Những ai quan tâm tìm hiểu về khởi nghĩa Duy Tân (5/1916) đều cảm động và trân trọng xung quanh việc dời mộ của hai nhà chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân về chôn chung trên một sườn đồi ở Huế. Trong việc này có sự đóng góp của một phụ nữ, mà cho đến nay sử sách ghi lại còn mờ nhạt. Tại khu lăng mộ của hai nhà chí sĩ, mới được tôn tạo lại đầu năm 1993, trên một tấm đá nhỏ gắn bên phải ngôi mộ, Bảo tàng Thừa Thiên Huế ghi vài dòng vắn tắt về lai lịch khu lăng mộ này…
… “Sau khi bị tử hình, thi hài của Thái Phiên và Trần Cao Vân nằm tại bãi chém An Hòa. Năm 1925, bà Trương Thị Dương, người làng Tân Điền, Hải Lăng, Quảng Trị là đồng chí của hai nhà yêu nước đã bí mật đưa về chôn chung tại đây, để tránh sự phát hiện của thực dân Pháp”.
Người phụ nữ được ghi trên mộ hai chí sĩ trong phong trào Duy Tân…
Tôi đã đến Bảo tàng Thừa Thiên Huế, để tìm hiểu rõ thêm lai lịch của bà Trương Thị Dương, thì được người phụ trách phần việc này thời đó (cuối năm 1992, đầu năm 1993) là cô Trương Thị Cúc, cho biết: “Tài liệu để làm căn cứ ghi lên khu lăng mộ như trên do nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Ngạc cung cấp”.

Mộ bà Trương Thị Dương
Theo tài liệu của ông Trần Viết Ngạc, thì quê quán bà Trương Thị Dương hiện nay là thôn Trường Phước, xã Hải Đường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trong thời kỳ vua Duy Tân trị vì, bà Trương Thị Dương là vợ của một người lính có hàm bát phẩm, nên thường được gọi là bà Bát Mang.
Bà là người có lòng yêu nước, được vua Duy Tân tin cẩn. Sau khi nhận được thư bí mật của Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương gửi tới vận động nhà vua tìm đường cứu nước, nhà vua đã cử bà Trương Thị Dương và một nhóm người tin cẩn bí mật vào tận làng quê cậu Trần Cao Vân, ở làng Tư Phú, vùng Gò Nổi, tỉnh Quảng Nam, để liên lạc, bàn bạc việc đại sự.
Về việc bà Trương Thị Dương bí mật chuyển hài cốt hai nhà chí sĩ về đồi Thủy Xuân, tài liệu cũng ghi lại lời kể của cụ bà Trương như sau: “Ngày 5 tháng 5 năm Ất Sửu (1925), tôi và đứa cháu là Đặng Khánh Di (gọi bằng dì) vừa đi đến cầu Vân Căn, bỗng một chiếc guốc bị gãy đôi. Tôi nghi có điềm chẳng lành. Đến chùa Đại Trung, gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh (trị sự chùa), ông giục tôi đi, không nên do dự.
3 giờ sáng ngày hôm sau (mồng 6), chúng tôi đi thẳng tới chỗ di hài hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thủ Tỵ (thủ quán), y có người con bị bệnh phong, làm chòi ở khít bên mộ để giữ, ai đến gần, nó bắt.
Tới nơi, tôi cho thằng phong ấy 3 đồng, trả cho ông Thủ Tỵ 6 đồng, và thuê 5 người nữa với ông Thủ Tỵ 24 đồng, xin dời hộ, vì tôi nói là mộ của ông chú tôi.
Hốt cốt lên, tôi lấy giấy tinh (tức giấy trong có viết chữ Hán) bỏ vào hai thúng đầy, rồi qua cửa Chính Tây ngồi đợi. Khi hốt xong, bọn làm thuê thấy không có mặt tôi, hỏi, thì ông Thủ Tỵ nói tôi đi mượn tiền, và có nhờ gánh cốt qua bên ấy (cửa Chính Tây) mới trả tiền đủ (đã trả trước 12 đồng). Bọn họ dùng dằng một lúc rồi cũng phải gánh đi.

