Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam & trách nhiệm của Mỹ

Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa trước năm 1974

Mặc dù giới cầm quyền Bắc Kinh không ngừng rêu rao Hoàng Sa và Trường Sa là của họ, nhưng họ không thể đưa ra bất cứ một chứng cứ nào. Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Trung Quốc đều xác nhận cương vực của Trung Hoa chấm dứt ở đảo Hải Nam. Thanh Sử Cảo cũng không đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ chính thức do các nhà nước phong kiến và dân quốc Trung Hoa vẽ như Hoàng dư toàn lãm đồ (1717), Đại Thanh nhất thống toàn đồ (1818), Trung Hoa Dân quốc toàn đồ v.v… đều xác định phần đất cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và không có đất đai nào khác ở trên biển Đông. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây, không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ13(1).

Năm 1909, Lý Chuẩn được vua Thanh cử đến quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, lúc này Hoàng Sa đã không còn là một lãnh thổ vô chủ nữa. Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình từ ít nhất là năm 1816. Mặt khác, trong tập Atlas thế giới năm 1827 của Philippe Vandermaelen cũng không thừa nhận điều đó. Bản đồ Partie De La Chine (Bộ phận thuộc Trung Quốc) tờ số 98, trang 109, vẽ phần lãnh thổcực nam của Trung Quốc bao gồm tỉnh Quảng Đông, đảo Hải Nam và ba cụm đảo ở phía đông đảo Hải Nam, chỉ giới hạn trong phạm vi phía bắc vĩ tuyến 180 B, mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam(2). Đây là chứng cứ khẳng định quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc. Như vậy, các bản đồ của nhà nước phong kiến Trung Quốc và thế giới đều thừa nhận cương vực cuối cùng của Trung Quốc là đảo Hải Nam chứ không hề có Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1935, trước những hành động của Pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Hoa Dân quốc (THDQ) đãcho xuất bản một bản đồ chính thức đầu tiên về các đảo trên biển Đông (mà họ gọi là Nam Hải). Tuy nhiên, bản đồ này chưa thể hiện “đường lưỡi bò”. Tháng 1-1948, Bộ Nội vụ THDQ công bố bản đồ các đảo trên Nam Hải, lần này có vẽ thêm một đường hình chữ U 11 đoạn thường được gọi là “đường lưỡi bò” bởi nó giống cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông(3). “Đường lưỡi bò” này bao trùm cả bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys), Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa). Thế nhưng, ngay từ lúc đầu, đường lưỡi bò này đã bộc lộ tính không chính xác, không ổn định, không được xác định tọa độ rõ ràng và không biểu thị là một đường biên giới quốc gia.

Năm 1946, trên tinh thần Tuyên bố Cairo Nghị quyết Potsdam, 4 tàu chiến của THDQ đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa với cớ giải giới quân Nhật. Ngày 7-1-1947, chính phủ THDQ tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa, nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island, mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng). Năm 1949, THDQ rút khỏi đảo Phú Lâm. Pháp gửi quân Pháp-Việt trở lại giữ đảo.

Sau khi thành lập (1-10-1949), nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) tiếp tục thừa nhận bản đồ năm 1948 của THDQ. Tuy nhiên, CHNDTH chưa yêu sách các vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” như các vùng nước lịch sử. Tại Hội nghị San Francisco (9-1951), các quốc gia tham gia cũng đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(4). Trong thực tế, “đường lưỡi bò” chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mặt khác, đại diện của CHNDTH cũng không tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Hội nghị Công ước Luật biển lần III(5) tại New York năm 1973. Do đó, những hành vi bí mật xâm lược trên không thể tạo nên cơ sở cho quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Theo Hiệp định Genève 21-7-1954, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) quản lý quần đảo Hoàng Sa. Năm 1956, lực lượng hải quân VNCH tiếp tục thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, đảo lớn nhất là Phú Lâm đã bị CHNDTH bí mật chiếm trước khi quân đội VNCH ra đóng giữ.

Năm 1958, Điều 1 Tuyên bố về lãnh hải của CHNDTH đã nhấn mạnh rằng: “Chiều rộng lãnh hải nước CHNDTH là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổcủa nước CHNDTH, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”(6). Như vậy, tuyên bố năm 1958 của CHNDTH cũng không thể bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo như “đường lưỡi bò” đãcông bố của họ.

