TS Văn Thị Minh Hương - GĐ Nhạc viện TP.HCM: "Chiếc áo đào tạo cũ"... đã chật

Đôi lần, chúng tôi gặp TS Văn Thị Minh Hương tại các buổi hội thảo âm nhạc hoặc lần chị chấm chung kết cuộc thi ca nhạc Tiếng hát mãi xanh của Đài Truyền hình TP.HCM. Trò chuyện tản mạn, chị nhận xét các em thí sinh người dân tộc thiểu số vùng cao, không hiểu sao thường có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc; khi thì chị giới thiệu trước chương trình chuẩn bị Piano festival. Gặp gỡ nhân mùa nhập học năm nay, chị đã dành cho chúng tôi thời gian dài hơn. Câu chuyện trao đổi giờ đây vừa mang tính học thuật chuyên sâu, vừa xuất phát từ thực tế cuộc sống ở một ngôi trường đào tạo âm nhạc.

* Phóng viên: Thưa chị Minh Hương, được coi là nữ Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP.HCM, dưới góc độ nhà quản lý, xin chị chia sẻ đôi điều về hoạt động đào tạo của nhạc viện thời gian qua

- Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương: Về hoạt động và nhiệm vụ đào tạo nghệ thuật, chúng tôi có dịp tổng kết nhân tổ chức kỷ niệm 55 năm Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh vào năm ngoái (1956-2011). Nhìn lại chặng đường dài phát triển của một ngôi trường, cho thấy là cả sự đóng góp lớn của các vị tiền nhiệm, của nhiều thế hệ thầy cô, nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên dành cho sự nghiệp đào tạo âm nhạc. Lịch sử ngôi trường bắt đầu từ lúc Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn được  thành lập năm 1956.

pic
TS Văn Thị Minh Hương

Sau ngày miền Nam giải phóng, trường được đổi tên là Trường Quốc gia Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. Năm 1981, lại đổi thành Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Giờ đây, nhạc viện được coi là một trong ba trung tâm đào tạo âm nhạc uy tín cả nước (cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế). Nhiều năm qua, Nhạc viện TP.HCM đã bồi dưỡng, ươm mầm tài năng âm nhạc; đào tạo, cung cấp cho hàng nghìn cán bộ ngành văn hóa nghệ thuật, các nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ sáng tác, đội ngũ giáo viên âm nhạc, nhà nghiên cứu – phê bình âm nhạc… Không ít người đã thành danh trong sự nghiệp âm nhạc, có dịp khẳng định tài năng của mình qua giải thưởng các cuộc thi âm nhạc trong, ngoài nước: các liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, những cuộc thi tài năng trẻ piano, violon, guitare, thanh nhạc, đàn tranh châu Á, concours quốc gia Mùa Thu, concours quốc tế danh tiếng: Bach, Diminov, Spohr, Mozart, Per Giovani…

Một tín hiệu vui trong những ngày gần đây nhất, đề án đào tạo trình độ Tiến sĩ ở Nhạc viện TP.HCM đã trình và chờ Bộ duyệt. Công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học nếu phát triển, có thể tạo được sức bật cho sự sáng tạo của nghệ sĩ, của đội ngũ giảng viên, tăng cường nguồn nhân lực trẻ, nhân tố mới cho thành phố Hồ Chí Minh, cho khu vực phía Nam và rộng hơn, cho khu vực cả nước.

* Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, tình trạng phát triển đào tạo tự phát, biểu diễn tràn lan, liệu cánh cửa đào tạo kiểu hàn lâm của Nhạc viện TP.HCM có còn sức thu hút người học?

- Đây cũng là những thách thức đối với nhà trường. Trong quá trình đào tạo, nhạc viện luôn đặt vấn đề năng khiếu, hiệu quả, chất lượng lên hàng đầu. Thời gian qua, hoạt động xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc thực ra đã góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc và xã hội. Tuy nhiên, mặt khác, cũng không tránh khỏi một số xu hướng chạy theo thời thượng, “lai căng”, dễ gây “sốc”, gây điều tiếng trong làng ca nhạc, giải trí (đã xảy ra một số vụ việc lùm xùm, như báo chí từng đăng tải). Cho nên, theo chúng tôi, rất cần tính định hướng, tính giáo dục trong hoạt động đào tạo, biểu diễn, quảng bá, thưởng thức… Quản lý chuyên ngành và các cơ quan chức năng liên quan không nên buông lỏng điều này; đồng thời, không thể bỏ qua con mắt giám sát nghiêm ngặt, đúng đắn của công chúng, của công luận báo chí, truyền hình đối với những hoạt động này.

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, nắm bắt nhiều cơ hội phát triển, hội nhập. Âm nhạc không thể xa cách quần chúng. 55 năm qua, Nhạc viện TP.HCM đã đi từng bước, từ chập chửng đến trưởng thành. Giờ đây, nói ví von một chút: khi “chiếc áo đào tạo cũ”… đã chật thì nhất thiết phải đổi mới. Ngày nay, với tầm nhìn mới, bước đi mới, nhạc viện cần được đầu tư, đổi mới mọi mặt; xây dựng thêm cơ sở vật chất mới, cơ ngơi mới; rộng mở mối giao lưu đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu khoa học, tạo đà phát triển, hội nhập quốc tế.  

