Võ Chí Công, người đồng hương kính mến của tôi

Hồi còn nhỏ, nhà tôi ở Tam Xuân (Tam Kỳ), cách nhà cụ Võ Toàn (Võ Chí Công) chừng cây số. Nói là nhà, chứ thật ra cụ đi công tác trên tỉnh, trên Liên khu, ít khi về nhà.

Chỉ có em trai cụ, ông Võ Ngọc Hải, làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, nơi mà hai anh trai tôi, anh Mai Thúc Long và Mai Thúc Lân công tác, thì chúng tôi biết nhiều hơn. Sau Hiệp định Genève, ông Hải ở lại hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng nguy nan; chuyện này được kể trong cuốn “Mười Chấp” của nhà văn Hồ Duy Lệ rất sinh động. Con trai ông, anh Võ Ngọc Hoàng, Bí thư Quảng Nam và bây giờ là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn, rất thân quý với gia đình chúng tôi.

Ký ức của tôi về Tam Xuân, Tam Sơn, Tam Thanh… thật sâu đậm: cả một thời niên thiếu lớn lên và học ở đó, trước khi ra Bắc. Và trong những ký ức đan xen phức hợp đó, luôn hiện lên hình ảnh ông Võ Toàn, người anh hùng của làng quê Tam Kỳ, Quảng Nam… mà một thời chúng tôi thấy như huyền thoại.

***

Chiến tranh ba mươi năm, cuộc đấu tranh dài lâu, ác liệt… đã đẻ ra những con người, huyền thoại như thế ở khắp các miền. Ông Võ Toàn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo như thế, lớn lên đi hoạt động cách mạng, trưởng thành từng bước và cuối cùng làm đến Chủ tịch nước, là cả một quá trình dài. Tù ngục, bám dân bám đất, kiên gan và chân thành, Cụ đã được sự tín nhiệm của Đảng và của dân. Làm Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Liên khu ủy 5, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam…

Cụ đã đi qua nhiều chiến trường. Khốc liệt nhất là sau Hiệp định Genève, Mỹ - Diệm khủng bộ trắng, thẳng tay bắn giết người kháng chiến. Cả Liên khu 5 Đảng viên bị tiêu diệt, bị tù đày gần hết, đến có hàng trăm ngàn người. Cơ sở đồng bằng gần như trắng xóa, chỉ còn bám vào vùng rừng núi Tây Nguyên.

Nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công.

Vậy mà rồi khởi nghĩa Trà Bồng, rồi tiếp đến vừa đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, liên tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Trong những năm gian khổ, tình hình đen tối như chưa có đường ra ấy, ông cũng như bao đồng chí lãnh đạo ở miền Nam mơ ước được cầm lại khẩu súng, dùng bạo lực cách mạng, bạo lực nhân dân chống lại sự tàn bạo của kẻ thù.

Tôi nóng lòng mong cuộc chiến tranh ấy đến,
Như mong điều tốt đẹp nhất trên đời

(Sándor Petőfi, Hungary ?)

Người bị giết phải vùng lên nổ súng

(Chế Lan Viên)

Còn có mong ước nào cháy bỏng hơn thế !

Cụ Võ ra Bắc gặp Trung ương báo cáo tình hình, đề đạt nguyện vọng (1959), và thật là “hạnh ngộ”: ngoài được gặp Bác Hồ, Cụ được gặp đồng chí Lê Duẩn, lúc bấy giờ là Quyền Tổng Bí thư; người đã thảo luận văn “Đề cương cách mạng miền Nam” từ một ngôi nhà ở phố Huỳnh Khương Ninh – Đa Kao – Sài Gòn.

Tâm huyết gặp nhau, chí lớn đồng điệu, nhưng để đi đến quyết định đánh Mỹ không dễ dàng. Vừa ra khỏi chiến tranh, sức ta yếu, Liên Xô, Trung Quốc chưa thuận, họ tránh đối đầu với Mỹ, phát động chiến tranh thì dễ, diễn biến và kết thúc ra sao, ta dựa vào đâu?

Nhưng rồi quyết định ấy cũng đến bằng Nghị quyết 15, một Nghị quyết lịch sử mà cụ Võ có góp phần kinh nghiệm, ý kiến, tâm huyết. Trải qua một quá trình mười lăm năm nữa, cụ Võ được kiểm nghiệm qua thực tiễn chiến trường và tỏ rõ một con người bình dị, chân thật nhưng là con người của những quyết định lớn.

Cụ được Trung ương, được đồng chí Lê Duẩn tín nhiệm tuyệt đối. Phải nói một điều là: Cuộc chiến đấu của ta không phải là một cuộc chiến chỉ chính quy, mà là một cuộc chiến nhân dân, lâu dài, toàn diện, nhiều mũi, mà mỗi Đảng bộ, chính quyền địa phương là một bộ tham mưu.

Đứng đầu chiến trường Liên khu 5 vô cùng ác liệt là Võ Chí Công (Chính ủy), Chu Huy Mân (Tư lệnh). Sau giải phóng Ban Mê Thuộc 3/1975, thẩm định tình hình, biết địch hoảng loạn rút khỏi Tây Nguyên, cụ Võ quyết định báo cáo Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn, tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Đà Nẵng là một căn cứ liên hợp, một tiền đồn lớn, quân đội ta gồm quân Liên khu 5 (do tướng Nguyễn Chơn) từ phía nam ra, và quân chủ lực Trung ương từ Trị Thiên vào, phối hợp tiến đánh giải phóng nhanh Đà Nẵng (29/3/1975).

Giải phóng được Đà Nẵng, tức là tạo tiền đề, tạo kinh nghiệm để giải phóng Sài Gòn, trong cái thế chiến lược “thượng phong” của quân ta ngày đó. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hiệp lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ sụp đổ không còn lâu nữa”. (Võ Chí Công, người con…, trang 596, Tỉnh ủy Quảng Nam, 2008).

Bìa quyển sách Võ Chí Công, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam, 2008.

Sau chiến tranh, Cụ còn giữ nhiều trọng trách cấp Nhà nước và ở cương vị nào, Cụ cũng bằng thực tiễn, bằng gần dân, bằng khiêm tốn, lắng nghe nhưng quyết đoán, góp phần vào công cuộc “Đổi Mới” mà Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi là “tuyệt diệu”!

Qua đời ở tuổi 100, cuộc đời cụ Võ - một trong những học trò kiệt xuất của Bác Hồ, người có công “khai quốc”, “lập quốc”…, người con yêu quý của đất Quảng yêu thương, cùng với cụ Phạm Văn Đồng quê láng giềng Quảng Ngãi, làm nên biểu tượng “song tuyệt” của con người miền Trung Trung Bộ giàu chí lớn và trí sáng tạo.

 

(*)

Anh Ba Lê Duẩn.

 

GS Mai Quốc Liên