Trong thời gian 1964-1970, Hải quân Trung Quốc và Hải quân VNCH chạm súng nhiều lần trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Trong thời điểm đó, VNCH cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa. Mặc dù CHNDTH đã chiếm đóng trái phép tại hai đảo Phú Lâm và Linh Côn trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do chính quyền VNCH nắm giữ.

Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (1974) và trách nhiệm của người Mỹ

Âm mưu xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ thời THDQ nhưng nó chưa thực hiện được. Đến cuối những năm 60 của thế kỷ20, giới cầm quyền Bắc Kinh nhận thấy thời cơ để đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam đã đến vì:

1. Từ năm 1967, Richard Nixon - sau này là tổng thống của Mỹ - kêu gọi thừa nhận “thực tại Trung Quốc” và thực hiện đường lối lôi kéo Trung Quốc vào cộng đồng thế giới với tư cách là “một quốc gia hùng mạnh và tiến bộ chứ không phải là tâm điểm của cách mạng thế giới”(7). Do đó, Washington bắt đầu những động thái xích lại gần với Trung Quốc.

2. Năm 1970, Đô đốc Elmo Zumwalt, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Hạm đội 7 Mỹ. Theo nhận định của chính giới VNCH lúc đó, đây là sự trao đổi quyền lợi giữa Mỹ và Trung Quốc và là nguy cơ cho VNCH trong việc bảo vệ Hoàng Sa(8). Rõ ràng tuyên bố trên của Mỹ là một sự nhân nhượng có toan tính của Mỹ trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Sự “bỏ rơi” Hoàng Sa và Trường Sa của Mỹ đã tạo cho Bắc Kinh có cơ hội để tiếp tục thực hiện các hành động lấn chiếm ở đây.

3. Năm 1972, Richard Nixon (lúc này đãvào Nhà Trắng) cùng cố vấn Henry Kissinger và ngoại trưởng William Rogers sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 28-2-1972, Mỹ và Trung Quốc đãký Thông cáo chung Thượng Hải và xác định sự ủng hộ của Mỹ đối với CHNDTH. Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung phản đối “bá quyền” tại châu Á và Thái Bình Dương. Rõ ràng, chuyến viếng thăm Trung Quốc của R.Nixon làm cho những “hiểu lầm” trong quan hệ Trung-Mỹ đã được tháo bỏ. Đây là cơ sở quan trọng cho những hoạt động của Bắc Kinh trong giai đoạn sau. Năm 1973, Trung Quốc và Mỹ mở văn phòng liên lạc ở thủ đô mỗi nước mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

4. Tháng 1-1973, Mỹ ký Hiệp định Paris và rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đồng thời Hạm đội 7 cũng được rút ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong thực tế, Mỹ “bỏ rơi” Hoàng Sa, xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của VNCH.

5. Đầu năm 1974, VNCH phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về tài chính, quân sự khi Mỹ rút quân theo Hiệp định Paris. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã mở nhiều cuộc tiến công ở Khu V và Nam Bộ.

Việc Mỹ “bỏ rơi” Hoàng Sa và làm ngơ trước các hành động của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến tới chiếm toàn bộ Hoàng Sa vì “nếu chậm chân, họ (Trung Quốc) sẽ khó làm được điều đó sau khi Việt Nam thống nhất”(9). Do đó, để có cớ xâm lược Hoàng Sa, ngày 11-1-1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố: Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và tố cáo VNCH chiếm đóng bất hợp pháp(10). Đồng thời, “để làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc tung nhiều tàu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có lực lượng quân đội VNCH đóng”(11).

Sau đó, đêm 17-1-1974, Chu Ân Lai cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa(12). Mao Trạch Đông phê: “Đồng ý! Trận này không thể không đánh”. Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy trận đánh tại quần đảo Hoàng Sa(13). Như vậy từ đầu, giới cầm quyền Bắc Kinh đãthống nhất với nhau về mục tiêu trong việc xâm chiếm Hoàng Sa.

Ngày 18-1-1974, Chu Ân Lai triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận tình hình Hoàng Sa và lập ra ban chuyên trách năm người phụ trách kế hoạch đánh Hoàng Sa - mà phía Trung Quốc gọi là “Cuộc phản kích Tây Sa” để tuyên truyền trong nước và che mắt dư luận quốc tế. Các lãnh đạo cấp cao gồm Diệp Kiếm Anh – Chủ nhiệm Ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình vàTrần Tích Liên đã nghe Tô Chấn Hoa, Phó Tư lệnh Hải quân, báo cáo tình hình và đề nghị tấn công(14). Ban chuyên trách công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các tuần dương hạm của VNCH. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, hải quân Trung Quốc lập kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch(15).

