Tháng mười hai ở Paris, hôm nắng hôm mưa hôm sương hôm tuyết, mới bốn giờ chiều ánh sáng mờ mờ ban ngày đã tắt, đứng trong nhà sưởi ấm nhìn lên trời xanh đen qua khung cửa sổ, lại nhớ Tết bên nhà. Một năm ở đây có bốn mùa, có người chỉ thích mùa thu lá rơi, có người chỉ thích mùa hè đi chơi, có người chỉ thích mùa đông trượt tuyết, nhưng mùa xuân thường còn khá lạnh, mưa nhiều, phải xuống miền Nam tìm chút nắng ấm. Bên nhà thì mùa Tết là mùa nắng ấm, khô ráo, nên về quê thì cái vui được tăng ít nhất gấp đôi. Tết có về không, lòng dạ lao chao, loanh quanh bồi hồi...
Nỗi nhớ Tết là nỗi nhớ nhà sâu đậm nhất vì Tết gắn bó với gia đình, hàng xóm, bạn bè xa gần, với quê hương, ai ai cũng muốn “về quê ăn tết”. Cái không khí tấp nập chạy ngược chạy xuôi lo sắm tết… “Tết nhất làm chi, ai bày Tết nhất làm chi… Không tiền tiêu tết, vậy thời… vậy thời… tính sao…?”(1). Chính ra, cái không khí thiêng liêng của đêm giao thừa, bước từ năm cũ sang năm mới, trong mùi hương thơm khắp nhà, bàn thờ sáng lóa ánh nến, mâm cỗ cúng giao thừa đã sắp sẵn, vòng pháo đỏ sẵn sàng được đốt… là cái làm cho tâm hồn ai cũng phải nhớ Tết. Người mình lại không buồn vì lên một tuổi, mà lại vui vì tràn đầy hy vọng trong năm mới, cái gì cũng mới, chuyện xui xẻo của năm cũ đã trôi qua và chấm dứt. Bởi thế nhiều câu chào nhau, chúc nhau bắt đầu bằng “Năm mới năm me…” kèm với một nụ cười thật tươi. Không kể đến bọn trẻ con vui như tết, được nào là quần áo mới, tiền lì xì, nghỉ học, đi chơi, kẹo bánh, không bị la rầy hay bị đòn trong ba ngày Tết…
Nhớ lần đầu tiên từ Pháp về Hà Nội, lúc máy bay sửa soạn hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi rất là hồi hộp. Hà Nội với tôi lúc đó còn là một thành phố không quen, không biết, không có gia đình mà cũng không có bạn bè ở đấy, chúng tôi chỉ là du khách từ xa về. Ngỡ ngàng đứng trước một cái mini-hotel ở Hàng Bạc, giá 35USD một đêm trọ, phòng không có lò sưởi, nhiệt độ trong phòng chỉ khoảng 18°C, 19°C trong khi ngoài trời sương mưa lạnh ẩm, tay chân chúng tôi lạnh buốt dù mặc đủ quần áo ấm. Nhưng khu phố cổ chật chội, đông người, đông xe mà lại dễ làm quen, tôi mất dần cảm giác mình là người lạ. Đứng bên bờ Hồ Gươm trong những ngày cận Tết năm ấy, tôi mới cảm thấy những cái tên “rất cổ” trong giờ học sử ngày xưa như Thăng Long, Cổ Loa, Mê Linh, gò Đống Đa… vẫn còn hiện hữu.
Sân chầu sau cổng tam quan có phiến đá khắc ghi lời thề của Hai Bà và hai hàng voi hai bên
Mùa Tết ấy, chúng tôi bị “kẹt” lại Hà Nội, hết vé máy bay vào Nam, vé tàu lửa cũng hết, không thuê được xe, không có tài xế vì ai cũng bảo “phải về quê ăn tết, một năm mới có một lần, không về thì mẹ lo lắm... ”, lại không đi đâu được, các bác tài taxi cứ lắc đầu “Tắc đường, bác ạ!”, không nhận chở. Ngày nào cũng như ngày ấy, trong cái giá rét miền Bắc lạnh buốt thấu xương, chúng tôi cứ loanh quanh Bờ Hồ, khu phố cổ ngắm người Hà Nội lo sắm sửa ăn tết, hết lượn Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Trống… đến ngắm Ô Quan Chưởng rồi lại quay về khách sạn. Mãi đến mồng sáu Tết, chúng tôi mới có bốn bánh xe để di chuyển. Một trong những điểm “du xuân ngày Tết muộn” của tôi là đi thăm đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh.
