Tháng 4, trời êm sóng lặng, là tháng mà biển rất dịu dàng bắc cầu Ô Thước cho người đất liền và lính đảo gặp nhau, chứ còn bắt đầu tháng 7, 8 trở đi, sóng to, gió lớn thì… đảo cứ là buồn teo. Một lính đảo đã vui miệng nói với chúng tôi điều ấy…
Ngày đầu tiên khi bước xuống Cảng Cát Lái trong bộ đồng phục áo xanh lá, mũ tai bèo, quàng khăn rằn, hơn 100 người đứng trên boong tàu HQ.936, hát vang bài Khúc Quân ca Trường Sa, khí thế như sắp ra mặt trận, dù đa phần “các chiến sĩ” đã trên ngưỡng tuổi 40. Nhưng trong bầu không khí sôi sục ấy, ai mà không cảm thấy như mình đang hừng hực sức sống của tuổi 20.
|
Toàn cảnh đảo Song Tử Tây |
Tiếng hát cứ nối tiếp vang lên đáp chào những cánh tay đưa tiễn ngày càng xa dần, những cánh tay tràn đầy niềm tin của lãnh đạo thành phố như lời nhắn gửi chân tình đến các chiến sĩ đang ngày đêm giữ gìn chủ quyền của tổ quốc trên biển Đông… Và bắt đầu ngày ra trận đầu tiên, biết thế nào là biển, biển vô tận, nhìn đâu cũng chỉ một màu xanh sẫm cuồn cuộn cùng mây trời lồng lộng…
Đây là đoàn thứ 2 do Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tổ chức đi Trường Sa tính từ đầu năm 2012 đến nay. Chuyến đi bắt đầu từ 26/4 đến 5/5/2012, thành phần gồm các Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận của 24 quận huyện cùng các văn nghệ sĩ thuộc các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Thế Hiển, các ca sĩ của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, các nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang và các nhà báo. Đoàn có 80 người kết hợp với 23 người thuộc văn phòng khu vực miền Bắc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cùng thăm chiến sĩ đồng bào Trường Sa. Đoàn do đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy làm trưởng đoàn. Khách mời của đoàn còn có một thành viên đặc biệt, đó là Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã 6 lần đến với Trường Sa… |
Biển chao đảo, rạo rực mang theo cảm giác mê mỏi như dằn như xé. Con tàu vẫn xé nước băng băng về phía trước, mà bầu trời thì rung lắc dữ dội, cảm giác này tôi đã từng đi qua khi đến Côn Đảo và đảo Phú Quý bằng đường biển. Cả hai lần đều nằm mẹp như người chết và cái cảm giác ấy luôn là nỗi ám ảnh trong tôi khi nghe ai nhắc đến hai chữ tàu biển.
Nhưng Trường Sa đã có một sức hút mãnh liệt, và tôi đã quên hết cảm giác kinh hoàng ngày nào với một niềm tin rằng mình sẽ vượt qua…Vậy mà ngay ngày đầu tiên, tôi hoàn toàn bị nhận chìm trong sự chao đảo nôn nao… Nguyên một ngày lắc lư trên võng, một ngày không nuốt nổi miếng cơm, chỉ mở mắt uống nước cầm hơi, dù sóng chỉ mới cấp 4. Đó là ngày tôi đã rơi nước mắt với cảm giác bất lực đến xót xa: Nếu như suốt cuộc hành trình đất trời cứ chao đảo thế này thì đến với Trường Sa còn có ý nghĩa gì?
Trường Sa, tôi đã từng hình dung từ những trang viết của Trần Đăng Khoa ở tập truyện Đảo chìm của anh, và những người lính trẻ, những nhân vật rất thật ấy đã ám ảnh tôi không nguôi. Nhưng đến ngày thứ ba trên biển, thật kỳ diệu, không biết sức mạnh nào đã giúp tôi ngồi dậy được, cũng lần đầu tiên đi biển tôi ngắm được biển và cảm nhận hết nét đẹp diệu kỳ của nó. Đó là ngày đầu tiên tàu buông neo ở đảo Song Tử Tây cũng là ngày tôi có mặt ở nhóm đầu tiên mặc chiếc áo phao xuống thuyền vào đảo.
Tàu đã cho chúng tôi ăn cơm sớm từ 15 giờ để không làm phiền các chiến sĩ trên đảo, nhưng không ngờ các anh đã chuẩn bị sẵn sàng buổi cơm chiều rất tươm tất để đón khách. Ai cũng đã no, nhưng vẫn ăn rất ngon trong không khí nồng ấm cùng những người lính đảo…
Chủ tịch xã Vũ Văn Cường cũng là Thượng tá chỉ huy trưởng ở đây cho biết chỉ có hai đảo trong số 22 đảo ta nắm chủ quyền có giếng nước ngọt là Trường Sa lớn và Song Tử Tây. Vì vậy, đời sống các chiến sĩ ở đây khá thoải mái vì không thiếu nước ngọt. Căn phòng bố trí cho khách nhìn ra vạt cây xanh với mùi hương thoang thoảng của từng chùm hoa sứ trắng, đằng kia là màu xanh bát ngát của hàng cây bàng vuông và cây phong ba.
|
Rực rỡ hoa bàng vuông trên đảo Trường Sa |
Đảo có sân bóng chuyền và bóng đá, và buổi chiều yên bình, hạnh phúc biết bao khi được ngắm nhìn các chiến sĩ vui đùa cùng quả bóng dưới kia. Ở đây có sóng điện thoại Viettel và có cả mạng Internet, có cả ngôi chùa rất uy nghiêm vừa mới khánh thành, có trạm xá, có trường tiểu học và Nhà Văn hóa rất khang trang… Và với điều kiện như vậy, sao nơi đây không thể là đất lành chim đậu. Hiện đảo đã có 7 hộ dân với 10 cháu nhỏ được đến trường học từ lớp 1 đến lớp 5.
|
Các chiến sĩ chơi bóng chuyền trên đảo Song Tử Tây |
Thầy giáo của các em cũng chính là các chiến sĩ kiêm Phó chủ tịch xã phụ trách văn xã Trần Vũ Lân và Đoàn Quốc Thái, Bí thư xã đoàn. Ghé thăm ngôi nhà rất khang trang của anh Phạm Thành Cốc và chị Đặng Thị Liễu, anh chị nói đã ra đây lập nghiệp 4 năm, đang có nguyện vọng xin được ở lại, vì theo chị, sống ở đây ngoại trừ mùa mưa bão không đi đánh bắt được, còn lại thì mọi phương tiện như ở đất liền… Đặc biệt đảo còn có Âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là nơi cho ngư dân vào tránh bão và lấy nước ngọt, sửa chữa tàu và được cung cấp dầu Diesel.
|
Căn hộ khang trang của anh Phạm Thành Cốc và chị Đặng Thị Liễu |
Cùng với Song Tử Tây, đảo Trường Sa lớn là thủ đô của huyện đảo Trường Sa, như một pháo đài giữa biển Đông, đó là nơi mà nhân dân có thể an tâm đến lập nghiệp và sống sung túc vì trồng được cây ăn trái và chăn nuôi. Mỗi nhà đều có nước ngọt dẫn vào nhà, đều trồng được chuối và đu đủ, đều có bầy gà nuôi để cải thiện bữa ăn trong mùa giông bão.
Đến thăm chùa Trường Sa lớn và được trò chuyện với Đại đức Thích Giác Nghĩa và Thích Ngộ Thành, mới biết các thầy đã tu ở chùa Vạn Đức, thành phố Nha Trang 10 năm và bây giờ phát nguyện đến Trường Sa. Bởi theo thầy, ở đâu có phật tử thì đến. Mà tu ở đây mới thực sự là tu vì lòng thanh tịnh, không vướng bận nhiều với đời.
|
Đại đức Thích Giác Nghĩa và Thích Ngộ Thành đang làm lễ ở chánh điện |
Đêm văn nghệ giao lưu cùng lính đảo và Đoàn công tác, thầy Thích Ngộ Thành cùng tham gia hát bài Nhành dương liễu. Thầy bảo, thầy vẫn giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ, bởi ở đây, đời và đạo gần như hòa quyện nhau trong cùng một lý tưởng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Thầy ra tu ở đây chính là để khẳng định điều đó…
Sự có mặt của cô giáo Bùi Thị Nhung cũng vậy, cô đã tình nguyện đến Trường Sa chỉ với ý nghĩ duy nhất, đây là đất của mình, nơi dân mình sinh sống, và đâu có trẻ con thì phải có trường học, có cô giáo. Cô đã sống ở đây 4 năm, cùng chồng và 2 con, đứa con nhỏ của cô mới đầy 1 tuổi, đó là kết tinh hạnh phúc giữa nắng gió Trường Sa, là tình yêu sâu nặng của chồng cô, cũng là bộ đội vừa xuất ngũ, đã cùng cô đến lập nghiệp nơi này.
|
Gia đình cô giáo Bùi Thị Nhung |
Đến hai đảo lớn của Trường Sa để càng thấy những ngày gian lao của các chiến sĩ trên Đảo chìm ngày nào của Trần Đăng Khoa chỉ còn là một huyền thoại. Nhìn những dãy nhà cao tầng mọc lên giữa hàng cây xanh mướt ở đảo Trường Sa lớn, nhìn những cây đu đủ và bụi chuối sai quằn trái làm sao có thể hình dung nổi những căn lều bạt ngập chìm trong sóng biển ở đảo Thuyền chài 20 năm trước.
Hai mươi năm, biển đảo đã thay đổi nhiều lắm, những đảo chìm bây giờ đã có điện, có sóng Viettel, và là những pháo đài quân sự ngạo nghễ cùng bão tố. Đứng trên tầng hai pháo đài trên đảo Đá Thị, tôi chợt nhớ căn lều bạt với những chiếc giường tầng cao theo mực nước thủy triều ở đảo Thuyền Chài trong tập truyện của Trần Đăng Khoa mà thấy lòng rưng rưng.
20 năm trước, trong điều kiện cực kỳ gian khổ như vậy mà các anh vẫn bám đảo, vẫn đùa vui trên chính những gian nan của mình. Và quyết lấy máu mình giữ vững lá cờ Tổ quốc… Cả dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên ngày 14/3/1988, ngày quân thù đã xả súng sát hại 64 chiến sĩ công binh của ta đang làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma, những chiến sĩ trong tay chỉ có xi măng, đá, cát và lá cờ Tổ quốc làm vũ khí.
Chỉ một dãy đá san hô lúc chìm lúc nổi giữa biển khơi mà 64 chiến sĩ đã hy sinh, và quân thù đã ngang nhiên chiếm đảo(1). Đây chính là vùng biển 24 năm trước, cuộc chiến không cân sức đã xảy ra, và đây là vùng biển Nhà giàn Phúc Nguyên, 6 chiến sĩ nhà giàn DK1/3, DK1/6 đã hy sinh khi nhà giàn sụp đổ trước cấp gió 12 của cơn bão năm 1989 và 1998(2).
Biển vẫn xanh sẫm ngầu lên những vòng hoa trắng xóa, cả trăm con người đứng lặng trên boong tàu trước bàn thờ tưởng niệm các chiến sĩ. Có tiếng bật khóc, có những đôi mắt quay đi giấu dòng nước mắt, các anh vẫn ở đây, giữa mênh mông xanh thẳm, linh hồn các anh có quyện cùng những đóa cúc vàng dập dềnh trên sóng?
|
Trường Sa ơi! Không thể nào quên... |
Tự dưng tôi cảm thấy như sống lưng mình lạnh buốt. Trời đang nắng, bỗng mưa, và mưa ào xuống rất nhanh trước giờ tưởng niệm, bầu trời chợt đen kịt những đám mây mù rồi trong phút chốc bỗng trở nên sáng tỏ.
Nhiều người trong đoàn đã nhìn nhau òa cùng một ý nghĩ, các anh đã về đó và dường như đang nhìn ngắm mọi người với nụ cười rất trẻ. Vâng nụ cười của các anh sẽ trẻ mãi với thời gian… và vòng quay của cuộc sống dẫu có làm con người phải phăng phăng hướng về phía trước, nhưng hôm nay và ngày hôm qua bao giờ cũng liền nhau trong dòng thời gian huyết mạch, ai có thể nào quên?
“Biển đảo của Tổ quốc ta chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh tổ tiên, trước hương hồn các đồng chí, xin nhắn gửi tới thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông”. Lời thề trước linh vị của các anh chính là lời thề của những chiến sĩ còn trẻ măng đang cầm súng trên 22 đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa...
|
Giao lưu văn nghệ trên đảo Đá Thị |
Những người lính tuổi 20 ở đảo Sơn Ca, cười hết cỡ trong phút giao lưu văn nghệ, và hát hò, nhảy múa cùng các em ca sĩ, nhưng chỉ một hồi còi báo động có máy bay lạ xâm phạm bầu trời là trong tích tắc tất cả đã về vị trí chiến đấu.
|
Các văn nghệ sĩ trên đảo Trường Sa lớn |
Ở các đảo chìm, cuộc sống vẫn còn nhiều gian khổ, tất cả mọi sinh hoạt đều trông vào nước mưa, vì vậy mỗi người tiêu chuẩn 1 ngày chỉ có 5 lít nước cho mọi sinh hoạt cá nhân, nhưng vườn rau vẫn xanh ngát mắt. Đến mùa giông bão, khi cấp gió lên đến 11, 12 thì cả các đảo chìm và các nhà giàn DK1 không có cách gì giữ nổi vườn rau, suốt mấy tháng ròng rã chống chọi với bão giông bằng thức ăn duy nhất là thịt hộp.
