Trần Huy Liệu – Một nhân cách trí thức lớn

Kỷ niệm lần thứ 110 năm sinh Trần Huy Liệu (1901 - 2011)

Giáo sư Viện sĩ(1) Trần Huy Liệu quê ở Vụ Bản, Nam Định, sinh tháng 11/1901, trong một gia đình Nho học, vì vậy ngay từ nhỏ, ông đã được thân phụ truyền dạy Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử (sử Trung Quốc), đồng thời cũng được giáo dục cái đức của người quân tử nhà Nho.“Bần tiện bất năng di”(nghèo khổ không rời bỏ chí hướng),“Uy vũ bất năng khuất” (không khuất phục trước cường quyền vũ lực).

Trần Huy Liệu lớn lên giữa lúc cả nước đang dấy lên phong trào yêu nước Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục và Duy Tân. Luồng gió cách mạng ở Trung Quốc với những tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu thổi sang Việt Nam khá mạnh. Theo Hồi ký Trần Huy Liệu(2), ông chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Lương Khải Siêu. Trần Huy Liệu bộc bạch “cuốn sách đã đập mạnh vào tôi nhiều nhất là quyển Trung Quốc hồn của Lương Khải Siêu”.

Cuốn Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu cũng góp phần tạo lực kích thích đưa ông trở thành một chiến sĩ yêu nước.

Vào cuối năm 1923, Trần Huy Liệu vào Sài Gòn, bắt đầu tham gia viết báo, làm thơ, in trên các tờ Ngòi Bút Sắt, Nông Cổ Mín Đàm(3)

Trần Huy Liệu với các bút danh Đẩu Nam, Côi Vị, Hải Khách... dần dần nổi tiếng bởi tinh thần yêu nước chống Pháp mạnh mẽ, đòi quyền tự do, dân chủ, đòi thả Phan Bội Châu. Trần Huy Liệu là người chủ chốt tổ chức đám tang Phan Châu Trinh. Ông lập Cường học thư xã, xuất bản sách kêu gọi lòng yêu nước; là nhân vật quan trọng của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Nam Kỳ. Trần Huy Liệu bị Pháp bắt đi tù Côn Đảo 6-7 năm. Sau khi ra tù, ông từ bỏ Quốc Dân Đảng. Pháp trục xuất ông ra Bắc. Trần Huy Liệu vào Đảng Cộng sản và tham gia hoạt động báo chí công khai của Đảng tại Hà Nội những năm 1936-1939. Ông bị Pháp bắt đày lên Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ.

Đầu năm 1945, Trần Huy Liệu cùng đồng đội nổi dậy phá nhà giam ở Nghĩa Lộ, về Hà Nội, làm báo Cứu Quốc. Tháng 8/1945, Trần Huy Liệu đi dự Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào và ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Huy Liệu được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Ông được trao nhiệm vụ thay mặt chính phủ vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị Hoàng đế của Bảo Đại.

Trần Huy Liệu còn là Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Cục trưởng Cục Chính trị Quân sự ủy viên hội, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Trưởng ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Sử học, Hội trưởng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam...

Trong buổi lễ kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1969, khi Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu đang nói chuyện tại Hội trường Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam thì ông bị đột quỵ và qua đời vào hôm sau, ngày 28/7/1969, hưởng thọ 68 tuổi.

Cuộc đời Trần Huy Liệu là một cuốn sử đầy ắp những sự kiện gắn liền với bao biến động chính trị, xã hội của một giai đoạn lịch sử rầm rộ các phong trào đấu tranh yêu nước từ Nam ra Bắc và kết thúc bằng đại thành công Cách mạng tháng Tám 1945, mở đầu một kỷ nguyên mới Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Trong bối cảnh lịch sử sục sôi cách mạng ấy, Trần Huy Liệu đã hiện diện và để lại dấu ấn đậm nét của một nhân cách trí thức lớn, đó là lòng yêu nước mãnh liệt, là tinh thần xả thân vì nền độc lập dân tộc “Giang tay muốn rút thanh thần kiếm”...

Khi nói đến Trần Huy Liệu là nói đến nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà thơ yêu nước lừng danh một thời và cũng là nói về người anh cả của ngành khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có sử học.

Tháng 12/1953 tại Tân Trào, Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học Việt Nam được thành lập, sau gọi tắt làBan Văn-Sử-Địa(tức tiền thân của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam sau này), do Trần Huy Liệu làm Trưởng ban cùng các thành viên sáng lập là Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh, Trần Đức Thảo. Trần Huy Liệu trực tiếp phụ trách Tổ lịch sử.

Cuối tháng 10/1954, Ban Văn-Sử-Địa về Hà Nội. Năm 1960, Viện Sử học chính thức được thành lập và Trần Huy Liệu giữ chức Viện trưởng.

Từ khi thành lập Ban Văn-Sử-Địa,rồi Viện Sử học, Trần Huy Liệu đã dành nhiều tâm lực cho việc xây dựng, phát triển khoa học lịch sử Việt Nam từ phương hướng nghiên cứu đến đào tạo cán bộ nghiên cứu và chính Trần Huy Liệu cũng miệt mài lao động học thuật để lại một khối lượng lớn công trình, gồm sách viết riêng, viết chung cùng những bài in trên tập san Văn Sử Địa, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, trong đó có các công trình nổi tiếng Lịch sử tám mươi năm chống Pháp (khoảng 700 trang), Nguyễn Trãi (hơn 200 trang). Ông còn làm Chủ biên bộ Cách mạng cận đại Việt Nam (12 tập, khoảng 2.000 trang), Lịch sử thủ đô Hà Nội (hơn 400 trang)... Trần Huy Liệu - cốt cách đa tình, thơ hay và là người dịch thơ chữ Hán cự phách.

gia dinh tran huy lieu

Gia đình Trần Huy Liệu khi tản cư ở Lập Trạch, Vĩnh Phúc - 1951

Trần Huy Liệu có công lao hàng đầu trong việc xây dựng và phát triển khoa học lịch sử Việt Nam đương đại. Ngay từ khi mới thành lập, Ban Văn-Sử-Địađã nghĩ tới việc xây dựng một Thư viện. Giáo sư Trần Đức Thảo sốt sắng nhận trách nhiệm đứng ra lo liệu công việc xây dựng Thư viện, sưu tầm sách vở. Ban Văn-Sử-Địa cho người vào khu IV nhận sách báo của Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Đào Duy Anh tặng lại. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Trần Huy Liệu, Ban Văn-Sử-Địađã cử cán bộ đi Thái Nguyên, đến những xã đang làm thí điểm cải cách ruộng đất, gom nhặt sách vở của các nhà địa chủ đưa về nhập kho sách Thư viện.

Tập san Văn Sử Địa ra đời ở Tân Trào do Trần Huy Liệu làm chủ nhiệm sớm nhận được sự cộng tác của các nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi (từ khu IV gửi bài ra), Trần Văn Giáp, Văn Tân, Đinh Gia Khánh... (từ khu Học xá Trung ương đóng ở Nam Ninh, Trung Quốc gửi bài về).

Từ sau năm 1954, Trần Huy Liệu đã quy tụ được hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử và Hán học nổi tiếng về với Ban Văn-Sử-Địa, Viện Sử học như Văn Tân, Trần Văn Giáp, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Thành Thế Vỹ, Phạm Trọng Điềm...

Trần Huy Liệu đã để lại trong lòng giới sử học nước nhà sự kính trọng cao vì thái độ “cầu hiền” và bản lĩnh sử dụng người tài của ông.

Vào thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1953, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi bị “kẹt” ở quê Hà Tĩnh. Biết tin, Trần Huy Liệu đã đề đạt ý kiến lên trên rồi tìm cách đưa Nguyễn Đổng Chi ra Hà Nội cuối năm 1954 làm việc ở Ban Văn-Sử-Địarồi Viện Sử học... Nếu như không có Trần Huy Liệu sáng suốt, dũng cảm can thiệp thì không biết số phận tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam kết cục sẽ ra sao?

Học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm vốn không đi kháng chiến mà sống và viết sách, viết báo tự do ở Hà Nội. Biết rõ tài năng và đạo đức của tác giả Quang Trung anh hùng dân tộc, năm 1956, Trần Huy Liệu đã mời Hoa Bằng vào làm việc ở Ban Văn-Sử-Địa, Viện Sử học.

Hoa Bằng đã trở thành chuyên gia nghiên cứu các cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX và dịch, hiệu đính, chú giải những bộ sử quan trọng, như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam liệt truyện...

Khi nói đến nhân cách người trí thức ở Trần Huy Liệu, trước hết phải nói đến tính trung thực và ý thức tôn trọng sự thật lịch sử của ông. Một nhà sử học có đạo đức và dũng cảm mới dám viết sự thật lịch sử.

Năm 1957, xã hội Việt Nam còn đang bị bao phủ một không khí nặng nề sau những sai lầm của cải cách ruộng đất, mọi phát ngôn liên quan tới cải cách ruộng đất đều phải dè dặt, thậm chí né tránh. Giữa tình hình phức tạp đó, Trần Huy Liệu dưới bút danh Hải Khách (nổi tiếng trước 1945) đã cho công bố trên tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa (số 25) bài viết Xét lại “hồ sơ” của giai cấp phong kiến địa chủ với quan điểm rõ ràng là cần phân biệt có địa chủ phong kiến câu kết với địch, nhưng cũng có địa chủ kháng chiến chống Pháp nên không thể coi tất cả địa chủ là thù địch. Tác giả bài báo kết luận: “Đề ra việc xét lại ‘hồ sơ’ của giai cấp phong kiến địa chủ, tôi chú ý vào việc nghiên cứu để mong dựng lại một sự thật lịch sử...”.

Vì bài báo này mà khi ấy Trần Huy Liệu gặp không ít phiền nan.

Tôi về công tác ở Viện Sử học năm 1968. Theo lệ, những ai mới ra trường được phân công về Viện Sử học đều được Viện trưởng Trần Huy Liệu gặp hỏi chuyện. Khi tôi đến nhà Viện trưởng (phố Phan Huy Chú, Hà Nội), bước vào phòng làm việc của ông với nỗi hồi hộp, lúng túng thì Trần Huy Liệu đã chủ động rời bàn làm việc bước ra bắt tay tôi và nói: “Chào tiên sinh”. Tôi bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, bình tâm và nhìn ông. Trần Huy Liệu dáng người thấp, đậm, mặc cái quần “xà lỏn” vải màu nâu bạc với chiếc áo may ô có chỗ đã thủng. Nhìn lên bàn làm việc của ông thì thấy la liệt bản thảo là mặt sau các bản tin Thông tấn xã dày kín chữ viết bằng bút chì.

Cho đến bây giờ, lúc này, khi đang viết những dòng chữ này, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Trần Huy Liệu - một nhân vật lịch sử, một trí thức lớn mà sao gần gũi với lớp trẻ, sống bình dị, cần kiệm đến như thế? Cũng nhớ như in hình bóng người con gái tuyệt lệ của ông dạo ấy, kết quả của mối tình của người đi tước ấn kiếm Hoàng đế Bảo Đại với cô gái bán sách Hàng Đường ngày xưa.

Trong Di chúc của Trần Huy Liệu có đoạn ông viết:“Tôi chết đi không có tiền, bạc gì cả, chỉ có những bản thảo ghi chép và sách vở cống hiến rất quý cho việc nghiên cứu lịch sử...”.

Nhân kỷ niệm lần thứ 110 năm sinh cố Viện trưởng Viện Sử học, Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu, tôi không thể không viết ít dòng để tưởng niệm ông, một nhân cách trí thức lớn mà tôi ngưỡng vọng.

20/11/2011


(1)GS Trần Huy Liệu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức.
(2)Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội 1991.
(3)

Nông Cổ Mín Đàm: nghĩa là uống trà bàn chuyện làm ruộng đi buôn. Một tờ báo ở Nam Kỳ ra đời năm 1901.

PGS-TS TẠ NGỌC LIỄN