Yêu dân hơn cả con ruột của mình!
Trần Nhân Tông (1258-1308), tên thật là Trần Khâm, là con trưởng của Trần Thánh Tông và là cha của Trần Anh Tông. Người là vị vua thứ ba của nhà Trần, trị vì 15 năm (1278-1293) và làm Thái thượng hoàng 15 năm (1293-1308). Người còn là vị vua nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.
Thời gian ở ngôi vua (1278-1293), Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1287. Sau khi sạch bóng quân thù, đất nước trở lại thái bình nhưng đầy rẫy đau thương, mất mát. Bởi vậy, trong bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải với chức Thượng tướng Thái sư đã khuyên vua Trần nên bắt tay ngay vào việc xây dựng lại đất nước: “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (Bến Chương Dương cướp giáo/ Cửa Hàm Tử bắt thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước cũ muôn thu). Tư tưởng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Bởi vậy, Trần Nhân Tông rất coi trọng việc đem lại cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp cho nhân dân.
Khi bàn về việc triều chính dân sinh, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Trần Nhân Tông lúc đó là Thái thượng hoàng tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét lên bằng tiếng thét xé lòng: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”.
Trong khi đó Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương của Trung Quốc khi chiến thắng triều Nguyên - Mông Cổ, lập ra nhà Minh thì lại nói rằng: “Thiên hạ mới định, tài lực trăm họ còn khó khăn, giống như con chim mới tập bay, không thể nhổ lông nó, như cây mới trồng không thể lay gốc nó mà phải nâng niu nuôi dưỡng”. Đó chẳng phải Chu Nguyên Chương muốn “vỗ béo” nhân dân trước khi làm thịt nó hay sao? Đó là điểm khác, rất khác của Phật hoàng Trần Nhân Tông so với Chu Nguyên Chương.
Thậm chí, Trần Nhân Tông khi đã là Thái thượng hoàng còn đã không ít lần “trị tội” con mình là vua Trần Anh Tông vì tội rượu chè, xao lãng việc triều chính quốc sự. Chuyện kể rằng: Bấy giờ Trần Anh Tông còn mê rượu chè, một hôm vua uống rượu xương bồ say khướt. Lúc đó Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư, các quan trong triều không ai biết cả. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua Anh Tông, lấy làm lạ, hỏi là: “Quan gia ở đâu?”. Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng Anh Tông không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến giờ Mùi vua Anh Tông mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo: “Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”.
Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình. Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì. Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: “Người ở trong sân có còn đấy không?”. Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”. Vua rập đầu tạ tội(1).
Năm 1293, Trần Nhân Tông đã bỏ ngôi vua để xuống tóc tu hành tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình. Đến năm 1299, khi dời đến Yên Tử (Quảng Ninh), ngự tại am Ngự Dực, Người đã sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. Người đã quyết chí tu hành với câu nói nổi tiếng “Ta đã trút bỏ ngôi vua như trút bỏ đôi giày rách”. Bởi trong tâm thức Trần Nhân Tông mọi thứ có lợi cho dân, cho nước Ngài đều tận lực gắng sức. Hoàn cảnh thúc đẩy vua đi vào cửa Phật chính là dân tộc Đại Việt đã trải qua ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, bao nhiêu cảnh chết chóc tang thương đã xảy ra. Với lòng từ bi vốn có, Người không thể không vì nhân dân mà xả thân cứu giúp. Và Người tìm ra ở Phật giáo con đường phổ độ chúng sinh một cách an lạc nhất. Bên cạnh đó, Trúc Lâm Yên Tử vừa đáp ứng được sự chấn hưng văn hóa, duy trì đạo đức, cưỡng chế và răn đe dục vọng.
Ngồi trên đỉnh Yên Tử hư vô, Phật hoàng vẫn nhìn về phương Bắc, canh giữ cho sự thái bình của thiên hạ, không để cho lũ giặc phương Bắc quấy nhiễu Đại Việt.
Đối với phương Nam, để tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hòa hiếu giữa Đại Việt và Chămpa, năm 1301 Trần Nhân Tông với cương vị một đại sư đã nhân sứ giả của vua Chămpa sang cống lễ vật đã theo sứ bộ thăm đất nước láng giềng phương Nam này trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1301). Đây là một cuộc viếng thăm ngoại giao đặc biệt, người cầm đầu bề ngoài là một đại sư nhưng thực sự vẫn là một Thái thượng hoàng đầy quyền lực. Chính trong cuộc viếng thăm này, nhà vua đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đại Việt - Chămpa, một quan hệ láng giềng chống họa xâm lược phương Bắc mà trước đó nhà Nguyên đã ra sức lợi dụng.
Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chămpa Chế Mân và Chế Mân đã đem hai châu Ô, Lý làm vật dẫn cưới. Năm 1307, nhà Trần đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Lúc đầu, một bộ phận cư dân Chămpa trên đất Ô, Lý như các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không tôn thuận, nhưng nhà Trần cử một trọng thần là Tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài, người đã đi sứ Chămpa, về tận nơi phủ dụ, ban hành chính sách bổ dụng người Chămpa làm quan, cấp ruộng đất, tha tô thuế trong 3 năm.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì “Người thiết kế cuộc hôn nhân ngoại giao này là Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người thực thi là vua Trần Anh Tông và người vì nước chấp thuận làm hoàng hậu một quốc vương láng giềng phương Nam là công chúa Huyền Trân. Sau khi xuất gia, vua Trần Nhân Tông vẫn tham dự việc nước và để lại một công lao to lớn như vậy”.
Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi Niết bàn vào ngày 16 tháng 12 năm 1308, hưởng dương 51 tuổi, được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng (nay thuộc tỉnh Thái Bình), xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân. Đại Việt sử ký toàn thư của các sử gia thời Hậu Lê nhận định về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”(2).
“Tướng là chim ưng, quân dân là vịt”?
Nhưng sau đó, nhà Trần dần suy kiệt. Một phần là do đội ngũ quan lại ngày càng “phình to” và ngày càng tăng cường bóc lột nhân dân, dù trước đó là dân tộc Việt Nam hừng hực “hào khí Đông A” sau ba cuộc chiến tranh chống Mông - Nguyên thắng lợi.
Chẳng hạn, Trần Khánh Dư, viên tướng già từng đi bán than, có công lao đánh giặc giữ nước, cũng đã khẳng định về mối quan hệ quan - dân trước vua Trần Anh Tông rằng: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”.
Do đó, từ đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) về sau, triều đại nhà Trần bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng. Các vị vua Trần bất tài, hèn kém, chỉ lo ăn chơi, không nghĩ gì đến giang sơn, xã tắc. Như vua Dụ Tông có tật nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ, làm cung điện nguy nga và tường vách trạm trổ, lãng phí tiền của đất nước và công sức của nhân dân không sao kể xiết.
Bậc làm vua đã như vậy, quý tộc và quan lại cũng không khá hơn. Một bộ phận a dua, xu nịnh, chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lợi, chèn ép nhân dân; bộ phận khác chán nản, bạc nhược, chỉ cầu yên phận. Vua quan nhà Trần không lo cho đê điều khiến đê sông Hồng bị vỡ 9 lần, lũ lụt, mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên. Khởi nghĩa nông dân, nô tì bùng phát càng khiến cho xã hội Đại Việt thêm rối loạn.
Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, sống gần gũi với nhân dân, đại diện cho tiếng nói của xã hội lúc bấy giờ đã cảm thán viết:
“Ruộng lúa ngàn dặm đỏ như cháy
Đồng quê than vãn trông vào đâu
Lưới chài quan lại còn vơ vét
Máu thịt nhân dân cạn nữa rồi”.
Tình hình đó khiến các nước phía nam không thần phục nữa. Vua Trần phải đem quân đi chinh phạt Ai Lao, Chămpa nhưng không ổn định được. Quân Chămpa lúc này đang hùng mạnh lên, nhân Đại Việt suy yếu đã đem quân vượt biển đánh ra nhiều lần. Đặc biệt giặc đã ba lần đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long. Vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy. Giặc vào kinh thành đã thẳng tay tàn sát, cướp bóc nhân dân. Đó là vào các năm 1371, 1376 và 1378. Nhà Minh mới thành lập ở Trung Quốc thì ngày càng lộ rõ âm mưu xâm chiếm Đại Việt.
Thực tế, vào thời phong kiến, do “sống lâu mới lên lão làng”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, “có tiếng, có miếng” nên cũng chẳng ai lại từ bỏ cái “bát vàng” để nhận về cái mẻ sành mang tiếng thanh liêm. Chính vì thế, ở Việt Nam ai cũng muốn làm quan và khi đã làm quan thì ai cũng muốn thăng quan tiến chức. Xem như nhà Trần thời kỳ đầu nước mạnh cũng do có vua anh minh, xem dân như con như Trần Nhân Tông, còn về sau nước yếu cũng là do vua kém, xem dân như cỏ rác như Trần Dụ Tông.
Tình trạng tầng lớp quan lại của thời xưa đốn mạt, hủ lậu nên ngay từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cán bộ cách mạng phải luôn là “người đầy tớ” trung thành của nhân dân. Và phàm mọi điều có lợi cho dân thì hết sức làm, dù chỉ một điều có hại cho dân thì cũng phải hết sức tránh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói lên được vị trí - vai trò cán bộ cách mạng đối với nhân dân hết sức sâu sắc. Đó là không có “ông quan cách mạng”, chỉ có cán bộ cách mạng là “đầy tớ của nhân dân”. Và trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì “quân với dân như cá với nước”, rất gần với tư tưởng của Trần Nhân Tông nhưng lại khác rất xa với tư tưởng của Chu Nguyên Chương và Trần Khánh Dư.
_____
(1) Khâm định Việt sử Thông giám cương mục. NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr 64. Bản in Nội các quan bản, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000.