Đi dọc hành trình tùy bút Nguyễn Tuân, nhận thấy rất rõ sự vận động phát triển về ngôn từ. Ở vài tác phẩm đầu tay của ông, câu văn, hơi văn còn phảng phất cổ và sáo (với những từ mòn và lối văn biền ngẫu). Liền sau đó, diện mạo ngôn từ Nguyễn Tuân biến đổi, ông nhanh chóng định hình phong cách và khẳng định phong độ của mình.
Nguyễn Tuân đã được mệnh danh bằng những chữ tôn vinh nhất có thể tìm thấy trong việc đánh giá ngôn từ: bậc thợ cả ngôn từ văn xuôi, “người quốc ngữ” tài hoa, “cây bút quái kiệt”, “người thợ kim hoàn” chữ nghĩa, viết mà giống như nhà điêu khắc “cần cù chạm trổ vào mặt đá quý những hình nét trác tuyệt”.
Có người nói đến “ma lực của ngôn ngữ” Nguyễn Tuân, ở ông “mỗi chữ đều như có dấu ấn riêng”; có người thấy “cần có chuyên luận riêng” cho mục này.
Giới nghiên cứu ca tụng những bữa tiệc, những ngày hội ngôn từ trên trang văn Nguyễn Tuân, đến hành trình vào tác phẩm Nguyễn Tuân như “hành trình vào một cung điện đầy màu sắc diễm ảo”, đề cập đến việc soạn một từ điển ngôn ngữ Nguyễn Tuân - với những “phố Phái”, “huyện đảo”… mà nhà văn này đã góp vào kho từ vựng chung của tiếng Việt.
Người ta hiểu rằng, cả một vùng trời lung linh ngôn ngữ ấy là tinh kết của một cuộc sống từng trải, của hàng trăm tuần trà, hằng bao nhiêu chuyến “xê dịch” bốn phương, là gạn lọc từ bao đêm không ngủ, lắng vào suy nghiệm, si mê góp nhặt từng mảy vàng tiếng mẹ đẻ…
Sự sành sỏi tiếng Việt của Nguyễn Tuân thể hiện ở hai khía cạnh:
- Nguyễn Tuân nói khó ai chê được.
- Nguyễn Tuân nói không giống ai.
Ví dụ: “Tôi rước tôi ra đường”, “Nó bê - năm - hai Hà Nội”
Có sự song hành thú vị giữa tỉnh táo và mê đắm trong văn Nguyễn Tuân. Một mặt câu chữ Nguyễn Tuân thể hiện rõ sự dụng công, có lúc đến độ cầu kì lộ liễu như là kĩ xảo; mặt khác lại là chất thơ có khả năng cuốn hút đến ngẩn ngơ.

Nhà văn Nguyễn Tuân. Tranh của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh.
Bên cạnh những câu tầng tầng lớp lớp như muốn tận cùng kì lý với sự đời, lại có những câu mê đắm trong trẻo thanh tao như đang nhập cảm, hòa tan cùng cảnh sắc.
Bản lĩnh và niềm đam mê tài hoa đối với ngôn từ ấy là sự thể hiện, đồng thời là sự thực hiện khát vọng tự do - tự do thể hiện chính mình, tự do là mình, có cái riêng của mình… bởi vì khó có gì có thể tự do hơn ngôn ngữ nghệ thuật.
Ẩn sau tài năng và công phu, còn là tình yêu lớn của Nguyễn Tuân dành cho tiếng mẹ đẻ - nơi kết tinh linh hồn văn hóa dân tộc.
Văn Nguyễn Tuân không chỉ là tòa lầu chữ nghĩa, mà còn là biển thẳm tâm hồn. Nguyễn Tuân không dừng lại ở chỗ chỉ là người hát rong suốt đời ngợi ca sự huyền diệu không cùng của tiếng Việt.
Nếu ta ngẫm nghiệm kĩ miếng “nắng ròn tan” trên bãi sông Đà, “cái hồn nhiên trắng nõn” của mảnh tường quê hương với nước vôi ăn Tết, những đoạn văn chứa chất nỗi đời trong Tóc chị Hoài, những câu văn co duỗi hết sức uyển chuyển đa dạng… có thể nhặt ra vô số qua các thiên tùy bút từ Một chuyến đi trước kia đến những trang kí chống Mỹ sau này - những câu văn có nhạc điệu trữ tình giàu chất thơ của phương Đông truyền thống, lại cũng có cái lôgic sắc sảo trập trùng sự kiện của phương Tây hiện đại; ta sẽ thấy Nguyễn Tuân đã mở rộng bờ cõi ngôn từ văn chương làm giàu thêm cho lời ăn tiếng nói dân tộc như thế nào.
Cái giọng “đặc Việt Nam” ấy, thật ra đã được hiện đại hóa, nảy nở thêm nhiều sức diễn tả mới với những câu văn xuôi “có một không hai” mà Phan Ngọc đã đem sánh với câu thơ Nguyễn Du, câu đối Nguyễn Khuyến (*).
Nguyễn Tuân đã tự tôi luyện cho mình một bản lĩnh văn hóa vững vàng, một trình độ nghệ thuật độc đáo; nên ông thực sự làm chủ những gì mình viết, đồng thời thực sự làm chủ “chất liệu thứ nhất” cho sáng tạo văn học, khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của tiếng Việt văn học - thứ “tiếng nói ruột thịt tủy xương đó”.
Với Nguyễn Tuân, ngôn từ không chỉ là chất liệu, phương tiện, mà còn là đối tượng của văn chương, là chính văn chương, và nhà văn đã có ý thức lạ hóa nó, để tạo được dấu ấn độc đáo cho mình và hấp dẫn độc giả.
Ý thức này ở Nguyễn Tuân có gì đó gợi nhớ đến hình bóng của những người theo trường phái chủ nghĩa hình thức Nga thế kỉ XIX. Con đường ngôn từ mà Nguyễn Tuân khai phá có lẽ chỉ dành cho ông.
Trên độc đạo ấy, ông là khách độc hành. Nhưng rõ ràng, ở đây, Nguyễn Tuân đã để lại tấm gương lớn về lao động sáng tạo và dũng khí mở đường.
(*) | Phan Ngọc: “Qua thao tác, tôi đã phát hiện được có câu thơ Nguyễn Du, câu đối Nguyễn Khuyến, và câu văn Nguyễn Tuân, ba người họ Nguyễn kì tài…” [121/217]. |
Bài liên quan: