Chúng tôi xin hoan nghênh ý kiến phản hồi, chứng tỏ sự quan tâm đến thơ Đường – nó cũng là vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc, và nhân loại. Để khỏi phải kéo dài việc tranh luận cách hiểu bài thơ (vì Hồn Việt không có đủ trang cho việc ấy), nên chúng tôi xin phát biểu mấy ý kiến như sau.
*
Trước tiên vì thơ Đường là của Trung Hoa, mà Trung Hoa thì nhà nghiên cứu, biên khảo nhiều như cây rừng, nên trước hết ta phải nghe người “bản ngữ” đã. Tra cứu vào các sách như Cổ thi hải - Thượng Hải Cổ Tịch xuất bản xã, 1992; Đường thi giám thưởng từ điển - Thượng Hải Từ Thư xuất bản xã, 2000; Lịch đại tuyệt cú tinh hoa giám thưởng từ điển - Thiểm Tây Nhân Dân xuất bản xã, 1993; Đường thi đại từ điển - Giang Tô Cổ Tịch xuất bản xã, 1992; Đường thi tam bách thủ, tân dịch - Tam Dân Thư Quán ấn hành, Đài Bắc, 2005; Trung Hoa thiên cổ danh thiên tân biên - Phúc Đán Đại Học xuất bản xã, Thượng Hải, 2000 và Đường thi tam bách thủ, tân chú bản - Trung Hoa Thư Cục, Bắc Kinh, 2006… thì thấy đối với các học giả Trung Hoa vẫn có một vài cách hiểu khác nhau về câu chữ, về ý nghĩa của bài thơ.
Điều đầu tiên được ghi nhận là: không có bản nào, ở đâu, giải nghĩa chữ mã thượng là ngay tức khắc. Tất cả đều hiểu: tỳ bà mã thượng 琵琶馬上 là một cụm từ, chỉ việc đánh đàn tỳ bà trên lưng ngựa, một nét văn hóa đặc sắc ở Tây vực (dịch ra bạch thoại là mã thượng đích tỳ bà 馬上的琵琶).
Mấu chốt vấn đề nằm ở chữ thôi 催. Thôi vẫn tồn tại hai cách hiểu:
1. Thôi xúc 催促 là giục giã – và là giục giã ra trận 要出征了 (xem Đường thi tam bách thủ, tân dịch - Tam Dân Thư Quán ấn hành, Đài Bắc, 2005).
2. Các bản khác hiểu là:
- Đàn tấu 弾揍(đánh đàn).
- Cấp xúc đích tiết tấu 急促的節奏 (thanh điệu gấp), tiếng đàn tấu lên (rộn rã).
- Cũng có thể hiểu là tiếng đàn tỳ bà giục giã ra trận được (nhưng mới là giục thôi, còn chưa đi).
Đây là một bữa tiệc tiễn đưa, một bữa tiệc úy lạo tướng sĩ trước khi ra trận, có âm nhạc, dàn nhạc theo kiểu Tây vực, để khích lệ các tráng sĩ. Cho nên câu sau có thể hiểu: đang lúc cầm chén lên toan uống, thì lại có tiếng đàn giục sôi lên (khích lệ ra trận) – Rượu đi với nhạc. Tất nhiên là tráng sĩ đã uống cạn, uống nhiều đến say mềm, say lăn đùng ra tiệc rượu và tự nói một cách hài hước: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 醉臥沙場君莫笑: ở chốn sa trường (ta hiểu nơi uống rượu – biên giới giữa Trung Hoa và Tây vực, “rợ Hồ” như họ gọi – đã là sa trường rồi) có say lăn đùng thì anh cũng chớ cười. (Bởi vì) xưa nay đi chinh chiến có mấy người trở về đâu!
Bi, một chút hài hước và cả tráng liệt nữa, là những sắc thái thẩm mỹ của bài thơ. Các sách không nói gì đến phản chiến. Đời Đường, các nước Tây vực, Thổ Phồn thường đánh vào Trung Quốc, nhiều khi đánh đến cả Tràng An kia (như loạn An Lộc Sơn), nên việc chinh chiến với các nước đó là chuyện thường xuyên. Hình thành trường phái thơ gọi là “thơ biên tái”, trong đó có Vương Hàn, Sầm Tham… Và đây là một trong những bài thơ được ngàn xưa truyền tụng là “danh thiên”.
Vậy thì, tóm lại, việc hiểu bài thơ này như nhà nghiên cứu Thế Anh là tương đối ổn đáng.
Cần nói thêm một chút về chén dạ quang 夜光杯: đó là thứ chén làm bằng bạch ngọc 白玉, đêm đem ra soi lên trời thì thấy trong chén như có nước sóng sánh. Rượu “bồ đào” 葡萄酒 – rượu nho – cũng là thứ rượu quý ở Tây vực.
Nhân đây, cũng xin dịch bài thơ một lần nữa để mua vui:
Rượu nho thơm ngát chén lưu ly Sắp uống, trên yên rộn tiếng tỳ. Chinh chiến mấy ai người trở lại, Say đùng, anh chớ vội cười chi! |
Bài liên quan: