Vũ Bội Trâm trong thương nhớ

Mấy tháng nay, Phùng Đỗ Quyên con gái đầu của ông bà Phùng Quán cùng với cháu ngoại từ nước ngoài về chăm sóc mẹ nhưng do bệnh nặng kéo dài, sáng chủ nhật ngày 15/8/2010, cô giáo Vũ Bội Trâm, vợ nhà thơ Phùng Quán đã từ giã cuộc đời tại Bệnh viện Hữu Nghị.

Cuối những năm 1950 của thế kỷ trước, Phùng Quán có viết một số bài thơ bị lên án trong vụ Nhân văn - Giai phẩm. Anh bộ đội trẻ Phùng Quán đã gặp và yêu cô giáo Vũ Bội Trâm. Gia đình chị Trâm không đồng ý. Chị phải chịu nhiều áp lực của dư luận xã hội, của gia đình. Sau một thời gian khá dài, hai người đã mời một số bạn bè đến nhà bà Trưởng Giơi, mẹ nuôi của Phùng Quán ở Nghi Tàm tổ chức một mâm cơm thay cho tiệc cưới.

Chị Nguyễn Thị Điều, vợ nhà thơ Tạ Vũ kể lại:

- Đầu năm 1961, anh chị Phùng Quán - Bội Trâm đã mời bạn bè đến chứng kiến cuộc sống chung của hai người.

Anh chị lo được hai con gà và vài cân nếp. Cô dâu mặc áo dài cầm mấy bông hoa lay ơn trắng cùng cô em họ đi xe đạp lên Nghi Tàm. Vài giờ sau có bà dì lên với chị Bội Trâm. Đến nơi, chị Trâm thay áo dài rồi bắt tay vào làm cỗ. Bữa cỗ ấy chị Trâm nấu rất ngon. Có bà Trưởng Giơi, Xuân Đài, Xuân Trung, Lê Ngọc Quỳ ở Báo Lao Động, Tạ Vũ và tôi dự. Chúng tôi nâng cốc rượu mừng hạnh phúc anh chị. Chiều đến lại tổ chức một mâm rượu nữa. Không khí thật vui.

Buổi chiều, còn lại một con gà, Phùng Quán buộc vào gốc cây ngoài sân. Đêm đó, trong gian nhà chật, tôi nằm một giường sát giường vợ chồng Phùng Quán, trò chuyện đến khuya. Bỗng có tiếng gà kêu ngoài sân. Phùng Quán vội chạy ra thì thấy gà đã bị chồn cắn chết. Phùng Quán đun nước sôi làm gà. Cuộc vui kéo dài ba ngày, mỗi ngày hai ba mâm rượu. Sau này, cháu Trang con gái chúng tôi lên thăm bác Bội Trâm. Bác nói với cháu: - Các cháu ngày nay đi lấy chồng được lên xe hoa chứ bác thì không được lên xe hoa.

Nhiều lần đến thăm chị Bội Trâm, tôi được nghe chị tâm sự:

- Anh Quán nhiều lần bị kiểm điểm, phê phán gay gắt. Anh buồn lắm. Tôi lo lắng cho anh, theo sát an ủi anh. Chỉ sợ anh phẫn chí làm điều gì dại dột, hủy hoại thân mình nên tôi quyết yêu anh.

Phùng Quán và Tuân Nguyễn trước ở cùng một tiểu đội thuộc Trung đoàn 101 Thừa Thiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối năm 1961, Tuân Nguyễn và tôi làm biên tập chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều lần, anh Phùng Quán đến 20 Tràng Tiền chơi với chúng tôi. Khi con gái đầu lòng của Phùng Quán - Bội Trâm là cháu Phùng Đỗ Quyên ra đời, anh Tuân Nguyễn trích tiền lương của mình mỗi tháng năm đồng gửi Phùng Quán mua sữa cho con.

Tuân Nguyễn chịu nhiều gian truân và bị tai nạn giao thông mất tháng 5 năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đấy vợ chồng Phùng Quán đã thờ Tuân Nguyễn.

Ngày 23 tháng chạp năm Ất Hợi (1995), Phùng Quán từ trần. Hằng năm đến ngày giỗ của Tuân Nguyễn và Phùng Quán, nhiều bạn bè đã đến thắp hương cho hai nhà thơ xứ Huế. Những năm còn khỏe mạnh, chị Bội Trâm chu đáo lo các mâm cỗ dọn cho bạn bè của hai anh.

Khi cuốn Ba phút sự thật của Phùng Quán do nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, tôi rất mừng khi được đọc hồi ký Người bạn lính cùng tiểu đội khắc họa sắc nét về nhà thơ Tuân Nguyễn. Chị Bội Trâm cho biết:

- Anh Quán viết hồi ký này rất công phu, viết rất chậm, sửa từng chữ, từng chi tiết. Anh nói với tôi: Chưa bao giờ anh viết một chân dung kỹ và hứng thú như khi viết về Tuân Nguyễn.


Giỗ Tuân Nguyễn lần thứ 25 tại nhà Phùng Quán - Bội Trâm
ra mắt cuốn Nhớ Tuân Nguyễn ngày 2/5/2008. Hàng ngồi từ trái sang phải:
Nguyễn Thị Ngọc Sương, Vũ Bội Trâm (vợ Phùng Quán), Cao Thị Thái Tần,
Nguyễn Thị Điều, Phương Thúy (vợ Tuân Nguyễn). Hàng đứng: Đậu Kế Đức,
Trần Phương Trà, Phạm Bách Phát.

Trước đây tôi đã sưu tầm được một số bài thơ của Tuân Nguyễn nay có hồi ký rất hay của Phùng Quán nên quyết định sưu tầm thêm thơ Tuân Nguyễn và mời một số bạn bè viết về Tuân Nguyễn. Các anh chị Phạm Bách Phát, Cao Thị Thái Tần, Nguyễn Thị Điều, Vũ Bội Trâm, Bùi Xuân Tấn, Chương Thâu, Phương Thúy... cung cấp cho tôi một số bài thơ và bút tích Tuân Nguyễn.

Tôi biết có một người tốt bụng chuyển lại cho anh Phùng Quán cuốn lý lịch và một số bản thảo của Tuân Nguyễn. Tôi nhờ chị Bội Trâm tìm cho. Chị thắp hương trước bàn thờ Phùng Quán, Tuân Nguyễn khấn vái để tìm tập tài liệu ấy. Chị Bội Trâm lục trong tủ bản thảo của Phùng Quán và tìm được. Mặc dù đã khuya, chị gọi điện báo tin mừng cho tôi và hẹn tôi sáng hôm sau đến lấy tài liệu. Đêm ấy, chị thức trắng đọc lại lý lịch và những di cảo của Tuân Nguyễn. Nhờ số tư liệu ấy, tôi bổ sung để biên soạn cuốn Nhớ Tuân Nguyễn, nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2008.

Đúng vào ngày giỗ lần thứ 25 của Tuân Nguyễn, cuốn sách ấy đã được đặt trên bàn thờ Phùng Quán - Tuân Nguyễn và nhiều bạn bè đến thắp hương cho hai anh (ảnh minh họa).

Mặc dù đau yếu, cô giáo Vũ Bội Trâm đã lục lại bản thảo của chồng, nhờ cháu Nguyễn Thị Dịu ghi chép, sắp xếp lại. Nhiều trang bản thảo Phùng Quán viết bằng mực trên giấy xấu nay bị nhòe. Chị phải dùng kính lúp soi, phán đoán từng nét chữ để đọc lại cho đúng. Chị cùng với nhà thơ Ngô Minh hoàn thành tập sách Phùng Quán còn đây.

Nhà thơ Phùng Quán đã từng viết: “Có nhiều lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Có thể nói, chính Phùng Quán đã vịn vào cô giáo Vũ Bội Trâm, tựa vào tình yêu chung thủy son sắt, lòng dũng cảm, sức chịu đựng bền bỉ và sự hy sinh cao cả của người vợ hiền dịu, vượt lên mọi khổ ải để sống và sáng tác.

Mãi mãi còn lại hình ảnh cô giáo dạy văn Vũ Bội Trâm giữa các cô cậu học trò cũ trường Chu Văn An, giữa bạn bè khoá I (1954 - 1957) Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội, hình ảnh người vợ nhẫn nại tần tảo trong ngôi nhà mẹ Trưởng Giơi ở Nghi Tàm, ở căn nhà khu tập thể của trường, bên Chòi ngắm sóng ở Hồ Tây, khu tập thể trường mẫu giáo Trung ương ở phố Vĩnh Phúc...

Tưởng như còn nghe sang sảng tiếng của Phùng Quán khi đọc bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe:

… Giật mình, trên tay vợ
Bỗng nảy một hạt sương
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn chừng giữa trang

... Vụng về... tôi dỗ vợ
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương

Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!...

Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt

Hà Nội, ngày 16/8/2010
TRẦN PHƯƠNG TRÀ