Trịnh Công Sơn mất đã 10 năm. Nhưng tên anh, tác phẩm anh ngày càng sáng mãi trong thời gian, trong không gian. Thừa Thiên - Huế quê anh quyết định đặt tên đường Trịnh Công Sơn là một việc rất đúng và rất đẹp.
Nhưng chung quanh Trịnh Công Sơn có hai điều cần suy nghĩ:
1. Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn. Anh cũng là một nhân cách lớn. Anh là một người yêu nước, yêu quê hương thiết tha, sôi nổi, đau đớn, chân tình… Anh đi giữa cuộc đời đầy biến động, nhiều lúc cô đơn, nhưng lúc nào cũng đầy trách nhiệm. “Ta chợt biết rằng vì sao ta sống. Vì đất nước cần một trái tim”. Đó là phương châm sống của anh, trước sau như một. Anh đã hát tiếng hát phản đối chiến tranh xâm lược bạo tàn, đau xót cho quê hương, cho những thân phận người trong chiến tranh. Anh đã hát tiếng hát phản đối bạo tàn - bọn “bội tình” với đất nước và nhân dân. Anh đứng về phía Tổ quốc, cầm đàn guitar hát Nối vòng tay lớn trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30 tháng 4. Đó là một hành động dũng cảm. Anh đã viết Thư gửi Ngô Kha tràn đầy khí phách cách mạng, chiến đấu.
Là một nghệ sĩ tự do, không chính thức đứng vào tổ chức Cách mạng, anh tự tìm đường, tìm tiếng hát cho mình. Đôi lúc anh có những ngộ nhận. Rất dễ hiểu và rất dễ thông cảm. Làm sao khác được? Nhận thức về bản chất chiến tranh, bản chất xã hội… là việc của cả một tổ chức lớn với những công cụ, phương tiện, trí tuệ, thử thách của nó. Trịnh Công Sơn chỉ có một mình. Nói như một nhà triết học, phải lấy làm lạ là tại sao anh đã đi xa đến thế, đã sôi nổi nhiệt huyết đến thế với quê hương, với cuộc đời…! Chứ sao lại nhằm vào một vài điều có thể hiểu và lý giải, mà trách anh?
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, một giải thưởng mà Trịnh Công Sơn xứng đáng, rất xứng đáng, chỉ cần một chùm nhạc: Nối vòng tay lớn, Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường em ra biên giới, Em còn nhớ hay em đã quên... Thế mà bấy lâu nay giới âm nhạc, giới văn hóa còn phân vân. Phân vân trong khi Trịnh Công Sơn sừng sững đó!
2. Mặt khác, các tụ điểm ca nhạc, các phòng trà, các đêm biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn chỉ một chiều khai thác các bài nhạc “phi chính trị” của anh và bỏ qua, không hát những bài yêu nước, yêu đời, yêu Cách mạng của anh. Phải nhận rằng trong một số bài hát Trịnh Công Sơn vì nhiều lý do (trong đó có lý do sức khỏe, lý do tình hình biến động, lý do anh tự mình diễn biến sang phía yếu đuối, ủy mị, bi quan...), đã tỏ ra luẩn quẩn trong cái vòng vây của các triết thuyết tiêu cực.
Ta nên công bằng trong việc khai thác gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, tìm về phía tích cực, phía ấm nóng cuộc đời, nghĩa tình, bè bạn, Tổ quốc, nhân dân, đừng khai thác một chiều mặt yếu đuối của anh, chẳng có ích gì cho ai.
Tóm lại, cần công bằng và cần cân bằng trong đánh giá hiện tượng Trịnh Công Sơn, một hiện tượng âm nhạc lớn, nhưng phức tạp, đầy mâu thuẫn. Cần đứng ở đâu, cần có một cái nhìn trên một quan niệm nghệ thuật - mỹ học tiến bộ nhất để đánh giá Trịnh Công Sơn.
Bài liên quan: