Nhà nông học đầu tiên
Theo thư tịch cũ thì Trần Cảnh (1684-1758), người làng Điền Trì, xã Hộ Xá, tổng Đột Lĩnh, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương. Ông là con Trần Thọ, tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), làm quan đến Tham tụng, Hình bộ Thượng thư, tước Phương Trì hầu. Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi ông xử một vụ án sai mà bị bãi chức, sau làm Tả thị lang bộ Hộ. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, còn ghi tên ông là Trần Đạo, và khen ông là một nhà ngoại giao tài giỏi. Ông có thơ trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Con ông là Trần Tiến, tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) làm quan đến Phó Đô Ngự sử, sau thăng Lễ bộ Thượng thư, tước Sách Huân bá, một nhà viết ký lớn ở thời Lê. Cháu ông là Trần Trợ, lịch sử văn học Trung đại ghi là Trần Quý Nha, làm quan Viên ngoại lang bộ Lại. Cả 4 đời nối nhau đều để lại nhiều trước tác có giá trị cho nền văn hóa dân tộc.
Trần Cảnh đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan suốt 40 năm (1718-1758). Ban đầu là Hiệp trấn Hải Dương, và sau là Hải Dương khuyến nông sứ, chứng tỏ cuộc đời ông có nhiều gắn bó với quê hương. 22 năm đầu (1718-1740), chức thấp, làm Tế tửu Quốc Tử Giám và Đốc đồng hay Hiệp trấn các xứ, 18 năm sau (1740-1758) mới được tin dùng, lần lượt làm Thượng thư (tương đương như bộ trưởng ngày nay) 4 bộ: bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ, hai lần làm Tham tụng (Tể tướng), tước Diệu Quận công. Đúng như ghi chép của con ông, Phó đô ngự sử Trần Tiến: ông bị ruồng bỏ lúc sức còn tráng kiện và được tin dùng lúc già cả ốm đau.
Đương chức Tể tướng đứng đầu triều, Trần Cảnh vẫn khẩn thiết xin vua cho về hưu, rồi nhờ một số bạn thân tín tấu trình để nhà vua cho mình về hưu bằng được. Trong thời gian hưu, ông đã chiêu mộ dân ly tán ở các huyện, khai hoang lập ấp ở một số làng xã dọc triền sông Kinh Thầy, từ Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) đến Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) hiện nay, thời ấy đều thuộc đạo Hải Dương, được vua Lê phong chức Hải Dương khuyến nông sứ. Trên cơ sở hướng dẫn dân trồng cấy, ông đã soạn bộ sách Minh nông chiêm phả, dâng vua Lê Hiển Tông năm Kỷ Tỵ (1749), được coi là bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta. Tôi đọc Khâm định Việt sử thông giám cương mục mới biết điều đó.
Trong tập ký sự nổi tiếng Niên phả lục của Trần Tiến, 1764, NXB Văn Học 2003, PGS-TS Nguyễn Đăng Na dịch, bài Tựa cho sách Minh nông chiêm phả, “Ngày Chính cốc, Nông tường, Chỉ sửu, Thiều dao - năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Nhập thị Kinh diên, Diệu Quận công Trần Cảnh viết: “... Trên từ cái lớn lao của thiên thời, nhật nguyệt và tinh tú; dưới từ cái nhỏ bé của chim muông, côn trùng, thảo mộc... Tất thảy đều ghi chép cực kỳ đầy đủ và gọt rũa những chữ rườm rà... Phàm các điểm hiện ra ở tự nhiên, đều được chép vào Thiên chiêm; các điều liên quan đến thời tiết, khí hậu... có trong Nguyệt lệnh... được ghi lại, phân loại kỹ càng, rõ ràng như ánh sáng ban ngày...
Tôi bèn hợp chúng lại làm một, đính chính để tiện nhớ, trong đó có sự chiêm ngoạn, nhưng lại rất cần cho việc xem năm tháng, lập xuân, nhị phân, nhị chí; hoặc biết được phương hướng của gió, sấm, quan sát màu sắc của mây mù...” mà ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Trần Cảnh đọc sách này cho các lão nông nghe, và coi họ mới là người “phủ chính cho sách này”, tức là người thẩm định giá trị của nó.
Một lão nông “tặc lưỡi, cười mà rằng: Sách này của ngài, vừa khổ công, vừa sâu rộng. Chỉ một con chim của núi rừng, cũng đủ để biết cả mùa xuân, huống chi là cả một đàn...”.
Và kết thúc Bài Tựa, Trần Cảnh viết:
“Sao Thần Nông mọc ở Đông Cơ, sao Tuế Đức luôn xoay quanh Nam Đẩu. Mặt trời thì sinh ra ở Tứ tuệ, mặt trăng thì xuất hiện ở Thiên nhai. Dương mà đến số “tam” thì sinh ra Cấn phong. Tí mà còn bán (½) thì Hoàng vân hiện. Theo thời mà đến, bất tất phải chiêm đoán, và có chiêm đoán cũng phiền toái mà thôi.
Được mùa là do trời đất, trong đó cũng có con người. Kẻ am hiểu thì không cho đó là điều kém cỏi.
Ta nói rằng: Lòng thành thực giống như lời nói của người thầy. Ta kính cẩn ghi chép những tượng của năm được mùa, được bấy nhiêu điều mục, cho là đủ dùng để khuyến lệ việc viết Chiêm phả”.
Rất tiếc là bộ sách đã bị thất lạc, hiện chỉ còn một số chương lưu lạc trong các gia đình Nho học. Tôi rất cảm động và kính trọng nhà nghiên cứu Phạm Thành Chủng, trong một bài viết đăng báo Văn Nghệ Trẻ, cách đây đã khá lâu, cho biết là ông đã tìm thấy một số chương như thế ở quê hương ông, mà ông cho là một phần của Minh nông chiêm phả của Trần Cảnh.
Người chống tham nhũng từ rất sớm
Theo Niên phả lục, 1764 - sách đã dẫn – thì Trần Cảnh, quan lại đương thời “nhiều người không ưa, khi hoạn nạn không một ai cứu giúp” và “bọn cường hào quyền quý, phần nhiều không bằng lòng”. Sau đây là các dẫn chứng cụ thể từ trong sách trên:
Trước hết là “thói tham lam vơ vét tiền của của dân” của đám quan lại, ông rất ghét và khinh bỉ. Ông thấy đám quan của triều đình: “vẫn làm việc xấu xa, vui say tửu sắc”, “nói là đi bảo vệ dân, thực chất là đi cướp của dân. Thảy đều như vậy” (TNM nhấn mạnh). Chúng “vơ vét từ cái chổi cùn rế rách của dân”. Ông có một cảm nhận làm ta ngày nay ngạc nhiên: “đi đến đâu cũng thấy người dân bị bọn quan lại cường hào ức hiếp, bóc lột, đến mức không còn có cách nào để sống, nên phải làm càn” (tức là khởi nghĩa chống lại triều đình). Quan quân đi làm việc của triều đình ở đâu, thì ở đấy, “đánh bạc thâu đêm suốt sáng”, không có cớ gì cũng chè chén liên miên “ăn cho béo xác”, đến mức khi có biến thì “bỏ cả ấn tín mà chạy”. Ở các làng xã thì “bọn cường hào xâm chiếm ruộng đất (của dân), người dân sống sót thì thất nghiệp” (vì đã mất hết ruộng đất). Đám quan lại này, khi được nhà vua giao cho quyền quản lý họ, là ông kiên quyết thanh trừng.
Thứ hai là “nạn hối lộ rất phổ biến, ở chỗ nào cũng thấy, cấp nào cũng có”. Ngày 18 tháng 1 năm Tân Dậu (1741) ông nhậm chức Tể tướng (Tham tụng) lần thứ nhất. Tháng 7 năm đó, có viên quan nội thị tên Nghệ là người nhà của quan Tham tụng trước đây, tham ô khi “xuất nạp đồ chính”, ông kiên quyết phế truất, dù có một viên quan ngang cấp với ông “kiên quyết không đồng ý”. Ở bộ Hộ có 4 viên lại (cán bộ) nhận hối lộ. Ông cho điều tra, và khi chúng nhận tội, ông xử chúng án “tử hình và tịch thu toàn bộ gia sản” vì “Không xử nghiêm thì không lấy gì để khuyến liêm… Các quan trong triều nhiều người không ưa, nên khi có điều kiện là đề nghị nhà vua chuyển ông đi làm việc khác”.
