"Bản Kiều sau đây là bản Kiều mà chú giải được rút gọn ở mức đơn giản nhất, vừa đủ để hiểu Truyện Kiều. Chú rườm quá có khi làm che khuất nguyên tác, chú gọn quá thì nhiều khi chưa khám phá hết chiều sâu đầy ẩn ý của thơ Kiều. Chúng tôi đã làm cả hai bản để bạn đọc chọn lựa. Mục đích của chúng tôi là phổ biến Truyện Kiều càng rộng rãi càng tốt trong người đọc. Người đọc ấy, ngày nay, do những hoàn cảnh mà truyền thống văn hóa hầu như bị đứt gãy và cái ngoại nhập không phải tinh hoa lại tràn vào ồ ạt, càng dễ xa rời văn hóa truyền thống, trong đó có Truyện Kiều.
Chúng tôi cám ơn tất cả những bạn đọc đọc bản Kiều này và mong nhận được những góp ý nhận xét để hi vọng những lần in sau được tốt hơn."

QUI CÁCH LÀM SÁCH
1/ Đã sử dụng hầu như tất cả các bản Kiều quốc ngữ và Kiều Nôm sưu tầm được từ trước tới nay (sớm nhất là bản 1866) (xem bảng kê và bảng viết tắt ở dưới).
2/ Chúng tôi tin và sử dụng bản “Tư liệu Truyện Kiều từ bản Duy Minh thị đến bản Kiều Oánh Mậu” của GS Nguyễn Tài Cẩn, chọn và đối chiếu với các chữ của giáo sư chọn, nhưng ở nhiều chỗ chúng tôi theo “thiểu số” và có nêu rõ lý do chọn của mình.
3/ Chúng tôi đã chọn, đã chỉnh lý một số từ ngữ Truyện Kiều trong các bản Kiều Nôm và Quốc ngữ hiện có, một khi tìm được lý do chính xác hoặc thuyết phục, cố gắng tìm lại cái “bản lai diện mục” của nguyên tác, nhưng không “cổ hóa” nó, mà phải căn cứ vào phong cách, vào mạch văn, vào thể tiểu đối… sao cho chữ vừa thuyết phục vừa bảo đảm nó là “thiên thu tuyệt diệu từ”, là của một thiên tài văn chương, một nhà “pháp sư” tiếng Việt (xin xem từng trường hợp sau đây).
4/ Về chú giải, chúng tôi thừa kế các chú thích ở các bản trước, nhưng ở nhiều chỗ chúng tôi tra cứu lại, xác minh thêm, chú gọn, không quá nệ vào điển cố Trung Hoa để biến Truyện Kiều thành tác phẩm hoàn toàn lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa. Ngược lại, chú trọng Truyện Kiều là tác phẩm của tiếng Việt, làm rõ đặc sắc của tiếng Việt, của ngôn ngữ, của văn hóa dân gian trong Truyện Kiều.
Đó cũng có thể xem là quan điểm “giải thích học” (herméneutique) của chúng tôi trong chú giải. Chúng tôi cũng không quyết đoán, mà đề nghị đối thoại cởi mở trong nhiều trường hợp. Còn trường hợp nào đã có đủ cơ sở để khẳng định, thì chúng tôi xin khẳng định.
5/ Chúng tôi cũng dùng những bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, tiếng Anh của nhiều tác gia, để thẩm định một số từ ngữ, câu… trong Truyện Kiều. Vì Truyện Kiều có nhiều chữ rất không dễ giải thích, nên phải có nhiều cách tiếp cận. Cách làm này mới làm thí điểm, chắc khó tránh khỏi khiếm khuyết, mong các vị độc giả góp ý để chúng tôi hoàn thiện thêm.
Soạn giả