Tôi ao ước về thăm Mê Linh đã lâu, vì Mê Linh là một cái tên rất quen thuộc của những tờ báo tường, những bài hát thời trẻ dại, nhất là bài hát Đêm Mê Linh(2) thuở xưa cứ phải hát đi hát lại mãi trong mỗi lần văn nghệ cuối năm của trường đến nỗi vẫn còn in trong trí đến bây giờ. Hai Bà và các tướng lĩnh được dân chúng lập đền thờ ở nhiều nơi trên miền Bắc, bởi thế, nếu muốn thăm các di tích về Hai Bà Trưng thì phải biết chính xác đi thăm đền nào ở đâu, nhưng tôi nhất định đi đến Mê Linh, quê hương và cũng là nơi Hai Bà Trưng xưng vương, lập thành trì.
Đường đi từ trung tâm Hà Nội đến Mê Linh khoảng 40km, ngang qua nhiều ruộng trồng hoa, có nơi hoa mới lên chưa trổ bông, có nơi ruộng hoa đã cắt, tơi tả những cánh hoa ven đường còn sót lại. Không khí lạnh buốt, nền trời phủ mây đen xám xịt, mưa phùn bay lất phất, nhưng người dân vẫn cưỡi trâu ra đồng, chân đất, người và vật cắm cúi làm ruộng. Trên nhiều ruộng lúa, mạ mùa đông xuân đã được cắm thẳng hàng trong nước, lú lên xanh xanh. Khi xe vào bãi đậu trước cổng đền, tôi ngạc nhiên trước sự hoành tráng, to rộng mênh mông của đền Hai Bà Trưng, những lá cờ vua bảy màu bay phất phới trong một khung cảnh yên bình có nhiều màu xanh thiên nhiên. Theo tin tức đầu năm 2011 thì khu di tích đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh được quy hoạch đến hơn 129.700m2, gồm có khu vực nội đền, khu vực thành cổ, vườn cây, các hồ mắt voi, bãi đậu xe…(3). Qua cổng tam quan, một phiến đá thật to, cao, khắc lời thề của Hai Bà, làm trung tâm của sân đền rất rộng, đứng chắn ngay trước mắt, thu hút tà khí. Hai bên là hai hàng voi phục màu đá trắng xám, mỗi hàng chín voi, xem còn khá mới. Trời vừa mới dứt cơn mưa, trên sân đền còn loang lổ những vũng nước. Mây xám đọng nước phủ trời làm cho không gian trắng bạc mơ mơ, lành lạnh.

Ngai thờ Hai Bà Trưng trong chính điện của đền thờ Hai Bà ở Mê Linh
Phần chính của đền, nơi thờ Hai Bà và các nữ tướng, được thiết kế như cung điện sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bàn thờ chính có nhiều tầng, từ thấp lên cao, tượng Hai Bà đặt sau một khung gỗ chạm trổ rất đẹp, khổ khung gỗ chỉ vừa đủ rộng để cho người đến lễ nhìn thấp thoáng thấy Hai Bà ngồi trên ngai. Về giá trị nghệ thuật thì tôi thấy những người thiết kế bàn thờ Hai Bà có suy nghĩ đúng đắn, không phủ rèm đỏ, rèm vàng, chiếu đèn đỏ, hay đèn nhay nháy đủ màu; tượng Hai Bà mặc áo hoàng bào, trong tư thế ngồi, lưng thẳng, hai tay đặt trên hai gối, được nhấn ở phong cách tạc tượng giản dị, đẹp, rất oai nghiêm, khí thế, đúng với tinh thần Hai Bà là chiến sĩ cưỡi voi, cầm gươm ra trận, vì ở giữa tượng Hai Bà là hai thanh gươm, cán chạm trổ sơn đỏ dốc lên cao, để sẵn sàng được rút ra khỏi vỏ.