Thứ ba là nạn “thâu gom ruộng đất vào tay các quan”. Việc “ăn đất”, “cướp đất của dân”, của các quan, Trần Cảnh đã nhìn thấy từ thuở ấy. Ông thấy đây là điều bất công lớn nhất trong xã hội. Khi được nhà vua trao cho chức Điền chính sứ, quản lý về ruộng đất, ông xem sổ kê khai, thấy các quan có quá nhiều ruộng đất mà các hộ dân thì nhiều người không một tấc cắm dùi. Chính điều này làm cho các quan càng tham nhũng và dân càng bần cùng, phải tha phương cầu thực và sẵn sàng nhập vào các cuộc nổi loạn chống triều đình. Ông đã làm một việc mà ngày nay, nếu không đọc ghi chép bằng mắt, chúng ta khó mà tin được. Ông đề nghị nhà vua cho “chia lại ruộng đất một cách chính thức”, vì “sau những cuộc đại loạn, tình hình càng rối ren, không thể truy cứu vào đâu được”. Chủ trương ấy của ông, “các đạo (tỉnh) phần nhiều bỏ bễ, không làm, hoặc làm qua quýt, không chịu tra xét. Riêng ngài thậm ghét tệ nạn đó, nên ra sức thi hành, chủ yếu là giúp đỡ kẻ yếu (để họ có ruộng đất mà làm ăn) ức chế kẻ cường quyền, tước ruộng của kẻ mạnh chia cho người yếu”. Một tư tưởng có thể nói là rất hiếm có ở thời Lê. Tất nhiên, do chạm vào quyền lợi thiết cốt của đám quan lại tham nhũng, nên sau đó, người khác thay chức ông và việc bị bãi bỏ. Kết quả là “những kẻ cùng đinh được thân oan đội ơn, còn bọn cường hào quyền quí thì phần nhiều không bằng lòng” cũng là điều dễ hiểu.
Thứ tư là khi ông đi công cán ở địa phương nào, ông đều lệnh trước cho địa phương đó “không được thết đãi bằng cách giết gà, mổ lợn”. Như vậy, ngay giết gà thết ông, ông cũng cấm. Chỉ ăn rau tôm cá như ăn ở nhà mà thôi, vì dân còn đang đói. “Tôm cá là loài vật nhỏ… còn lợn gà thì không thể được”. Khi ông thết đãi quan từ hàng thượng thư trở lên, “chỉ giết gà, chưa từng mổ lợn”.
Thứ năm, cuối cùng không làm được cho người thì tự làm cho mình, nêu một tấm gương sáng hiếm có ở thời đại ông:
Một, “toàn bộ ruộng đất đã mua từ lúc ra làm quan”, “đều đem trả lại cho dân, đồng thời không có lấy tiền chuộc” vì ông cho rằng, tiền lương quan mà ông lĩnh hằng năm đã là tiền của dân rồi, dùng tiền đó mà mua ruộng thì đã trả ruộng là xong, sao còn lấy lại tiền đã bỏ ra mua ruộng. Từ năm 1741, tức năm ông nhậm chức Tể tướng, về sau, không mua ruộng nữa.