Trước mắt, về hoạt động đào tạo, giảng dạy Âm nhạc học, chúng tôi chú trọng ba mảng lớn: (1) Âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam; (2) Âm nhạc cổ điển Tây phương; (3) Nhạc nhẹ hiện đại. Riêng khoa Nhạc nhẹ - Âm nhạc Công nghệ, từ năm 2007 đến nay, qua sự hỗ trợ hợp tác với Đại học Utretch – Hà Lan, đã tiếp nhận một số kinh nghiệm khá bổ ích về vai trò nhà sản xuất âm nhạc, công nghệ sản xuất âm nhạc (một quy trình khép kín: từ người sáng tác, ca sĩ, nhạc sĩ phối khí, phòng thu đến phát hành, quảng bá…)

*Trong ba mảng âm nhạc lớn đề cập trên, vị trí Nhạc cổ điển Tây phương và Nhạc nhẹ hiện đại xem ra tạm ổn, luôn được nhiều người quan tâm. Riêng, mảng nghiên cứu, đào tạo Âm nhạc cổ truyền có thể vẫn còn khoảng cách, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa các nền văn hóa như hiện nay?

- Trở lại vấn đề này, chúng tôi xin nêu những suy nghĩ của TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM từng chia sẻ trên tạp chí Âm nhạc học (số ra đầu tiên của Nhạc viện, tháng 5/2012). Chị nhận xét: “…nước ngọt Coca - Cola không khiến người Triều Tiên  bị Mỹ hóa, sản phẩm điện tử Nhật không khiến người Mỹ bị Nhật hóa…,  điều đáng ngại là “tính phổ biến của bạo lực, tình yêu thực dụng, vấn đề giới tính (sex), chủ nghĩa anh hùng kiểu Mỹ và cả những tiết tấu của nhạc Rap, Hip - Hop… trên phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác đã ảnh hưởng một cách “không biên giới” trong lối sống của lớp trẻ hiện đại”. Chính hiện trạng này đã làm những nhà lãnh đạo các nước châu Á lo lắng và cho rằng “cần phải bảo tồn vốn cổ vì mục đích tạo cho thế hệ sau bản lĩnh văn hóa dân tộc, chống lại cơn lốc toàn cầu hóa và cuộc sống công nghiệp…”.

Riêng chúng tôi từ những chuyến du học, tham quan, học tập kinh nghiệm bảo tồn văn hóa truyền thống, âm nhạc truyền thống ở Nhật, Hàn Quốc đã được tai nghe, mắt thấy và tìm hiểu chiến lược bảo tồn bản sắc văn hóa ở các quốc gia này. Họ xây dựng sâu sắc, hệ thống, bài bản, đặc trưng và biết phát huy, vận dụng vào thực tế đời sống văn hóa, đời sống kinh tế một cách hiệu quả. Nghệ nhân các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của họ được nhà nước phong tặng danh hiệu “quốc bảo” (báu vật quốc gia). Con số này rất hiếm hoi nhưng được tôn vinh, trân trọng, đảm bảo đúng ý nghĩa, đúng tiêu chí bảo tồn. Cho nên, nghiên cứu, giảng dạy văn hóa truyền thống, âm nhạc truyền thống dân tộc, là một trong những vấn đề nhạc viện rất quan tâm và mong mỏi được sự đồng tình lớn từ công chúng, xã hội.

* Nhân đây, cũng với tư cách nhà nghiên cứu, nhà giáo giảng dạy Âm nhạc học, xin chị nói thêm vài ý kiến về chuyện nghề?

- Tôi nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc các nước khu vực Đông Á (Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) và khá chú ý đến lĩnh vực Giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông. Tên các đề tài nghiên cứu đã được xuất bản, có thể kể, như Gagaku và Nhã nhạc: công trình nghiên cứu so sánh về dàn nhạc cung đình Nhật Bản và dàn nhạc cung đình Việt Nam; Tổ chức và một số quy ước trong sân khấu Noh và Tuồng: công trình nghiên cứu so sánh về hai loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản và Việt Nam, nhìn từ góc độ văn hóa;  Xây dựng bộ CD và VCD hỗ trợ dạy nhạc ở trường phổ thông: công trình cấp bộ, mang tính ứng dụng trong lĩnh vực Giáo dục âm nhạc…

* Có phải các công trình của chị đã thể hiện “dấu ấn” ứng dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành?

- Vâng. Âm nhạc học theo nghĩa hẹp là một chuyên ngành học (từ năm 2010 trở về trước ở Việt Nam được gọi là Lý luận Âm nhạc). Xét theo nghĩa rộng, Âm nhạc học (Musicology) là khoa học nghiên cứu về âm nhạc của loài người. Ngoài vị trí là một ngành nghệ thuật độc lập, từ trước đến nay, âm nhạc vẫn luôn đồng hành hoặc phối hợp với nhiều ngành nghệ thuật khác như: múa, hội họa, sân khấu, kịch, phim ảnh… Âm nhạc còn kết hợp với thể thao và y khoa (âm nhạc liệu pháp).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các ngành khoa học công nghệ, khoa học ứng dụng; khoa học xã học và nhân văn…, lĩnh vực khoa học liên ngành ngày càng nở rộ. Vì vậy, đòi hỏi nội dung và những nghiên cứu đối với lĩnh vực âm nhạc phải có hướng mở rộng, tìm tòi, sáng tạo mới hơn, để có thể thích ứng với những thay đổi của từng giai đoạn lịch sử. Sư kết hợp và liên kết trong các nghiên cứu giữa âm nhạc và những ngành khoa học liên quan như: lịch sử, văn hóa học, giáo dục học, triết học, mỹ học, ký hiệu học, dân tộc học, nhân loại học, tâm lý học, khảo cổ học, xã hội học, sinh lý học, âm thanh học, thần kinh học, khoa học công nghệ thông tin, toán học… ngày càng phổ biến.

Có thể kể ra một số nhánh quan trọng, đã được hệ thống và chính quy hóa ở một số nước trong lĩnh vực Âm nhạc học: Lịch sử âm nhạc; Âm nhạc dân tộc học; Âm nhạc phổ thông; Lý thuyết âm nhạc; Phân tích âm nhạc; Sáng tác âm nhạc; Thực hành biểu diễn và nghiên cứu âm nhạc; Tâm lý học âm nhạc, Giáo dục âm nhạc; Phê bình âm nhạc…. (Tôi ví dụ người dẫn chương trình Quỳnh Hương ở Đài Truyền hình TP.HCM đang theo học Cao học ở Nhạc viện TP.HCM, rất mặn mà nghiên cứu và ứng dụng Xã hội học vào Âm nhạc, thích ứng cho hoạt động nghề nghiệp của cô. Chẳng hạn, chương trình âm nhạc cô đã thực hiện: Thay lời muốn nói…).

Ngoài ra, gần đây, từ mối liên kết, liên ngành, một số ngành âm nhạc mới, ứng dụng thành công những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, tạo được bước đi đột phá, hỗ trợ và tác động hiệu quả cho đời sống văn hóa tinh thần, nghệ thuật truyền thống, quảng bá du lịch, đi vào cuộc sống rõ nét, có thể kể Công nghệ âm nhạc, Sáng tác trên máy tính, Sản xuất âm nhạc, Thiết kế âm nhạc… (một số nhà sản xuất băng đĩa ở Việt Nam đã và đang khai thác thị trường âm nhạc từ ứng dụng công nghệ âm nhạc này).

pic
Gia đình chị Minh Hương

* Bây giờ, ở “cận cảnh đời sống”, chị có thể cho biết quan niệm riêng về gia đình, hạnh phúc, giáo dục con cái…?

- Bạn bè cũng thường hay hỏi tôi về vấn đề này. Tôi quan niệm thật giản dị: trong công việc cần sự nghiêm túc và trong tình cảm cần sự chân thành, cởi mở. Ngay từ thời sinh viên, tôi và ca sĩ Cao Minh (ông xã) tưởng khó hợp nhau nhưng thật ra là một sự bổ sung hoàn hảo. Tôi là con gái Đà Nẵng, sinh ra trong gia đình nhà giáo; anh ấy là chàng trai con nhà nông đất Tây Ninh, tính tình khá ngộ nghĩnh, tính cách mạnh mẽ và luôn có những suy nghĩ, đắm mình vào công việc “không giống ai”.

Cao Minh đầy tư chất nghệ sĩ và sáng tạo, kể cả lúc vận dụng vào lĩnh vực kinh tế. Anh ấy là người  luôn quan tâm và thương yêu gia đình hết mực. Do công việc, chúng tôi ít thời gian ở bên nhau nhưng những vấn đề quan trọng trong gia đình như kinh tế, dạy dỗ con cái cũng như chuyện nghề nghiệp, nghệ thuật, chúng tôi vẫn  luôn trao đổi. Tuy hai vợ chồng, mỗi người mỗi cá tính và phương pháp tiến hành công việc khác nhau nhưng cơ bản, chúng tôi ít khi nào bất đồng ý kiến. Giờ đây, nói bóng bẩy một chút cho vui, gần như trong công việc và sự nghiệp của chúng tôi luôn có hình bóng và sự hỗ trợ, cổ vũ cho nhau.

Chúng tôi có một cô con gái, 14 tuổi, học sinh Trường THCS Nguyễn Du và cũng là học sinh khoa Piano Nhạc viện TP.HCM. Cháu yêu âm nhạc, có khả năng hội họa, giống ba Cao Minh. Hàng ngày, vợ chồng mỗi người đều tất bật với công việc của mình, con gái bận đi học… Nhưng vào cuối tuần, cả nhà đều dành thời gian cho nhau, cùng thư giãn, giải trí. Hạnh phúc là gì? Theo tôi, hạnh phúc được cảm nhận, khó có thể nói ra hết bằng lời!

* Cảm ơn TS Văn Thị Minh Hương

KIM ỬNG