Ở đây, giữa biển khơi xa tít này, tất cả đều phải tự biết rắn lòng mình lại, vượt qua đau thương để làm tròn nhiệm vụ, và chính ở đảo Đá Thị, một người lính đã phải nén đau khi được tin mẹ mất, nước mắt ứ tràn mà vẫn tiếp tục bám đảo đến khi có chuyến tàu về phép…
Những trái tim ở đây đã phải tự trui rèn, dẫu đau rất đau, nhưng vẫn vượt lên tất cả. Chẳng ai nói những điều to tát, mọi từ ngữ ở đây đều rất bình dị mà chất chứa vô ngần ý nghĩa thiêng liêng: “Đảo của mình, chủ quyền của mình thì mình phải giữ, đó là nhiệm vụ của chúng em mà”.
|
Họa sĩ Phước Vinh ký họa một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Tây |
Và các anh lính trẻ đã vô cùng cảm động khi gặp lại thủ trưởng của mình, Thượng tướng Bùi Văn Huấn, người đã 6 lần đến với anh em. Trong suốt cuộc hành trình, từ Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Nhà giàn DK1, ở đâu ông cũng có những món quà vô cùng thiết thực cho anh em, đó là hạt giống đậu xanh để làm giá khi mùa bão không trồng được rau xanh, là hạt cải xanh, cải ngọt, rau muống, dưa leo, chanh, củ sắn, mì gói, bia, dầu nóng, thuốc dán…
|
Vườn rau xanh trên đảo Đá Tây |
Đó là quà của người lính, hiểu đến ngóc ngách đời sống gian lao của đồng đội. Ông bảo tháng 6 này ông về nghỉ hẳn nên ông muốn đến thăm lại anh em lần cuối. Nhưng những đồng đội trẻ của vị Thượng tướng đầu bạc đã lập tức cắt ngang lời ông: “Sao lại là lần cuối thủ trưởng ơi, chúng con luôn mong những món quà của bố…”.
10 ngày lênh đênh trên biển, 10 ngày chỉ thấy một màu xanh. Biển Trường Sa xanh sẫm có lúc trở màu đen kịt như hút vào lòng đại dương với bao hiểm nguy rình rập. Trời bây giờ vẫn xanh, biển bây giờ vẫn xanh, nhưng dòng máu đỏ thắm năm nào vẫn mãi mãi là vết hằn trong tâm khảm mỗi người dân Việt. Biển đã khép lại ôm ấp bao đứa con linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam, nhưng những anh linh ấy vẫn mãi còn đây, vẫn còn hằn trong ta vết thương không thể lành. Trường Sa ơi! Không thể nào quên…!
________________
(1) Trường Sa cách Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa lục đến 750 hải lý. Nhưng từ những năm 1980, khi cho bộ đội ta trấn giữ các đảo chìm, Thượng tướng, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã thấy trước sự bất bình thường trên biển Đông. Vì vậy, ông đã phát động chiến dịch CQ 88, cho xây dựng các pháo đài quân sự trên tất cả các đảo chìm thuộc chủ quyền của ta.
Tháng 3/1988, thấy tàu Trung Quốc lởn vởn quanh khu vực đảo Sinh Tồn Đông, ông đã lập tức đưa các tàu HQ604, HQ605, HQ505 chốt ngay 3 đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, đưa các chiến sĩ công binh và vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma…
Lá cờ Tổ quốc đã cắm trên đảo, nhưng quân thù ồ ạt tiến vào, và trận chiến không cân sức đã diễn ra sáng ngày 14/3. Trước họng súng của quân thù, Thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc vào người hét lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Hai tàu HQ604 và HQ605 bị địch bắn chìm, còn tàu HQ505 đã trấn giữ chủ quyền trên đảo Len Đao. Sau trận đánh này ta giữ được hai đảo Len Đao và Cô Lin. Đây là các đảo giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam đến các căn cứ tại quần đảo Trường Sa.
(2) Năm 1988, Lữ đoàn 171 nhận nhiệm vụ xây dựng các cụm kinh tế - khoa học - kỹ thuật trên biển. Và 15 nhà giàn DK1 được xây dựng trên những bãi đá ngầm được trang bị thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, trạm thông tin, hải đăng để phát tín hiệu báo bão đảm bảo an toàn hàng hải cho ngư dân và tàu bè qua lại. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông.