Đâu chỉ lỗi của riêng ngành giáo dục!

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm học 2011–2012 đã có kết quả chính thức cách đây chưa lâu. Tỷ lệ thí sinh đỗ cao ngất ngưởng, có tỉnh, thành đạt tới 100%, bình quân cả nước hơn 97,8%.

Nhưng “con số đẹp” đầy bi hài ấy đã làm ngành giáo dục lại gánh chịu nhiều búa rìu dư luận. Tất nhiên, không thể phủ nhận trách nhiệm trước hết và trực tiếp nhất là của ngành giáo dục, nhưng theo tôi, sự chỉ trích đó là thiếu khách quan và không công bằng, bởi vì đằng sau ngành giáo dục là một thế lực khác to lớn hơn, thẩm quyền cao hơn, có tính quyết định hơn đang giữ vai trò chi phối.

Xin đơn cử một hiện tượng mà hàng chục năm qua đã diễn ra lặp đi lặp lại. Thường trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức, các hội đồng coi thi được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành thông báo về các huyện, thành phố. Lập tức trước ngày thi (một hoặc hai ngày) là đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố đến gặp gỡ Hội đồng coi thi, gọi là thăm hỏi.

Chuyện ấy diễn ra trên cả nước từ miền xuôi  lên mạn ngược, từ đồng bằng đến hải đảo chứ đâu phải riêng huyện, thành phố nào và cũng đã “xưa như trái đất”. Mà một huyện, thành phố thuộc tỉnh cũng có đến vài ba hội đồng coi thi chứ ít đâu.

Phải chăng đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với sự nghiệp giáo dục? Chắc chắn là không, bởi vì đối với một lĩnh vực lớn, có tầm “quốc sách hàng đầu” như thế cần phải có sự đầu tư toàn diện, căn cơ, có hệ thống về nhiều mặt từ nguồn lực của nhà nước và toàn xã hội, đâu phải chỉ có kiểu “ăn xổi ở thì” như thế!

Có phải là sự thăm hỏi thuần túy tình nghĩa vô tư, trong sáng của lãnh đạo địa phương đối với các thầy giáo, cô giáo đang làm nhiệm vụ coi thi không? Không hẳn thế! Thực chất đằng sau những cuộc thăm hỏi này là gì?

Đó là, những lời căn dặn, gởi gắm rất nhẹ nhàng, tình cảm, đại loại như: “Mong quý thầy, cô chiếu cố, hầu hết học sinh ở đây là con em nông dân, đời sống còn nhiều khó khăn, nếu các em có vi phạm gì thì đừng lập biên bản mà nên nhắc nhở!”; “Nếu thầy, cô làm khó, thì lãnh đạo địa phương còn mặt mũi nào, lại khó ăn, khó nói với cấp trên!”; hoặc “Tạo điều kiện để cho các em có tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách để các em có cơ hội vào đời, tìm việc làm” v.v… và v.v…

Toàn những lời lẽ thống thiết và chí lý, chí tình cả, “dẫu là đá cũng nát gan lọ người”. Nhưng xin thưa, đó còn là một mệnh lệnh “bất thành văn” và “bất khả từ”…

pic
Tỉ lệ đậu tốt nghiệp PTTH

Nhiều thầy giáo, cô giáo tâm huyết, chân chính tâm sự rằng, thực trạng này đã trở thành “cố hữu” rồi, nhiều khi thấy lãnh đạo địa phương đến “thăm” nhưng thực ra trong lòng chỉ thấy buồn! Bởi vì lại thêm một lần chịu những áp lực phi lý và mình không còn thực sự xứng đáng, không đầy đủ tư cách của một người thầy giáo nữa. Day dứt lắm, dằn vặt lắm chứ! Sự nghiệp giáo dục ở cấp nào do cấp ủy, chính quyền địa phương đó lãnh đạo, quản lý, kể cả thân phận người thầy, nên thật khó để mà thoát ra được cái vòng cương tỏa ấy (?!).

Vì thế, hiếm có thầy, cô giáo nào dám đứng ra “bẻ nạng chống trời”. Trong cái xu thế xã hội chung ấy, nhỡ có ai đó làm khác đi cái mệnh lệnh trên, có nghĩa là làm đúng với lương tâm nghề nghiệp của mình và yêu cầu của xã hội, có khi lại bị lên án, bị chỉ trích gay gắt nữa là đằng khác! Thế là đành buông xuôi! Thế là cái hệ lụy xã hội của ngành giáo dục cứ mặc nhiên tồn tại!

Và cứ thế, hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tỉnh A, thành phố B lại đạt 99%, 100%... qua mỗi kỳ thi lại vang lên đến nhức nhối tâm can. Bởi vì, những “con số đẹp” trên đâu có đem lại gì cho sự phồn vinh, giàu mạnh cho đất nước, đâu có đem lại gì cho niềm tự hào của một dân tộc vốn có nền văn hiến mấy nghìn năm!

Cho nên, xin đừng đổ vấy toàn bộ trách nhiệm và tội lỗi của “căn bệnh thành tích” trên cho riêng ngành giáo dục ở cấp nào!

BÙI ĐỨC KHÁNG

(Văn phòng Huyện ủy Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)