Sáng ngày 19-1-1974, hồi 10 giờ 20, một hộ tống hạm Trung Quốc thuộc loại Kronstadt bắn vào khu trục hạm Trần Khánh Dư mang số HQ-4 của VNCH. Để tự vệ, các chiến hạm VNCH đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Quốc. Cuộc giao tranh gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên(16). Trong khi chiến sự đang diễn ra tại Hoàng Sa, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa báo cáo lên Mao Trạch Đông đề nghị cho phép quân đội Trung Quốc chiếm tất cả các đảo do VNCH kiểm soát. Mao đã chấp thuận đề nghị này(17). Như vậy, hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc đã đánh tan luận điểm xuyên tạc về việc “bảo vệ chủ quyền” - cái mà Trung Quốc chưa từng có tại Hoàng Sa.

Không chấp nhận việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố khẳng định chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc, mọi tranh chấp về biên giới và lãnh thổ giữa các nước có liên quan phải được giải quyết bằng thương lượng trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt.

Trong khi đó, VNCH tìm cách đánh bại và giành lại chủ quyền từ Trung Quốc bằng hai con đường như sau:

Đấu tranh bằng con đường ngoại giao

Trước hành động ngang nhiên xâm lược của Trung Quốc, ngay trong ngày 19-1-1974, Bộ Ngoại giao VNCH đãra Tuyên bố một mặt khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, mặt khác nêu rõ “các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ VNCH, và một lần nữa vạch trần chính sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi”(18).

Ngày 20-1-1974, VNCH đã chính thức gửi thư đến Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn của HĐBA để xem xét hành động xâm lược của Trung Quốc “nhằm thực hiện các hành động khẩn cấp để sửa chữa tình hình và chấm dứt việc xâm lược”(19). Thế nhưng, thái độ của Mỹ đã làm cản trở quá trình đấu tranh của VNCH.

Trước diễn biến phức tạp này, cũng trong ngày 20-1-1974, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn - Graham Martin đã gởi một bức điện về cho Bộ Ngoại giao Mỹ và nêu rõ rằng “Trung Quốc không đơn giản tăng viện lực lượng ở Hoàng Sa mà đang tiến hành một kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm chiếm quần đảo”(20). Do đó, Martin đã đề nghị Washington hãy cân nhắc gây sức ép lên Bắc Kinh và đẩy mạnh các bước đi trong lĩnh vực ngoại giao.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó có vẻ muốn bảo vệ mối quan hệ với Trung Quốc hơn là với một đồng minh đã hết thời. Các nhà ngoại giao Mỹ tại HĐBA tỏ ra bi quan về việc đưa vấn đề ra HĐBA bởi Trung Quốc là một thành viên thường trực của cơ quan này trong khi VNCH chỉ là quan sát viên của LHQ nên không chấp nhận để VNCH đưa vấn đề Hoàng Sa ra LHQ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ John A.Scali nhận định rằng việc “đưa vấn đề Hoàng Sa ra HĐBA sẽ gây ra rắc rối rõ ràng và nghiêm trọng cho chúng ta. Phía Việt Nam có vẻ như không có cơ hội đạt được một quyết định thuận lợi từ HĐBA và có ít triển vọng đạt được bất kỳ lợi thế nào”(21). Do đó, John A.Scali cho rằng “tình thế của chúng ta sẽ cực kỳ bất tiện ngay cả khi Việt Nam có quyền hợp pháp hiển nhiên với quần đảo tranh chấp. Trong tình cảnh hiện tại, chúng ta sẽ tìm cách trì hoãn tiến trình của HĐBA. Điều này sẽ giúp phái bộ VNCH có thời gian thăm dò trực tiếp các thành viên HĐBA và báo cáo kết quả về cho Sài Gòn”. Rõ ràng, người Mỹ đã không tích cực ủng hộ cho giải pháp ngoại giao của VNCH và còn trì hoãn nó. Thái độ này của Mỹ đãlàm cho con đường đấu tranh ngoại giao của VNCH gần như rơi vào bế tắc. Trước những khó khăn đó, VNCH đã quyết định gửi thư đến Chủ tịch HĐBA LHQ Facio rút lại yêu cầu về việc triệu tập cuộc họp khẩn cấp của HĐBA. Ngày 25-1, Chủ tịch Facio thông báo HĐBA sẽ không nhóm họp để thảo luận vấn đề Hoàng Sa bởi VNCH đã rút lại yêu cầu.

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Facio cũng nhận thấy rằng “Mỹ không thúc đẩy một cuộc họp của HĐBA và ông có cảm giác Mỹ không thực sự muốn có cuộc họp”(22). Các hồ sơ ngoại giao của Mỹ được giải mật trong thời gian qua đã gợi ý rằng “Washington đã chủ động bỏ rơi và gây sức ép buộc VNCH không được “manh động” trong vấn đề Hoàng Sa”(23). Đồng thời, Washington và các đồng minh đã cố gắng thuyết phục VNCH không đưa vấn đề Hoàng Sa ra HĐBA LHQ(24). Dưới áp lực của Mỹ, VNCH đành phải từ bỏ ý định đưa vấn đề Hoàng Sa lên LHQ. Nhận định về thái độ này của Mỹ, một đại diện ngoại giao Liên Xô tại LHQ mô tả rằng Washington đang bối rối trong việc lựa chọn ủng hộ “đồng minh cũ và người bạn mới”(25). Như vậy, con đường đấu tranh bằng ngoại giao để buộc Trung Quốc dừng các hành động xâm lược Việt Nam đã bị chính người Mỹ - đồng minh “hôm qua” của VNCH - phá hoại.

Kế hoạch phản công bằng quân sự

Ngay sau khi Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đãgặp Đại sứ Mỹ Graham Martin để thảo luận về “tình hình rất nghiêm trọng” tại quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, VNCH đang chuẩn bị đánh Trung Quốc bằng không quân tại Hoàng Sa.

Sau khi giải pháp ngoại giao thất bại, ngày 14-2-1974, chính phủ VNCH đãra Tuyên cáo và nêu rõ “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ VNCH. Chánh phủ và nhân dân VNCH không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy”(26). Do đó, một kế hoạch phản công được chuẩn bị công phu với khả năng chiến thắng là 100% đã được vạch ra. Theo đó, VNCH sẽ cho máy bay tấn công tàu Trung Quốc vì “họ đi ra Hoàng Sa của mình là bằng tàu thôi, mình mà diệt hạm đội này là họ cụt ngòi”. Máy bay sử dụng cho chiến dịch là loại F-5 và F-5E, loại có bình xăng phụ(27). Đây là loại máy bay phát huy tốt trong điều kiện chiến đấu trên biển so với máy bay của Trung Quốc. Theo phi công Nguyễn Thành Trung, máy bay của VNCH sẽ “cất cánh từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa, tụi tôi thừa sức đánh với họ trong 20 phút, thừa dầu bay về Đà Nẵng. Cự ly từ Hải Nam ra Hoàng Sa xa hơn Đà Nẵng ra Hoàng Sa chút xíu, nhưng Không quân Trung Quốc chỉ có MiG-21, ra tới Hoàng Sa thì không còn dầu để quay về. Thế nên, về không quân thì tụi tôi chiếm ưu thế, Trung Quốc không có gì”(28).

Trong cuộc họp bàn phương thức tác chiến tại Đà Nẵng, VNCH cũng xác định “có 40 tàu Trung Quốc đang có mặt tại Hoàng Sa. Do đó, nhiệm vụ của các phi đoàn phải làm sạch, nhấn hết xuống biển và tôi (Nguyễn Thành Trung - NV) đảm bảo là 100% sau một ngày tất cả 40 chiếc tàu đó không còn chiếc nào sống sót”(29). Cũng theo Nguyễn Thành Trung, việc tái chiếm Hoàng Sa là hoàn toàn khả thi vì với sức mạnh áp đảo của không quân bao gồm 120 chiếc F-5 và F-5E đang chờ lệnh ở Đà Nẵng, mỗi máy bay đủ sức không chiến tại Hoàng Sa trong 20 phút thì chỉ cần sau 1 ngày là đánh chìm toàn bộ tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa. Thế nhưng, kế hoạch này đã không được thực hiện do những phản ứng từ phía Mỹ.

Ngày 25-1-1974 và ngày 31-1-1974, H.Kissinger đã xác định “lập trường của Mỹ là không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền tại đây và Mỹ sẽ tránh xa những tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa”(30). Đồng thời, Mỹ đã điều Hạm đội 7 Thái Bình Dương ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Rõ ràng, lập trường này đã minh chứng cho sự thay đổi trong chính sách đối với VNCH của Washington.

Giải thích cho thái độ này, Washington cho rằng “Quốc hội Mỹ đã ra luật cấm chính phủ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho VNCH nên họ không thể nào giúp VNCH bảo vệ Hoàng Sa trước sự tấn công của Trung Quốc”(31). Theo lời Nguyễn Thành Trung, việc này không được thực hiện do “Mỹ đã cảnh báo Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không được hành động”(32). Lúc bấy giờ, Mỹ đã làm lành với Trung Quốc và chấp nhận làm ngơ để Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Do đó, cuộc phản công bằng không quân của VNCH đã không diễn ra và Trung Quốc vẫn chiếm giữ trái phép Hoàng Sa của Việt Nam đến ngày hôm nay.

Như vậy, qua biến cố lịch sử Hoàng Sa năm 1974, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là Mỹ đã “bỏ rơi” Hoàng Sa và chấp nhận “làm ngơ” cho các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại đây. Không những thế, Mỹ còn gây sức ép về ngoại giao và cản trở về quân sự để không cho VNCH phản kháng lại đối với Trung Quốc. Sự kiện này đã minh chứng có sự bắt tay của Mỹ với Trung Quốc. Người Mỹ đã “bán đứng” đồng minh cũ để đổi lấy đồng minh mới và chính sự thực dụng này của Mỹ đã góp phần làm cho tình hình biển Đông không ổn định.

Trận gió mà Mỹ gieo năm 1974 đã bị Trung Quốc lợi dụng, thổi bùng lên thành cơn bão khiến Mỹ phải gặt 40 năm sau.

 

_____

* Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn

(1) Thêm bằng chứng từ bộ Atlas thế giới, Bruxelles - 1827 khẳng định chquyền ca Việt Nam với hai quần đo Hong Sa vTrường Sa. Báo Giáo Dục Việt Nam.

(2) Nguồn: ttp://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Tuoi-Tre-Cuoi-tuan/1059668529,Mot-tai-lieu-quy-chung-minh-chu-quyen-cua-Viet-Nam-doi-voi-quan-dao-Hoang-Sa.ttm

(3) Chi Kin Lo. China’s policy towards territorial disputes, tr.43.

(4) Monique Chemillier - Gendreau. Sovereignty over Paracel and Spratly Islands. Kluwer Law International, 2000, 208, tr.41.

(5) Yann Huei Song. China’s “historic waters” in the South China Sea: an analysis from Taiwan. American Asian Review Vol.12, N.4, Winter, 1994, tr.83-101.

(6) Daniel J.Dzurek. The Spratly Islands Dispute: Who’s On First? International Boundaries Research Unit, Volume 2, Number 1, tr.14.

(7) R.Nixon. Asia After Vietnam. Foreign Affairs, October 1967, p.122.

(8) Bão biển Đệ Nhị Hải Sư. Hải chiến Hoàng Sa. Tác giả xuất bản, Australia, 1989, tr.101.

(9), (11), (14) Châu Minh Linh. Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa. Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140105/hai-chien-hoang-sa-40-nam-nhin-lai-6-1-2014.aspx.

(10), (12), (13) Tân Hoa Xã: Mao Trạch Đông chỉ đạo đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Báo Giáo Dục Việt Nam.

(15), (17) Lý Hiểu Bình. Quan hệ Trung-Việt trước trận Hoàng Sa. BBC.

(16), (18) Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ngày 19-1-1974. Thanh Niên Online (giới thiệu). Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140108/hai-chien-hoang-sa-tuyen-cao-cua-bo-ngoai-giao-vnch-ngay-19-1-1974.aspx.

(19), (21), (22) Sơn Duân. Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 2014. Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140108/ho-so-ngoai-giao-my-ve-hai-chien-hoang-sa-ky-2-hoang-sa-o-hoi-dong-bao-an-lhq.aspx.

(20), (23), (24), (25), (30) Sơn Duân. Bàn cờ nước lớn. 2014. Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140106/ho-so-ngoai-giao-my-ve-hai-chien-hoang-sa-ky-1-ban-co-nuoc-lon.aspx.

(26) Tuyên cáo ngày 14-2-1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Thanh Niên online (giới thiệu). Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140108/hai-chien-hoang-sa-tuyen-cao-ngay-14-2-1974-cua-chinh-phu-viet-nam-cong-hoa.aspx.

(27), (28), (29), (32) Đỗ Hùng - Tấn Tú. Không quân Việt Nam Cộng hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa. 2014. Tlđd.

(31) Hoàng Sa: Góc nhìn từ dinh ông Thiệu. BBC online, 17-1-2014.

LÊ TÙNG LÂM*