã cho người bí mật theo dõi. Theo báo cáo của người này, Phan Châu Trinh đã phát biểu: “Dù người Pháp đã tỏ ra tốt hoặc làm điều tốt cho chúng ta, lòng dạ họ vẫn thờ ơ vì đó chỉ là giả dối bề ngoài mà thôi. Chúng ta ở bên này phải thương yêu nhau như ruột thịt, phải tỏ cho người Pháp thấy chúng ta có lòng yêu nước. Muốn vậy, tôi mong lập ra một cái hội để cho mọi đồng bào ta ở bên Pháp này đều tham gia. Hội trưởng Phan Văn Trường linh cảm những trở ngại trước mắt: “Chúng ta minh bạch, không giấu diếm gì về những việc chúng ta làm như giúp đỡ lẫn nhau, học tập… nhưng vẫn có người tìm cách ngăn cản… Chúng ta chỉ việc không thèm quan tâm đến sự nghi ngờ vô lý đối với chúng ta và cứ thẳng tiến theo con đường đã vạch”.

Phản ứng trước hết của giới thực dân là cái tên của hội. Trong phong trào chống sưu thuế năm 1908 (khởi phát tại Quảng Nam, sau đó lan tràn nhiều tỉnh miền Trung), những người tham gia gọi nhau bằng “đồng bào”. Gautier, Chủ tịch Ủy ban Paul Bert, lưu ý mọi người : “Cần chú ý hội lấy tên “Đồng bào” là khẩu hiệu của những người biểu tình năm 1908”. Giám đốc Vụ Thuộc địa André Salles cũng có liên tưởng tương tự: “Hội Đồng bào năm 1912 có vẻ muốn nối tiếp truyền thống của Hội Đồng bào năm 1908 ở Trung Kỳ”.

Họ mổ xẻ từng câu, săm soi từng chữ trong bản điều lệ của hội, nhưng như toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut thú nhận, “xem qua nội dung các điều khoản thì không có gì đáng lưu ý. Sở kiểm soát người Đông Dương (thuộc Bộ Thuộc địa) cũng nhận xét: “Tuy điều lệ của hội không thể hiện điều gì đáng phê phán, nhưng rất đáng nghi”.

Bác Hồ tại Pháp

Điều đáng nghi, theo A. Salles, là HĐBTA “nấp dưới luật pháp của Pháp để chống chính sách của Pháp ở Đông Dương”. Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, toàn quyền A. Sarraut viết: “Đáng ngại là các thành viên trong các phiên họp sẽ có dịp để bình luận theo kiểu của họ những sự kiện chính trị ở Pháp, ở Viễn Đông và [những sự kiện] có quan hệ với bạn bè của họ ở Đông Dương. Từ đó ảnh hưởng xấu đến tư tưởng đám trí thức, trong đó thường có những kẻ tích cực hoạt động chống Pháp… HĐBTA sẽ thành một câu lạc bộ để trao đổi những cảm tưởng và ý nghĩ bất lợi cho sự thống trị của chúng ta và sẽ thảo luận các vấn đề chính trị nhiều hơn là những lợi ích vật chất và tinh thần của hội”. Sarraut kết luận: “Tôi nghĩ là cần theo dõi kỹ hành động của hội này và mong Ngài bộ trưởng sẽ có những chỉ thị cần thiết cho việc đó”.

Từ đó, mật thám được lệnh theo dõi mọi hoạt động của HĐBTA , nhất là của hai vị sáng lập.

Để gây khó khăn cho Phan Văn Trường, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của trường Ngôn ngữ phương Đông với ông từ ngày 1/1/1913.

Ngày 3/8/1914, chiến tranh Pháp - Đức bùng nổ. Phan Văn Trường (có quốc tịch Pháp) bị động viên và bị gửi tới Trung đoàn bộ binh số 102 ở Chartres, cách Paris gần 100km.

Lợi dụng việc nước Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh, giới thực dân định mượn bàn tay của giới quân sự dùng tòa án binh để trừng trị hai nhà sáng lập HĐBTA. Ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi công văn cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vu cáo hai ông “trong hai năm qua đã kích động các sinh viên đồng bào họ thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn”. Hậu quả là Phan Văn Trường bị bắt ngày 12/9 tại Chartres và bị chuyển về Paris giam tại nhà lao Cherche-midi, còn Phan Châu Trinh bị bắt hai ngày sau đó và bị giam ở nhà lao La Santé.

Sau nhiều tháng trời giam giữ nhưng vẫn không tìm ra chứng cứ buộc tội, ngày 28/6/1915, đại úy Caron _ dự thẩm Hội đồng quân sự số 1 vùng Paris (người được phân công thụ lý vụ án) _ phải thừa nhận: “Cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy ở các bị can bất cứ hành động nào để chuẩn bị hay tham gia thực hiện một âm mưu nào. Vì các bị can “đều bị giam giữ quá lâu và đáng được thả ra” nên Caron đề nghị miễn tố họ. Ngày 16/7, hai ông được trả tự do sau 10 tháng bị giam giữ một cách vô cớ.

Để tiếp tục cách ly Phan Văn Trường với cộng đồng Việt kiều ở Paris, nhà cầm quyền chuyển ông xuống Toulouse làm thông dịch tại Xưởng thuốc súng cho đến khi thế chiến kết thúc.

Đối với Phan Châu Trinh, từ 1/10/1915 họ cắt khoản trợ cấp 450 francs mỗi tháng mà cha con ông được hưởng từ khi sang Pháp, khiến ông phải cấp tốc học nghề sửa và phóng to ảnh để mưu sinh.

Khánh Ký

Cuối năm 1915, Khánh Ký (thủ quỹ của HĐBTA)(4) xin lập dự án “nhận học sinh An Nam sang Pháp học nghề, ban đầu do gia đình đài thọ, nhưng 1-2 năm sau sẽ tự túc. Các học sinh này sẽ sống trong một nhà do Khánh Ký quản lý. Theo Bộ Thuộc địa, “dự án này được đánh giá có vẻ do Phan Châu Trinh và  Phan Văn Trường đưa ra, nên không được duyệt”. Không nản chí, ngày 25/3/1946 Khánh Ký lại “xin mở quán cơm nơi có nhiều thợ An Nam làm việc” nhưng A. Salles không tán thành. Nhà cầm quyền vẫn sợ Việt kiều chịu ảnh hưởng chính trị của HĐBTA.

Theo báo cáo của A. Salles, trong mấy năm đầu, “cứ 15 ngày, hội họp một lần ở quán cơm Tàu trong Khu Latinh. Trong một số buổi họp, hội mời các diễn giả (chẳng hạn bác sĩ Hoàng Hữu Phương, phó bảng Bùi Kỷ… ) đến thuyết trình nhằm nâng cao kiến thức khoa học của hội viên.

Từ khi chiến tranh bùng nổ và nhất là sau khi hai nhà sáng lập hội bị bắt, hội như rắn mất đầu khiến hoạt động của hội hầu như bị tê liệt.

Nhưng ngọn lửa yêu nước của Việt kiều trên đất Pháp vẫn âm ỉ cháy, chờ có người thổi bùng lên trở lại.

Người đó là Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), người cùng hai chí sĩ họ Phan sáng lập Nhóm những người Việt Nam yêu nước (NNNVNYN) vào giữa năm 1919. Báo cáo tháng 10/1919 của mật thám Pháp ghi nhận: “Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã từng bị bắt vì tội chống lại nền an ninh quốc gia. Do đó, họ vẫn giữ vai trò lãnh đạo nhóm một cách không chính thức, nhưng thực tế thì chính Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm”. Vụ trưởng Vụ Tình báo chính trị đặc biệt Paul Arnoux tán thành nhận xét này khi ông viết: “Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị tố cáo về vụ âm mưu chống an ninh quốc gia. Hai người này đã chuyển quyền lãnh đạo cho Nguyễn Ái Quốc.

Truyền thống đoàn kết và yêu nước do HĐBTA mở đầu, được NNNVNYN tiếp nối, từng được phát triển lên một tầm cao trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, mãi mãi là một truyền thống tốt đẹp của những người con đất Việt sống xa quê hương.


(1)
Ngoại trừ chú thích số (2) dưới đây, các trích dẫn trong bài này được rút ra từ hai quyển: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới của Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh),NXB Đà Nẵng, 2001và Luật sư Phan Văn Trường của Nguyễn Phan Quang & Phan Văn Hoàng, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995 – NXB Thanh Niên (Hà Nội) tái bản, 2011.
(2)
Luật sư Phan Văn Trường đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh sau này) rất nhiều khi người thanh niên yêu nước này mới từ London (Anh) sang Paris (Pháp). Mồng 1 Tết Nhâm dần (5-2-1962), chủ tịch Hồ Chí Minh đến viếng mộ luật sư ở nghĩa trang họ Phan tại xã Đông Ngạc.
(3)
Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2000.
(4)
Khánh Ký tên thật Nguyễn Đình Khánh, sinh năm 1874 tại làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, từng mở nhiều tiệm ảnh ở nhiều tỉnh thành trong nước. Cũng như ba anh em Phan Văn Trường, năm 1907 ông và một người thân (Lê Ngọc Liên) tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội (năm 1913, Lê Ngọc Liên bị đày cùng với người anh của ông Trường). Năm 1910, ông sang Pháp, mở tiệm ảnh và kinh doanh máy chụp ảnh. Ông quan hệ mật thiết với nhóm Phan Châu Trinh – Phan Văn Trường – Nguyễn Ái Quốc. Ông đã truyền nghề ảnh cho hai ông Trinh và Quốc làm kế mưu sinh. Năm 1921, ông về nước, đến năm 1934 lại sang Pháp. Mất năm 1946. Trong chuyến công du nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến viếng mộ ông ở nghĩa trang Thiois Parisien sáng 25/6.
TS PHAN VĂN HOÀNG