Mộ bà Trương Thị Dương
Đến cửa Chính Tây, tôi trả tiền đủ, liền thuê hai chiếc xe kéo: một chiếc tôi chở cốt, một chiếc cho người cháu tôi (Đặng Khánh Di) và Nguyễn Hữu Cảnh ngồi. Xe đi thẳng tới tháp Thầy Kiết – mao Hòa Thượng gần chùa Châu Lâm, tôi đặt cốt lên bàn, thắp hương ngồi giữ. Đến sáng ngày, tôi thuê Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tờ, lại thuê gánh nước tới, tôi rửa sạch cốt hai cụ, liệm vào tiểu sành.
Hai di cốt này trải qua trên 9 năm, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Cốt cụ Thái vàng rực, bỏ vào tiểu sành có dư, phải lấy bớt giấy lót ra. Cụ Thái lúc lâm hình mặc áo lương, máu dính sát vào cốt, gỡ ra nghe rạt rạt. Cụ Trần bận áo vải dù, cũng dính sát vào cốt. Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm hết 4 đồng. Ai dè chôn được 11 ngày, Thừa Phủ hay tin, cho lính đến canh gác. Nhờ có người báo tin về ông Nguyễn Hữu Cảnh, ông Cảnh báo về tôi, tôi thừa đêm khuya thuê 4 người, mỗi người 4 cắc hết 1 đồng sáu, đem chôn nơi khác, hiện nay ở gần chùa Châu Lâm, nhưng chôn thành một nấm.
Nơi đã dời đi, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào giậu kỹ càng, làm như không ai đụng chạm đến. Thế là nơi ấy vẫn có hai cái nấm mồ, nhưng không có cốt người!”.
Trên đây là hai sự kiện liên quan đến bà Trương Thị Dương, người đồng chí của hai nhà chí sĩ Thái Phiên – Trần Cao Vân. Ông Trần Viết Ngạc nói rõ thêm, các sử liệu này đã được tác giả Ngô Thành Nhân đề cập tới trong cuốn sách Ngũ Hành Sơn chí sĩ. Lần giở lại cuốn sách đó của tác giả Ngô Thành Nhân, do Anh Minh xuất bản năm 1961 ở Huế, chúng ta còn biết thêm một số chi tiết như sau:
“Từ năm 1925 đến năm 1956, trải trên 30 năm, cụ bà (Trương Thị Dương) chẳng hề tiết lộ cho ai biết công việc này – tức là việc cải táng hài cốt hai nhà chí sĩ. Thỉnh thoảng ở Quảng Trị, cụ vào một năm vài lần thăm viếng. Mãi đến năm 1956, nhân ông Võ Như Nguyện đi cổ động nghị sĩ Quốc Hội, cụ bà nghe nói ông Nguyện là trưởng nam cụ Võ Bá Hạp, một đồng chí của bà, nên tiết lộ cho ông Nguyện rõ về ngôi mộ này, và từ đây, bà cho dựng một tấm bia, trong khắc hai hàng chữ Hán: “TRẦN CAO QUÝ CÔNG – THÁI DUY QUÝ CÔNG”.
Hồi ức của ông Trương Minh Tá về cô ruột Trương Thị Dương…
Là cháu ruột của bà Trương, được bà trực tiếp nuôi dạy từ ấu thơ, ông Trương Minh Tá lớn lên và chứng kiến nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng của bà cô mình. Gần đây, trong lần gặp tôi ở Hà Nội, ông Trương Minh Tá bồi hồi nhớ lại những năm tháng xa xưa và kể rõ thêm một số hoạt động của cô mình.
Bà Trương Thị Dương học với ông Mai Khắc Đôn, nên quen thân với con gái ông là Mai Thị Vàng, người phụ nữ sau này trở thành vợ của vua Duy Tân. Chắc chắn là từ mối quan hệ quen biết với bà Mai Thị Vàng như thế, nên sau này, vua Duy Tân đã giao nhiệm vụ cho bà Trương làm nữ phái viên liên lạc vào tận Quảng Nam gặp Trần Cao Vân, mời ông ra làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa.
Qua những lần đến liên lạc cho cụ Phan, bà Trương Thị Dương quen biết và được tham gia hoạt động với bà Nguyễn Thị Thanh (tức Bạch Ngọc Liên), chị ông Nguyễn Tất Đạt, tức ông Cả Khiêm (chị và anh ruột của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này).
Năm 1914, bà Trương được kết nạp vào Việt Nam Quang Phục Hội. Khi phát hiện ra những hoạt động của bà Trương, nhất là sau khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 thất bại, bọn thực dân Pháp đã có trát gửi về tận làng quê và nhiều nơi khác để truy tìm bà Trương. Vì vậy, bà Trương phải rời bỏ quê, ra sống với gia đình người em trai là Trương Duy Thiệu ở xứ Nhà Trưa, tức làng Tân Trưng, xã Hải Chánh bây giờ.
Ra đây trốn tránh, bà vừa làm ăn kiếm sống, vừa tiếp tục những hoạt động yêu nước. Khi cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt về giam lỏng tại Huế, nhiều hình thức hoạt động yêu nước vẫn được duy trì.
Lúc này, khi đã bí mật dời mộ cho hai đồng chí, bà Trương Thị Dương thường vào chăm nom, chăm sóc cho phần mộ, và bí mật bắt liên lạc với những nhóm hoạt động yêu nước. Đại tá Trương Minh Tá nhớ lại, chính ông được cô cho đi theo vào Huế, có nhiều lần đến Bến Ngự, vào khu nhà ở của cụ Phan Bội Châu. Sau này, ông mới rõ, cô của ông trở thành một người liên lạc cho nhà yêu nước Phan Bội Châu lúc đó.
Nhóm hoạt động yêu nước và cách mạng mà bà Trương tham gia, còn nhiều nhân vật khác như các ông Nguyễn Quáng, Nghè Các, bà Ngoan, Hóa Đỉnh, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Hữu Cảnh…

Sông Hương - núi Ngự
Nay đến thăm làng quê của bà Trương Thị Dương, chúng tôi kính cẩn thắp hương tưởng niệm lên bàn thờ bà, tưởng nhớ một phụ nữ yêu nước rất mưu trí, một đồng chí tận tâm với các nhà chí sĩ, đã xả thân vì nghĩa lớn, vì dân tộc…
Tôi trở về trong một ngày thu xứ Huế, đến trước ngôi mộ hai nhà yêu nước Thái Phiên – Trần Cao Vân ở sườn đồi Thủy Xuân. Trong làn hương trầm lan tỏa giữa ngàn cây, tôi kính cẩn đứng cúi đầu trước nấm mộ đang yên nghỉ giữa lòng đất ngát thơm của miền núi Ngự sông Hương thanh bình hôm nay. Tôi nhẩm đọc lại hai dòng chữ Hán ghi trên tấm bia mộ: Phụng vị Thái Duy Quý Công – Trần Cao Quý Công chi mộ.
Vâng, chỉ với mấy dòng giản dị như thế thôi, nhưng hai nhà chí sĩ xứ Quảng đã được tôn vinh và sống trong lòng đất kinh đô cũ với niềm quý trọng cảm thương vô bờ của người dân xứ Huế, những người đã và đang thay mặt cho đồng bào cả nước kế tục những tấm lòng cao quý như cụ bà Võ Thị Quyền, cụ bà Trương Thị Dương… chăm sóc cho các vị anh hùng, nghĩa sĩ trong giấc ngủ ngàn thu.