Gần đây các bậc thức giả trong nước đã có một dạo nhao lên về vấn đề Khổng học. Các bậc ấy băn khoăn hỏi nhau rằng không biết có nên tiếp tục sùng bái cụ Khổng và duy trì chữ Hán giữa lúc mà chính ông Tú Vị Xuyên cũng đã phải chép miệng than “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi” nữa hay không?
Câu chuyện ồn ào ấy làm tôi nhớ lại một câu chuyện khác đã xảy ra hồi tôi mười mấy tuổi.
 |
Minh họa: Hoàng Ly |
Hồi ấy, từ quê nhà tôi được thầy tôi gửi lên Hà Nội học. Ở các huyện nhỏ, tỉnh nhỏ, trường chỉ mở đến lớp sơ đẳng mà tiếng Pháp Lan Tây gọi là cours élémentaire(1). Học trò tỉnh nhỏ muốn tiếp tục học thì phải xin vào các trường Hà Nội. Ở đấy có những trường tiểu học do nhà nước mở, dạy đến lớp nhất gọi là cours supérieur(2) để học trò học đến cuối năm thì đi thi Xép-phi-ca(3). Tôi lúc nhỏ được học vỡ lòng chữ Nho với thầy đồ trong làng; vừa học đến Minh Tâm thì thầy tôi cho tôi đổi sang lối học chữ Tây, thành thử so với các trẻ học cùng lớp, tôi học muộn nhất. Mười lăm tuổi mới xong élémentaire, sau đó thì lên Hà Nội. Lên Hà Nội, tôi không xin được vào trường nhà nước, vì tuổi mười sáu của tôi không phải là tuổi được nhận vào lớp Mô-giăng-on(4). Tôi đành học tư vậy. Thầy tôi gửi tôi ở trọ nhà một người bạn thân là ông Lý Bính, và chính ông Lý Bính này đã hỏi cho tôi được vào học tư thục Hàm Long của ông Đốc Tích. Ngày trước, Hàm Long là một trường tư thục khá nổi tiếng ở Hà thành. Các gia đình có người theo cựu học đều đưa con cháu mình đến đấy, vì ngoài những lớp dạy theo chương trình của Nha Học chính Đông Pháp đặt ra, trường còn mở nhiều lớp riêng dạy thêm chữ Hán. Không phải dạy mỗi tuần một buổi vào ngày thứ năm như tất cả các trường khác ở thành Hà Nội mà là dạy hẳn theo cách của các cụ ngày xưa, thuở còn thịnh hành lều chõng. Việc mở những lớp chữ Hán như thế mặc dù không đúng phép nhưng nhờ sự che chở của nhiều vị tổng đốc và đường quan nên Nha Thanh tra học chính cũng làm ngơ cho vì thấy cũng chẳng có gì là hại.
Suốt trong mười năm, môn sinh chữ Hán của tư thục Hàm Long vẫn chiếm giải đầu trong các cuộc so tài thi phú hoặc bình văn mà các quan trị nhậm những tỉnh quanh Hà Nội thỉnh thoảng hay tổ chức. Sở dĩ được kết quả vẻ vang như vậy là cũng nhờ công lao rèn cặp học trò của một thầy khóa tên là thầy Khóa Nhự còn gọi là Đồ Nhự.
Đó là một thầy khóa nghèo như hầu hết các thầy khóa ngày xưa, già không ra già hẳn mà trẻ cũng không ra trẻ hẳn, thành thử rất khó xếp thầy vào hạng tuổi nào. Nhưng mà về lai lịch thì cứ nhìn qua con người thầy là người ta cũng có thể phần nào đoán biết được. Trước kia thầy vẫn có chí trở thành ông thám, ông nghè nhưng kể từ năm Bảo hộ cho mở khoa thi Hương cuối cùng ở trường Nam Định để rồi bãi bỏ hẳn thì thầy đành chịu tan vỡ mộng công danh bằng con đường khoa cử. Trong thời gian kế tiếp ngay sau đó, người ta không rõ thầy đã làm gì và đã sống bằng gì, chỉ biết rằng từ dạo tư thục Hàm Long mở lớp dạy chữ Nho thì thầy được ông Đốc Tích thuê ngay để trông coi lớp ấy. Thầy là môn đệ của cửa Khổng sân Trình, chỉ biết có “chi hồ giả dã”, Bắc sử, Trung dung, Đại học. Thầy mê say chữ thánh hiền như là người ta mê say nhân tình. Thầy ngâm nga những Đường thi, Tống thi, tôn sùng những Âu Dương Tu, những Tô Thức, những Hàn Dũ và đắc ý với câu “Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc”. Những lúc đắc ý, thầy thường đọc lên cho cả lớp cùng nghe, rồi thầy bình, tiếng nghe sang sảng. Thầy chỉ sống, chỉ linh hoạt hẳn lên ở những lúc như vậy, còn những lúc thường thì thầy chậm chạp, lù đù như người chết dở.
Một hôm, thầy bỗng nảy sinh sáng kiến dạy cả lớp làm thơ, làm kinh nghĩa, làm phú. Thoạt đầu làm bằng tiếng Nôm, về sau thì làm hẳn bằng chữ Hán. Tôi không biết giá các cụ Lý Bạch, Đỗ Phủ mà được sống lại để đọc những câu thơ chữ Hán của chúng tôi làm hồi ấy thì các cụ sẽ nghĩ thế nào, chứ riêng thầy Đồ Nhự thì thích lắm. Và tôi tưởng cứ theo đà này thì tư thục Hàm Long không khéo sẽ đào tạo được rất nhiều những thần Siêu, thánh Quát. Nhưng trong khi chờ đợi ngày huy hoàng, trọng đại ấy thì hằng năm môn sinh của thầy Khóa Nhự vẫn đều đều chiếm giải. Năm ấy, tư thục Hàm Long vừa chiếm được giải của Hội Khai trí tiến đức vừa lĩnh cả phần thưởng của sư cụ chùa Quán Sứ.
Ông Lý Bính, bạn thân thầy tôi, xin cho tôi vào học tư thục Hàm Long cũng là vì cớ ấy. Ông còn bảo thầy tôi cho tôi học thêm giờ với thầy Khóa Nhự. Học phí mỗi giờ là năm xu, thầy Khóa Nhự được hai xu, còn ba xu thì là phần của ông Đốc Tích. Năm ấy, tôi mười tám tuổi và học lớp Supérieur.
Những giờ học thêm, tôi học trong một gian phòng trên gác có cửa sổ nhìn ra đường. Và điều làm tôi ngạc nhiên là trong những giờ học ấy, đáng lẽ “chi hồ giả dã” với tôi thì thầy khóa Nhự lại thích kể lể cho tôi nghe những mẩu chuyện nho nhỏ buồn buồn trong cuộc đời không mấy sảng sủa của thầy.
- Tôi như cái cây giữa đồng ấy cậu ạ! Sống cô độc, hiu quạnh lắm. Chả ai thích tôi cả. Ban ngày cô độc mà cả ban đêm cũng cô độc nốt, cậu ạ! Nhất là ban đêm! Suốt đời tôi chỉ mơ ước có một gian nhà nhỏ, một gian phòng cũng được, có bàn có ghế, có kệ sách, có những đồ đạc vặt vãnh, không cần quý giá lắm nhưng phải là những đồ đạc của riêng tôi, thuộc về tôi, do tôi làm chủ và không ai được phép động đến. Thế mà tôi chẳng có gì cả. Không có lấy một chỗ thực nhỏ, thực yên tĩnh để có thể ngồi thư thái một mình. Chỉ trừ hôm nào có cậu đến học ở đây thì tôi mới được thảnh thơi một chốc. Đấy cậu xem! Không biết cậu có hiểu được tình cảnh một người suốt đời không có quyền, không có thì giờ ngồi một mình, dù là ngồi ở bất cứ đâu cũng được, để mà nghĩ ngợi lông bông, để mà mơ mộng, để mà đọc sách. Ấy cậu ạ, tôi thèm có một gian nhà, thèm quá đi mất và tôi nghĩ giá có được như thế thì mới là hạnh phúc, thì mới là chân hạnh phúc trên đời. Ở đây, ban ngày, tôi phải trông coi một đàn những học trò thuộc hạng nhất quỷ nhì ma lúc nào cũng ồn ào, phá phách. Ban đêm thì ngủ trong một gian phòng cùng với các thầy đồng nghiệp. Giường tôi ngủ chỉ là thứ giường công cộng nên không lúc nào tôi cảm thấy được ngon giấc cả! Nếu tôi ra phố thì phố nào cũng đông nghịt người là người, còn nếu đi mãi mỏi chân tôi có bước vào một hiệu giải khát thì trong hiệu nào là ăn uống rầm rầm, nào là cười đùa huyên náo. Thực là khổ, khổ quá lắm, cứ như phải ở trong ngục ấy cậu ạ!
