Trồng người cần ở người trồng

Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình - TP.HCM) là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh học sinh trong quận khi có con em bắt đầu đi học. Học sinh của trường phần lớn đều ngoan, học giỏi, nhiều em đoạt giải các kỳ thi trong nước và quốc tế. Huân chương Lao động hạng ba dành cho trường là sự khẳng định chất lượng đội ngũ giáo viên dưới sự dẫn dắt của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tân. Trong tập thể đáng quý ấy có thầy giáo Trần Văn Long.

Một người thầy tận tụy

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ xíu nằm sâu trong một hẻm nhỏ. Nhà thầy chật nhưng trên tường, trên cột nhà treo đầy những Bằng khen, Giấy khen. Có đến 45 Giấy khen, Bằng khen từ cấp quận lên trung ương. Bằng khen ngày 9/12/2011 của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ngày 15/11/2010. Rồi giải 3 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, giải nhất “Trái tim người thầy”…
Chúng tôi dừng lại trước tấm hình phóng to thầy đang giữ làm lưu niệm. Dưới tấm hình có ghi dòng chữ: “Thủ tướng Ấn Độ trao bằng khen tại lễ phát giải toán tiểu học quốc tế 2004”. Người nhận giải là cháu Nguyễn Việt Hoàng, Huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế tổ chức tại Ấn Độ. Nguyễn Việt Hoàng chính là học sinh của thầy Long suốt 3 năm học (lớp 3, lớp 4, lớp 5). Bên cạnh Nguyễn Việt Hoàng còn nhiều học sinh của thầy Long đạt giải trong các kỳ thi.

Năm 2009, thầy Trần Văn Long đã vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản (do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM tổ chức). Giở cuốn sổ lưu niệm của thầy, các học sinh Nguyễn Việt Hoàng, Trần Thanh Thanh (giải 3 toán toàn quốc) và nhiều học sinh ưu tú khác, ai cũng thừa nhận: 30 năm dạy học, 20 năm liên tục Chiến sĩ thi đua, thầy Long xứng danh một người thầy được phụ huynh và học sinh yêu kính.

Một người con chí hiếu

Những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2013, đêm nào cũng vậy, tại phòng 208 khoa Chấn thương chỉnh hình ở Bệnh viện Thống Nhất, ai qua lại đều thấy một cụ già gầy gò nằm trên giường bệnh, dưới đất một chiếc chiếu con, một người nằm túc trực chăm sóc ông cụ, đó là thầy giáo Trần Văn Long.

pic

Thầy giáo Trần Văn Long, người con chí hiếu bên giường bệnh của cha

Bệnh nhân là cụ Trần Văn Trà, 77 tuổi, cha của thầy Long. Hằng năm, ít nhất hai lần ông cụ lại phải vào nằm viện. Cứ thế 43 năm trời. Năm cụ ở tuổi 34 vì một tai nạn xe cộ, cụ phải nằm liệt giường hai năm, rồi bao năm sau tiếp tục cuộc sống của một phế nhân. Cũng có lúc cụ thấy trong người đỡ đau đớn, cụ muốn ra ngoài qua lại cho đỡ buồn, vợ con lại bế cụ lên xe lăn. Năm cụ bị tai nạn, thầy Long mới 10 tuổi. Cậu Long, tuổi nhỏ chỉ biết chạy qua chạy lại cho người cha nằm yên tại chỗ sai khiến. Tiền tài tích góp bao năm của gia đình đã bay hết vào chuyến nằm viện lâu ngày đầu tiên ấy. Cậu bé Long (là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em gái) thương cha thương mẹ, vừa cố gắng học vừa lo nuôi gà, vịt, heo và chở mẹ đi chợ. Có lần xe bung lốp, hai mẹ con không tiền mua lốp mới, cậu Long lấy dây cao su cột chặt và gắng sức chở mẹ đi chợ, liền mấy tháng trời.

