Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế với nhiều hiệu quả đáng ghi nhận thì hiện tượng xuống cấp, suy thoái đạo đức xã hội ngày càng trở nên trầm trọng với mức báo động, gây bức xúc và lo ngại cho sự phát triển bền vững, lâu dài.
Cái xấu, cái ác ngang nhiên hoành hành, thách thức kỷ cương, phép nước có chiều hướng ngày càng gia tăng, len lỏi vào cuộc sống của từng gia đình, nhà trường, xã hội và cả ở các cơ quan từ địa phương tới cấp cao, trong khi liều thuốc chữa trị dường như ngày càng kém hiệu lực.
Cái gốc của nguy cơ này chính là sự xuống cấp của văn hóa cả trong giáo dục và đời sống. Từng ngày, từng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng dày đặc những tin tức về các tệ nạn xã hội, trộm cắp, hiếp dâm, chém giết lẫn nhau, những vụ tham nhũng xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”, vụ sau lớn hơn vụ trước, nạn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dùng chất độc hóa học để chế biến thực phẩm, thu lợi bất chính, bất kể đến sức khỏe cộng đồng…
Điều đáng lo ngại là thị hiếu lành mạnh của người đọc, người xem cũng dần bị bào mòn, thay vào đó là sự hiếu kỳ, ham thích những tin tức giật gân. Báo chí, truyền hình cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác khi đưa những gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến thường bị người đọc thờ ơ, chẳng quan tâm. Trái lại, càng có tin tức, bài vở giật gân về những mặt trái của xã hội càng được bán chạy, có đông người đọc, người xem. Từ thói quen bất bình thường này của xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ, dẫn đến sự méo mó trong cách nhìn, lối sống, sự xuống cấp của các chuẩn mực đạo đức như một sự tất yếu.
Khi cơ thể xã hội đã bị suy nhược toàn thân như hiện nay, cần rất nhiều thuốc và phương pháp điều trị, nhưng điều cơ bản cần được quan tâm trước hết vẫn là khôi phục và phát triển văn hóa, bắt nguồn từ cội nguồn dân tộc và tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới.

Nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số Hà Giang
Cần có sự đầu tư đúng mức và đúng hướng mang tính chiến lược cho công tác này. Tôi rất tâm đắc với lời của một nhà văn Nga gần đây, đại ý: Khi những người có trách nhiệm bớt đi một đồng đầu tư cho văn hóa thì sẽ phải bỏ ra một trăm đồng cho nhà tù và công tác cải tạo.
Đầu tư cho văn hóa đúng hướng không bao giờ là thừa và phải đi trước một bước chứ không phải là nhỏ giọt, chỉ mang tính chữa cháy, nhất thời.