Tôi hỏi :
- Thế tại sao thầy không làm nghề khác?
Thầy kêu lên:
- Trời ơi, cậu bảo tôi làm nghề gì bây giờ? Thợ mộc không biết nhé, thợ nề không biết nhé, làm phu bát-tê không biết nhé, hầu bàn không biết nhé, kéo xe không biết nhé, phó cạo không biết nhé, bồi săm không biết nhé… bao nhiêu cái đều không biết cả thì cậu bảo tôi còn biết làm gì!? Tôi chỉ biết có một chút chữ Nho nhặt được trong các sách đã lỗi thời này thôi.
Một hôm, tôi mời thầy một điếu thuốc lá. Thầy trợn tròn mắt nhìn tôi, sửng sốt, rồi liếc ra phía cửa:
- Ồ, ngộ có ai vào bắt gặp thì sao?
Tôi đáp:
- Nếu thầy ngại thì ta ra chỗ cửa sổ, không ai trông thấy.
Và hai chúng tôi ra đứng tì khuỷu tay ở chỗ cái cửa sổ mở ra đường, giấu điếu thuốc lá trong lòng bàn tay, vừa hút phì phèo vừa nhai kẹo vừng và nhìn người qua lại ở phía dưới.
Đối diện với chỗ chúng tôi đứng là một cửa hiệu thêu, bốn cô thợ đang ngồi thêu trên cái sập gụ. Vải vóc, kim chỉ để bừa bãi ở chung quanh.
Bỗng có một cô thợ thêu khác từ đằng sau nhà bước ra, tay ôm một gói to và nặng lắm, ý chừng là những áo, những khăn đã thêu xong, để sửa soạn giao cho khách hàng. Ra đến ngưỡng cửa, cô ta đứng lại, ưỡn lưng một cái như để cho đỡ mỏi. Rồi chợt nhìn lên trông thấy chúng tôi hút thuốc lá, cô mỉm cười, nhí nhảnh, giơ tay vẫy vẫy. Cô thợ khoảng hai mươi tuổi, dáng người thấp bé, hơi gầy, xanh, khuôn mặt khá xinh, nhanh nhẹn, hai mắt như hấp háy cười, tóc búi thành lọn thả xuống vai chứ không quấn trong vành khăn như phần đông các cô gái Hà Nội khác.
Thầy Khóa Nhự nhìn theo, có vẻ xúc động, nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:
- Nghề thêu xem thế mà nhọc nhỉ! Ngồi suốt ngày có lẽ đến gãy cả lưng!
Thầy tỏ ý thương xót, phàn nàn cho thân phận những người nghèo, nhưng chính thầy thì cũng không khác gì họ mấy.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại ra chỗ cửa sổ để hút lá và nhai kẹo vừng. Chúng tôi lại gặp cô thợ thêu hôm qua. Trông thấy chúng tôi, cô chào ngay: “À, các thầy!” bằng một giọng nửa như vui mừng nửa như chế giễu.
Tôi ném xuống cho cô ta một cái kẹo vừng. Cô bóc ra ăn ngay. Bốn cô trong nhà thấy thế cũng chạy ra đường, đồng loạt chìa tay để xin kẹo.
Và từ hôm ấy trở đi, ngày nào cũng có màn ra đứng chỗ cửa sổ hút thuốc lá và ném kẹo xuống đường. Một sợi dây quen biết bắt đầu được kết giữa các cô thợ thêu và học trò tinh nghịch.
Nhưng cũng từ hôm ấy, cứ trông đến dáng điệu của thầy Khóa Nhự là tôi phải phì cười. Thầy sợ bị người ta bắt gặp thầy hút thuốc lá và ném kẹo cho các cô thợ thêu. Thầy có vẻ như phải lòng các cô này. Mặt ngoài thầy còn e, nhưng tình trong thì xem chừng thầy đã, thành ra thầy có những cử chỉ vụng về rất buồn cười. Bọn các cô thợ thêu thấy thầy như thế lại càng trêu tợn, vừa xin kẹo vừa cười khúc khích với nhau.
Tôi nảy sinh ý định đùa thầy một chuyến. Một hôm, vừa bước vào phòng học, tôi vẫy thầy lại gần, nói khẽ:
- Này thầy ạ, tôi nói ra chắc thầy không tin, chứ tôi vừa gặp cô thợ thêu, cái cô ôm cái gói to hôm nọ ấy mà. Cô ấy đứng lại nói chuyện với tôi.
Giọng điệu nửa bí mật nửa ỡm ở của tôi làm thầy lo lắng hỏi:
- Cô ấy nói những chuyện gì?
- Cô ấy nói là… nói là… đại khái thầy trông cũng hiền lành, đứng đắn… cũng điển trai… nghĩa là… nghĩa là tôi xem ý cô ấy cũng đã để mắt xanh đến thầy rồi đấy…
Nghe thế, thầy bỗng tái nhợt cả mặt, ấp úng:
- Cô ấy nói đùa cho vui đấy thôi… chứ đời nào… Tôi già rồi…
Tôi nói, giọng nghiêm trang:
- Sao lại nói đùa?... Thầy mà già ư?!
Và mỗi ngày, ngày nào tôi cũng bịa ra nói với thầy chuyện này chuyện khác, nào là đã nói cho cô ấy biết rõ lòng thầy…
Tôi bịa khéo đến nỗi thầy cứ tưởng là thật, cứ tưởng là cô thợ thêu đã hạ cố đến thầy.
Rồi một buổi sáng tôi đang cắp sách đến trường thì bỗng gặp cô thợ thêu đang từ đầu đường kia đi lại. Tôi đón cô ta như đón một người quen biết lâu năm.
- Này, cô ạ!... Cô không biết gì ư?
- Thầy bảo tôi không biết cái gì?
- Ông giáo… ông giáo của tôi ấy mà… Thế này… Ông ấy đã phải lòng cô rồi đấy!
Vừa nghe tôi nói, cô thợ thêu đã rũ ra cười, rồi lắc đầu:
- Thầy chỉ lắm chuyện! Đùa nhảm…
- Không. Chuyện thật đấy mà. Lần nào đến dạy tôi học cũng cứ nhắc đến cô. Ông ấy định, nếu cô bằng lòng thì hỏi cưới ngay cô làm vợ.
Cô thợ thêu không cười nữa. Đối với đàn bà con gái, chuyện vợ chồng không phải là chuyện đùa. Nhưng cô vẫn lẩm bẩm, không chịu tin ngay:
- Thầy chỉ lắm chuyện…
- Không. Thật đấy mà! Tôi xin thề độc nhá! Tôi mà định đùa cô thì tôi chết.
Cô thợ nhấc gói hàng thêu đặt dưới chân lên và nói:
- Thôi, được rồi… Để còn xem!
Rồi cô chào tôi và đi thẳng.
Vào đến trường, tôi lôi thầy Nhự ra một góc sân:
- Này, thầy nên viết cho cô ấy một bức thư đi. Cô ấy đang ốm tương tư vì thầy đấy!
