Tết với những truyền thống dân tộc

Bây giờ dù đang định cư ở nước ngoài nhưng mỗi năm đến Tết Nguyên Đán, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày cuối tháng Chạp năm xưa. Mẹ và cô tôi cùng nhau gói bánh chưng.

Được cái khéo tay, cho nên lúc bánh được gói xong, cái nào cũng vuông vức và đều nhau. Lạt buộc được nhuộm đỏ để chiếc bánh thêm nổi bật.

Vì làm nhiều bánh để chia cho họ hàng, không có nồi lớn, nên ngay cả thùng đựng dầu hỏa cũng không chứa đủ bánh. Bác tôi phải nhờ đến thợ rèn để cắt thùng phuy (tonneau) ra làm hai, rồi lấy phần dưới làm nồi nấu bánh.

Thùng bánh đã được đưa lên bếp rồi xếp củi, bắt lửa. Sau đó, mẹ tôi gọi cả ba anh chị em lại giao nhiệm vụ. Mẹ tôi dặn: “Ăn cơm xong, các con chia nhau ra canh nồi bánh chưng cho mẹ. Nếu thấy củi cháy gần hết thì cho thêm củi vào lò”.

Chị tôi được phân công canh từ 6 giờ chiều cho đến 10 giờ tối. Tôi phải canh từ 10 giờ tối cho đến 2 giờ khuya, còn anh tôi phải canh từ 2 giờ khuya cho đến 6 giờ sáng.Tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi rất sợ ngồi canh một mình vì sợ ma.

Đến phiên mình phải canh chừng nồi bánh thì tôi đã thủ sẵn cuốn tiểu thuyết Ba chàng Ngự Lâm pháo thủ của nhà văn Pháp André Dumas để xem, với mục đích xua đuổi tà ma.

Khi bánh chưng được vớt từ trong nồi ra; mùi lá chuối thơm ngào ngạt lan tỏa cả một góc sân. Mẹ tôi bảo: “Bánh này phải được đưa lên bàn thờ tổ tiên cúng”. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên mỗi khi Tết đến.

Câu chuyện bánh chưng, bánh dầy thời vua Hùng vẫn luôn sống mãi trong ký ức của tôi, cũng như chuyện vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh, nên ngày trước đã có câu hát: “Mặc tối đêm âm thầm. Mặc quân nhà Thanh ăn Tết. Quân Nam tiến băng mình tràn qua sông rừng. Vua Quang Trung trên mình voi cao luôn thúc ba quân…”.

Nhờ chiến thuật tập trung quân, đánh dứt điểm của vua Quang Trung cho nên quân Nam ta đánh trăm trận trăm thắng.

Biết được quân Thanh còn đang vui Tết, vua Quang Trung đôn đốc quân sĩ ra sức đi nhanh, không ngủ đêm nên chỉ vài ngày đã ra đến Thăng Long, ồ ạt tấn công, quân Thanh đã thất bại thảm hại ở trận Ngọc Hồi, Đống Đa.

Thời sau, tuy trong trận Tết Mậu Thân năm 1968, ta không toàn thắng nhưng nhờ có trận đó, đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị ký hiệp định Paris (1973), rồi đi đến ngày giải phóng và thống nhất đất nước năm 1975.

Ngày nay, chúng ta được hưởng cái Tết trong hòa bình cũng là nhờ tổ tiên ta biết giữ gìn nền văn hóa đặc thù, tuy nước ta ngàn năm sống dưới sự đô hộ của giặc phương Bắc, lúc nào họ cũng lăm le đồng hóa dân ta; hàng trăm năm là thuộc địa của thực dân Pháp; rồi chống Nhật, chống Mỹ nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sắt đá nên toàn dân tộc, nhân dân ta đã chiến thắng tất cả, mới giữ được độc lập cho đến ngày nay.

Đó cũng là tinh thần bất khuất của dòng máu oai hùng Lạc Việt.

California, ngày 1/1/2010.

HOÀI VIỆT (California)