Hai, “tuyệt đối không biếu xén ai và không nhận hối lộ của bất cứ ai”. Khi ông làm Hiệp trấn xứ Sơn Tây, có người phạm tội bán cả nhà đi nộp cho ông xin được tha, ông kiên quyết từ chối, vẫn xử đúng tội. Có người muốn độc quyền bán muối, được nhà vua đồng ý, lại nộp tiền biếu ông, ông không nhận và không thực hiện, sau đó, ông làm tờ tấu dâng vua, thưa rằng, “nếu việc đó được làm, e sau này ông ta sẽ tự ý nâng giá, để bóp chẹt dân, không ai kiểm soát được”. Vua ngơ đi. Có viên quan nộp ông 3.000 tiền xin ông một chữ ký để lĩnh tiền mua khí giới… Ông cười mà rằng: “Tôi không biết để tiền vào đâu…”. Có quan ngang cấp với ông đến tận nhà ông xin miễn tội cho người nhà hay người mà ông ta bảo lãnh, ông đều từ chối. Vì thế nhiều quan tức giận, vu cáo ông, khiến triều đình phải “cử quan ở kinh đô là Phan Cẩn về thanh tra, thì toàn là những điều không có thực, nên thôi. Chính do lẽ đó, ông luôn bị giáng cấp, có khi xuống đến 6 bậc, vẫn tuyệt đối không kêu ca, cũng không nhờ ai xin xỏ cho” như lời nhận xét của vua Lê Hiển Tông khi phục lại chức cho ông.
Ba, “làm quan đến chức Tể tướng vẫn rất vui với cảnh nghèo”. Khi ông tháp tùng vua đi công cán, vợ con đói đến mức phải đến bộ Lại xin trợ cấp tiền gạo để cứu đói. Khi ông buộc phải nhậm chức Tể tướng lần thứ hai, tháng 5-1749, đếm tất cả tiền của trong nhà “chỉ có 30 quan tiền lẻ”. Khi các quan đến nhà ông, “họ mới thấy nhà cửa của ngài, cho rằng phải thay đổi, bậc đại thần, không thể ở tồi tàn như vậy”. Phạm Đình Hổ viết: “làm quan đến bậc khanh tướng mà vẫn ở trong nhà tranh vách đất thì tôi chưa thấy một ai”. Bởi chỉ chi tiêu trong khoản lương của triều đình thì chỉ được như vậy. Nhiều người dân oan, được ông giúp đỡ “cho họ được bình an, nhưng tiền tài không lấy 1 kẽm”. Năm 70 tuổi, gia đình có làm lễ mừng thọ nhỏ. Ông mời một số bạn thân và ghi vào giấy mời “tuyệt đối không được mang đến bất cứ thứ quà cáp gì”… Ông thường dặn vợ con: “nhà mình vốn xuất thân từ người dân cày, nên ăn mặc phải như những người tá điền, phải tiết kiệm, nấu ăn không được để thừa”. Ông rất ghét thói cho vay nặng lãi. Ông nói với con: “Ông ngoại ở làng Kiệt Đặc cho vay lấy lãi. Bất cứ cái gì ông ngoại cho, các con đều không được đem về nhà”. Thái độ dứt khoát như thế, quả cũng hiếm.
Thứ sáu là ông có cái nhìn về nhà vua (vua Lê Hiển Tông) cũng thật sâu sắc, mà tôi chưa đọc được ở đâu. Một là, vua “sáng nói một đằng, chiều làm một nẻo”, “lòng dạ thật khó lường, chỉ trong một khoảnh khắc đã đổi thay”. Hai là, vua “thường dùng lũ bẻm mép, cho họ là nhân tài”. Ba là, vua “bày ra nhiều việc tạp dịch, trưng dân ngày càng phiền nhiễu, gây nhiều khổ sở cho dân”. Vì vậy,“đều là con đỏ, dân đen của triều đình”, chỉ “muốn sống bình yên” nhưng họ không còn cách nào khác,“phải gửi thân cho giặc”, để chống lại triều đình.
Đọc những ghi chép ấy, mới thấy tầm tư tưởng của ông, rộng lớn và mới mẻ đến mức lạ lùng. Những người chống tham nhũng thật lòng, trước hết phải chống lại chính mình. Người xưa xác định rằng: làm quan là lo cho dân, lấy lợi ích của dân làm mục đích sống của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có lần nói như vậy. Ca dao ta có câu: “Yêu dân dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái sụt mồ thối xương”, chả nhẽ không đáng để cho chúng ta ngày nay suy ngẫm hay sao?