Thế là thầy Khóa Nhự nhà ta viết ngay một bức thư thật dài, thật tình tứ, kể lể tất cả những niềm thương nỗi nhớ, thỉnh thoảng điểm xuyết bằng những “Rằng từ ngẫu nhĩ gặp nhau, Thầm mong trộm nhớ bấy lâu đã chồn”, để cuối cùng thì thầy hỏi cô thợ thêu như là Kim Trọng ngày xưa đã hỏi cô Kiều dưới hiên Lãm Thúy: “Tiện đây xin một đôi điều, Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”. Một bức thư thật lâm ly, cảm động. Viết xong, thầy giao cho tôi nhờ tôi trao tay người đẹp.
Cô thợ thêu mở ra đọc. Đọc xong, cô tần ngần, có vẻ nghĩ ngợi và cảm động:
- Ồ, ông ấy viết hay quá! Con người chữ nghĩa có khác! Nhưng có thực là ông ấy định hỏi cưới tôi làm vợ hay không?
Tôi quả quyết:
- Cô còn ngờ gì nữa? Ông giáo tôi, ông ấy mất ăn mất ngủ vì cô.
- Thế thì như thế này nhé. Đến chủ nhật này tôi được nghỉ một hôm. Ông ấy hãy hẹn tôi ở bờ hồ Trúc Bạch, gần chỗ có cho thuê thuyền. Lúc gặp nhau, ông ấy có muốn nói gì thì nói.
- Được rồi, cứ nhất định như thế nhá. Ông ấy sẽ đến gặp cô.
Lúc nghe tôi thuật chuyện lại, thầy Nhự cảm động và sướng đến lặng người. Có lẽ từ nào đến giờ lần ấy là lần đầu tiên thầy được xúc động một cách êm đềm và thú vị như thế.
Tôi nói thêm:
- Cô ấy yêu thầy lắm đấy thầy ạ! Tính người rất thực thà. Thầy đừng hứa hẹn rồi phụ người ta đấy nhé.
Thầy đáp:
- Không có chuyện như thế đâu. Tính tôi cũng rất thực thà, cậu ạ.
Tôi thì, thú thực, tôi chỉ chủ tâm đùa cho vui chứ không nghĩ đến mưu mô gì cả. Tôi đùa mà không cần biết sau đó câu chuyện sẽ đưa đến những gì. Hồi ấy tôi mười tám tuổi và tôi nổi tiếng là tay tinh nghịch nhất trường.
Thế thì, như đã ước hẹn với nhau, thầy Nhự và tôi sẽ thuê xe cao su ra đến bờ hồ Trúc Bạch. Cô Tâm sẽ đợi hai chúng tôi ở đấy. Tôi sẽ thuê một chiếc thuyền nan và cả ba sẽ xuống thuyền đi chơi loanh quanh trên hồ. Sau đó thì đưa nhau đi ăn. Thầy Nhự nằn nì bảo tôi phải đi cùng với thầy, vì nếu chỉ có mỗi một mình thầy sẽ không có đủ can đảm để đến nơi cô Tâm đã hẹn. Kể ra nhận lời đi gặp người đẹp như thế, thầy khóa cũng đã liều lĩnh lắm rồi. Vì nếu không may câu chuyện nhỡ bị phát giác thì nhất định ông Đốc Tích sẽ mời thầy nghỉ dạy ngay, không dám giữ thầy trong trường tư thục nữa.
Lúc chúng tôi ra đến nơi, chỗ có cho thuê thuyền, đã thấy cô Tâm ngồi đợi sẵn từ nào trên bãi cỏ, dưới bóng cây. Hôm ấy, cô mặc áo the la cả, quần lĩnh, đeo hoa tai vàng, miệng ăn trầu cắn chỉ trông rất xinh.
Thầy Khóa Nhự khẽ nghiêng mình chào cô. Cô cũng ngả đầu chào lại rồi cả hai nhìn nhau, không ai nói câu nào. Tôi đưa thuyền đến. Thầy Nhự vịn cho cô Tâm bước xuống. Hai người ngồi cạnh nhau ở phía đuôi thuyền. Tôi cầm mái chèo, đẩy thuyền ra xa. Được một lát thầy Nhự nói:
- Buổi sáng đi chơi thuyền thú nhỉ!
Cô Tâm gật đầu :
- Thưa vâng.
Cô đưa tay ra mạn thuyền, thả mấy ngón tay búp măng xuống nước làm mặt nước rẽ thành một đường dài lấp lánh như thủy tinh. Tiếng nước vỗ nhẹ vào mạn thuyền nghe tí tách.
Đi thuyền chán, ba chúng tôi ghé vào bờ, đưa nhau lên phố Hàng Buồm, tìm đến một hiệu cao lâu. Vào đấy, cô Tâm trở lại hoạt bát và nhí nhảnh như ngày thường. Cô gọi các món ăn: chả nem, gà quay, miến xào. Trong lúc đợi hầu sáng dọn lên chúng tôi nói chuyện vui vẻ, nhưng cả thầy Khóa Nhự lẫn cô Tâm vẫn chưa ai đả động gì đến việc riêng tư giữa hai người. Rồi thì tôi gọi thêm một bình rượu cúc để thầy khóa và tôi vừa ăn vừa uống khề khà. Cô Tâm cũng thử nhắp một ngụm nhỏ. Đến cuối bữa thì thầy Nhự có vẻ chếnh choáng. Rượu làm cô Tâm đỏ ửng cả hai má. Cô cất tiếng gọi:
- Này, thầy Khóa Nhự!…
Thầy nhìn cô rồi bỗng nói tuồn ra một mạch:
- Thưa cô, có lẽ cậu Thắng đã ngỏ cho cô biết tấm lòng của tôi đối với cô rồi?
Đang cười cô Tâm nghiêm ngay nét mặt:
- Vâng, có ạ!
- Thế cô định trả lời ra làm sao?
- Những việc như thế người ta không trả lời ngay được!
Thầy cúi đầu như suy nghĩ rồi ngửng lên hỏi tiếp:
- Nhưng mà cô cũng nên cho tôi biết là sau này tôi sẽ được toại nguyện hay không?
Cô mỉm cười:
- Thầy lẩn thẩn lắm! Chả nhẽ tôi lại ừ ngay à?
- Vậy là tôi có thể…
Cô Tâm do dự một lát rồi hỏi bằng giọng run run:
- Thầy có định cheo cưới hẳn hoi không? Chứ mà cách khác thì tôi không bằng lòng đâu đấy!
- Cheo cưới chứ! Dù thế nào thì cũng phải lấy lễ giáo làm đầu.
- Thế thì được! Tôi bằng lòng!
Và rồi, lộng giả thành chân, tôi trở thành một kẻ mai dong, dù là mai dong bất đắc dĩ. Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ là câu chuyện rồi sẽ đưa ngay đến cuộc hôn nhân. Có lẽ thầy Nhự và cô Tâm cũng nghĩ thế. Tôi thấy cô Tâm ngần ngừ một lúc lâu rồi nói:
- Mà ngay từ bây giờ tôi xin nói trước rằng tôi không có riêng lấy một đồng nào để mang về với thầy đâu nhé!
Thầy Nhự lắc đầu, cười:
- Cô không lo. Tiền để dành của tôi lâu nay có lẽ cũng đã ngót nghét hơn nghìn.
Cô reo lên:
- Như thế là có thể bày ngay một cái cửa hàng được đấy!
Thầy Nhự nhìn cô, lo lắng:
- Cửa hàng gì?
- Thì tôi nói thế chứ có biết đâu. Nhưng đã có vốn ta cũng dễ liệu. Có hơn nghìn thì cũng làm được khá. Chứ thầy định đưa tôi vào ở trong trường học của thầy à?
Thầy Nhự quả tình đã không trù liệu đến việc khi lấy vợ thì người ta phải có nhà để ở, thành thử thầy trả lời lúng túng:
- Nhưng bày thế nào? Tôi không biết buôn bán làm ăn gì cả. Tôi chỉ dạy được chữ Nho thôi, chỉ dạy được chữ của thánh hiền.
Đến lượt cô Tâm nghĩ ngợi, bàn tính, kể ra những nghề mà cô cho là thầy Nhự có thể làm.
- Thầy trị bệnh được không? Ta mở cửa hàng ông lang vậy.
- Tôi có học nghề dao cầu thuyền tán bao giờ…
- Thế ta mở cửa hiệu coi tay, đoán số?
- Nghề bốc phệ tôi cũng không tinh…
Bỗng cô Tâm kêu lên một tiếng vui mừng. Cô đã nghĩ ra được một cách.
- Thôi, ta dọn một gian hàng tạp hóa. Đúng đấy. Dọn gian hàng tạp hóa bán đủ các thức. Không cần to lắm. Với hơn nghìn bạc ta chỉ nên làm nho nhỏ.
Thầy Nhự giãy nảy:
- Không. Tôi không bán cửa hàng tạp hóa được đâu. Tôi… tôi… Đang dạy chữ Nho, ai lại đi làm tạp hóa? Uổng cả chữ của thánh hiền!
Nhưng cô Tâm vội cầm cốc rượu cúc đưa cho thầy, bắt phải uống ngay, không để thầy có thì giờ cãi nữa.
Chúng tôi ra đón xe điện để về nhà. Thầy Nhự và cô Tâm ngồi cạnh nhau trên toa xe, thủ thỉ nói với nhau những gì tôi không biết, nhưng xem ra đã rất tương đắc lắm rồi.
Ngày hôm sau, đất bằng bỗng nhiên dậy sóng. Cuộc đi chơi thuyền bị vỡ lở. Thầy khóa Nhự bị mời ra khỏi tư thục Hàm Long. Ông Lý Bính mách chuyện này với thầy tôi và thầy tôi bắt tôi phải vào một trường nội trú, không để tôi có dịp ra ngoài đi chơi nhăng nữa.
Cuối năm học ấy, tôi đỗ Xép-phi-ca rồi không biết thầy tôi đã cậy cục thế nào mà tôi được vào trường Bưởi. Tôi bận phải học nhiều nên không có thì giờ nhớ đến cô Tâm và thầy Khóa Nhự.
Nhưng hai năm sau đó, do tình cờ, tôi đi qua cửa một hiệu buôn khá to ở khu gần chợ Đồng Xuân. Đó là một cửa hàng tạp hóa có tấm bảng hiệu đề hàng chữ: “Buôn sỉ và buôn lẻ. Chủ nhân Đinh Nhự kính mời”.
Tôi bước vào, kêu lên:
- A, sĩ bách nghệ đây mà…
Thầy Khóa Nhự, phải, đúng là thầy Khóa Nhự của hai năm về trước, đang cân đường cho một bà khách, vội ngửng lên. Trông thấy tôi, thầy tất tả chạy ra, bỏ cả khách hàng:
- Ôi chao! Cậu Thắng! Cậu Thắng đấy à? Hay quá, hay quá! Cậu vào đây.
Một thiếu phụ ăn mặc sang trọng, to béo, đẫy đà, từ trong nhà cũng chạy ra, mừng rỡ. Mãi một lúc tôi mới nhận ra được đó là cô Tâm. Bây giờ ăn nên làm ra thành thử cô không gầy như dạo trước.
Tôi hỏi thầy Nhự:
- Thầy buôn bán có khá không?
Thầy Khóa Nhự quay vào nhà, vừa tiếp tục cân đường cho khách hàng vừa tươi cười đáp:
- Ồ khá lắm, khá lắm cậu Thắng ạ! Năm nay tính ra cũng kiếm lãi được ba nghìn.
- Thế còn chữ Nho? Chữ của thánh hiền?
- À chữ của cụ Khổng… chữ của thánh hiền… Nhưng mà, chính cậu cũng biết đấy, với chữ của thánh hiền tôi không sống được, không mua được sữa bò với sâm banh cậu ạ!
______
(1) Lớp ba, lớp Sơ đẳng.
(2) Lớp nhất.
(3) Tiếng Pháp là Certificat, bằng Sơ học yếu lược.
(4) Tiếng Pháp là cours Moyen 1ere année (lớp nhì năm thứ nhất).