Bài này, tôi chỉ kể chuyện bên Pháp, những cái Tết xa quê hương. Do lịch Việt Nam không trùng hợp với lịch Pháp nên Tết của ta mà… thiên hạ dửng dưng… Nhớ quê hương người Việt Nam ở Pháp, đã có người than thở:
Câu thơ đăng trong tập san của sinh viên tại Paris cách đây gần nửa thế kỷ. Sau này tôi mới biết đó là câu thơ của Trương Vĩnh Niên.

Riêng phần tôi đã đón Xuân tại Paris có lẽ đã hơn 40 năm. Nhưng Tết vui buồn thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là mấy mươi năm về trước khi quê hương chưa có hòa bình. Có người Việt Nam nào có thể dửng dưng trước các biến cố ở quê nhà…, nhưng không một ai có thể quên được Tết cổ truyền.
Khi thiên hạ đã ăn Tết Tây xong, người Việt Nam bắt đầu hướng về quê để tính ngày nào là Tết ta!
Thế là, chẳng ai bảo ai, chúng tôi trong Hội Người Việt Nam yêu nước, bắt đầu chia công việc lo Tết! Ai có sức làm được việc gì cho Hội là tự động xắn tay áo lên! Hình như nhóm làm Văn nghệ là động viên tinh thần các anh chị em trong nhóm sớm nhất.
Câu hỏi vẫn là: Tết năm nay sẽ có những tiết mục gì? Ban Văn nghệ toàn là các anh chị em yêu thích ca hát, sân khấu và sẵn sàng đi tỉnh xa trong mấy ngày Tết để góp sức cùng các Hội đoàn dưới tỉnh để làm Tết.
Có những năm, gồm mấy chục người… làm Tết ở Maubert - tức nhà Tương Tế của Pháp tại quận 5 - Về sau Hội năm nào cũng thuê ở đây để tổ chức Tết. Vì hội trường có thể chứa đến mấy ngàn người, lại có cả tầng trên để ăn và nhảy đầm sau các cuộc trình diễn văn nghệ. Tôi nhớ có những đêm Tết đông đến vài ngàn người.
Đồng bào ở tỉnh lên Paris khá đông, lúc ấy đất nước trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng nên bà con có nhu cầu gắn bó, gặp gỡ nhau nhiều hơn. Mọi người đều có nỗi lo chung và tâm tư luôn hướng về quê cha đất mẹ trong những ngày bão tố. Sau ba ngày Tết thì tình đồng hương càng thêm gắn kết.
Tôi vẫn nhớ vào cuối năm 1972, các cuộc oanh tạc bom B52 của Mỹ xuống miền Bắc rất ác liệt. Đoàn đàm phán do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn đang có mặt tại Paris. Ông đã động viên chúng tôi: Phải làm một Tết thật huy hoàng, thật đẹp đẽ, biểu dương tinh thần bất khuất.
Anh Hà đã gọi điện thoại cho tôi, hẹn đến họp bàn văn nghệ trước Tết hơn một tháng.
- Chị có thể làm Tết với anh em năm nay không?
- Dạ… làm chi? Tôi ngần ngại hỏi.
- Đóng kịch thơ! Chị sẽ thử vai chánh, phải có thời gian tập và học thuộc vài trăm câu thơ… Chị làm nổi không?
Tôi không trả lời và hỏi lại anh:
- Chắc là khó lắm? Biết tôi có sức làm không?
- Tập hai tháng liền thì chị có rảnh không?
- Dạ, tôi đang dạy tiếng Việt cho các cháu thiếu niên.
- Không sao, có người thay thế chị về công tác đó.
-Vậy, tôi sẽ làm. Nhưng vở kịch gì mà phải tập dợt tới hai tháng?
- “Tây Thi - gái nước Việt”. Kịch thơ, phải học thuộc lòng cả vở kịch.
Đó là một đêm Tết thật huy hoàng, đẹp mắt nhất từ bao năm qua. Đoàn ông Xuân Thủy có ý huy động tinh thần Hội chúng tôi làm một Tết thật đẹp, thật hay, vì Đoàn sẽ mời các bạn bè quốc tế, chủ yếu là các phe ta ở châu Âu thời ấy đã ủng hộ Việt Nam.
Các Đảng Cộng Sản ở Pháp, Ý, Đức, Anh, Tây Ban Nha… và nhiều nước khác đều được mời dự Tết cổ truyền tại Choisy - nơi đoàn Việt Nam - thường gọi là đoàn Hà Nội đang cư ngụ.
Đêm Tết ấy, tôi đã đóng vai Tây Thi và anh Đặng Quốc Kỳ đóng vai Phạm Lãi. Sân khấu Maubert đã được trang hoàng thành một cung đình kiểu cổ xưa thật hoành tráng do các anh chị kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng.
Hôm ấy khi mở màn, cả mấy ngàn người đã vỗ tay vì thấy sân khấu quá rực rỡ. Khách mời cũng không kém quan trọng, vì các ông Tổng thư ký các Đảng phe ta đều có mặt.
Ngoài ra, các nghệ sĩ tên tuổi đã từng ủng hộ Việt Nam đều đến dự, có cả ngôi sao điện ảnh Jane Fonda. Cô mới đi Việt Nam về và đã đội nón lá chụp ảnh bên bờ ruộng, đăng trên báo Mỹ làm gai mắt các người phe hữu. Các hình ảnh ấy với bao kỷ niệm của mấy chục mùa xuân trong Hội người Việt Nam tại Pháp vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người.
Mỗi lần tôi đi họp trong Hội, vẫn có những cảm xúc vừa thân thương, vừa mừng vui lẫn lo lắng như bao năm đã qua. Đời người bao giờ cũng có những thời khắc đặc biệt cho ta cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn đầy trong cuộc sống…

Nhiều năm tiếp nối từ thời Việt Nam đổi mới, người Việt ở nước ngoài hằng năm về ăn Tết ở quê hương khá đông đảo. Không vì vậy Hội đoàn người Việt Nam ở bên này thiếu vắng mùa xuân dân tộc.
Đâu đó ngoài Hội của chúng tôi, các Hội đoàn khác cũng đều tổ chức Tết tùy theo khả năng do số lượng người tham gia đóng góp. Tính một cách sơ lược thì ở trên thế giới đã có khoảng 2 triệu người Việt định cư, nhưng có lẽ lâu đời nhất vẫn là số người Việt tại Pháp vì lý do lịch sử từ hồi đầu thế kỷ XX.
Hiện nay, Tết ở Pháp, số đông gia đình vẫn giữ được truyền thống của quê hương: từ tinh thần đến hương vị vật chất qua chiếc bánh chưng xanh sau khi cúng tổ tiên, con cháu được thưởng thức những món ăn dân tộc.
Thời các con tôi chưa vào trung học, Tết nào tôi cũng xin phép cho các cháu ở nhà vào ngày mồng một Tết. Mất một buổi học của tiểu học chẳng đáng gọi là quan trọng, so với sự hiểu biết một số phong tục có phần thiêng liêng của dân tộc.

Thờ cúng tổ tiên vào ba ngày Tết theo ý tôi là rất ý nghĩa cho các trẻ biết thế nào là tôn trọng lễ nghĩa, biết đến cội nguồn.
Riêng tôi và một số bạn hữu vào những năm từ 1970 đã điện thoại cho nhau vào dịp Tết, nhất là những hôm có hứng cảm để khai bút làm thơ (cũng là dịp để gửi về cho các bạn bè ở trong nước). Tôi còn nhớ những lần khai bút với các vị như: ông bà Nguyễn Tiến Lãng, học giả Hoàng Xuân Hãn và một số thân hữu thời ấy. Tôi còn bút tích của ông Hoàng Xuân Hãn viết cả chữ Hán.
Các kỷ niệm về Tết suốt những năm Việt Nam trong chiến đấu, trong máu lửa để lại biết bao dấu ấn cho đến tận giờ.