Hai bên là hai bàn thờ sáu nữ tướng, mỗi bên thờ ba vị. Tượng sáu nữ tướng đều giống nhau, rất đẹp, trang phục gọn gàng lộng lẫy, mặc áo chẽn màu vàng, có giáp che vai, cổ và ngực, giáp che bụng và lưng, quần chẽn màu đỏ, gọn ghẽ, đội vương miện như công chúa, nhưng không thiếu vẻ oai nghiêm trong tư thế đứng, hai mắt nhìn thẳng phía trước, tay trái của mỗi vị nữ tướng đặt trên cán đoản kiếm sơn son, sẵn sàng ra trận. Tuyệt đẹp!
Bên cạnh đền Hai Bà là những đền phụ, có bàn thờ sư phụ, sư mẫu của Hai Bà, bàn thờ thân phụ thân mẫu ông Thi Sách, bàn thờ ông Thi Sách và bàn thờ bá quan văn võ. Các tượng đều rất đẹp, cùng một phong cách điêu khắc như tượng Hai Bà và các nữ tướng.
Tác giả trước chính điện đền thờ Hai Bà Trưng
Phải nói, đối với riêng tôi, chưa có nơi nào gây ấn tượng đẹp, oai nghiêm, một sự thán phục cách thiết kế thông minh, không có hơi hướng mê tín dị đoan, như ở đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh. Trong khu vực đền còn có nhà triển lãm các di tích cổ đã tìm thấy, như gạch xây thành, bia, chuông cổ, bản khắc chữ Hán, các tượng điêu khắc cổ những con voi, con ngựa, con lân.
Lịch sử ghi lại, ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão Âm lịch (năm 43 Dương lịch) Hai Bà bị quân Mã Viện bức thúc, chạy về đến xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây), cùng đường, nhảy xuống sông Hát Giang, chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà, tự vẫn.
Lễ hội Hai Bà Trưng hiện nay vẫn được tổ chức đúng vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch mỗi năm. Lễ hội rất lớn, có cả hàng vạn người đổ về tham dự. Cái không may là chúng tôi về Mê Linh không đúng vào lễ hội, nhưng cái may là được ngắm nhìn thỏa thích, chiêm ngưỡng khu vực đền Hai Bà trong một không gian yên tĩnh, thanh thản, toại nguyện...
(1) | Bài hát Du xuân của Lữ Liên. |
(2) | Bài hát Đêm Mê Linh (nhạc Văn Giảng, lời Võ Phương Tùng) mở đầu với câu “Canh dài ta ngồi trong rừng cây vang âm hồn thiên thu… Trời vắng hồn lắng tiếng sơn hà trong gió hú…” khi xưa thường được các trường học dùng làm hợp ca, nhạc đệm cho những màn múa về chủ đề Hai Bà Trưng. |
(3) | Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng và khu vực thành cổ Mê Linh (thuộc làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) được quy hoạch gồm 3 khu vực: Khu vực I là khu nội đền được giữ nguyên trạng, bao gồm các công trình Nghi môn, nhà Tả mạc, Hữu mạc, hồ bán nguyệt trước nhà Tiền tế, nhà Tiền tế, Trung tế, Hậu cung, hồ mắt voi, suối cạn, đền thờ thân phụ mẫu Hai Bà, đền thờ ông Thi Sách, đền thờ các Tướng của Hai Bà (nhà bia), trụ đá thề… Khu vực II có các công trình phụ trợ và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ lễ hội. Khu vực III tiếp giáp với khu dân cư thôn Hạ Lôi, dành để thiết kế vườn cây ăn quả, hồ mắt voi 2, công trình phục chế Thành ống (thành cổ)…, một bãi đỗ xe tập trung tại khu vực phía tây nam khu di tích. (Thông tin của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, 2011). |