Tết Nhâm Thìn, tìm hiểu thêm về con Rồng

Năm cũ qua, năm mới tới, nhân Tết Nhâm Thìn ta lại tìm hiểu thêm về con Rồng. Đã có nhiều nghiên cứu về Rồng, về căn nguyên loài Rồng, về quá trình Rồng trở thành một trong 12 con giáp của một năm.

Chúng tôi tìm hiểu thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với Rồng vẫn chưa dứt. Ở Việt Nam cũng có, ở Trung Quốc cũng nhiều. Do ở cùng vùng văn hóa, lại có mối quan hệ đặc biệt và lâu đời, nên quan niệm về Rồng và văn hóa Rồng ở nước ta nhiều điểm giống với Trung Quốc. Chúng tôi xin nói lại và nói thêm một số kiến giải về Rồng của Trung Quốc.

Xưa nay, mọi giải thích đều cho rằng Rồng không phải là vật có thực mà chỉ là vật tưởng tượng, một hình tượng do con người tạo nên. Trong các từ điển lớn của Trung Quốc như Khang Hy từ điển, Từ nguyên, Từ hải, chữ LONG (Rồng) được giải thích cơ bản giống nhau: “Rồng là một loại thần vật trong truyền thuyết cổ đại, mình như rắn, có vảy, có râu, có thể biến hóa, làm mưa làm gió, làm lợi cho muôn vật”. Sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Đông Hán có phần thích nghĩa theo hình chữ như sau: “Chữ 龍 (long) (bộ phận bên trái phía trên là lập: có nghĩa cổ là đặt chức, giao việc, sai khiến, dưới là nhục: thịt, trỏ sự mạnh mẽ; bộ phận bên phải hình dạng đầu có sừng, có mõm nhô ra, mình cong như rắn có đuôi, ba gạch ngang trỏ uy lực như gươm giáo tua tủa). Tổng hợp nghĩa: trỏ vật lớn mạnh mình như rắn, có uy lực ghê gớm được Trời sai khiến biến hóa các điều có lợi cho chúng dân. Tất nhiên đây chỉ là cách giải kiểu dân dã thô sơ nhưng phổ biến.

Về khởi nguyên của Rồng thì có nhiều thuyết khác nhau. Ngay từ truyền thuyết tiêu biểu đã có những sai biệt:

  1. Rồng là vật cưỡi của Hoàng Đế: Thời viễn cổ, Hoàng Đế là sơ tổ của tộc Hoa Hạ đánh nhau với Xuy Vưu. Đánh thắng trận, Hoàng Đế cho dân chúng mở hội ăn mừng. Mọi người đang hân hoan dự hội thì bỗng trời phía bắc sáng lóe, một con vật khổng lồ lừng lững bay tới, hạ xuống đón Hoàng Đế bay thẳng về Trời.
  2. Rồng là làn chớp: Dân chúng tộc Hoa Hạ gặp nạn hạn hán, đất đai nứt nẻ không cày cấy được. Đang đỏ mắt mong mưa thì bỗng một hôm nghe tiếng ùng ùng liên tục, rồi giữa bầu trời tối đen một làn chớp sáng lóe xuất hiện ngoằn ngoèo giữa đám mây. Tiếp đó, một trận mưa lớn rơi xuống tầm tã. Dân chúng xem làn chớp đó là thần vật cứu nạn, tưởng tượng thành một con vật dài uốn lượn có tiếng kêu ùng ùng và gọi nó là con “lùng lùng” # (long long).
  3. Rồng là đám mây: Mây cuộn trên trời đem mưa đến, dân chúng nghĩ đó là con vật tốt lành trời sai đến cứu dân v.v…

Các nghiên cứu thời hiện đại thì nói chung quan niệm thống nhất: Rồng là vật tưởng tượng chứ không có thật. Những ý kiến tiêu biểu cho rằng:

  1. Rồng là Tô tem tức vật sùng bái thời nguyên thủy của tộc Hoa Hạ (tộc chủ yếu của dân tộc Trung Hoa vốn cư trú ở phía bắc sông Hoàng Hà).
  2. Ý kiến phản bác cho rằng, Rồng không phải là Tô tem của tộc Hoa Hạ mà là của một tộc nhỏ nào đó. Sau khi Hoàng Đế thâu tóm các bộ tộc, thống nhất vào tộc Hoa Hạ rồi, tổng hợp các loại Tô tem vốn có của nhiều bộ tộc, chọn những yếu tố tốt đẹp, hình thành Tô tem Rồng. Vậy Rồng là vật kết hợp nhiều loại vật Tô tem: đầu rùa, mình rắn, tai trâu, sừng hươu, bờm sư tử, mồm ngựa, râu dê, vuốt ưng, vảy cá. Đây là con vật đầy sức mạnh, đầy quyền uy.

Người đầu tiên nêu thuyết này là Văn Nhất Đa (1899-1946), học giả, nhà thơ nổi tiếng thời hiện đại.

Ý kiến này ông nêu trong cuốn Phục Hy khảo được nhiều người tán thưởng.

Song những năm gần đây lại có ý kiến bác lại với mấy luận điểm sau:

  1. Văn hóa Tô tem phát sinh từ thời đồ đá cũ, phồn vinh ở cuối thời kỳ này. Sang thời kỳ đồ đá mới thì suy giảm rồi hầu như mất hẳn khi bước vào thời kỳ xã hội có giai cấp. Theo các di chỉ và các tư liệu của giới khảo cổ thì Rồng xuất hiện ở đầu thời đồ đá mới. Lúc này đã không còn sự sùng bái Tô tem nữa (chỉ còn chút ít di tục). Vậy phán đoán Rồng là loại Tô tem, khó chấp nhận.
  2. Tô tem là vật thiêng liêng được sùng bái, được bảo vệ, không được xúc phạm, không được làm tổn thương, không được sát hại. Thế nhưng trong truyền thuyết và điển tích của văn hóa Trung Quốc, có chuyện sùng kính Rồng, song cũng có rất nhiều chuyện đấu với Rồng, chém chết Rồng, thậm chí ăn thịt Rồng. Vậy Rồng không thể là Tô tem được.
  3. Tô tem bao giờ cũng là vật có thật trong cuộc sống, vì Tô tem là từ phương ngôn của tộc Anhđiêng ở Bắc Mỹ có nghĩa là “người thân thiết” nên không thể là vật tưởng tượng. Rồng có thể là một con vật to lớn hung dữ ghê gớm có thật thời viễn cổ. Con người rất sợ hãi nó song bái phục nó. Từ đời này sang đời khác, tộc loại nó bị hủy diệt (đại khái như loài khủng long?), do không có văn tự ghi chép lại, ký ức không rõ ràng, người đời sau tô vẽ nó thành con Rồng.

Thuyết này của học giả Diêm Vân Tường được giới nghiên cứu chú ý song ít được tán thưởng.

Dường như người ta vẫn còn hứng thú phán đoán nghi vấn về lai lịch con Rồng, nhưng trong thực tế, hình tượng Rồng vẫn tồn tại và văn hóa Rồng vẫn hiện diện ở Trung Quốc và nhiều nước Phương Đông.

Rồng được xem là vật thần kỳ có năng lực phi phàm được con người tôn vinh thờ cúng.

Rồi Rồng được tượng trưng cho các đế vương vì đế vương cũng là người cao nhất, quyền uy nhất. Mọi thứ của vua cũng được gắn với Rồng: long nhan, long bào, long sàng, long ỷ, long xa...

Rồi từ chỗ xem Rồng là thần vật phi phàm, người xưa gọi các bậc hiền nhân chí sĩ là Rồng. Có chuyện chép: Khổng Tử đến yết kiến Lão Tử, về 3 ngày không mở miệng nói. Đệ tử hỏi mãi, ông mới nói: “Ta đã gặp một con Rồng, quán xuyến âm dương, thấu thông muôn vật, ta há miệng cứng lưỡi, sao còn có thể thuyết giảng gì nữa?”. Ý nói lời mình là thừa, Lão Đam là một bậc đại trí đại hiền hiếm có.

Đời Hán, Gia Cát Lượng được gọi là “Ngọa Long tiên sinh”, học giả Thái Ung say rượu được gọi là “Túy Long”… Phàm người có tài trí xuất chúng hoặc nhân cách cao khiết, hoặc tinh thông kinh sử thơ văn đều có thể xem là Rồng (Long), cho nên có câu thành ngữ “Vọng tử thành long” (mong con thành Rồng) vẫn lưu truyền phổ biến đến ngày nay.

Nhưng nhận thức về Rồng đã thay đổi theo sự tiến triển của xã hội và con người. Rồng ngày nay không còn là vật uy nghiêm, thiêng liêng, thần bí, song vẫn là hình tượng cao quý tốt đẹp trong tâm thức mọi người. Và người ta cảm nhận giá trị của Rồng nhiều hơn ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Các nhà nghiên cứu còn cho biết Rồng không chỉ có ở phương Đông. Ở phương Tây cũng có Rồng. Rồng phương Tây xuất hiện chủ yếu trong truyền thuyết, trong nghệ thuật. Rồng phương Tây được miêu tả cũng to lớn, mạnh mẽ, có sừng có vảy, nhưng có 4 chân to khỏe và đôi cánh trần không có lông. Điều khác biệt lớn là Rồng phương Tây không tượng trưng cho sự cao đẹp tốt lành như Rồng phương Đông mà chỉ toàn là sự hung dữ, độc ác.

Còn Rồng ở nước ta thì thế nào? Đã có nhiều nghiên cứu về Rồng Việt Nam được công bố. Việt Nam ta cũng là nước của Rồng. Truyền thuyết “Lạc Long – Âu Cơ ” biểu thị dân tộc ta là “con Rồng cháu Tiên”. Trong quá trình lâu dài giao lưu văn hóa, nhận thức về Rồng trong xã hội ta có nhiều điểm tương tự với Trung Quốc. Tuy nhiên sự khác bịêt cũng khá rõ. Ví như truyền thuyết về Cha Rồng Mẹ Tiên của Việt Nam từ lâu đã khá rõ ràng, không mù mờ như truyền thuyết của Trung Quốc. Nghệ thuật về Rồng cũng có những điểm khác hẳn..

Trong tâm thức người Việt, Rồng cũng là vật cao quý, tốt lành. Rồng có thể mang lại cho con người sự thành công, sự may mắn, sự yên vui. Rồng đứng đầu trong “Tứ linh” – Long (Rồng), Ly (Kỳ lân), Quy (Rùa), Phụng (Phượng hoàng) – không phải từ sự mê tín dị đoan của con người mà từ ý thức cảm nhận thẩm mỹ của văn hóa tín ngưỡng. Rồng là một sáng tạo văn hóa. Thời đại ngày nay càng có nhiều sáng tạo văn hóa Rồng. Có thể từ những sáng tạo văn hóa Rồng mà thấy được nhiều ý nghĩa giáo dục bổ ích. Mong mỏi nước ta cũng sẽ trở thành một con Rồng. Trước mắt, rất có thể hy vọng vào những con Rồng nhỏ: Rồng Toán học, Rồng Văn chương, Rồng Nghệ thuật, Rồng sinh thái (bảo vệ môi trường) v.v... Mong năm Nhâm Thìn là năm Rồng tốt đẹp.

Tháng 12/2011

PHẠM THỊ HẢO