Sau Hiệp định Genève 1954, trong cảnh hỗn loạn của những dòng người cuống cuồng từ miền Bắc di cư vào Nam, có khá nhiều người viết văn, làm báo. Phần lớn các cây bút này sống trong các thành phố bị chiếm đóng. Ai ngờ, nhà văn Vũ Bằng, có thể được xem là bậc đàn anh trong văn đàn bấy giờ, nhận nhiệm vụ chuyển thư của một đường dây hoạt động Quân báo. Gia đình bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ Vũ Bằng, ở lại Hà Nội, là nơi tiếp nhận thư từ miền Nam ra – những lá thư có vẻ thăm hỏi sức khỏe nhưng mang mật mã của một đường dây tình báo quân đội. Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thôi, nhưng đóng góp ấy đã được công nhận, ánh chớp ấy làm sáng lên một quãng trong cuộc đời luôn phải đối mặt với cam go và phức tạp của nhà văn này.
Những năm sống ở Sài Gòn, đô thị lớn nhất miền Nam, tràn ngập hàng hóa ngoại quốc, đến độ có nhà nghiên cứu xã hội bấy giờ ví là những trận lũ đôla và hàng miễn thuế, vậy mà Vũ Bằng phải vất vả kiếm sống hằng ngày. Ông phải viết đủ thể loại, có khi sa vào lối viết rẻ tiền. Chắc rằng với mẫn cảm của một nhà văn, Vũ Bằng không muốn thế, nhưng trước sự cấp bách của đời sống một gia đình đông con Vũ Bằng đành phải hy sinh khuôn mẫu đạo đức gia phong ông tiếp thu được từ truyền thống của dòng họ, gia đình.

|
Nhưng có một thời gian, Vũ Bằng đã viết nên một tác phẩm lớn của thể ký: Thương nhớ mười hai. Ngay khi ra đời, Thương nhớ mười hai được chào đón ở Sài Gòn, nhất là với tầng lớp người gốc miền Bắc. Thương nhớ mười hai, với câu chữ chọn lọc, chi tiết cực kỳ đắt, khai thác tối đa văn hóa, cảnh sắc theo mùa rất riêng ở miền Bắc, Vũ Bằng đã khơi dậy nỗi nhớ và tìm được sự cộng hưởng của họ. Ký ức người đọc trỗi dậy, thương nhớ nơi chôn rau cắt rốn, với những phong tục của làng phố đồng bằng Bắc Bộ. Ngay như ở Hà Nội, nhà văn Tô Hoài cũng phải thốt lên: “Làm cho người đương ở Hà Nội cũng phải yêu lây”. Có phải chăng, khi “thương nhớ” vậy, Vũ Bằng có một dòng chảy trong veo trong cảm xúc hay là sự thương nhớ pha chút hối hận với người bạn trăm năm đang ở miền đất xa ngái ấy? Qua thử thách của thời gian hơn nửa thế kỷ, Thương nhớ mười hai đã chứng tỏ được một tác phẩm lớn, giá trị của nó không hề suy giảm cho dù tâm thế người đọc ít nhiều đã thay đổi.
Bây giờ, cái cách gọi “nhà văn tiền chiến” xem ra không hợp nữa. Vũ Bằng là một trong những nhà văn khởi đầu cho nền báo chí, văn học hiện đại. Giữa cái thời đất nước trong sự cai trị của thực dân, phong kiến, trong khi các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài có những tác phẩm xoáy sâu vào thân phận người cùng khổ ở thành thị, nông thôn của một đất nước thuộc địa, những cảnh đời lầm than… Vũ Bằng không có được những tác phẩm với nhân vật cùng khổ, đầy góc cạnh trong xã hội như thế. Các truyện ngắn của Vũ Bằng như Một người rơi xuống hồ, lên án sự thờ ơ của xã hội trước mạng sống, hay rộng hơn là số phận con người, có ý tưởng hay, nhưng nặng về tính luân lý, cấu trúc đơn giản, nghiêng về khái niệm. Ngày mai tôi chết, nói được cái nghèo khổ của nghề viết lách thời bấy giờ, nhưng cũng vẫn sa vào lối bộc bạch của một kiểu bút ký. Nhìn chung, giữa cái thời truyện ngắn liên tục được mùa, trúng vụ, các nhà văn đương thời như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, và cả Vũ Trọng Phụng, bên cạnh kiệt tác Số đỏ là mấy truyện ngắn đặc sắc như Cái răng vàng, Bà lão lòa… thì Vũ Bằng không gặt hái được ở thể tài này. Có lẽ do sự đòi hỏi nghiêm ngặt của thể loại truyện ngắn thời bấy giờ là ngoài cốt truyện, chi tiết đặc sắc, còn phải biết bố cục chặt chẽ, gây được tình huống bất ngờ, mà Vũ Bằng lại có sở trường bút ký, tùy bút.
Cái chất báo chí rất sâu đậm trong các tác phẩm văn học của Vũ Bằng. Đó là việc nắm bắt sự thay đổi của thời cuộc, chất liệu diễn ra trong đời sống hằng ngày. Hai tác phẩm Món ngon Hà Nội và Miếng lạ miền Nam, xuất hiện tạo tiếng vang. Miếng ngon Hà Nội là cái ăn, thú ẩm thực được ngắm nhìn trên cấp độ văn hóa; Món lạ miền Nam khai thác tới tận cùng cái lạ của các món ăn của một vùng đất phong phú, là hợp lưu của món ăn từ các nơi tụ về, có cả món ăn của những cư dân thời khai khẩn ruộng đất Nam Bộ sáng tạo nên. Ở đây, cái lạ đã thắng thế.
Đó phải chăng do vốn sống? Cái chất du ký, lãng đãng trong tác phẩm Vũ Bằng. Tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng hóm hỉnh, biết nhại lại cái nghề của mình, cho dù ít ai yêu nghề văn, nghề báo như Vũ Bằng. Trong một phương diện nào đó, cuốn sách này đã cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu quý, những chân dung người viết đương thời.
Nhà văn Vũ Bằng đã để lại một số lượng tác phẩm khá nhiều. Góp phần tạo dựng thể loại báo chí, tân văn, tùy bút với giọng điệu thân mật, gần gũi với đời sống. Giữa thời đất nước bị thực dân và đế quốc xâm lăng, Vũ Bằng ít nhiều vẫn giữ cho mình một cốt cách của kẻ sĩ. Chỉ riêng việc ông và gia đình nhận làm địa chỉ chuyển thư từ bí mật giữa hai miền trong thời điểm ngặt nghèo của đất nước cắt chia, cũng là điều khiến chúng ta xúc động, cảm phục. Nhân dân ta, Đảng ta không để quên một ai, cho dù người đó nhập vào đoàn biểu tình, giơ nắm tay về phía kẻ thù hay có một bút ký ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa hay có bài thơ đọc trong một cuộc biểu tình. Như câu thơ Chế Lan Viên “Cách mạng không phân biệt người đến ban ngày với kẻ tới ban đêm”, Vũ Bằng cũng đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Vũ Bằng chứng minh rằng, người trí thức chân chính bao giờ cũng đứng về phía nhân dân, với đất nước. Chính điều đó làm chúng ta trân trọng những tác phẩm văn học của nhà văn hơn. Đó là điều có thực trong tâm thế người cảm thụ văn chương của một đất nước mà tình yêu Tổ quốc được đặt lên hàng đầu.
TP.Hồ Chí Minh, 6-11-2013
_____
* Nhà văn, đại tá (Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội)