Tướng Xa-lăng (Raoul Salan), Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, cùng tướng Đờ Li-na-rét (De Linares), chỉ huy quân đội Bắc Việt, điều khiển trận càn “Mec-quya”(1). Vùng càn là các huyện Thái Ninh, Kiến Xương, Tiền Hải và một phần huyện Thụy Anh, tức nửa tỉnh Thái Bình về phía biển, lấy đường 10 làm giới hạn vùng càn. Mục đích trận càn là diệt hoặc đẩy lùi hai trung đoàn (thuộc 320) ra khỏi vùng này, “cất vó” cơ quan chỉ huy đại đoàn; đóng lại một số đồn bốt, củng cố lại vùng chiếm đóng vừa bị phá ruỗng; đánh phá vùng nam đường 10 để bảo vệ thị xã; bắt thanh niên đi lính, cướp phá kinh tế, diệt cơ sở kháng chiến... Lực lượng càn quét gồm các GM(2) (binh đoàn cơ động) 1, 2, 3, 4, 7, cùng bốn tiểu đoàn công binh và lính dù, 64 khẩu pháo, 500 xe cơ giới, 5 tàu chiến, 34 ca nô và hàng chục máy bay các loại... Mấy viên tướng Pháp tỏ ra tin lực lượng hùng mạnh của mình, hơn hẳn so với 20 trận càn từ trước đến nay ở đồng bằng Bắc Bộ, “Sẽ xóa sổ một sư đoàn Việt Minh”.
Phía ta, Bộ Tổng Tư lệnh điện cho Đại đoàn 320 biết quy mô trận càn, vùng càn, hướng tiến của địch, để kịp thời đối phó. Tổng Quân ủy cũng điện cho anh Ngạn và anh Dũng: “Tìm cách đưa 320 ra ngoài vùng càn, tiến lên phía bắc Thái Bình và sang Hưng Yên”.
Lúc này Bộ chỉ huy mặt trận tả ngạn phần lớn ở trong vùng địch sắp càn. Các anh họp bàn cấp tốc, quyết định cho tiểu đoàn Kiên Trung (thuộc Trung đoàn 48/320) cùng bộ đội địa phương và du kích chiến đấu, làm chậm bước tiến của địch từ Cầu Nghìn và sông Hoá tràn qua Thụy Anh vào Thái Ninh. Phần còn lại của Trung đoàn 48 ở Kiến Xương và Tiền Hải bảo vệ cơ quan chỉ huy Đại đoàn. Cho Trung đoàn 52 rời Thái Ninh, men theo bãi biển lên bắc Thái Bình. Anh Dũng đặt sở chỉ huy ở làng Lưu Phương (Tiền Hải) theo dõi chỉ đạo hai trung đoàn kể trên.
Anh Ngạn ở Thái Ninh, cùng cơ quan tỉnh ủy, tỉnh đội chỉ đạo bộ đội địa phương và du kích phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu. Cử các tỉnh ủy viên xuống huyện chỉ đạo chống càn. Anh có cách liên hệ mật thiết với anh Dũng và sở chỉ huy đại đoàn ở Tiền Hải.
Sáng 27-3-1952, địch dồn dập cho tàu chiến, ca nô rải dọc sông Hồng, sông Hóa và ven biển Thụy Anh, Tiền Hải, khép kín ba mặt của vùng càn. Tiếp đó là năm cánh quân từ các ngả: thị xã Thái Bình; đường 10; đường 39; đê sông Hồng; và từ đê sông Hóa - cửa biển Diêm Điền, tràn phần lớn qua huyện Thụy Anh, quây gọn ba huyện Thái Ninh, Kiến Xương, Tiền Hải. Từng đoàn máy bay nhào tới ném bom; các cụm đại bác ở đất liền và trên tàu chiến ngoài biển bắn cấp tập vào những nơi nghi có quân ta.
Bộ đội địa phương và du kích các xã có địch đi qua sẵn sàng chống càn và linh hoạt luồn càn. Các tiểu đoàn chủ lực (thuộc 320) ra sức thực hiện kế hoạch đã định. Tiểu đoàn Yên Ninh vượt lên phía bắc tỉnh, đánh sập hai nhịp cầu Nguyễn, khiến địch khó khăn trong hành quân.
Một bộ phận của Tiểu đoàn Kiên Trung chặn đánh một đơn vị thuộc GM3 ở làng Quang Lang (Thụy Anh), diệt gần hai trung đội, buộc bọn còn lại phải dừng ở Diêm Điền.
Khó khăn của bộ đội chủ lực là súng ống cồng kềnh, quân đông, đất lạ, mỗi tiểu đoàn có hàng nghìn đồng bào đi theo, nên luôn càn chậm. Vì thế anh em phải cùng du kích cất giấu sơn pháo, rồi trực diện đánh những trận quyết liệt trong vòng càn với quân địch đông và mạnh hơn.
Tiểu đoàn Tiên Yên nhận lệnh đánh địch trong vòng vây Kiến Xương, đã cho Đại đội 737 bám làng Dưỡng Thông cùng du kích chiến đấu. Sáng ngày 28-3, bốn máy bay hen-cát(3) ném bom mở đường cho một tiểu đoàn Âu Phi vây làng Dưỡng Thông. Địch mở ba đợt xung phong, đều bị ta chặn lại ven làng. Chúng siết chặt vòng vây. Ta chờ trời tối vượt vây xuống phía nam đường 39. Trận này địch thương vong một đại đội. Ta 10 đồng chí hy sinh, 8 bị thương. Ngày 29-3, Tiểu đoàn Đống Đa (thuộc 320) cùng bộ đội địa phương và du kích đánh địch tại các làng Thần Đầu, Thần Huống (Thái Ninh).
Tiểu đoàn Thanh Lũng (Trung đoàn 52/320) đánh địch ở Tiền Hải, bảo vệ sở chỉ huy Đại đoàn, chống bọn địch có máy bay yểm hộ.
Một bộ phận chủ lực ta từ Thái Ninh vòng ra sát mép biển, nhằm vượt sông Diêm luồn sang Thụy Anh. Không ngờ GM 3 vừa từ Thụy Anh tràn sang hôm trước, đang chiếm giữ Quốc lộ 39, nhằm ngăn đường tiến lui của quân ta. Nửa đêm, khi thủy triều rút, quân ta được du kích dẫn đường, luồn ngay bên cạnh nơi đóng quân của GM 3, vòng ra bãi biển tiến theo hướng sông Diêm. Một đoàn dân công khiêng thương binh đi theo, đói mệt, tiến chậm. Gần sáng hôm sau, bộ đội mới tới các làng Bích Du, Vọng Hải. Thấy ta sa vào tình thế bất lợi, Trung đoàn trưởng Lê Quân cho bộ đội ngừng tiến, bám vào làng, chuẩn bị chiến đấu. Phía trước ta là đường 39, địch dễ dàng cơ động vây đánh. Phía sau ta là biển, tàu chiến địch có thể nã đại bác, và ca nô địch có thể đổ bộ vây ép.
Vậy mà quân ta giữ bí mật được hơn nửa ngày. Chiều 29-3, GM 3 mới biết Việt Minh giấu quân ngay cạnh nơi chúng đóng. Chúng liền tiến đánh các làng Bích Du, Vọng Hải. Ở Bích Du ta có hai đại đội (thuộc Tiểu đoàn Kiên Trung) và một trung đội (thuộc Tiểu đoàn Đống Đa), cùng cơ quan chỉ huy Trung đoàn 48. Địch cho từng tốp máy bay thay nhau ném bom na pan. Đại bác địch dồn dập bắn, xe cóc sùng sục mở đường cho quân bộ tiến vào làng. Địch bị quân ta ráo riết chặn lại. Phải qua bốn đợt tiến công, địch mới chiếm được tuyến phòng ngự ngoại vi. Quân ta quyết tâm chặn địch, không cho vào sâu hơn.
Gần tối, địch dàn quân vây ba mặt làng; phía sau không dàn được, vì thủy triều lên ngập bãi, sát lũy tre làng. Với địa thế như vậy, chúng hy vọng sáng mai sẽ “cất vó” quân ta.
Nhưng đêm xuống, thủy triều rút, bãi biển phía xa lộ ra một dải cát dài, cách làng mấy trăm mét. Trong tiếng sóng vỗ rì rào, bộ đội và dân công khiêng thương binh, êm gọn rút khỏi làng, theo giải cát tiến lên phía bắc, vượt sông Diêm sang Thụy Anh. Làng chài đủ thuyền chở quân. Hôm sau, địch kéo vào làng Bích Du, chỉ thấy vườn không, nhà trống.
Cùng ngày, Tiểu đoàn 391 (Trung đoàn 52/320) chống địch ở làng Vọng Hải. Ta và địch giằng co gần như ở Bích Du. Đêm xuống, lừa lúc địch mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, anh em ta luồn bên sườn GM 7 sang huyện Đông Quan, ngoài vùng địch càn.
Cùng thời điểm trên, các GM 1, 2, 4 tỏ ra có kinh nghiệm vây càn, đoán chừng quân ta ở đâu, chúng nhanh chóng quây gọn từng vùng nhỏ để “cất vó”. Chúng đặt nhiều tham vọng ở hai “rốn vó” La Cao, Trình Phố. Nhưng hình thành vòng vây xong, chỉ qua một đêm, chúng “cất vó” lên đều nhẹ xọp. Quân ta được du kích dẫn dường, linh hoạt luồn tới điểm khác, không xa.
* * *
Đêm ngày 28- 3, một bộ phận quân ta từ Tiền Hải luồn sang Thái Ninh, để vòng lên phía bắc tỉnh; anh Ngạn và chúng tôi (VTN) cùng đi với bộ phận này. Gặp lúc thủy triều xuống, du kích dẫn bộ đội vòng ra bãi biển, gặp được dải cát để đi. Nước ngập thắt lưng, bộ đội nhiều người lần đầu tiên lội bãi biển, tỏ ra thích thú khi nước biển tóe lân tinh sáng như đom đóm.
Vượt qua sông Trà Lý, bộ đội tiếp tục tiến lên phía cửa sông Diêm. Còn anh Ngạn và chúng tôi rẽ vào làng Chỉ Thiện (Thái Ninh). Cơ quan tỉnh ủy Thái Bình đóng ở đây. Anh em cán bộ tỏa về các huyện chỉ đạo chống càn. Đồng chí Lý Anh Nghĩa, thường trực tỉnh ủy, báo cáo tóm gọn tình hình địch. Một bộ phận thuộc GM 4 càn từ phía thị xã Thái Bình xuống đây. Có thể chúng sẽ đánh vào khu này, gồm cả làng Chỉ Thiện. Tỉnh đội Thái Bình đã điều động Đại đội Lê Lợi, bộ đội tỉnh, được mệnh danh là “đại đội Đỏ”, do Nguyễn Văn Chức chỉ huy sang đây. Đại đội này vừa trải mấy trận chiến đấu ở Kiến Xương, quân số thương vong chưa kịp bổ sung, nhưng đầy quyết tâm bảo vệ cơ quan lãnh đạo tỉnh.
Tôi (VTN) gặp anh Chức và bàn: Lực lượng địch đông gấp bội, nếu chúng không biết ta ở đây thì ta không nổ súng, mặc cho chúng qua ngoài làng. Nếu địch biết thì gắng sức đánh, chờ trời tối, đưa cơ quan tỉnh và số đông thanh niên ở đây luồn càn.
Anh Ngạn không muốn cùng bộ đội lên phía bắc, vì ở bên kia sông Trà Lý, chỉ cách đây hơn chục cây số, là nơi đặt sở chỉ huy của Đại đoàn 320. Anh Ngạn vẫn liên hệ với anh Dũng qua các liên lạc chạy chân.
Trinh sát cho hay địch đánh ác liệt vào sở chỉ huy Đại đoàn ở làng Lưu Phương (Tiền Hải). Ngày 28-3, máy bay ném bom, đại bác nã dữ dội vào làng, nhưng bộ binh địch vẫn không tiến được. Tiểu đoàn Thanh Lũng dũng cảm chặn nhiều đợt tiến công của địch, quyết bảo vệ sở chỉ huy. Quanh hầm chỉ huy có hơn ba chục hố bom, đất lấp gần kín cửa hầm. Sau đó, bộ đội làm nghi binh, kéo sự chú ý của địch sang hướng khác, đưa anh Dũng ra khỏi làng. Chuyển sở chỉ huy tới một gò đất ngoài đồng. Anh em cắt cây chuối làm bè mảng đưa anh Dũng qua sông Đa Cốc, ra Trại Chè, Dương Liễu (Kiến Xương).
Tôi (VTN) nhớ lại khi ở hầm chỉ huy Đại đoàn, địch đánh mạnh quanh đấy. Quân ta ráo riết ngăn chặn, địch không vào được. Qua mấy phút trao đổi tình hình, anh Dũng đưa bức điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp cho anh Ngạn xem. Điện ghi: “Anh Hùng (bí danh của anh Dũng) vượt vây sang Nam Định, bàn với Thanh Giang (bí danh Đại đoàn 304) đánh phối hợp ngoại tuyến”. Anh Ngạn còn được biết: Thường vụ đảng ủy đại đoàn đã đặt ra và xem xét ba dự án: 1/ Đưa cơ quan chỉ huy đại đoàn lên huyện Thư Trì, ngoài vòng càn. 2/ Ở lại nắm Tiểu đoàn Thanh Lũng đánh trong vòng vây. 3/ Vượt sông Hồng, lên vùng đối ngạn với bắc Thái Bình, chỉ đạo đánh ngoại tuyến.
Anh Ngạn hỏi: “Các anh chọn dự án nào?”. Và không đợi trả lời, anh nói ngay: “Tôi đề nghị chọn dự án ba. Sang Hữu Ngạn sẽ thực hiện đánh phối hợp trong và ngoài vòng vây. Vượt vây tạo thế chủ động đánh địch là cần thiết. Tôi nhất trí với dự án đó, đề nghị Đại đoàn cho thực hiện”.
Nói tới đây, anh quay lại bảo đồng chí Bùi Thọ Ty: “Anh ra Trại Chè bàn với các đồng chí Kiến Xương, lấy hai chiếc thuyền dự phòng và huy động thủy thủ làm nhiệm vụ đột xuất. Ngay bây giờ!”.
Anh Dũng nói nhỏ với anh Ngạn: “Nhân có thuyền và bên kia có cơ sở, tôi đề nghị anh sang bên đó tạm ít ngày”. Anh Ngạn nắm chặt tay anh Dũng và nói: “Nhiệm vụ anh ở cả tả, hữu ngạn, anh cần đứng chân cả hai nơi. Nhiệm vụ tôi ở tả ngạn, tôi đứng chân ở tả ngạn!”.
Rồi anh Ngạn sang Chỉ Thiện. Sự chuẩn bị cho sở chỉ huy Đại đoàn sang hữu ngạn như thế là đúng. Đêm ấy, tổ Đảng và dân quân Trại Chè, Dương Liễu đưa cơ quan Đại đoàn qua sông nhanh chóng, tới cơ sở an toàn. Chỉ qua mấy hôm sau, anh Dũng lại từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Hồng, tới phía bắc Thái Bình, đặt sở chỉ huy ở Tiên - Duyên - Hưng. Cùng lúc này, máy bay địch thả truyền đơn xuống Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, giấy trắng, chữ to, nét đậm: “Sư đoàn 320 không còn nữa! Đã diệt được tướng Dũng!”. Đờ Li-na-rét tuyên bố trước các ký giả báo chí: “Sư đoàn 320 bị đánh tan tác ở Thái Bình. Hiện chỉ còn những toán nhỏ cố tìm nhau tụ tập lại”.
Trong khi đó, tại cơ quan mặt trận tả ngạn, liên lạc đưa tin về:
- Ngày 1-3-1952, Tiểu đoàn Tiên Yên (320) vừa luồn khỏi vòng càn lên bắc Kiến Xương, đã diệt một đại đội com-măng-đô (Commando - biệt kích) do quan ba Pháp chỉ huy trên đê sông Trà Lý.
- Ngày 2-3, Tiên Yên lại phục kích tám xe chở một trung đội công binh và dụng cụ, vật liệu sủa đường gần trận địa kể trên.
- Ngày 3-3, Tiểu đoàn Thanh Lũng (320) đánh địch ở La Cao và Trình Phố, diệt hai đại đội Âu Phi.
- Tiểu đoàn Yên Ninh (320) diệt hai đồn và 100 tên địch ở Duyên Hà.
- Một bộ phận pháo binh (320) đánh đắm ba ca nô, diệt một số địch trên sông Trà Lý và sông Luộc.
- Phối hợp với Thái Bình chống càn, Trung đoàn 57 (hữu ngạn) đánh địch hai trận ở Ngọc Liễu, Ngọc Giả (Nam Định); Trung đoàn 98 diệt hai đồn Lạc Thổ, Làng Hồ (Bắc Ninh), buộc địch phải rút một GM từ Thái Bình tới đó đối phó.
Tình hình trên khiến địch phải thú nhận: Có một trung đoàn của sư đoàn 320 lại trở về phía đông tỉnh Thái Bình, diệt đồn La Cao (lần hai) và uy hiếp quân Pháp trong vùng.
Anh Ngạn bảo chúng tôi: “Thằng địch nói “Sư đoàn 320 không còn” nhưng 320 vẫn cứ ở Thái Bình, đánh địch ngay nơi chúng vừa càn lớn. Hẳn là chúng tức lắm, như Chu Du tức Khổng Minh muốn hộc máu!”.
________
(1) Mercure: lấy tên thần Mercure trong thần thoại Hy Lạp. (B.T)
(2) GM: viết tắt của Groupement mobile – có nghĩa binh đoàn cơ động. (B.T)
(3) Hen-cát: tiếng Anh là Hellcat – có nghĩa con mèo địa ngục. (B.T)