Cứ thế, ngày tháng vất vả trôi qua, cha vẫn là một bệnh nhân nằm tại chỗ. Cậu Long đã gắng học, đậu được bằng sư phạm trung cấp, rồi sau đó tốt nghiệp đại học khoa tiểu học, bằng B Anh văn, bằng A tin học, về giảng dạy tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình - TP.HCM). Cảnh nhà nghèo túng khổ sở, người chị và ba em gái lại lần lượt xây dựng gia đình. Còn lại một người cha ốm đau bệnh tật, một mẹ già không nghề nghiệp và một thầy giáo lãnh đồng lương giáo viên cấp I. Thấy thầy tuy nghèo nhưng lại có hiếu, chịu thương chịu khó, cô Nguyễn Thị Phương, dược sĩ, đồng ý nên duyên cùng thầy. Hai vợ chồng trẻ hết lòng chăm sóc cha mẹ già. Cũng may, phụ huynh học sinh biết thầy rất thương học trò và dạy các cháu mau tiến bộ, nhiều phụ huynh đem con gửi thầy kèm cặp. Có phụ huynh hằng tháng chu cấp gạo hoặc ít mắm muối cho cả nhà. Chủ yếu vẫn trông vào đồng lương ít ỏi của vợ chồng thầy Trần Văn Long, người thầy trẻ trung đầy nhiệt huyết mặc dù gia cảnh khó khăn.

Một người cha nuôi con thành đạt

Vợ chồng thầy Trần Văn Long có hai con. Cháu trai đầu lòng là Trần Chí Thảo, sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng, đau ốm luôn. Có những đêm cháu sốt cao lại đói sữa, người cha, thầy Trần Văn Long, đưa mấy ngón tay cho con “bú” và tránh cho cháu cắn vào lưỡi.

Trần Chí Thảo, đúng như tên cha mẹ đặt, rất hiền và chăm học. Suốt 12 năm học phổ thông đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tốt nghiệp phổ thông cơ sở được xếp loại giỏi và đạt học bổng của Trung tâm Nhật ngữ Đông Du, đạt giải thưởng Lương Thế Vinh. Vào Đại học Quốc gia, cháu được nhiều bằng Microsoft, trong đó có bằng đạt điểm tối đa 1.000/1.000. Được học bổng du học tại Pháp, cháu đã đỗ bằng Thạc sĩ khoa Công nghệ thông tin.

Cô em gái là Trần Phương Thảo học hành cũng không thua kém anh. Ở bậc học phổ thông, Thảo là học sinh giỏi 12 năm liền. Cấp I đậu thủ khoa quận, cấp II đạt giải nhì học sinh giỏi lớp tăng cường tiếng Anh, cấp III thi đậu vào trường Lê Hồng Phong đạt học bổng Nguyễn Đức Cảnh. Năm học 2009-2010, cháu đậu Đại học Tài chính Marketing. Thảo là một trong 10 học sinh có điểm thi đạt điểm cao nhất khóa ấy.

Thảo còn nhớ một kỷ niệm không thể nào quên. Bài tập làm văn thi cấp I Thảo được 10 điểm. Kỳ thi do quận Tân Bình tổ chức ấy có 13 học sinh đạt điểm cao nhất trên 15.000 học sinh dự thi. Nhưng trong kỳ hội thi “Vở sạch, chữ đẹp” Thảo bị cô giáo phê: “chữ xấu, cần nỗ lực rèn luyện”. Thảo đã khóc, Thảo khóc không phải vì cô giáo la mắng mà khóc vì sợ ba buồn. Thảo âm thầm rèn luyện chữ viết. Cuối cùng trong đợt thi chữ đẹp của quận, tập thể lớp 53 trường Hoàng Văn Thụ đạt giải nhất, Thảo được bạn bè gọi là “bàn tay vàng chữ viết”. Nay Thảo đang là sinh viên năm thứ 3, con đường học vấn mở ra với bao triển vọng, thách thức đang chờ cô gái hiền thảo này.

Thấy cha hết lòng phụng dưỡng ông nội, hai anh em hết mực thương yêu kính trọng bố. Đấy cũng là một động lực giúp hai anh em học hành thành đạt.

* * *

Bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, nhắc đến thầy Trần Văn Long: “Đấy là một thầy giáo mẫu mực”. Một thầy giáo mẫu mực có căn bản là một người con chí hiếu, đồng thời làm tốt nghĩa vụ một công dân đối với xã hội qua việc dạy dỗ con cái.

Nhớ lại thời phong kiến, những phụ nữ chồng chết ở vậy nuôi con, được vua ban 4 chữ “tiết hạnh khả phong”. Còn những người con có hiếu? Thuở ấy và ngay cả thời nay vẫn chưa có danh hiệu nào tôn vinh cho đời.

Phải chăng đã đến lúc Nhà nước nên có một danh hiệu “Người con chí hiếu” để ban tặng cho những gương sáng để đời. Có thể viết thành đồng dao, thơ ca cho các cháu học và noi theo, đừng để nhắc đến chữ hiếu phải học nhờ Nhị thập tứ hiếu!

Lê Xuân Lít